Ba Học Pháp Vô Lậu - Tam Vô Lậu Hoặc

118 lượt xem

Về ba học pháp vô lậu hay còn gọi là tam vô lậu học thì, đây là ba học pháp cơ bản giúp người tu hành trong Phật đạo thành tựu đầy đủ ba món vô lậu là: Giới vô lậu, định vô lậu và huệ vô lậu... Thiết nghĩ, điều này không có gì phải bàn! ... Nói khác hơn, thành tựu vô lậu giới, người tu hành sẽ tự thành tựu hai học pháp còn lại là định vô lậu và huệ vô lậu!

Nhưng phạm vi ứng dụng ba học pháp đó như thế nào, đây là việc chúng ta cần sáng tỏ! ... Bởi lẽ, nếu không sáng tỏ ba học pháp trên, nhất định “con đường tu tập để đưa đến vô lậu tâm có vấn đề”! Có vấn đề ở đây là, dù rất tinh tấn, dù rất nỗ lực cũng không thể thành tựu đạo quả vô lậu!

Bài 36. ... VỀ TAM VÔ LẬU HỌC

- Hỏi: Thưa SH! Đệ đã đọc rất nhiều tài liệu, nghe các bậc tôn đức giảng nói về “tam vô lậu học” hay còn gọi là “ba học pháp vô lậu”! Các vị giảng ba học pháp này thường đề cao việc nhân giới sanh định, nhân định sanh huệ! ... Xin hỏi: Việc chủ trương như vậy có hợp lí hay không? Phạm vi ứng dụng của ba học pháp này như thế nào? Và kết quả của nó là gì?

Đáp: Về ba học pháp vô lậu hay còn gọi là tam vô lậu học thì, đây là ba học pháp cơ bản giúp người tu hành trong Phật đạo thành tựu đầy đủ ba món vô lậu là: Giới vô lậu, định vô lậu và huệ vô lậu... Thiết nghĩ, điều này không có gì phải bàn! ... Nói khác hơn, thành tựu vô lậu giới, người tu hành sẽ tự thành tựu hai học pháp còn lại là định vô lậu và huệ vô lậu!

Nhưng phạm vi ứng dụng ba học pháp đó như thế nào, đây là việc chúng ta cần sáng tỏ! ... Bởi lẽ, nếu không sáng tỏ ba học pháp trên, nhất định “con đường tu tập để đưa đến vô lậu tâm có vấn đề”! Có vấn đề ở đây là, dù rất tinh tấn, dù rất nỗ lực cũng không thể thành tựu đạo quả vô lậu!

Để đi sâu vào nội dung câu chuyện, để làm sáng tỏ mọi thứ, mình xin đưa ra một số câu hỏi, đệ hãy thẳng thắn trả lời, trả lời đúng với hiểu biết của mình, không quanh co, không bao che cho những gì không phù hợp với chân lí, nhất định mọi thứ sẽ sáng tỏ! ... Nếu đệ đồng ý với các yêu cầu của mình đưa ra, chúng ta bắt đầu cùng nhau trao đổi là vừa, có thẳng thắn trao đổi, mới mong tìm ra ý nghĩa đích thực, có được nghĩa lí đích thực, mới có phương cách ứng dụng tốt nhất, có phương cách ứng dụng tốt nhất, mới hi vọng thành tựu ba học pháp nói trên!

 

- Hỏi: Xin SH cứ hỏi! Đệ sẽ thẳng thắn trả lời!

Đáp: Như vậy là rất tốt! ... Mình xin đưa ra các câu hỏi đây! ... Đệ bảo rằng, nhân giới sanh định, nhân định sanh huệ! ... Như vậy, giới là căn bản của định và huệ! ... Theo đệ, những giới nào được coi là “nhân tố quyết định” để khi thành tựu giới ấy, định và huệ sẽ thành tựu? ... Đệ có hiểu hết ý nghĩa từ câu hỏi của mình hay không?

 

- Hỏi: Thưa SH! Đệ hoàn toàn hiểu ý nghĩa từ câu hỏi của SH! Theo đệ, các giới làm “nhân tố quyết định” để định và huệ sanh gồm, năm giới, mười giới, Bồ Tát giới và cụ túc giới!

Đáp: Mình hỏi đệ! Đệ đã thọ mấy giới? Từ ngày thọ giới đến giờ, đệ có từng phạm các giới ấy hay không?

 

- Hỏi: Thưa SH! Đệ từng quy y và thọ năm giới lẫn Bồ Tát giới tại gia! Đối với giới, từ lúc hiểu biết đến giờ đệ chưa từng phạm! Có lẽ do bản chất của đệ nó như vậy, chứ không phải khi thọ đệ mới giữ!

Đáp: Như vậy, đối với giới, đệ coi đó là lẽ tự nhiên trong đời sống, không có tâm niệm giữ gìn, nhưng cũng chẳng bao giờ có ý sai phạm! ... Mình hỏi đệ, xin hãy nói thật, sự không khiếm khuyết về giới của đệ, nó có giúp tâm đệ được vô lậu, có giúp đệ thành tựu một chút định và huệ nào hay không?

 

- Hỏi: Thưa SH! Từ nhỏ đến lớn, nhờ tâm tính hiền lương, nhờ sống có đạo đức, đệ thường được mọi người yêu mến, khen ngợi, kính trọng, v.v... Nhưng, vô lậu tâm là cái gì, định là như thế nào, huệ ra làm sao... Xin thú thật, những điều ấy, trước khi gặp SH, trước khi giác ngộ cho dù đệ đã miệt mài ngồi thiền, miệt mài học tập, nhưng đệ không thể nào thành tựu được!

Đáp: Trên đời, bạn có biết, có thấy người tu hành nào chỉ chuyên tâm giữ giới, coi giới như mạng sống, nhờ nương tựa vào giới mà thành tựu đạo quả vô lậu hay không?

 

- Hỏi: Tất cả mọi người thì đệ không dám nói, nhưng những người đệ quen biết cả tăng lẫn tục, những vị ấy giới luật rất nghiêm, nhưng chính họ cũng thừa nhận bản thân không thể thành tựu định và huệ thế gian, chứ nói gì đến định và huệ vô lậu!

Đáp: Mình xin hỏi đệ! Giới có năm giới, mười giới, Bồ Tát giới, cụ túc giới, v.v... Nếu bảo rằng, nhân giới sanh định, nhân định sanh huệ! Như vậy, người tu hành cần bao nhiêu giới mới được gọi là đủ chuẩn để sanh định và huệ?

•Nếu bảo rằng, chỉ cần năm giới là đủ, đây chính là chuẩn mực để định và huệ sanh thì, những người thọ và giữ nhiều hơn năm giới, đã làm công việc thừa thải rồi ư!

•Nếu bảo rằng, cụ túc giới không khuyết mới đủ chuẩn để định và huệ sanh thì, những người chưa đủ cụ túc giới sẽ vĩnh viễn không thể nào có định và huệ vì chưa đạt chuẩn theo yêu cầu!

•Nếu bảo rằng, nhân giới sanh định, nhân định sanh huệ thì, người tu hành chỉ cần thọ và giữ cấm giới đến thuần thục là đạt yêu cầu, cần gì phải tu thiền định, cần gì học giáo pháp! Vì rằng, cái cần ta đã có, những thứ như định và huệ theo đó tự nhiên thành tựu! Nhưng sự đời chuyện ấy không thể xảy ra, vì thế người tu hành mới tu tập thiền định, và học tập giáo pháp! Đệ có thấy rằng, cách lí luận nhân giới sanh định, nhân định sanh huệ như đệ đã nghe trước kia, tự nó mâu thuẫn trong thực tế này hay không!

•Nếu bảo rằng, có giới mới sanh định, có định mới sanh huệ thì, khoảng mười lăm đến hai mươi năm trước khi Phật chế giới, người tu hành thời đó tuy không có giới cấm nhưng họ chứng thánh quả vô lậu rất nhiều! Đệ có đồng ý với quan điểm mang tính lịch sử này hay không! Nếu đệ đồng ý với quan điểm có tính lịch sử này thì, giới cấm (quy ước giới) nhất định không phải là hạt nhân để sanh định huệ!

•Nếu bảo rằng, nhân giới sanh định, định sanh huệ thì Huệ Năng lúc chưa được Ấn Tôn Pháp Sư làm lễ thế phát (quy y và xuất gia, thọ giới), cái gì làm cho Huệ Năng giác ngộ!?

•Nếu bảo rằng, tâm thanh tịnh chính là đắc giới thì, giữa tâm thanh tịnh và giới cấm là hai món chẳng liên hệ gì đến chuyện nhân giới sanh định, nhân định sanh huệ! Vì thanh tịnh (định) rồi mới đắc giới!

•Nếu bảo rằng, nhân giới sanh định, nhân định sanh huệ thì cái câu “múa đao xông trận cũng thanh tịnh” của Lục Tổ Huệ Năng, hay câu “dâm, nộ, si tự tánh thanh tịnh” trong kinh Duy Ma, hoặc chuyện kẻ giết người Ương Quật Ma La trở thành A La Hán sau vài câu nói của Phật, v.v... chúng ta nên hiểu như thế nào đây?

Một thực tế không thể phủ nhận, không riêng gì Phật giáo, những người học tập luân lí đạo đức ở đời, các tôn giáo khác, những người thiện lương, chân chánh, v.v... phần lớn trong cuộc sống ít ra đều giữ trọn năm giới hoặc nhiều hơn! ... Nhưng, cũng đâu vì thế mà tâm thức họ thanh tịnh hay định, chứ nói gì đến chuyện thành tựu vô lậu tâm! ... Do đó ba học pháp vô lậu không nằm trong ý nghĩa thường thấy từ các vị ấy đã giảng nói!

Theo mình, hiểu và thực hành ba học pháp vô lậu như những gì bạn đã nghe đã biết, nếu có được kết quả cao nhất, cũng chỉ trở thành một người tốt ở đời! Mà một người tốt, một người giới không khuyết, v.v... chưa hẳn đã là người thành tựu vô lậu tâm, vô lậu giới, vô lậu định, vô lậu huệ!

 

- Hỏi: Những gì SH đã nêu, thực tế đúng như vậy! Là người tu hành, người tôn trọng chân lí, chúng ta không nên vì một lí do riêng tư nào đó mà phủ nhận thực tế này! ... Thưa SH: Như vậy, đối với ba học pháp vô lậu, chúng ta nên hiểu như thế nào? Và ứng dụng ra làm sao?

Đáp: Như mình đã nói ở phần trên, ba học pháp vô lậu là ba học pháp căn bản giúp người thành tựu vô lậu tâm! Vì nó là ba học pháp vô lậu, nên không thể dùng trí hữu lậu để hiểu và cắt nghĩa cảnh giới hoặc phép tắc tu học vô lậu! Vì rằng, người chưa thành tựu đạo quả vô lậu, nhất định sẽ không thể biết được con đường nào đưa đến đạo quả vô lậu, con đường nào là hữu lậu! ... Chính sự nhầm lẫn tai hại giữa hữu lậu và vô lậu, tai hại này chẳng những không giúp người tu hành thành tựu đạo quả vô lậu, mà đôi khi trong vô tình nó làm sai lệch con đường dẫn đến cứu cánh của giáo pháp!

 

- Hỏi: Xin hỏi SH! Thế nào là hữu lậu giới và thế nào là vô lậu giới trong Phật đạo?

Đáp: Theo mình biết, giới trong Phật đạo có hai thứ, một là “giới cấm” hay quy ước giới và “giới tánh” hay vô lậu giới!

 

Thứ nhất: Giới cấm hay quy ước giới thuộc hữu lậu giới, gồm năm giới, mười giới, Bồ Tát giới và cụ túc giới, v.v... Những giới này, gọi là “quy ước giới” bởi vì bản thân nó chỉ mang tính phục vụ một vài yêu cầu nào đó trong tổ chức, chứ nó không đại diện cho chủ trương hay đường lối của tổ chức, và nó càng không phải là giềng mối hoàn thành chủ trương của tổ chức đó! Và, chỉ những người trong tổ chức mới bị nó chi phối, còn những người ngoài tổ chức thì hoàn toàn không phụ thuộc!

Ví dụ: Một người muốn gia nhập tổ chức tăng (tăng đoàn), việc đầu tiên là, người đó phải chịu sự chi phối bởi các luật lệ do tăng đề ra! Người không phải là tăng, không bị ràng buộc bởi các quy định kia!

Bồ tát hay cư sĩ mà ở trong tổ chức cũng đều phải tuân thủ như vậy! Đây cũng là lí do vì sao có bố tát, có sám hối! Giữ giới, bố tát, sám hối để gìn giữ huệ mạng, chứ nó không thể là cơ sở để làm thành huệ tâm hay huệ trí! ... Những luật lệ như thế ra đời là vì:

•Một, về đối nội, nhờ mọi người tuân thủ những luật lệ đã đề ra, việc tu tập, tính thống nhất, tính kỉ luật, tính ổn định, tính đoàn kết, v.v... của tổ chức sẽ không bị phá vỡ!

•Hai, về đối ngoại, chính các giới cấm hay các luật lệ như thế, sẽ giúp xã hội có cái nhìn thiện cảm và kính trọng! Nhờ thế, chủ trương gặp nhiều thuận lợi, đường lối được xã hội ủng hộ, điều này làm tăng uy tín của tổ chức!

Về tính chất, giới hữu lậu thuộc thế gian giới, vì bản thân nó có nhiều tầng, nhiều cấp như có khai, có giá, có trì, có phạm, có thọ, có xả, v.v... nên tự các giới ấy phải thay đổi theo từng hoàn cảnh, theo từng nhân duyên, theo từng nhận thức để phù hợp cuộc sống, vì thế trong nó luôn ẩn chứa tính chất vô thường!

Do nhân duyên như trên, nên giới của các tông phái trong Phật đạo từ trước đến nay không có sự thống nhất với nhau, Nam tông ăn mặn, Bắc tông ăn chay đã là sự sai khác ta dễ dàng nhận ra! ... Mà điều gì trong đó ngầm chứa sự sai khác, ngầm chứa sự không thống nhất, bị thay đổi vô thường thì, điều đó “khó có thể coi là hạt nhân, coi là cơ sở đáng tin cậy” để thành tựu đạo quả vô lậu!

 

Thứ hai: Vô lậu giới hay giới tánh là gì? ... Nói đến vô lậu, là nói đến cảnh giới tâm thức không còn khổ, phiền não, kiết sử, lậu hoặc! ... Muốn thành tựu cảnh giới này, người tu hành phải thành tựu giới vô lậu chứ không phải giới hữu lậu!

Giới vô lậu là gì? Ứng dụng nó ra làm sao, mình không giải thích, vì “giải thích mất linh”! ... Vì sao giải thích mất linh! ... Sự linh nghiệm của vô lậu giới nằm trong chánh tư duy!

Đoạn kinh giáo giới sau đây của Phật, sẽ giúp các bạn tư duy để hiểu ra cái gì là vô lậu giới, và phạm vi ứng dụng của nó như thế nào! ... Hiểu và ứng dụng thuần thục đoạn kinh sau, nhất định giới vô lậu, định vô lậu và huệ vô lậu không ngoài tầm tay các bạn:

“Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời! Bạch Thiện Thệ nay đã đến thời để Thế Tôn thuyết vô thượng căn tu tập trong giới luật bậc Thánh.

Vậy này Ananda, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng.

 

−Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn.

Thế Tôn nói như sau:

Ở đây, này Ananda, vị Tỷ kheo, mắt thấy sắc, khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý bất khả ý...

Vị ấy tuệ tri như sau: "Khả ý này khởi lên nơi ta, bất khả ý này khởi lên, khả ý bất khả ý này khởi lên. Cái này khởi lên, vì là hữu vi nên thô. (Nhưng) cái này là an tịnh, cái này là thù diệu, tức là xả".

Cho nên, dầu cho cái gì khởi lên là khả ý, bất khả ý hay khả ý và bất khả ý, tất cả đều đoạn diệt (trong vị ấy), và xả tồn tại.

Này Ananda, như một người có mắt, sau khi mở mắt, lại nhắm mắt lại, hay sau khi nhắm mắt, lại mở mắt ra; cũng vậy, như vậy là tốc độ, như vậy là sự mau chóng, như vậy là sự dễ dàng đối với cái gì đã khởi lên, khả ý bất khả ý hay khả ý bất khả ý, (tất cả) đều đoạn diệt (trong vị ấy), và xả tồn tại.

Trong giới luật bậc Thánh, này Ananda, như vậy gọi là vô thượng căn tu tập đối với các sắc do mắt nhận thức...”

Theo tinh thần đoạn kinh trên, chắc giờ này các bạn có thể hiểu vô lậu giới là thế nào rồi chứ!

Với vô lậu giới này, khi người tu hành thành tựu, tâm thức sẽ hết mê muội! Tâm thức hết mê muội, thấy nghe sẽ không điên đảo, thấy nghe không điên đảo, tâm ý tự dừng! Tâm ý tự dừng trong cảnh giới này, Phật đạo gọi là “định vô lậu”!

Nhờ có định vô lậu, tâm trí vị tu hành bây giờ trở nên sáng suốt, nhờ tâm trí sáng suốt, vị ấy hiểu ra con đường nào đưa đến hữu lậu, con đường nào đưa đến vô lậu gọi là “huệ hay tuệ vô lậu”!

Tam vô lậu học là như thế! Đây chính là ba học pháp căn bản, nếu người tu hành biết rõ, chỉ từ một giới vô lậu có thể tiến tu để thành tựu định vô lậu và tuệ vô lậu! Nói khác hơn, trong một niệm, người ấy có thể thành tựu cả ba học pháp vô lậu!

Về tam vô lậu học, các bạn còn thắc mắc gì không?

 

- Hỏi: Thưa SH! Đúng là như vậy! Ngày trước dù không phạm cấm giới, nhưng đệ cũng chẳng thể nào biết được vô lậu tâm là gì!... Sau khi được SH khai ngộ, bỗng dưng ba duyên là căn trần thức của đệ tự dừng, rồi từ đó vô lậu tâm của đệ tự hiện!

Bây giờ, được nghe SH giảng giải, đệ mới biết là mình đã từng thực hành vô lậu giới, rồi thành tựu vô lậu định và vô lậu tuệ mà không tự biết! ... Thành tựu rồi, mới biết giới vô lậu này chính là tự tánh vô lậu giới! Xin đa tạ SH đã cho đệ “Đường Đến Hạnh Phúc Đích Thực”! ... Xin vạn lần đội ơn SH! ... Đúng là sai một li, đi một dặm! ... Phật dạy tu giới vô lậu, mà người tu hành cứ đem giới hữu lậu để phân tích, để giảng nói, để thực hành, hèn chi tu hoài mà không thành!

Đáp: Tu hành giống như người bịnh uống thuốc! Uống một thời gian mà không khỏi bịnh, người bịnh phải coi lại thứ thuốc mình đang uống đã đúng hay chưa! Nếu chưa, nhất định phải tìm thuốc khác mà uống! Hà cớ gì cứ phải chấp nhất, cứ bao che cho những thứ thuốc vô bổ mà ta đã uống! Bao che làm gì, để rồi một đời tinh tấn mà kết quả chẳng được là bao!

 

֎Biết sai, sửa sai để giúp mình và người thành tựu những điều tốt đẹp trong Phật đạo là điều rất cần! Biết sai và sửa sai vì lợi ích của đạo pháp là thái độ của người trí! Chẳng có gì phải ngại trong tu học!

 

֎Hy vọng, sau lần trao đổi này, mọi người biết được “vô lậu giới của bậc thánh là gì”, đã biết được rồi, xin mọi người hãy bắt tay tu tập để mau chóng thành tựu vô lậu tâm! ... Hoàn thành ba học pháp vô lậu, thành tựu vô lậu tâm, chính là hành động biết ơn và báo ơn chư Phật cụ thể nhất!

(Nguồn: CHUYỆN TRÊN MÂY Tập 1 (trích Bài 79); LÝ TỨ; NXB Hà Nội 2021)

 

Bài viết cùng danh mục

Thông báo

Hoặc gọi 096.4343.168