Tiểu luận: TỨ NIỆM XỨ VÀ SỰ CẦN THIẾT PHẢI NẮM VỮNG BỐN PHÁP NÀY ĐỐI VỚI MỘT NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU TU TẬP TRONG PHẬT ĐẠO

127 lượt xem

Giống như bất kỳ một cuộc chiến tranh nào từ xưa đến nay, suy nghĩ đầu tiên của những người tham chiến, hay các chiến binh, đó là phải giành chiến thắng trong cuộc chiến này !!!

Yêu cầu giành chiến thắng đã trở thành mệnh lệnh và quy luật bắt buộc của chiến tranh. Mà, đã là quy luật, nhất định phải có những yếu tố cần thiết để tạo nên quy luật. Các yếu tố cần phải có, cơ bản nhất để làm nên một chiến thắng đó là:

• Yếu tố con người: Phải có những con người dũng cảm, mưu lược và thiện chiến...!!!

• Yếu tố sách lược: Phải có học thuyết chiến tranh tối ưu, trong đó chỉ ra đâu là mục tiêu, đối tượng, tương quan lực lượng, chiến tuyến, phương thức tiến hành chiến tranh và các biện pháp cụ thể....!!!

• Yếu tố trang bị và hậu cần: Phải có những trang bị hơn hẳn đối phương về mọi mặt, cùng một hậu cần dồi dào...!!!

• Yếu tố chân lý: Phải nêu được chân lý của cuộc chiến....!!!

Tiểu luận: TỨ NIỆM XỨ VÀ SỰ CẦN THIẾT PHẢI NẮM VỮNG BỐN PHÁP NÀY ĐỐI VỚI MỘT NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU TU TẬP TRONG PHẬT ĐẠO

Người thực hiện: LÝ TỨ

Ngày thực hiện: 06 tháng 01 năm 2016

 

I- DẪN NHẬP.

Giống như bất kỳ một cuộc chiến tranh nào từ xưa đến nay, suy nghĩ đầu tiên của những người tham chiến, hay các chiến binh, đó là phải giành chiến thắng trong cuộc chiến này !!!

Yêu cầu giành chiến thắng đã trở thành mệnh lệnh và quy luật bắt buộc của chiến tranh. Mà, đã là quy luật, nhất định phải có những yếu tố cần thiết để tạo nên quy luật. Các yếu tố cần phải có, cơ bản nhất để làm nên một chiến thắng đó là:

• Yếu tố con người: Phải có những con người dũng cảm, mưu lược và thiện chiến...!!!

• Yếu tố sách lược: Phải có học thuyết chiến tranh tối ưu, trong đó chỉ ra đâu là mục tiêu, đối tượng, tương quan lực lượng, chiến tuyến, phương thức tiến hành chiến tranh và các biện pháp cụ thể....!!!

• Yếu tố trang bị và hậu cần: Phải có những trang bị hơn hẳn đối phương về mọi mặt, cùng một hậu cần dồi dào...!!!

• Yếu tố chân lý: Phải nêu được chân lý của cuộc chiến....!!!

 

I.1. Cuộc chiến chống giặc phiền não trên mặt trận Tứ Niệm Xứ....!!!

Cuộc chiến chống phiền não của người tu hành, cũng không ngoại lệ. Muốn chiến thắng giặc sanh tử, phiền não, người tu hành cũng giống như các chiến binh, cần dũng cảm, mưu lược và thiện chiến.

Ngoài các yếu tố trên, người chiến binh cũng cần phải nắm vững sách lược cơ bản, sách lược cơ bản đối với người tu hành trong Phật Đạo là những điều căn bản thuộc về giáo lý 37 phẩm.

Để tiến hành chiến tranh, biết rõ đối tượng là ai, chiến tuyến ở đâu, hai điều này thuộc về yếu tố then chốt quyết định thắng bại, từ đây mới có thể đưa ra những biện pháp cụ thể. Biết rõ đối tượng, phạm vi chiến tuyến, chính là nắm vững bản chất của Tứ Niệm Xứ, cùng những gì đang diễn ra trong đó.

Để xử lý rốt ráo, cần có những kiến thức cơ bản và các phương tiện thù thắng, đây là những trang bị tối ưu, từ đó mới có thể đưa ra các biện pháp cụ thể để giành chiến thắng.

Và, an lạc vĩnh hằng cho những người chiến thắng, chính là yếu tố chân lý trong cuộc chiến tranh này. Đây cũng là mục tiêu đầu tiên cần giải quyết của Phật Đạo!!!

 

I.2. Sự cần thiết phải nắm vững Tứ Niệm Xứ đối với người mới bắt đầu tu tập.

Như trên đã dẫn, ta thử đặt vấn đề, người chiến binh khi lâm trận, mà không biết rõ đối tượng là ai và chiến tuyến ở đâu, nhất định thất bại là điều không tránh khỏi.

Vì thế, hiểu rõ, nắm vững Tứ Niệm Xứ và những tính chất hư nguỵ đang tồn tại trong đó do nhận thức sai lầm, là việc làm cấp thiết và đầu tiên đối với người mới bắt đầu tu tập trong Phật Đạo. Giống như người chiến binh biết chắc đâu là địch, đâu là mặt trận, đâu là chân lý của cuộc chiến...

Đây, cũng là lý do vì sao đề tài TỨ NIỆM XỨ VÀ SỰ CẦN THIẾT PHẢI NẮM VỮNG BỐN PHÁP NÀY ĐỐI VỚI MỘT NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU TU TẬP TRONG PHẬT ĐẠO được đưa ra thảo luận.

Nghiên cứu, phân tích để hiểu rõ Tứ Niệm Xứ, đồng thời tìm ra giải pháp tối ưu, giúp người mới bắt đầu tu hành trong Phật Đạo có thể nắm vững Tứ Niệm Xứ, là trọng tâm của đề tài, việc làm này nhằm giúp tất cả người tu hành thực hiện cuộc chiến chống giặc sanh tử phiền não có những thành công chắc thật!!!

 

II- NỘI DUNG

 

II.1. Giới thiệu Tứ Niệm Xứ

Tứ Niệm Xứ là bốn phẩm đầu tiên nằm trong 37 Phẩm Trợ Đạo. Đây là bốn mục tiêu, bốn nơi chốn, người tu hành phải đưa tâm ý đến, để thiết lập Đạo Tràng tu tập (Tứ = Bốn; Niệm = Nhớ, nghĩ; Xứ = Nơi chốn).

Bốn pháp này gồm có: Thân niệm xứ; Thọ niệm xứ; Tâm niệm xứ và Pháp niệm xứ.

 

II.2. Ý nghĩa và tên gọi các niệm xứ.

• Thân: Tên gọi để chỉ cho sắc thân của một hữu tình nói chung, thân con người nói riêng. Thân của một con người do bốn đại chủng (thuỷ, địa, hoả, phong) hợp thành.

• Thọ: Tên gọi để chỉ những cảm giác, cảm xúc dấy lên trong tâm. Cảm thọ có ba trạng thái, đó là: Lạc thọ (an lạc, hân hoan, vui mừng...). Khổ thọ (bất an, phiền muộn, đau đớn, không thoải mái...). Bất khổ bất lạc thọ (trung tính, không có cảm giác hay cảm xúc hiện khởi...)

• Tâm: Tên gọi để chỉ những hiệu ứng giả tạm được ý thức ghi nhận rồi mê mờ, khi sáu căn nhãn, nhỉ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc đối sáu trần sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp khởi lên sáu nhận thức nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Các hiệu ứng giả tạm đó, gồm các trạng thái thương ghét, buồn vui, tham đắm, si mê, sân hận... gọi chung là tâm vô thường. Tâm vô thường (tâm hư vọng), giống như một cái bóng cây, khi đủ duyên, bên cạnh cái cây sẽ xuất hiện hình bóng của nó.

• Pháp: Tên gọi để chỉ cho những khái niệm, quan niệm, nhận thức, nghĩ suy... Pháp gồm có nhiều loại, tuỳ tính chất mà đặt tên như: Pháp nội (ý thức mê nội trần), pháp ngoại (tiền ngũ thức mê ngoại trần), pháp cấu (quan niệm làm ô nhiễm tâm), pháp tịnh (quan niệm không làm ô nhiễm tâm), pháp thiện (nghĩ suy việc thiện), pháp ác (nghĩ suy việc ác).

 

II.3. Bản chất của Tứ Niệm Xứ.

Đi tìm bản chất của điều đang nghiên cứu, là việc làm không thể thiếu trong bất kỳ hoạt động nghiên cứu nào, dù lớn hay nhỏ. Không thấy đúng bản chất của điều đang nghiên cứu, sẽ dẫn đến việc nghiên cứu lệch hướng, hoặc sẽ cho ra những kết quả không đúng chân lý. Hậu quả của nó là, các kết luận từ việc nghiên cứu sẽ mang tính chủ quan, vội vã, võ đoán, hồ đồ, thiếu cơ sở...Dẫn đến những sai phạm có tính hệ thống.

Đây là lý do vì sao “Bản chất của Tứ Niệm Xứ” có mặt trong tiểu luận này!!! Xin giới thiệu một số nét cơ bản, cho thấy bản chất của thân; thọ; tâm; pháp là gì.

• Bản chất của thân: Bản chất của thân do bốn đại chủng làm thành, mỗi đại chủng tự nó không tánh. Vì thế, bản chất của thân cũng không tánh. Nếu mỗi đại chủng có tánh, nhất định đại chủng là đại chủng, chẳng thể thành thân. Do bốn đại chủng không tánh, nên khi đủ duyên thì thân sanh ra, hết duyên thì thân sẽ hoại. Cho nên, thân của một hữu tình luôn luôn chuyển biến theo quy luật sanh; lão; bệnh; tử trên cơ sở không tánh!!! Sanh; lão; bịnh; tử là nguyên nhân chính, làm cho hữu tình mê mờ, phát sinh phiền não khổ.

• Bản chất của thọ: Thọ là một hình thái cảm giác nhất thời, được tâm thức ghi nhận khi đủ duyên hội hiệp, hoặc do ái tâm sanh. Giống như hai bàn tay chà với nhau có cảm giác nóng, người thân đi xa phát sinh buồn khổ, một bản nhạc mạnh mẽ cho người nghe cảm giác hưng phấn... Vì do duyên xúc đối và ái sanh, nên bản chất thật của thọ là không. Dứt duyên, dứt ái, cảm thọ tự mất, đây là lý do vì sao trong mười hai nhân duyên, thọ đứng sau xúc và trước ái, đây cũng là lý do vì sao Phật dạy, trong mười hai chi nhân duyên, chỉ cần dứt một chi, nguyên nhân duyên nhau chấm dứt, tất cả các chi còn lại đồng tịch diệt. Nếu bản chất của thọ là thật thì, khi vui sẽ vui hoài, khi buồn buồn này sẽ không dứt.

• Bản chất của tâm: Tâm chỉ là hiệu ứng của ba duyên (căn, trần, thức) hoà hiệp trong lúc mê muội sanh ra, nó là thứ bóng dáng của tiền trần. Giống như người nhặm mắt, thấy đèn có quầng. Vì là bóng dáng của tiền trần chỉ sinh khởi khi mê, nên tâm không thật có. Giống như cùng một cái đèn, người nhặm mắt thấy có quầng, người không nhặm không thấy quầng. Người nhặm mắt dụ cho người mê, người không nhặm mắt dụ cho giác ngộ. Vì, đèn chỉ có quầng với những ai nhặm mắt, mắt hết nhặm quầng tự diệt. Vì thế, bản chất thật của tâm cũng là không. Nếu thấy có tâm, tâm này do mê sanh, giác ngộ tự dứt. Người chưa giác ngộ, tâm sanh rồi diệt, diệt rồi sanh, nên gọi là tâm vô thường, hay tâm hư vọng.

• Bản chất của pháp: Pháp là những khái niệm, quan niệm, nhận thức, nghĩ suy. Các thứ này hình thành từ phân biệt hư vọng, bị chi phối bởi thời gian và không gian. Cho nên các pháp hư vọng phải chịu quy luật sanh; trụ; dị; diệt. Vì thế, pháp hư vọng không phải là chân lý, vì không phải là chân lý và được làm ra từ phân biệt hư vọng nên bản chất của nó không tánh; không tướng; không cấu; không tịnh; không tăng; không giảm... Chính không có các thứ tánh tướng như vậy, nên các pháp tự bình đẳng. Ví dụ: Suy nghĩ đến no, suy nghĩ này không làm người ta hết đói, gọi là không có tánh no (không tánh). Quan niệm vật này đẹp, trong quan niệm tự nó không có tướng đẹp (không tướng). Nhận thức rằng, quả núi này nhỏ, hòn sỏi kia lớn, hai nhận thức này không làm cho quả núi lớn lên và viên sỏi nhỏ lại (bất tăng bất giảm). Vì pháp được làm ra từ nhận thức hư vọng, nên nó chính là hữu vi. Các quan niệm (pháp) trước không nay có, có rồi lại không, nên gọi là như huyễn, có nghĩa rằng nó giống như ảo vật sinh ra từ nhà ảo (huyễn) thuật. Tóm lại, các pháp, bản chất của nó là tự không.

 

II.4. Vì sao Tứ Niệm Xứ là mục tiêu chính để người tu hành nhắm đến tu tập.

Cuộc chiến ở ngoài đời, nhằm chống lại những đối tượng từ các thế lực bên ngoài (con người hay thế giới) xâm hại đến ta. Cuộc chiến như vậy, dù có chiến thắng, cũng không giải quyết tận gốc khổ đau và tham đắm của một hữu tình. Đây cũng là lý do vì sao, không thể có một cuộc chiến cuối cùng nhân danh chân lý trên toàn thế giới!!!

Cuộc chiến chống sanh tử phiền não của Phật Đạo thì ngược lại, chỉ nhắm vào bản thân và giới hạn trong phạm vi của thân tâm này. Chính thân tâm của ta hay Tứ Niệm Xứ, nơi để vô minh tích chứa các nguyên nhân khiến cho một hữu tình (không giác ngộ) khổ đau, phiền não.

Ở góc độ hiện tượng, phiền não khổ đau thì rất nhiều. Nhưng xét tột cùng bản chất của nó, nguyên nhân chủ yếu vẫn xuất phát từ các nhận thức sai lầm về bốn nơi chốn nói trên. Vì thế, Phật Đạo lấy bốn món này làm mặt trận, tấn công tiêu diệt các thế lực đang ẩn náu trong đó, hàng phục, bắt chúng nhìn nhận đúng chân lý, để đem về thắng lợi an vui. Đây là cách giải quyết tận gốc. Giống như người bị gai đâm, đâm ở đâu, phải nhổ cây gai ở nơi đó. Giống như muốn vào nhà phải mở các cánh cửa!!! Có thể nói, Tứ Niệm Xứ là bốn cánh cửa, nếu mở được nó, ngôi nhà an vui sẽ chào đón.

Với tầm mức quan trọng như vậy, nên Tứ Niệm Xứ trong quá trình tu hành, còn có tên: Nhất Đạo Lộ, Thanh Tịnh Xứ, Thánh Pháp Như Thật, Thánh Đạo, Cam Lộ Pháp... Có nghĩa bốn pháp này là con đường độc nhất, là nơi chốn để tìm về Thanh Tịnh, là chỗ thực chứng của bậc Thánh, là Đạo quả của bậc Thánh, là Cam Lộ Diệu Dược dùng để cứu người tu hành ra khỏi sanh; lão; bịnh; tử; ưu; bi; khổ; não...!!! Ai không biết bốn điều này, không thể dứt khổ!!!!!!

Hai bài kinh sau, nhấn mạnh những ý nghĩa nêu trên:

“Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn ông Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ. Bây giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo:

"Có một con đường làm thanh tịnh chúng sanh, khiến vượt khỏi ưu bi, dứt khổ não, và thành tựu như thật, đó là Tứ Niệm Xứ. Những gì là bốn? Đó là niệm xứ quán thân trên thân; niệm xứ quán thọ trên các cảm thọ; niệm xứ quán tâm trên tâm và niệm xứ quán pháp trên các pháp".

Phật dạy kinh này xong, các Tỳ Kheo hoan hỷ, tín thọ phụng hành”.[1]

“Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn ông Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ. Bây giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo:

"Tỳ Kheo lìa Tứ Niệm Xứ là lìa Thánh Pháp Như Thật, người nào lìa Thánh Pháp Như Thật là lìa Thánh Đạo. Ai lìa Thánh Đạo là lìa Pháp Cam Lộ. Ai lìa Pháp Cam Lộ là không thoát khỏi sinh; lão; bịnh; tử; ưu; bi; khổ; não. Ta nói người này không thoát được khổ.

Tỳ Kheo không lìa Tứ Niệm Xứ là không lìa Thánh Pháp Như Thật. Người nào không lìa Thánh Pháp Như Thật là không lìa Thánh Đạo. Người nào không lìa Thánh Đạo là không lìa Pháp Cam Lộ. Người nào không lìa Pháp Cam Lộ là thoát khỏi sinh; lão; bịnh; tử; ưu; bi; khổ; não. Ta nói người này thoát khỏi các khổ".

Phật dạy kinh này xong, các Tỳ Kheo hoan hỷ, tín thọ phụng hành” [2]

 

II.5. Không lấy Tứ Niệm Xứ làm mục tiêu tu tập, mà hướng tâm đến một mục tiêu khác, có phải là hành động đúng pháp hay không?

Nếu người tu hành trong Phật Đạo, không nhắm đến bốn nơi chốn thân; thọ; tâm; pháp để giải quyết những thấy biết hư vọng đang ngự trị trong nó, nhằm mở cửa Niết Bàn, lại vọng tìm một đối tượng khác bên ngoài thân tâm để cầu mong cứu cánh, Phật Đạo gọi đó là tà kiến, tà tinh tấn, người không biết hướng tâm.

Việc làm này, giống như một người xa nhà nhiều năm tháng, nay muốn về lại căn nhà của mình, khi đến nơi, người ấy lại quay lưng trước các cánh cửa. Nếu sự thể này xảy ra, người ấy tuy có về đến nơi, nhưng không thể bước vào trong nhà!!!

Đoạn kinh sau, Phật dạy thế nào là những nơi chốn cần hướng tâm đến, và ở đâu là nơi chốn không nên hướng tâm đến:

" Và này Ananda, thế nào là sự tu tập không có hướng tâm (ra ngoài)??? Này Ananda, Tỷ-kheo tâm không hướng ngoại, rõ biết:

"Tâm ta không hướng ngoại". Rồi vị ấy rõ biết: "Tâm ta không chấp giữ đối với cái gì ở trước, hay cái gì ở sau (pacchàpure), được giải thoát, không có hướng tâm (ra ngoài)". Rồi vị ấy rõ biết: "Ta trú, quán thân trên thân, nóng lòng, tỉnh giác, chính niệm, ta được an lạc".

Này Ananda, Tỷ-kheo tâm không hướng ngoại, rõ biết: "Tâm ta không hướng ngoại". Rồi vị ấy rõ biết: "Tâm ta không chấp giữ đối với cái gì ở trước, hay cái gì ở sau, được giải thoát, không có hướng tâm (ra ngoài)". Rồi vị ấy rõ biết: "Ta trú, quán thụ trên các thụ, nóng lòng, tỉnh giác, chính niệm, ta được an lạc". Này Ananda, Tỷ-kheo tâm không hướng ngoại, rõ biết: "Tâm ta không hướng ngoại". Rồi vị ấy rõ biết: "Tâm ta không chấp thủ đối với cái gì ở trước... Rồi vị ấy rõ biết: "Ta trú, quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, ta được an lạc". Này Ananda, Tỷ-kheo tâm không hướng ngoại... Rồi vị ấy rõ biết: "Ta trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, ta được an lạc". Như vậy, này Ananda, là tu tập không có hướng tâm (ra ngoài). Như vậy, này Ananda, Ta thuyết tu tập có hướng tâm; Ta thuyết tu tập không có hướng tâm (ra ngoài). Những gì, này Ananda, một bậc Ðạo Sư cần phải làm vì hạnh phúc, vì lòng thương tưởng đối với các đệ tử, vì lòng từ mẫn khởi lên, những việc ấy, Ta đã làm cho các Ông. Này Ananda, đây là những gốc cây. Ðây là những nhà trống. Hãy (đến đó làm trú xứ) tu tập, này Ananda. Chớ có phóng dật. Chớ có hối hận về sau. Ðây là lời giáo giới của Ta cho các Ông. Thế Tôn thuyết giảng như vậy, Tôn giả Ananda hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy..." [3]

 

II.6. Tứ Niệm Xứ dưới một số nhãn quan khác nhau trong Phật Đạo, và các hình thức tu tập tiêu biểu.

Đồng là Tứ Niệm Xứ, nhưng do căn tánh sai biệt, nhận thức sai biệt, giác ngộ sai biệt và trí tuệ sai biệt, nên bốn pháp này được nhìn nhận qua nhiều loại nhãn quan khác nhau. Vì thế, các hình thái chế phục những ác, bất thiện pháp tiềm ẩn trong Tứ Niệm Xứ cũng rất khác nhau, xin giới thiệu sơ lược, một số nhãn quan và hình thức tu tập tiêu biểu!!!

 

II.6.1. Nhãn quan Nhị thừa và hình thức tu tập của thừa này

Nhị thừa (Thanh văn, Duyên giác) nhìn nhận Tứ Niệm Xứ thông qua một số hiện tượng xảy ra trong đời sống, họ coi đây là những tội đồ gây nên mọi phiền phức.

Việc xem xét này, dựa vào những thấy biết trong hiện tại nhân nơi một hiện tượng, hơn là khách quan đánh giá bản chất của sự việc, từ đó người ta tìm mọi cách để lánh xa hiện tượng (Thanh văn), hoặc cắt đứt mọi liên hệ với hiện tượng (Duyên giác).

Từ cách giải quyết như vậy, triết lý yểm ly (xa lánh), triết lý chế ngự tham ưu ra đời. Cách giải quyết này, thường thấy ghi lại trong các bản kinh Nikaya. Việc làm này, giống như "muốn yên thân, hãy lánh xa kẻ chưởi bới anh!!!" hay "hãy bịt cái miệng vô duyên của chúng nó lại, bằng cách nhét bông gòn vào lỗ tai chính mình!!!" Đây là cách giải quyết vấn đề thiên về dụng công hơn là dụng tâm, lấy thân và cảm thọ làm cơ sở đối chứng. Vì thế, cách giải quyết này, không giải quyết tận gốc rễ sự việc. Kinh gọi các kết quả có được của việc làm trên là hoá Niết Bàn, hay hoá thành, tức là sự bình yên không chắc thật!!!

Ta có thể hiểu, hai thứ triết lý vừa nêu, giống như hình thái chiến tranh tiêu thổ, với mệnh lệnh: "Này các bạn!!! Hãy ra đi thật xa, phá nát những gì liên quan đến sự sống, xoá sổ cơ sở hạ tầng, cắt đứt hệ thống giao thông, tiếp tế...và, hãy tạo ra vô vàn khó khăn cho địch!!!". Với tinh thần của mệnh lệnh trên, chủ động yểm ly, chủ động tỉnh giác, chủ động ngăn; ngừa; phòng; tránh và chủ động chế ngự là căn bản đưa đến thành công của hai thứ triết lý nêu trên.

Đoạn kinh sau, phát hoạ những nét cơ bản trong hình thái tu tập của Nhị thừa:

"...Này các Tỷ-kheo, tại núi Tuyết có 4 nơi này: nơi khoảng đất gồ ghề, không bằng phẳng, chỗ ấy không có các loài vượn, loài người qua lại; nơi có khoảng đất ghồ ghề, không bằng phẳng, chỗ ấy chỉ có loài vượn qua lại, không có loài người; nơi khoảng đất bằng phẳng, khả ái, chỗ ấy có các loài vượn và loài người qua lại. Tại đấy, này các Tỷ-kheo, những người thợ săn đặt các loại bẫy nhựa (lepam) trên những con đường có vượn qua lại để bắt các con vượn. Ở đây, này các Tỷ-kheo, những con vượn nào không ngu si, không tham ăn, thấy các bẫy nhựa ấy liền tránh xa. Còn con vượn nào ngu si, tham ăn, thấy bẫy nhựa ấy, thò tay nắm lấy và bị dính vào đấy. "Ta sẽ gỡ bàn tay ra", nó thò bàn tay thứ hai nắm lấy và bị dính ở đấy. "Ta sẽ gỡ hai tay ra", nó giơ chân nắm lấy và bị dính ở đấy. "Ta sẽ gỡ hai bàn tay và bàn chân ra", nó giơ bàn chân thứ hai nắm lấy và bị dính ở đấy. "Ta sẽ gỡ cả hai tay và hai chân", nó dùng miệng ngậm lấy và bị mắc dính ở đấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, con vượn bị bắt năm chỗ, liền rên la nằm xuống, rơi vào bất hạnh, rơi vào khổ não, bị người thợ săn muốn làm gì thì làm. Này các Tỷ-kheo, người thợ săn đâm chết nó, nướng nó trên đống than củi, và ra đi, theo sở thích của mình. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, những người hoạt động tại chỗ không phải nơi ở của mình, nơi ở của người khác, Ác ma nắm được cơ hội, Ác ma nắm được đối tượng.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là không phải nơi ở của Tỷ-kheo, nơi ở của người khác? Tức là năm dục công đức. Thế nào là năm? Các sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn... Các xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, đây không phải là nơi ở của Tỷ-kheo, là nơi ở của người khác (các ông hãy bỏ đi).

Này các Tỷ-kheo, hãy hoạt động trong nơi ở của mình, nơi ở của cha mẹ mình (không hoạt động, không ở nơi người khác). Này các Tỷ-kheo, hoạt động trong nơi ở của mình, trong nơi ở của cha mẹ mình, Ác ma không nắm được cơ hội, Ác ma không nắm được đối tượng. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là nơi ở của mình, là nơi ở của cha mẹ mình? Tức là bốn niệm xứ. Thế nào là bốn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời...; trú, quán thọ trên các cảm thọ...; trú, quán tâm trên tâm...; trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, đây là nơi ở của mình, nơi ở của cha mẹ mình..." [4]

 

II.6.2. Nhãn quan Bồ Tát thừa và hình thức tu tập của thừa này.

Khác hẳn với nhãn quan Nhị thừa, cách nhìn nhận Tứ Niệm Xứ của Bồ Tát thừa có vẻ gần gũi với chân lý và thiên về trí tuệ hơn!!!

Thừa này xây dựng nhãn quan của mình bằng cách tìm đến bản chất của sự việc, hơn là đánh giá trên hiện tượng. Để toàn tâm toàn ý cho việc tu học, đòi hỏi người trong thừa cần gạt bỏ, hoặc không đề cao giá trị của danh tướng, và họ cũng biết rằng, danh tướng không giúp họ tìm thấy chân lý. Chính việc không chạy theo danh tướng, không coi trọng hình thức bên ngoài, họ dành nhiều thời gian cho việc quay lại tự tâm, lấy tự tâm làm đối tượng tu hành.

Với triết lý "tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức", những người trong thừa này quan niệm khổ vui ba cõi chỉ một tâm mê, phải quấy trí ngu chỉ do một thức biết. Dứt mê, dứt thức, tất cả đồng hư không, trong đó Tứ Niệm Xứ chẳng khác không xứ. Giống như người ngủ say, chiêm bao thấy đi qua bốn cửa thành, giật mình thức dậy, tất cả chỉ là mộng!!!

Từ triết lý đó, họ tư duy, mổ xẻ tìm xem cái gì là tâm, cái gì là pháp, bản chất của tâm là gì, bản chất của pháp ở đâu... Khi hiểu được bản chất của tâm và pháp, họ tìm kiếm nguyên nhân nào đã làm cho một hữu tình sanh diệt và phiền não. Và họ trực nhận ra rằng, tất cả chỉ một niệm mê, khi mê tâm sanh pháp sanh, dứt mê tâm pháp đồng tịch diệt. Giống như con nai khát nước, trong cơn khát, con nai nhận lầm sóng nắng là nước, con nai cố chạy theo dòng nước hư ảo, càng chạy càng khát, chỉ cần dừng lại, sự thật hiện ra, ảo giác từ tâm thức về nước sẽ tịch diệt.

Với hiểu biết như vậy, trước muôn cảnh muôn duyên, trước thực tế của thân tâm, họ thôi tìm kiếm, thôi không sinh khởi những niệm tưởng hư ảo, họ thật sự dừng. Khi dừng, họ chân thật nhận ra rằng, bản lai thân tâm này tự thanh tịnh, bản lai pháp kia tự không, cảm thọ khổ vui tự tịch diệt!!!

Với Bồ Tát thừa, giác ngộ là yếu tố sống còn trong tu tập. Giác để trí này đến gần với chân lý, ngộ để tâm này nắm bắt chân lý. Giác ngộ để xác chứng sự việc, giác ngộ để biến cái hiểu thành cái thấy, biến ngu thành trí, biến mê thành giác, biến lầm thành ngộ... Một khi thật thấy rồi, mới biết mọi thứ chẳng thể được. Tâm này chẳng thể được, pháp kia chẳng thế được, vì thế Tứ Niệm Xứ cũng chẳng thể được. Giác ngộ sẽ biến đời sống của họ với chân lý không còn là hai pháp. Vì đời sống và chân lý không còn là hai pháp, nên tất cả vô sở đắc. Vì vô sở đắc (chẳng thể được), nên vô sanh. Vì vô sanh nên vô diệt. Vì vô sanh diệt nên vô tánh, vô tướng!!! Đoạn kinh sau minh hoạ điều này:

"...Lại nữa, bạch Thế Tôn! Vì Tứ Niệm Xứ vô sanh, nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô sanh; bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy đẳng giác chi, tám thánh đạo chi vô sanh, nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô sanh.

Bốn niệm xứ vô diệt, nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô diệt; bốn chánh đoạn cho đến tám thánh đạo chi vô diệt, nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô diệt.

Bốn niệm xứ vô tự tánh, nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô tự tánh; bốn chánh đoạn cho đến tám thánh đạo chi vô tự tánh, nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô tự tánh.

Bốn niệm xứ vô sở hữu, nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô sở hữu; bốn chánh đoạn cho đến tám thánh đạo chi vô sở hữu, nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô sở hữu.

Bốn niệm xứ không, nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng không, bốn chánh đoạn cho đến tám thánh đạo chi không, nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng không.

Bốn niệm xứ vô tướng, nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô tướng; bốn chánh đoạn cho đến tám thánh đạo chi vô tướng, nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô tướng.

Bốn niệm xứ vô nguyện, nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô nguyện; bốn chánh đoạn cho đến tám thánh đạo chi vô nguyện, nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô nguyện.

Bốn niệm xứ xa lìa, nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng xa lìa; bốn chánh đoạn cho đến tám thánh đạo chi xa lìa, nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng xa lìa.

Bốn niệm xứ vắng lặng, nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vắng lặng; bốn chánh đoạn cho đến tám thánh đạo chi vắng lặng, nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vắng lặng.

Bốn niệm xứ bất khả đắc, nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng bất khả đắc; bốn chánh đoạn cho đến tám thánh đạo chi bất khả đắc, nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng bất khả đắc.

Bốn niệm xứ bất khả tư nghì, nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng bất khả tư nghì; bốn chánh đoạn cho đến tám thánh đạo chi bất khả tư nghì, nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng bất khả tư nghì.

Bốn niệm xứ vô giác tri, nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô giác tri; bốn chánh đoạn cho đến tám thánh đạo chi vô giác tri, nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô giác tri.

Bốn niệm xứ chẳng trọn nên thế lực, nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng chẳng trọn nên thế lực; bốn chánh đoạn cho đến tám thánh đạo chi chẳng trọn nên thế lực, nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng chẳng trọn nên thế lực.

Bạch Thế Tôn! Con vin ý đây nên nói Bồ Tát Ma ha tát Bát nhã Ba la mật đa..." [5]

Ta có thể thấy rằng, hình thức tu tập của thừa này, không đặt nặng hình tướng hay dụng công, mục tiêu của họ là, tận dụng năng lực của trí tuệ để tìm kiếm con đường giác ngộ. Muốn giác ngộ phải có những hiểu biết sâu rộng và đầy đủ về tâm và pháp. Tâm và pháp chính là hai cửa ngõ đưa Bồ Tát thực chứng chân lý ẩn mật trong Tứ Niệm Xứ!!!

Loại hình tu tập này, giống như một cuộc chiến tranh mạng, là loại chiến tranh thông tin, chiến tranh trong không gian ảo, chiến tranh không có mùi thuốc súng, không tốn hao nhân mã... Chỉ một cú nhắp chuột, "một lãnh thổ ảo với những kẻ thù ảo đang gieo rắc ảo phiền não, sẽ trở về đúng với bản chất của nó là không có gì hết!!!!!!" Loại hình tu tập này thiên về trí tuệ, lấy tâm làm cơ sở đối chứng, nó là phương cách tốt nhất giải quyết tận gốc rễ của mọi vấn đề!!! Thành tựu của loại hình tu tập này, kinh gọi là Niết Bàn chân đế.

 

II.6.3. Nhãn quan Nhất thừa và hình thức tu tập của thừa này.

Đối với ba thừa, Tứ Niệm Xứ được coi như bốn ổ dịch, ba thừa đang cưu mang, muốn giải quyết nó, phải nhờ vào thế lực y học mới có thể đối phó và tiêu trừ. Ngược lại, trong đạo Nhất thừa, Tứ Niệm Xứ chính là Đạo Tràng mà các Bồ Tát nhắm đến để hoàn thành sứ mạng "Y Phương" của mình, thành tựu 37 Đạo Phẩm.

Vì thế, Nhất thừa lấy việc dạy người làm mục tiêu tu học, lấy thành tựu của người làm thành tựu của mình, lấy việc chữa bệnh cho người để mình hết bệnh. Họ coi Tứ Niệm Xứ như là bốn nơi chốn "lập đàn thí pháp", nơi đây sẽ giúp họ tích luỹ công đức và trí tuệ, hai thứ không thể thiếu trong Phật Đạo, nếu muốn thành tựu đạo quả cao nhất!!!

Tóm lại, Tứ Niệm Xứ là bốn nơi chốn để Bồ Tát hướng đến phát tâm Vô Thượng Bồ Đề. Là bốn nơi chốn để Bồ Tát thắp sáng Vô Tận Đăng. Là bốn nơi chốn để Bồ Tát thành tựu đạo nghiệp. Là bốn nơi chốn để Bồ Tát gieo hạt giống Bồ Đề cho tất cả chúng sanh. Là bốn nơi chốn để Bồ Tát thành tựu Vô Duyên Từ; Vô Duyên Bi; Vô Duyên Hỉ; Vô Duyên Xả. Là bốn nơi chốn để Bồ Tát thành tựu Nhất Thiết Trí và Nhứt Thiết Chủng Trí...

Tứ Niệm Xứ là bốn nơi chốn để Bồ Tát thành thục Thập Ba La Mật, viên mãn bổn thệ nguyện. Đoạn kinh sau, sơ lược điều này:

"...Lại nầy Vô Tận Huệ! Thế nào là nghĩa Ba la mật? Ðó là vì nói rõ siêu quá sở hành của Nhị thừa vậy. Vì quảng đại viên mãn trí Như Lai vậy. Vì chẳng chấp trước nơi hữu vi vô vi vậy. Vì như thiệt biết rõ lỗi họa sanh tử vậy. Vì những kẻ chưa giác ngộ đều khiến giác ngộ vậy. Vì được Như Lai vô tận pháp tạng vậy. Vì được vô ngại giải thoát vậy. Vì dùng bố thí độ thoát các chúng sanh vậy. Vì dùng trì giới để viên mãn bổn thệ nguyện vậy. Vì dùng nhẫn nhục để đầy đủ tướng hảo đoan nghiêm vậy. Vì dùng tinh tiến để đầy đủ các Phật pháp vậy. Vì dùng thiền định để xuất sanh tứ vô lượng tâm vậy. Vì dùng Bát Nhã để diệt trừ các phiền não vậy. Vì dùng phương tiện để chứa hợp các Phật pháp vậy. Vì dùng nguyện có thể khiến các Phật pháp được viên mãn vậy. Vì dùng lực hay khiến chúng sanh tịnh tín vậy. Vì dùng trí để đầy đủ Như Lai Nhứt thiết trí vậy. Vì được vô sanh pháp nhẫn vậy. Vì được bất thối chuyển vậy. Vì nghiêm tịnh Phật độ vậy. Vì thành thục chúng sanh vậy. Vì ở đạo tràng Bồ đề viên mãn tất cả Như Lai trí vậy. Vì hàng phục chúng ma vậy. Vì du hí tứ thần túc vậy. Vì nơi sanh tử và Niết bàn đều không an trụ vậy. Vì siêu quá công đức của tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật và Bồ Tát vậy. Vì xô dẹp tất cả dị luận vậy. Vì thành tựu thập lực, tứ vô úy, thập bát bất cộng Phật pháp vậy. Vì chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác vậy. Vì chuyển mười hai loại pháp luân vậy..." [6]

 

II.7. Tứ Niệm Xứ, sự biến đổi ngoạn mục, từ nhân của vô minh thành quả trí tuệ.

Phật Đạo là một nền giáo dục ưu việt, sự thật hiển nhiên này, mọi người đều biết, không phải luận bàn!!!

Ngoài giáo dục, nó còn bao gồm các đặc tính tối ưu của một quy trình công nghệ tiên tiến, được xây dựng trên cơ sở lý luận khoa học, mang tính ứng dụng cao, đã được chứng minh thông qua những trải nghiệm cụ thể bởi những đối tượng khác nhau, qua nhiều thời gian khác nhau, trong các không gian khác nhau, được ghi chép đầy đủ trong kinh điển Phật Giáo. Có khác chăng, công nghệ này không phải là những nhà máy, những vật thể cứng, hữu hình, mà nó là một loại công nghệ mềm, công nghệ của trí tuệ.

Ở chừng mực nào đó, nếu chúng ta có thể khảo sát Phật Đạo dưới góc nhìn của một quy trình công nghệ, sẽ thấy rõ "sự đa dạng các hoạt động, ẩn chứa bên trong thiên chức giáo dục". Khảo sát này, giúp chúng ta loại bỏ những quan niệm huyễn hoặc, mê tín, đầy bí ẩn, vốn dĩ đã ăn sâu vào tâm trí người tu hành, khiến họ hiểu sai giáo pháp.

Tất cả các quy trình công nghệ trên thế gian, gần như có cùng một mục đích, đó là biến một sản phẩm từ tầm thường trở thành cao cấp, từ giá trị nhỏ hoặc không giá trị, trở thành giá trị to lớn và hữu ích... Và Phật Đạo có đủ hình ảnh của một nền khoa học công nghệ tiên tiến như vậy!!!

Tính chất khoa học công nghệ đó là, Phật Đạo có hẳn một quy trình vận hành khép kín tiên tiến, gồm những công đoạn cụ thể và hoàn hảo, đủ năng lực chuyển hoá nguyên liệu đầu vào gồm các sản phẩm của vô minh, đang tích chứa những nhận thức sai lầm làm cho nhiễm ô, để cho ra những sản phẩm cuối cùng ưu hạng, có giá trị tuyệt đối về mặt trí tuệ.

Nguyên liệu đầu vào gồm có: Thân; thọ; tâm; pháp đang bị nhận thức sai lầm, chứa đầy nhiễm ô bất tịnh, mang nặng khổ đau phiền não trong một chúng sinh. Sản phẩm cuối cùng của Phật Đạo cho ra là, một Siêu Nhân Loại, có đủ các đức tính cao đẹp của trí tuệ, thuần khiết, bất tử, thanh tịnh Niết Bàn trong một bậc thánh!!! (Siêu Nhân Loại = Bồ Tát Ma Ha Tát, Kinh Đại Bát Nhã)

Giới thiệu sơ lược các bước của quy trình này:

• Tiếp nhận nguyên liệu đầu vào: Thân bất tịnh; thọ thị khổ; tâm vô thường; pháp vô ngã (giáo lý căn bản).

• Kết quả xử lý nhiễm ô: Thân đồng với hư không; thọ không trú xứ (chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở chặng giữa), tâm chỉ còn là danh tự (tánh danh tự rời rạc), pháp không tánh (thiện chẳng thể được, bất thiện chẳng thể được... (Kinh Đại Niết Bàn).

• Thành phẩm sau khi chuyển hoá: Thân tịnh; thọ lạc; tâm thường; pháp ngã (bốn tính chất: thường; ngã; lạc; tịnh của Đại Niết Bàn).

• Giá trị sản phẩm: Dứt sạch tứ đảo tưởng về thân; thọ; tâm; pháp của một Như Lai: Tưởng bất tịnh, tưởng vô thường, tưởng vô ngã, tưởng khổ (theo phẩm Đảo Tưởng của kinh Đại Bát Niết Bàn).

Quan sát các bước trong quá trình chuyển hoá, được giới thiệu ở trên. Chúng ta dễ dàng nhận ra rằng, sự chuyển hoá này, đã vận hành làm thay đổi tận gốc các nhận thức sai lệch, không bền vững của một hữu tình khi nhìn về Tứ Niệm Xứ.

Từ những nhận thức sai lệch, không bền vững đó, đã cho ra một vài tính chất nhất thời trong một hữu tình, che mờ trí tuệ, Phật Đạo gọi là "hư vọng tánh".

Sau khi chuyển hoá, hư vọng tánh mất đi, sẽ thay vào đó những tính chất tốt đẹp thường hằng của Đại Niết Bàn. Điều này giúp chúng ta có thể thấy, Tứ Niệm Xứ đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc tu hành. Cũng như đánh giá Tứ Niệm Xứ, sản phẩm của vô minh, được chuyển hoá trong một công nghệ tiên tiến, sẽ trở thành thành phẩm của trí tuệ, là đánh giá có cơ sở!!!

Nếu người tu hành không nắm vững điều này, vô tình đưa vào quy trình trên, một nguyên liệu không tương xứng, không được chấp nhận, không phải là Tứ Niệm Xứ, nhất định không thể cho ra một sản phẩm như mong muốn. Đây cũng là lý do vì sao, hiểu rõ Tứ Niệm Xứ là điều kiện tiên quyết, giúp người mới tu hành trong Phật Đạo đạt những thành tựu nhất định ở vị lai!!!

 

III- ĐẶT VẤN ĐỀ, TRUY VẤN VÀ LÝ LUẬN BẢO VỆ

Hỏi: Có phải bắt đầu tu hành trong Phật Đạo là tuyên chiến với thân; thọ; tâm; pháp của chính mình hay không???

Đáp: Không phải tu hành là tuyên chiến với thân; thọ; tâm; pháp... Mà tuyên chiến với thế lực của vô minh đang chiếm đóng trái phép bốn nơi đó, đang biến bốn nơi đó thành hang ổ gây nên ưu bi khổ não!!!

Hỏi: Nếu chiến thắng vô minh, thì sẽ được những gì???

Đáp: Chiến thắng vô minh, sẽ được trí tuệ và an lạc Niết Bàn!!!

Hỏi: Vô minh, hình dáng cụ thể, và đang ở nơi đâu???

Đáp: Vô minh không có hình dáng cụ thể, nhưng có mặt khắp nơi... Nó chính là những chấp nhất mê muội, che mờ tâm trí một hữu tình. Ví dụ:

• Khi nghĩ, tôi phải là người như thế này, không thể như thế kia, bám chặt định kiến trên, không chấp nhận thay đổi, dù thay đổi đó là tốt hay xấu, chấp vào định kiến như vậy, Phật Đạo gọi đó là vô minh.

• Những đứa con của tôi là tốt nhất, không chấp nhận những đứa trẻ khác theo thực tế, giữ chặt quan niệm như vậy, Phật Đạo gọi suy nghĩ này là vô minh.

• Chỉ có người tu hành mới tốt, còn những người không tu hành đều không tốt, giữ chặt cách đánh giá một vấn đề có tính cách chủ quan, không chấp nhận các đánh giá khác, Phật Đạo coi việc bảo thủ quan điểm riêng, không thay đổi được, gọi là vô minh.

- Tóm lại, vô minh là những gì che mờ trí tuệ, nó không làm ta sáng suốt, nó bắt ta chấp nhận một quan niệm, một thấy biết, một tình cảm, một hướng đi, một suy nghĩ, một đánh giá... Khiến ta không có cơ hội tìm thấy chân lý!!!

Hỏi: Cần bao nhiêu giai đoạn để quét sạch vô minh???

Đáp: Cần ba giai đoạn để quét sạch vô minh, đó là:

1) Quét sạch nhuận chi vô minh: Hết mê mờ khi năm căn thân xúc đối năm trần cảnh, dứt phiền não, kiết sử tham sân... Giới vô lậu sẽ sanh!!!

2) Dứt tuyệt căn bản vô minh: Hết mê mờ khi ý căn đối trước các nghĩ suy và quan niệm, dứt sanh diệt, hành tâm dừng, chứng bất động giải thoát. Định vô lậu sẽ sanh!!!

3) Ra khỏi vô minh trụ địa: Thấu thoát tất cả, phát sanh trí tuệ, biến thức thành trí. Tuệ vô lậu sẽ sanh!!!

Hỏi: Đã có ai tu hành, không căn cứ vào một trong bốn món hoặc thân; hoặc thọ; hoặc tâm; hoặc pháp mà thành tựu đạo quả hay không???

Đáp: Có người lính nào, khi ra trận, không biết giặc là ai đang ở đâu, mà đánh thắng trận hay không!!!

Hỏi: Nếu lâm vào trường hợp như trên, thì nên làm gì trước kẻ thù???

Đáp: Thì...thì...thì...hãy quăng bỏ vũ khí không thương tiếc, cắm đầu cắm cổ...mà...chạy!!! Nếu may mắn còn sống sót, mau mau cầu đạo, rồi...quay...lại...đánh tiếp!!!

Hỏi: Tại sao có nhiều người, không hề biết Tứ Niệm Xứ là gì, mà vẫn tu tập rần rần???

Đáp: Không biết Tứ Niệm Xứ nên họ mới tu tập rần rần!!! Một khi biết rồi, họ sẽ tu tập lặng lẽ!!!

Hỏi: Người cầu vãng sanh Tây phương, có cần học Tứ Niệm Xứ hay không???

Đáp: Rất cần!!!

Hỏi: Vì sao rất cần???

Đáp: Không riêng gì người cầu vãng sanh Tây phương. Mà tất cả những ai cầu thoát khỏi cõi này, để đến các Thiền xứ hay Tịnh Quốc Độ, đều phải hiểu rõ Tứ Niệm Xứ và tu tập nó. Bốn món này thuộc về Tư Lương Vị, tức hành trang ban đầu cần phải có khi đi xa. Nếu chưa thành tựu, việc ra đi sẽ không thể thực hiện được.

Phần lớn các cõi khác (ngoài cõi này), chỉ dạy các phần còn lại của 37 phẩm, đó là Kiến Đạo Vị và Tu Đạo Vị... Vì thế, kinh A Di Đà mới nói rằng: Các âm thanh trên Cực Lạc chỉ diễn xướng Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi và Bát Thánh Đạo Phần (không nói đến Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc).

Điều này có nghĩa rằng, Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, là các pháp mà người cầu vãng sanh Tây phương (hoặc cầu vãng sanh các quốc độ khác) bắt buộc phải tu học trong hiện kiếp, đây là điều kiện cần có và đủ để ra đi, nên có tên gọi là Tư Lương Vị (hành trang mang theo).

Đây cũng là lý do vì sao kinh Tịnh Độ đề cập đến nhất tâm. Nhất Tâm Như Ý Túc là một trong 12 món của Tư Lương Vị. Và đây cũng là lý do vì sao các kinh Tịnh Độ nói rằng, muốn vãng sanh phải siêng năng tụng đọc kinh điển Đại Thừa!!!

Người muốn đi xa, mà thiếu hành trang tối thiểu, thì phỏng có thực hiện được chăng!!!???

Hỏi: Không biết 12 món của Tư Lương Vị, có cách gì qua bên đó được không???

Đáp: Hình như bên đó, không có lớp "bổ túc văn hoá"!!!

Hỏi: Có nhiều người tu hành bảo rằng, học nhiều, đọc nhiều, biết nhiều, thêm chướng nhiều, khó chứng quả..

Vì thế chỉ nên siêng năng công phu... Điều này là đúng hay sai???

Đáp: Nếu điều này là đúng, thì "thất học" là con đường ngắn nhất để mau thành...chánh...quả!!!

 

IV- THỰC TRẠNG, NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP GIÚP NGƯỜI TU HÀNH TRONG PHẬT ĐẠO HIỂU RÕ TỨ NIỆM XỨ.

 

IV.1. Thực trạng.

Đi tìm thực trạng người tu hành có nắm vững Tứ Niệm Xứ hay không, bao nhiêu phần trăm, cùng mức độ thấm nhuần, là một việc làm không đơn giản, đây là công việc đòi hỏi trên quy mô lớn, thậm chí có thể coi là một công trình hết sức phức tạp.

Tuy nhiên trong phạm vi nhỏ, chúng ta rất dễ dàng bắt gặp một số người tu hành không hề biết Tứ Niệm Xứ là gì, hoặc biết mà không nắm vững. Đây là một thực tế có thật. Từ thực tế có thật này rồi suy rộng ra, sẽ là những ưu tư, trăn trở với những Phật Tử có tâm huyết với Đạo Pháp, mong muốn chia sẻ lợi ích lớn cho tất cả đạo hữu của mình.

Trong mong muốn đó, chúng ta thử phân tích, tìm xem nguyên nhân vì sao, đã là người tu hành trong Phật Đạo, mà có người không biết, hoặc biết mà không nắm vững bốn phẩm của Tứ Niệm Xứ. Thiết nghĩ, nếu tìm ra nguyên nhân và có những giải pháp tích cực, chắc chắn sẽ giảm thiểu đến mức thấp nhất việc "mù giáo lý" trong những người tu hành!!!

 

IV.2. Nguyên nhân

Theo nhận xét chủ quan của người viết, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên thì rất nhiều, trong đó những nguyên nhân nổi bật, dễ dàng nhìn thấy gồm có:

• Bản thân người tu hành thấy không cần thiết.

• Thấy cần, nhưng không biết học ở đâu.

• Lười đọc tụng, hoặc đọc tụng mà không hiểu.

• Định hướng tu tập sai lệch.

• Số lượng tài liệu nói về đề tài này còn khiêm tốn, chưa đến với quảng đại người tu hành.

• Một số tài liệu có nói về đề tài này, nhưng quá sơ sài, thiếu rộng sâu, chưa thuyết phục, không có tính ứng dụng.

• Chưa đưa ra một thông điệp đủ mạnh gởi đến mọi người tu hành, để họ thật sự hiểu rõ tầm mức quan trọng của bốn món này.

• Thiếu những buổi thuyết pháp rộng rãi, có trọng tâm về đề tài này.

 

IV.3. Giải pháp

Việc đề xuất một giải pháp khả thi để khắc phục những nguyên nhân nêu ở trên, là điều rất cần thiết, dựa trên một thực trạng có thật. Giải pháp này, đòi hỏi thực hiện trên quy mô lớn.

Trong phạm vi nhỏ của một cá nhân, chúng ta có thể khắc phục điều này, bằng cách: Mỗi người phải quyết tâm nắm cho được, hiểu cho rõ Tứ Niệm Xứ là gì. Tầm quan trọng của nó. Cách ứng dụng. Và kết quả cụ thể trong tu tập!!!

Sau khi biết được rồi, chúng ta có thể dùng những phương tiện mà ta có được, giúp người khác cũng có những hiểu biết như mình, thành tựu như mình... Điều này thực hiện không khó, nó giống như: Một hạt giống nhỏ trong một nhân duyên lớn, sẽ cho ra kết quả cực lớn.

Hy vọng rằng, mỗi một Phật Tử, sẽ là một hạt giống của Đạo Vô Thượng để vị lai có thể biến tăm tối vô minh, thành những rừng cây Vô Thượng chói sáng!!!

 

V- KẾT LUẬN

Nếu nói rằng, Tứ Diệu Đế là tổng thể của không gian kiến trúc Phật Giáo, thì Tứ Niệm Xứ chính là bốn toà tháp làm nên quần thể kiến trúc này.

Ta có thể hình dung, trong bốn toà tháp đó, mỗi toà tháp được xây dựng với chiều cao 33 tầng (37 - 4 = 33), trong đó mỗi một niệm xứ vừa là nền móng hạ tầng, vừa là linh hồn của kiến trúc thượng tầng.

Xét đến đây, chúng ta mới thấy vai trò quan trọng của Tứ Niệm Xứ là như thế nào trong Phật Đạo. Tầm vóc và tính chất quan trọng của Tứ Niệm Xứ đến đâu, xin được mượn di huấn của Thế Tôn, thay cho lời kết của tiểu luận này!!!

"...Nầy A Nan! Ông hỏi sau khi Phật nhập Niết Bàn, các ông nên nương vào đâu để trụ? Phải nương pháp Tứ Niệm Xứ mà trụ:

• Quán sát tánh tướng của thân đồng như hư không, gọi là thân niệm xứ.

• Quán sát các cảm thọ chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở chặng giữa, gọi là thọ niệm xứ.

• Quán sát tâm chỉ có danh tự tánh danh tự rời rạc gọi là tâm niệm xứ.

• Quán sát pháp thiện chẳng thể được pháp bất thiện cũng chẳng thể được gọi là pháp niệm xứ.

Tất cả người tu hành phải nương theo pháp Tứ Niệm Xứ nầy mà trụ..." [7]

* Xin thành kính dâng lên Thập Phương Chư Phật, một chút trí tuệ nhỏ nhoi của chúng con, những Phật Tử thời mạt pháp!!!

* Xin chân thành cảm ơn các huynh đệ đã có thể kham nhẫn đọc hết bài tiểu luận này!!!

 

Tài liệu tham khảo:

[1] Kinh Tạp A Hàm Phẩm Tịnh.

[2] Kinh Tạp A Hàm Phẩm Cam Lộ.

[3][4] Kinh Niệm Xứ.

[5] Kinh Đại Bát Nhã, Phẩm Xưng Tán Bát Nhã; HT Thích Trí Nghiêm dịch

[6] Kinh Đại Bảo Tích, Phẩm Pháp Hội Vô Tận Huệ

[7] Kinh Đại Bát Niết Bàn, phẩm Di Giáo

- CÔNG TÁC CHUẨN BỊ SỰ KIỆN: 15 NĂM LÝ GIA MỘT KHOẢNH KHẮC !!! 70 NĂM LÝ TỨ MỘT HÀNH TRÌNH TẠI TP ĐÀ NẴNG !!!

 

Bài viết cùng danh mục

Thông báo

Hoặc gọi 096.4343.168