Hiểu về khái thấu – ho có đờm theo Đông Y

127 lượt xem

SKĐS – Mùa thu đông là giai đoạn rất dễ gặp các vấn đề về hô hấp, trong đó có ho có đờm (khái thấu). Đông y có một số bài thuốc giúp ứng phó với tình trạng này.

Ho có đờm gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau

 

Hiểu về khái thấu – ho có đờm theo Đông Y

Ho là phản ứng của của cơ thể nhằm đẩy những dị vật tại đường hô hấp ra khỏi cơ thể. Ho có thể là triệu chứng của các bệnh khác không thuộc đường hô hấp, hoặc bệnh của các cơ quan khác có ảnh hưởng đến chức năng hô hấp gây ho.

photo-1633851819661

Trong Đông y, khái thấu chỉ triệu chứng ho có đờm.

Lương y Lê Đình Thao cho biết: "Ho thường thấy phổ biến nhất là từ bệnh phổi, phế quản, nhưng thực tế, lục phủ ngũ tạng đều có thể gây nên ho chứ không chỉ riêng phổi. Theo Đông y, các tạng phủ đều có quan hệ đến phổi và các triệu chứng ho, trong đó có khái thấu – ho đờm. Khái thấu là triệu chứng thuộc đường hô hấp, như viêm phế quản, sưng phổi, phi kết hạch..."

Theo đó, khái thấu có 2 nguyên nhân lớn là ngoại cảm và nội thương. Điều trị khái thấu trước tiên phải xác định được nguyên nhân: Ngoại cảm được hiểu là do cảm nhiễm ngoài tà gây nên, còn nội thương là do tạng phủ (cơ quan nội tạng) không được điều độ, mất bình thường gây nên.

Khái thấu – Ho có đờm do ngoại cảm

Lương y Lê Đình Thao cho biết: Các loại phong, hàn, táo, nhiệt từ đường hô hấp vào hoặc xâm nhập ở bì phu, khí bí uất đi ngược lên sinh ra khái thấu. Đây là trường hợp khá phổ biến nhưng khái thấu do ngoại cảm nếu không khỏi lâu ngày sẽ làm tổn thương tạng phủ sẽ trở thành nội thương khái thấu (hiểu theo y học hiện đại là ho do chức năng các tạng phủ mất điều hoà).

photo-1633851825254

Ho có đờm do ngoại cảm nếu không điều trị sớm có thể chuyển thành ho có đờm do nội thương.

Khái thấu do ngoại cảm có 3 thể như sau :

* Thế phong hàn khái thấu:

Người bệnh thường ho, ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, đờm lỏng, sợ lạnh, không có mồ hôi, đau đầu, đau xương, đau mình, rêu lưỡng trắng, mạch phù. Nguyên nhân do phong hàn phạm vào phế kinh, trở ngại khí quản, làm cho phế khí không được lưu thông dẫn đến ho, ngạt mũi, chảy nước mũi, do hàn bế tắc bên ngoài nên sợ lạnh, đau đầu đau xương, đau mình và không có mồ hôi.

Phép chữa: Sơ phong, tán hàn, thống phế khí, hóa đờm.

Thuốc dùng: Bài Hạnh tô tán gia giảm. Trong bài dùng tía tô, gừng để sơ phong tán hàn; tiền hồ, hạnh nhân, cát cánh để thông phế hóa đờm, trị ho; gia ma hoàng để giải biểu tán hàn; trần bì, bán hạ để táo thấp, hóa đờm. 

Nếu ho nhiều, nặng tiếng, đờm vàng đặc, họng đau khát nước, mạch phù sác là trong nóng ngoài lạnh, đi đôi với cách chữa nói trên cần phải tán hàn ở biểu, thanh nhiệt ở lý như các vị tang diệp, thuyền thoái, bạc hà, cát cánh.

* Thể phong nhiệt khái thấu:

Các triệu chứng: Ho, đờm vàng đặc, họng đau khát nước, chảy nước mũi, người nóng, sợ gió, đổ mồ hôi, đau đầu, đau mình; lưỡi vàng hoặc trắng, mạch phù sác.

Các triệu chứng trên là do phong nhiệt phạm vào phế làm cho phế khí không được thanh, vinh vệ không được điều hòa gây nên. 

Phép chữa: Sơ phong, thanh nhiệt, tuyên thông phế khí.

Sử dụng bài thuốc: Tang cúc ẩm gia giảm.

Trong bài dùng các vị cay mát như tang diệp, cúc hoa, bạc hà, liên kiều để giai biểu thanh phong nhiệt; hạnh nhân, cát cánh, lô căn để thanh nhiệt hóa đờm; gia ngưu bàng tiền hồ để tuyên thông phế khí.

* Thể khô táo (thu táo):

Khái thấu xuất hiện vào mùa thu khô táo (bệnh cảm phải khí táo mùa thu), có cả phong hàn, phong nhiệt, có các triệu chứng ho khan, ít đờm miệng khô, họng rát, gai sốt, sợ gió, đờm vàng tía hoặc có dây ít máu, rêu lưỡi vàng, đầu lưỡi đỏ, không có mồ hôi, mạch phù khẩn. Khô táo gây nên ho, ít đờm, miệng khô họng rát là phong nhiệt. Nếu sợ lạnh, không có mồ hôi, đau mình là phong hàn.

Ở thể này, Đông y đưa ra phép chữa: Dưỡng phế, nhuận táo, thuộc ôn táo (khô ẩm) thì sơ phong thanh nhiệt; thuộc lương táo (khô mát) thì sơ phong tán hàn.

Thuốc dùng bài: Tang hạnh thang gia giảm. 

Trong bài dùng các vị cay mát như tang diệp, đậu đen để sơ phong, sa sâm, quả lê để dưỡng ẩm nhuận phế; hạnh nhân, bối mẫu để hóa đờm, chữa ho. Ho do ôn táo gia mạch môn, qua lâu, lỗ căn; do lương táo thì bỏ tang diệp, quả lê gia phòng phong, kinh giới, tự uyển, khoản đông hòa .

Trường hợp bệnh lâu không khỏi hoặc bệnh tái phát thì dùng bài chỉ thấu tán gia giảm.

Khái thấu – Ho có đờm do nội thương

Hay còn gọi là ho do chức năng các tạng phủ mất điều hoà.

 

Khái thấu nếu do nội thương, bệnh lâu, thành mạn tính thì phải xem xét nguồn gốc bệnh và do tạng phủ nào mà điều chỉnh tạng phủ ấy ví dụ như kiện tỳ dưỡng phế, bổ thận, thanh hỏa, nạp khí...

Phế bị hư tổn hoặc các tạng phủ (cơ quan nội tạng) khác bị thương, ảnh hưởng đến phế gây nên nội thương khái thấu, hoặc do tạng phủ bị tổn thương, vinh vệ không tốt cũng dễ bị nhiệm ngoại tà gây nên khái thấu.

photo-1633851826726

Khái thấu nội thương – Ho có đờm do chức năng các tạng phủ mất điều hoà

Nội thương khái thấu trên lâm sàng thường thấy có 3 loại như sau :

* Thấp đờm khái thấu:

Người bệnh ho nhiều, đờm nhiều trắng đặc, hồng ngực buồn tức, chán ăn mệt mỏi, lưỡi trắng nhợt. Nguyên nhân là do thấp đờm trở ngại đến phổi và khí quản nên ho, tức ngực; chán ăn, buồn bực là hiện tượng tỳ bị thấp đờm gây nên.

Phép chữa: Kiện tỳ vị, táo thấp hóa đờm. Khi bệnh tăng thì táo thấp hóa đờm là chính, khi bệnh giảm thì kiện tỳ dưỡng vị là chính. 

Thuốc dùng bài: Bình vị tán gia vị. Trong bài dùng trần bì, gia ngưu bàng, hạnh nhân, ý dĩ để thông phế hóa đờm, khi bệnh giảm uống bài lục quân từ tháng tức kiện tỳ hóa đờm thang.

* Can hoả phạm phế:

Người bệnh ho hơi tức ngược lên, khó chịu. Khi ho nhiều thì đau ngực và hai bên hông; miệng khô, họng rát, mặt đỏ, rêu lưỡi mỏng và vàng, mạch huyền sác. Nguyên nhân do can khí uất kết, khí hóa thành hỏa, can hỏa phạm vào phế nên ho, khí nghịch lên, đau khi ho, mạch huyền sác, miệng khô họng rát cùng do can hỏa và phế hỏa gây nên .

Phép chữa: Thanh can, tả hỏa; nhuận phế hóa đờm. 

Thuốc dùng bài: thanh phế hóa đờm thang gia giảm. Trong bài dùng hoàng cầm, chi tử để thanh can hỏa. Hoàng cầm đi với tang bì để thanh phế hỏa; qua lâu, bối mẫu, mạch môn dưỡng âm, nhuận phế, tiêu đờm, chữa ho.

* Phế hư khái thấu:

Đây là trường hợp ho tương đối lâu, mãn tính, thường ho khan, ít đờm, hoặc trong đờm có máu, thể trạng gầy yếu mệt mỏi, kém ăn, miệng khô họng ráo, sốt nhẹ về chiều, hai bên mép và lưỡi đỏ, lòng bàn chân bàn tay nóng, ít ngủ, ra mồ hôi trộm, mạch tế sác.

Nguyên nhân do phế âm kém, phế khí yếu và ngược lên nên ho khan, ít đờm, âm hư, thủy dịch thiếu dẫn đến sinh táo nhiệt miệng khô họng ráo, các triệu chứng như sốt về chiều, ngủ ít, ra mồ hôi trộm, lưỡi đỏ, mạch tế sác là do âm hư hỏa vượng.

Đông y đưa ra phép chữa: Dưỡng âm thanh phế, hóa đờm trị ho.

Sử dụng bài thuốc: Sa sâm mạch đông thang gia giảm. Trong bài dùng sa sâm, mạch môn, ngọc trúc, thiên hoa phấn dưỡng âm, sinh tân dịch, nhuận phế, chữa ho; biển đậu, cam thảo để kiện tỳ, bổ trung, gia hạnh nhân, bối mẫu để tăng thêm hiệu lực chữa ho hóa đờm. Nếu trong đờm có máu thì gia thêm tang bì, ngó sen, tam thất để chỉ huyết (cầm máu). Nếu sốt về chiều, nóng trong nhiều gia sài hồ, hoàng liên, địa cốt bì.

photo-1633851828060

Ho có đờm do nội thương, người bệnh chán ăn, mệt mỏi.

Ngoài ra khái thấu do nội thương lâu ngày khiến thận suy yếu, bệnh tương đối nặng nên bổ thận nạp khí như thục địa, ngũ vị, khoan đồng hoa.

Lưu ý khi điều trị ho có đờm theo Đông y

Khi áp dụng các bài thuốc kể trên, người bệnh cần khám bác sĩ để được kê đơn với liều lượng các vị gia giảm phù hợp với thể trạng, đồng thời được hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng thuốc.

Người bị khái thấu (ho có đờm) cần uống nhiều nước để làm loãng dịch đờm, giúp tiêu đờm. Ngoài ra, nên ăn những thức ăn mềm, dạng loãng giúp dễ nuốt và không làm đờm đặc thêm.

Thời tiết giao mùa thu đông rất dễ mắc các bệnh cảm mạo, phong hàn, do đó, cần chú ý giữ ấm cơ thể và có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường đề kháng cho cơ thể.

BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ XEM BÀI VIẾT GỐC TRÊN BÁO SỨC KHỎE ĐỜI SỐNG 

Bài viết cùng danh mục

Thông báo

Hoặc gọi 096.4343.168