Ngu Mê Lầm trong Phật Đạo

127 lượt xem

Ngu – Mê – Lầm như ba cấp độ vô minh, ba loại bệnh, ba thứ tà kiến … che chướng, cản bước người tu hành trên con đường hướng tới mục tiêu Giác ngộ - Giải thoát và Trí tuệ.

Theo chỉ dạy của Thầy Lý Tứ (đại ý): Nền giáo dục của Phật đạo có ba loại thuốc đặc hiệu chuyên trị ba cấp độ của bệnh vô minh đó là thuốc “Giác” chuyên trị bệnh Ngu, thuốc “Ngộ” chữa dứt bệnh Mê và thuốc “Trí” chữa hết bệnh Lầm.

Được gọi là những thứ thuốc “đặc hiệu” bởi vì cho đến nay chưa có một thứ thuốc nào khác có khả năng thay thế thuốc của Phật… làm cho “Chúng sanh” hết ngu, “Bậc Thánh” hết mê, “Bồ tát” hết lầm.

NGU MÊ LẦM TRONG PHẬT ĐẠO !!!

Lý Thái Đăng

Ngu – Mê – Lầm như ba cấp độ vô minh, ba loại bệnh, ba thứ tà kiến … che chướng, cản bước người tu hành trên con đường hướng tới mục tiêu Giác ngộ - Giải thoát và Trí tuệ.

Theo chỉ dạy của Thầy Lý Tứ (đại ý): Nền giáo dục của Phật đạo có ba loại thuốc đặc hiệu chuyên trị ba cấp độ của bệnh vô minh đó là thuốc “Giác” chuyên trị bệnh Ngu, thuốc “Ngộ” chữa dứt bệnh Mê và thuốc “Trí” chữa hết bệnh Lầm.

Được gọi là những thứ thuốc “đặc hiệu” bởi vì cho đến nay chưa có một thứ thuốc nào khác có khả năng thay thế thuốc của Phật… làm cho “Chúng sanh” hết ngu, “Bậc Thánh” hết mê, “Bồ tát” hết lầm.

Chúng sanh được gọi là ngu bởi không biết mình ngu, giống như người uống rượu say mèm mà miệng còn lảm nhảm… chưa say. Lấy “rượu trần cảnh” làm thú vui, các căn uống quanh năm không nghỉ, chìm đắm trong thức mê, sống trong cảnh giới của mê, quên mất lối về mà chẳng rõ nguyên nhân… nên Phật thuyết “Chúng sanh có khổ không có đế” (lời kinh).

Trong kinh Pháp Cú có 423 bài “Kệ” chia thành 26 phẩm thì có một phẩm đặc biệt 05 có tên là “Phẩm Ngu” tập hợp các bài kệ từ số 60 đến 75.

Phẩm ngu ghi lại những lời dạy ngắn gọn của Phật về kẻ ngu, giúp người học nhận ra đủ các kiểu ngu, thậm chí còn tự hào về cái ngu bởi không biết chơn diệu pháp; không nhận ra bậc trí; không biết được chánh pháp… kinh gọi là “chí ngu”…

Có thể nói “phẩm ngu” khế hợp với đời sống của nhiều người tu hành hiện nay, vd (Trích Kinh pháp cú – Phẩm ngu)

60 “Ðêm dài cho kẻ thức,

Ðường dài cho kẻ mệt,

Luân hồi dài, kẻ ngu,

Không biết chơn diệu pháp.”

63. “Người ngu nghĩ mình ngu,

Nhờ vậy thành có trí.

Người ngu tưởng có trí,

Thật xứng gọi chí ngu.”

64 “Người ngu, dầu trọn đời,

Thân cận người có trí,

Không biết được Chánh pháp,

Như muỗng với vị canh.”

Phẩm ngu chỉ rõ các kiểu ngu của người tu hành, giúp họ nhận ra mình đang ngu cái gì, nguyên nhân tại sao… từ đó xây dựng thái độ chân chánh trong học tập Phật đạo, học một điều để bớt ngu một điều, cho đến khi hết ngu gọi là giác; hết say gọi là tỉnh.

Chúng sanh dẫu ngu si đến đâu mà một lòng một dạ uống đúng thuốc giác của Phật thì bệnh ngu cũng hết. Thuốc giác được uống theo quy trình Văn – Tư – Tu, trước hết “y theo lời Phật dạy” gọi là (văn); sau đó “tư duy về chánh pháp”, nhận rõ cái gì đang làm mình ngu gọi là (tư); cuối cùng “ứng dụng chánh pháp vào đời sống” để thay đổi nhận thức hết ngu gọi là (tu).

Thực hiện đầy đủ các bước Văn – Tư – Tu còn có tác dụng thẩm định những gì đã giác có phải là chánh pháp hay không ???

Nếu sau khi uống thuốc giác, nhận thức người học thay đổi cho ra thấy biết như pháp, hỷ lạc, khinh an, tinh tấn, định và xả giác chi khởi lên, chấp mắc rơi rụng thì biết thuốc giác được uống là chánh pháp. Nhờ có chánh pháp mà phát sanh chánh kiến, lấy chánh kiến soi rọi tìm ra được nguyên nhân dẫn đến mình ngu, người học được coi là có giác lực, huệ lực, định lực và giải thoát lực;

Có giác lực, huệ lực, định lực, giải thoát lực như người lạc lối có trong tay tấm bản đồ và địa bàn; Biết rõ phương hướng, kiên định con đường đã giác, người học từ tín tâm chuyển sang tín căn, tín lực, thấu tỏ thứ thuốc mà ta được uống là chánh pháp; người Thầy dạy ta là bậc giác ngộ; tin tưởng bản thân ta có khả năng học tập để bản thân giác ngộ, giải thoát và giúp người giác ngộ, giải thoát...

Trong giai đoạn đầu của tư lương vị, ứng dụng thuốc “Giác” của Phật có khả năng giúp chúng sanh giải cơn say “rượu trần cảnh”, đưa đường chỉ lối cho chúng sanh biết về với ngôi nhà từ “mặt da trở vào” nghĩa là biết quay về “thân tâm”này; sống trên Tứ niệm xứ “Thân, Thọ, Tâm, Pháp” hoặc năm món “Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức” mà không chạy ra ngoài để múa may, quay cuồng, sanh sự, sanh chuyện… gọi là “ngoài đoạn các duyên”.

Ngoài đoạn các duyên, giống như người điên không còn hốt rác thiên hạ đem vào nhà, thân tâm không còn rác thì tự an lạc; ngừng chơi với lũ giặc phiền não thì hết che chướng, tai ương. Hết đứng hai chân trên hai con thuyền đi ngược chiều nhau thì khỏi lộn cổ xuống nước. Pháp xả tự xả, tâm trí người học thảnh thơi, cơn điên tự biến.

Bước khởi đầu đúng hướng được coi là thắng lợi giúp người học phấn khởi, tự tin tiếp tục chinh phục bệnh mê, hướng tới mục tiêu như ý Tổ dạy “Ngoài đoạn các duyên, trong không sanh niệm, lìa ác lìa thiện, bổn lai diện mục tự hiện…”

Bệnh mê có thể hiểu là những gì làm cho người tu hành trong Phật đạo mất đi thanh tịnh của bổn tâm, che mờ bổn tánh !!!

Để nhận biết bệnh mê, có thể thống kê vô số dấu hiệu, ví dụ: Chưa hiểu rõ thiện ác thế gian, thiện ác xuất thế; còn sanh tâm, sanh pháp, sanh ngã (hư vọng); còn phiền não, kiết sử, lậu hoặc; chưa thấu tỏ bốn bệnh (nhậm, tác, chỉ, diệt)… Tóm lại, bất cứ đối tượng nào học tập trong phật đạo mà chưa giác ngộ diệt đế, thì còn bệnh mê.

Theo lời Thầy giáo dạy, để chấm dứt bệnh mê chỉ có thể là giác ngộ !!!

Giác ngộ có hai nội dung quan trọng là giác (giáo tông) và chứng ngộ (tâm tông). Nếu không có giác thì chẳng hiểu ngộ cái gì, nếu không có ngộ thì giác chỉ có tác dụng như thuốc giảm đau, gốc bệnh chưa hết thì cơn đau lại phát tác gọi là bất giác.

Có thể ví giác và ngộ như đôi cánh con chim đang bay, như đôi chân lữ hành, như mặt trời và ánh sáng giúp chúng sanh sáng mắt sáng lòng, biết quay về với ngôi nhà “Tứ niệm xứ” để điều trị bá bệnh trong Phật đạo trong đó có nội dung cai nghiện “rượu trần cảnh”.

Sau khi giác được lỗi hoạ của rượu trần cảnh là “vui ít, khổ nhiều, phiền não nhiều và nguy hiểm lại còn nhiều hơn” (Lời kinh) người tu quay về với ngôi nhà “Tứ niệm xứ”, công việc đầu tiên của giáo dục Phật đạo là làm thay đổi nhận thức của người học về khái niệm “thiện, ác”.

Theo quan niệm thế gian thì thiện, ác vô cùng đa dạng, phụ thuộc vào văn hoá, tín ngưỡng của quốc gia, dân tộc, vùng miền, tuỳ theo ý chí của giai cấp thống trị mà cho ra luật, lệ để bảo vệ giai cấp mình, do vậy thiện, ác luôn có sự thay đổi theo sự phát triển của xã hội, giai cấp, lịch sử, văn hoá…

Việc chấp hành đúng quy định đề ra, không vi phạm những điều cấm của pháp luật, giúp người học thuận lợi trong học tập và đời sống, không gặp phải sự rắc rối trước các cơ quan thi hành pháp luật.

Riêng khái niệm thiện, ác trong Phật đạo có tính đặc thù, chuyên sâu của giáo dục tâm cơ. Điều đầu tiên người học phải căn cứ vào mục tiêu đề ra của bốn cấp học tứ đế và ba mươi bảy phẩm, lấy đó làm thước đo cho cả quá trình học tập.

Khái niệm thiện, ác trong học tập tứ đế và ba mươi bảy phẩm được xác định theo nguyên tắc, sau khi định vị được toạ độ (chỗ đứng) như vị trí cấp, lớp, môn học đang học, người học biết được con đường hướng tới mục tiêu cần đến như cấp học, lớp học, môn học cao hơn, thực hành tinh tấn học tập trên cung đường đã xác định gọi là thiện pháp; Dừng lại là bất thiện pháp; Bỏ cuộc, quay lui là ác pháp.

Ví dụ sau khi người học xác định được tứ niệm xứ “Thân, thọ, tâm, pháp” ví như bốn mảnh ruộng, người này tiếp tục thực hành “Tứ chánh cần” cày xới trên đó gọi là thiện pháp; Bỏ mặc, không canh tác trên “tứ niệm xứ” gọi là bất thiện pháp; Đi tìm niệm xứ thứ năm, ngoài thân tâm này gọi là ác pháp.

Sau khi nắm vững thiện, ác trong Phật đạo, người học thực hành giác, quán. Giác là xác định mục tiêu, quán là xác định con đường. Giác, quán đi với nhau như cá ướp muối… ướp cho đến khi “cá tức thị muối; muối tức thị cá” gọi là thành công… Nếu ướp không đúng quy trình, thúng cá để xa thúng muối thì tai hoạ vẫn xảy ra, muối cứ tan mà cá cứ ươn.

Nhận rõ sự phối hợp giác quán, cũng như xác định mục tiêu và con đường, tư duy về những thuận lợi, khó khăn cần phải vượt qua, những thuận duyên, nghịch duyên cần phải ba la mật, người học tinh tấn không nhàm mỏi, thực hành “xông, riêm, huân, ướp” cho đến khi bắt gặp giác, quán cùng tan chảy ngay trong tâm mình, gọi là giác ngộ diệt đế.

Giác ngộ diệt đế, người học được gọi là “thức tự bổn tâm, kiến tự bổn tánh tức danh trượng phu… ”(Lời Tổ) đủ tư cách nhập môn, học tập đạo đế.

Theo lời Thầy dạy: “giác là đế của tập, ngộ là đế của diệt, trí là đế của đạo”, người học giác ngộ diệt đế thực hành “lặng lẽ quan sát không kết luận”, mọi sự thấy nghe hay biết trong cảnh giới này gọi là trực nhận, “như gương soi cảnh vật”.

Gương không bóng nhưng chiếu soi vạn vật. Gương chiếu soi vạn vật nhưng không thủ giữ vật gì. Không thủ giữ vật gì nhưng soi đến đâu thì cảnh vật hiện ra đến đấy. Khi người học chuyển thức thành trí thành công thì xuất hiện “Đại viên kính trí” còn gọi là “Trực nhận vấn đề” hay “Kiến tánh”.

Theo lời Thầy chỉ dạy: “Kiến tánh” có ba lần cần được thấu tỏ: Kiến tánh giác như người đi xa về nhìn thấy ngọn cây đa đầu làng. Kiến tự tánh như người đến gần thấy được thân cây đa. Kiến Phật tánh như người thấu tỏ từ ngọn đến gốc rễ của cây.

Vị nào ba lần kiến tánh, thông tỏ từ ngọn đến gốc rễ của cây… thì được xưng tán đủ mười danh hiệu, là bậc: Ứng Cúng (A-la-hán), Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Tóm lại: Ngu Mê Lầm là ba thứ bệnh của người tu hành; Thành tựu mười hai phẩm tư lương vị thì giác lực xuất hiện, Giác là thuốc của Ngu; Thành tựu mười bảy phẩm kiến đạo vị thì giác ngộ diệt đế, Ngộ là thuốc của Mê; Thành tựu tám phẩm của bát chánh đạo thì trí xuất thế xuất hiện, Trí bát nhã là thuốc của Lầm. Ba lần kiến tánh, kiến tánh giác, kiến tự tánh, kiến Phật tánh thì được xưng tán Vô Thượng Bồ Đề./.

Nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của Thầy con kính chúc Thầy sức khoẻ, trụ thế dài lâu cho chúng con đồng lợi lạc.

Đã bước sang năm thứ 10 được Thầy giáo dạy, học trò viết bài kính Thầy chỉ bảo giáo dạy cho con hết ngu mê và lầm lẫn.

Kính mong các HĐTM hết lòng giúp đỡ, hộ trì, góp ý.

Con xin đảnh lễ Thầy ba lễ !!!

Tây nguyên, ngày 23/7/2023

Con, Lý Thái Đăng

 

Bài viết cùng danh mục

Thông báo

Hoặc gọi 096.4343.168