Chuyển Thức thành Trí

127 lượt xem

Trước khi đề cập đến đề tài chính là chuyển tám thức thành bốn trí, chúng ta cần phân biệt rõ những gì được gọi là thức, những gì được gọi là trí. Chưa nắm vững hai thứ này, mọi thứ được gọi là chuyển, chỉ chuyển trên văn tự, mà không chuyển đúng bản chất của nó. Giống như người thầy giáo muốn dạy học trò, mà không biết học trò đó là ai, nhất định việc dạy và học sẽ không thành công.

CHUYỂN THỨC THÀNH TRÍ

Các bạn !!!

Trưa nay có HĐ hỏi mình về việc chuyển tám thức thành bốn trí. Nhân câu hỏi này, xin chia xẻ một vài kiến giải đến mọi người, goi là lợi hoà đông quân.

Trước khi đề cập đến đề tài chính là chuyển tám thức thành bốn trí, chúng ta cần phân biệt rõ những gì được gọi là thức, những gì được gọi là trí. Chưa nắm vững hai thứ này, mọi thứ được gọi là chuyển, chỉ chuyển trên văn tự, mà không chuyển đúng bản chất của nó. Giống như người thầy giáo muốn dạy học trò, mà không biết học trò đó là ai, nhất định việc dạy và học sẽ không thành công.

a) Thức Là Gì???

Về mặt văn tự, chữ thức có nghĩa là biết. Nhưng, trong Phật đạo, chữ thức không thuần tuý là biết, mà chữ thức có nghĩa là biết chỉ nhằm nói đến hành động thứ cấp của thức nguyên, sau đó mới đến tri thức tức hiểu biết cấp ba.

Thức là cái gì đó trừu tượng rất khó hiểu, vừa là cái gì đó rất dể nhận biết, vừa là nhân cũng vừa là quả. Thức là cái căn bản, là cơ sở làm nên chúng sanh và chi phối toàn bộ đời sống chúng sanh.

Khi thức còn ở giai đoạn tiền tế, tức là lúc chúng sanh vừa hình thành chủng tử đầu tiên, chưa có mặt trên đời, thức chính là hạt nhân làm nên chúng sanh đó, gọi là chủng tử thức hay thức nguyên.

Khi chúng sanh xuất hiện trong đời, thức chi phối đời sống, từ ăn uống ngủ nghỉ đến học tập, bây giờ thức đóng vai trò vừa là nhân vừa là quả, gọi là nghiệp thức. Vừa là nhân vì thức gom nhóm hiện tại để đưa vào kho cất giử cho vị lai, vừa là quả vì thức phô diễn tất cả những gì hàm chứa trong nó để làm nên một thực thể sống.

Khi chúng sanh không tồn tại trên đời, thực thể sống chấm dứt, thức trở thành người đại diện cho chúng sanh ấy tiếp nhận một nghiệp mới, gọi là trung ấm hay thần thức. Nói chung thức giống như một sợi dây xuyên suốt từ quá khứ, đến hiện tại, lẫn vị lai của một hữu tình.

Khi thức còn là nhân trong giai đoạn tiền tế của mười hai nhân duyên gồm vô minh, hành, thức, danh sắc. Thức không có chức năng của biết, mà thức chỉ giữ vai trò của hạt giống cầm giữ mạng căn, để danh sắc tồn tại và hình thành đầy đủ theo quy luật của nghiệp.

Khi chúng sanh xuất hiện ở cõi đời, tức giai đoạn trung tế gồm lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, thức đóng vai trò chủ nhân ông, điều phối mọi hoạt động của những món này.

Đến giai đoạn hậu tế, tức hữu, sanh, lão, tử, thức lại làm công việc ghi nhận thiện ác trong hiện tại để chuẩn bị cho đời sau, vì thế chữ hậu hữu thân có mặt. Khi đời sống chúng sanh chấm dứt, thức trở thành hạt giống lang thang tìm nơi nảy mầm.

Cứ thế, thức tồn tại và làm đủ mọi công việc, chạy khắp nơi để hình thành nên một hữu tình từ đời này sang đời khác. Thức di chuyển tạo thành vòng tròn khép kín, lặp đi lặp lại, gọi là luân hồi.

Trong đời sống một chúng sanh, không ở đâu, không việc gì không có thức. Có nghĩa thức đảm nhận công việc của một người chỉ huy, từ tai mắt, hành động, cho đến nghĩ suy, gọi là lục thức, chữ thức là biết, nhằm chỉ cho giai đoạn này.

Để giúp chúng sanh hoàn thiện hiện nghiệp, thức tiếp nhận, học tập tất cả những gì xảy ra chung quanh và trong chính nó để làm phong phú đời sống, gọi là Tri thức.

Thức làm công việc của một người công nhân đưa tri thức về nơi cất giữ an toàn, rồi đem trở ra để sử dụng, gọi là Lưu chú thức.

Thức cất giữ mọi thông tin có được trong quá khứ lẫn hiện tại không cho mất, gọi là A lại da thức.

Thức chấp chặt mọi thông tin do Lưu chú cung cấp, để đưa ra mọi toan tính, suy lường, biết rõ thiệt hơn gọi là Mạt na thức.

Do đảm đương nhiều chức năng, bận rộn nhiều công việc, nên thức rất ít cơ hội nghĩ ngơi, cứ lăng xăng hết việc này đến việc kia. Vì thế, thức bị gán cho biệt danh là thức loạn động, thức trói buộc.

Tóm lại, chúng sanh chính là thức, thức chính là chúng sanh. Hay nói khác hơn, không có thức thì không có chúng sanh, hoặc thấy có chúng sanh biết có thức đang hiện hữu, giống như khói và lửa. Thực tế, một hữu tình không có tám hay chín thức, mà chỉ một thức, tuỳ chức năng, tuỳ vị trí, tuỳ công việc, tuỳ nơi đến, tạm đặt tên cho dể nhận biết, điều này dẩn đến lầm tưởng rằng, chúng sanh có nhiều thức. Giống như một chiếc hộp lon có nhiều lổ chung quanh, trong đó thắp một cây đèn, ánh sáng phát ra nhiều nơi, nhưng kỳ thật, chỉ một nguồn sáng từ cây đèn

Giống như một người đảm đương nhiều công việc với nhiều chức vụ khác nhau nên có nhiều chức danh. Ở nhà gọi là chủ nhà, có con gọi là cha, đi dạy gọi là thầy giáo, coi sóc tổ dân phố gọi là tổ trưởng, trong chiến tranh đi lính gọi là cựu chiến binh, về hưu trồng cây kiểng kiếm thêm thu nhập và giết thời gian gọi là nghệ nhân trồng kiểng. Tám chín cái tên, nhưng cũng chỉ có một con người. Tám hay chín thức cũng giống như vậy.

b) Trí Trong Phật Đạo Là Gì???

Nếu thức là cái căn bản, cơ sở, hạt giống làm nên một chúng sanh. Thì trí chính là cái căn bản, cơ sở, hạt giống làm nên một vị thánh trong Phật đạo. Ngày chưa giác ngộ, thức có bao nhiêu công việc, bao nhiêu chức năng, khi giác ngộ, trí đảm đương bấy nhiêu công việc, bấy nhiêu chức năng của thức để lại. Vì thế, mới có câu nói thức tức trí, hay thức ấy chính trí ấy, thức trí không hai !!!

Cũng giống như thức, trí chính là vị giác ngộ, vị giác ngộ chính là trí, không phải có một người giác ngộ đang sở hữu một trí tuệ nào đó, như người ta sở hữu một chiếc xe hơi. Cái khác giữa thức và trí là, một bên u tối, một bên sáng suốt, một bên lăng xăng, một bên tâm ý thanh nhàn, một bên chấp nhất hơn thua, một bên ung dung tự tại, một bên lo rầu vì chuyện sanh tử khổ, một bên nhận ra sanh tử chỉ là con cọp giấy không có gì đáng sợ... Nói chung, thức hay trí chỉ là sự chuyển đổi bản chất chứ không phải sự tiêu diệt tất cả.

c) Bản Chất Của Sự Chuyển Đổi Từ Thức Thành Trí.

Có phân tích đến tận nguồn cơn, ta mới nhận diện rõ thức là gì, có nhận diện rõ ràng vai trò của thức đối với một chúng sanh, mới có thể biết được chuyển thức thành trí là chuyển cái gì. Nếu không hiểu biết về thức, không thấu suốt hành hoạt của thức, không thể thực hiện việc chuyển thức thành trí một cách hiệu quả.

Nếu thức là cái căn bản, là cơ sở, là cái gốc làm nên một chúng sanh thì, chuyển thức thành trí là công cuộc chuyển đổi tận gốc của tất cả hành hoạt một con người, từ nghe nhìn, nghĩ suy đến hành động. Sự chuyển đổi tất cả, chuyển đổi rộng khắp, chuyển đổi tận gốc này mới thật sự được coi là hành động tu tập. Như vậy có thể hiểu, tu tập chính là sự chuyển đổi toàn diện trong một con người để biến thức thành trí. Giống như nguồn nước đã bị nhiểm ô, chuyển nước đục thành nước trong, là chuyển toàn bộ nước ấy, chứ không phải chuyển một thành phần riêng biệt nào đó của nước, cũng không phải đem thứ nước đục ấy bỏ đi.

Trong Phật đạo, có nhiều hình thức chuyển thức thành trí, ba thừa là ba hình thức chuyển đổi khác nhau, hình thức chuyển đổi có khác nhau nhưng kết quả đồng nhất. Sự đồng nhất này là, từ một đời sống bị chi phối bởi thức, nay biến thành một đời sống bằng trí tuệ. Giống như trước đây uống nước bị nhiễm ô để tồn tại nên khổ sở vì bệnh hoạn, nay có công nghệ làm sạch, sau khi làm sạch xong sẽ được uống thứ nước tinh khiết, sướng vui an ổn vì không bệnh.

Nếu không nắm vững bản chất của sự chuyển đổi này, người tu hành có biết, có học thuộc thế nào là tám thức, thế nào là bốn trí, cũng chỉ chuyển trên văn tự, chứ không thể có một sự chuyển đổi tích cực nào xảy ra trong vị tu hành ấy.

d) Vì Sao Thức Và Trí Có Sự Chuyển Đổi Thành Công???

Một người chưa tu tập chưa giác ngộ, người này bị thức chi phối hoàn toàn cuộc sống, thức chi phối bằng cách sai sử, trói buộc, động lay, phiền não. Khi người này tiếp cận Phật pháp, hiểu ra vai trò của thức, và biết được con đường chuyển hoá để đời sống không còn bị chi phối bởi thức, người này lập tức hành động, kết quả của hành động đó Phật đạo gọi là giác ngộ.

Con đường chuyển hoá đó là chuyển đổi tận gốc những tính chất hư ảo mê muội của thức, để thức trở thành trí. Khi thành trí, trí đảm nhận công việc trước đây của thức, nhưng: không sai sử, không trói buộc, không chấp mắc, không gây ra phiền não...

Sở dỉ thức có thể chuyển hoá được là nhờ, Phật đạo chỉ ra rằng, những thứ mà thức làm tổn hại một con người, chỉ do sự nhất thời mê muội nào đó, chứ thật ra thức không có bản chất này. Giống như con mắt đang sáng, bị hạt bụi bay vào, làm con mắt bị nhặm, nên các thứ trở thành mờ tối không rõ ràng.

Hạt bụi bay vào con mắt thức đó chính là chúng sanh tánh hay cá tánh gọi chung là nghiệp, chính chúng sanh tánh hay cá tánh đã làm nhiễm ô thức, muốn thức trở về cái ban sơ không mê không giác, người này thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi, thay đổi đời sống, hoàn toàn không chấp nhận chúng sanh tánh hay cá tánh, loại bỏ hoàn toàn nghiệp thức ra khỏi đời sống trên tinh thần của Phật đạo. Tuỳ theo nổ lực, tuỳ theo nhận thức sâu hay cạn, tuỳ theo tốc lực tâm, tuỳ hoàn cảnh và tuỳ theo mức độ nhiễm ô của từng người, sự chuyển đổi này xảy ra mau hay chậm trong chính con người ấy.

Nhận thức sâu hay cạn và sức tinh tấn chính là yếu tố then chốt quyết định sự chuyển đổi thành công lâu hay mau, Phật giáo gọi là đốn hay tiệm. Có người chỉ trong sát na, xả bỏ tất cả những gì được gọi là chúng sanh, thánh trí liền hiện. Cũng có những người nhận thức không sâu hoặc nhận thức sai lệch, phải mất một thời gian dài chuyển đổi mới thành công.

Nói chung, dù nhận thức sâu hay cạn, một trong những nhận thức cơ bản phải được biết đến, đó là không nên nuông chìu cá tánh hay chúng sanh tánh, tức chỉ cộng trú với nghiệp chứ không cộng sinh, chấp nhận từ bỏ nó không thương tiếc ngay trong hiện tại.

Chúng sanh tánh, cá tánh hay nghiệp thức giống như một con đỉa, hai đầu đều có thể hút máu, dứt đầu thiện ra khỏi cơ thể, đầu ác sẽ bám vào, không dứt thật mạnh, cả hai đầu đều bám. Con đỉa chúng sanh đã bám vào thức làm công cụ hút máu, vì thế thức ban sơ tức thức nguyên trở thành thức nghiệp, từ thức đồng trở thành thức dị... Chính từ đồng sang dị, nên thức trở thành loạn động và u tối.

Tóm lại, thức chính là trí. Con đỉa chúng sanh mới là thủ phạm làm cho thức trở thành tên tội đồ bị lên án. Khi con đỉa chúng sanh chết rồi, thức trở về bản chân của nó chính là trí. Chữ trí trong giai đoạn này, dùng để chỉ cho sự sáng suốt của một hữu tình khi hết mờ tối bởi nghiệp, chữ trí này chưa phải là Phật trí !!!

e) Thức Biến Thành Trí, Sẽ Chuyển Biến Như Thế Nào???

Khi chưa giác ngộ, thức có tám chức năng chính và một chức năng phụ. Tám chức năng chính đó là:

- Khi thức chạy vào năm căn thân, sẽ chỉ đạo năm căn thân tiếp cận năm ngoại trần theo chủ ý điên đảo của mình, gọi là tiền ngũ thức. Khi thức thành trí, trí thay thế thức, cũng vào năm căn thân, nhưng không sai sử điên đảo, không khởi sanh phân biệt đẹp xấu, không sinh tâm ham ưa... Thấy nghe bây giờ sáng suốt, không loạn động vì cảnh, do đó hỷ lạc khinh an hiện lên, tiền ngũ thức bây giờ có tên là Thành Sở Tác Trí...

Thành sở tác trí hay Thành sự trí, là một thứ trí giúp người hoàn thành công việc thấy nghe mà không tạo nghiệp. Thức thuộc hữu vi vì hay tạo tác, thức chuyển đổi thành trí, trí cho ra một thấy nghe mà không tạo tác, nên nó là Vô vi trí. Thành sở tác trí là kết quả giác ngộ thay thế cho tiền ngũ thức. Tiền ngũ thức được thay thế bởi trí, nên sắc uẩn trở thành sắc giải thoát.

- Ý thức là thức thứ sáu, thức này có công năng nghĩ suy, phân biệt, thị phi, quyết định. Sau khi giác ngộ, tính chất phân biệt, thị phi mất đi, nghĩ suy trở nên sáng suốt, nghĩ suy đúng như bản chất của vấn đề chứ không dựa vào hiện tượng, tình cảm hay cơ hiềm mà kết luận, vì thế tâm không dao động hay hoài nghi trước kết quả của nghĩ suy, bây giờ ý thức trở thành Diệu quan sát trí.

Nói khác hơn, Diệu quan sát trí chính là sự thấu suốt bản chất của vấn đề, nên một kết quả như thật tức thì hiện khởi, còn gọi là trực nhận. Sự trực nhận này không không do bởi dụng công, còn gọi là vô công dụng đạo. Vì vô công dụng đạo nên định sanh, định này chính là vô vi định nên tưởng uẩn sẽ tịch diệt, tưởng uẩn tịch diệt gọi là thanh tịnh tưởng, một trong những công cụ để trở thành Thần túc thông sau này.

- Mạt na thức đã bị chuyển hoá, chấp nhất, đấu tranh, hơn thua, được mất đều tịch diệt, nên ngã cũng không còn đất sống, vì thế tịch diệt theo. Giống như hạt giống treo giàn bếp, không thể nảy mầm. Ngã tịch diệt, từ bi sanh khởi, từ bi sanh khởi hai tướng nhân ngã không còn, nhân ngã không còn Mạt na thức đổi tên thành Bình đẳng tánh trí.

Bình đẳng tánh trí, cho ra thấy biết bình đẳng từ chúng sanh đến thế giới, cho nên khổ vui không hiên khởi trong tâm. Trong tâm không nhận chịu khổ vui nên thọ uẩn tịch diệt, thọ uẩn tịch diệt trung tế tich diệt, trung tế tịch diệt hậu tế tịch diệt, hậu tế tịch diệt hậu hữu thân tịch diệt, hậu hữu thân tịch diệt sanh lão tử chấm dứt.

- A lại da thức khi được giác ngộ, giống như một cái kho chứa đồ cũ đã được làm sạch, món nào cần thiết cho đời sống thì giữ lại, món nào phế thải đem bán ve chai đồng nát. Số lượng phế phẩm tích chứa trong kho là cực lớn, nên một lần bán sẽ rất nhiều tiền. Bổng dưng một số tiền lớn xuất hiện, vượt khỏi toán số thế gian gọi là công đức. A lại da sau khi giác ngộ trở thành Đại viên cảnh trí.

Đại viên cảnh trí hay Đại viên kính trí là hình ảnh ẩn dụ tâm thức như một tấm gương lớn. Tấm gương không từ chối vật, nhưng không sở hữu vật, sở hữu là thức, vô sở hữu là trí, nên Đại viên cảnh trí còn có tên là Vô sở hữu trí. Trí này như gương sáng, soi thấu vạn hữu nhưng không lưu lại dấu vết hay hình ảnh. Dó đó khi A lại da thành Đại viên cảnh trí, thức và hành uẩn tịch diệt. Thức và hành uẩn tịch diệt tánh giác hiện ra, tánh giác hiện ra nhân Phật mọc mầm, nhân Phật nãy mần quả Phật thành tựu.

- Lưu chú thức, đây là thức phụ, nó không có chức năng làm cho mê hay giác, cũng không bị ảnh hưởng bởi mê hoặc ngộ... Nó như dòng hải lưu âm thầm chảy dưới đáy biển mang các thứ trong biển từ nơi này đến nơi khác. Giống như người thư ký của một hảng lớn, chỉ làm công việc do ông chủ sai bảo, không thể quyết định chuyện thành bại của hảng.

Lưu chú có nhiệm vụ ghi nhận và đem các thông tin từ sáu thức cất vào A lại da, khi cần nó đem ra cho Ý hay Mạt na sử dụng... Vì thế kinh dạy, "thức diệt chứ Lưu chú không diệt". Khi giác ngộ, Lưu chú cũng âm thầm làm công việc từ trước... Phật dạy: "Tướng sanh trụ diệt và Lưu chú sanh trụ diệt, không thể suy nghĩ biết được...".

f) Kết Luận:

Nói đến tám thức thành bốn trí là nói đến quá trình chuyển đổi tận gốc từ nhận thức đến hành động. Khi nhìn thấy con bò đang ăn cỏ, người tu tập liền biết trong con bò đó đang cộng sinh cùng thức nghiệp loài bò, khi thấy con bò kéo cày, biết rằng con bò đó đã được học tập một tri thức đơn giản về phải trái hay thẳng do người nông phu dạy dổ, khi thấy con bò lăn ra chết biết rằng thần thức của con bò đã ra khỏi nó, chuẩn bị cho một đời sống mới..v..v...

Nói chung, thức là cái gì rất dể nhận ra, nhưng thật khó biết cụ thể, thức nghiệp trong mỗi hữu tình thiên hình vạn trạng, ở đâu có chúng sinh ở đó có thức, ở đâu có phiền não ở đó có thức, ở đâu có trói buộc ở đó có thức, ở đâu có loạn động ở đó có thức. Thức là đại diện của hữu vi pháp vì thế nó thay đổi sanh diệt không ngừng.

Tu hành trong Phật đạo chính là công cuộc chuyển đổi thức thành trí. Muốn chuyển đổi thành công phải thấu suốt cái chuyển đổi và cái sắp được chuyển đổi, càng thấu suốt việc chuyển đổi càng xảy ra dể dàng. Như người ta dùng sức lao động để đổi nghèo thành giàu, một người khiếm khuyết trí tuệ, không nhận thức được sự khác nhau giữa giàu và nghèo, nhất định chẳng bao giờ có một sự chuyển đổi tích cực, đúng mức để đưa đến thành công trong con người đó.

Hy vọng, bài viết giúp một chút gì đó để các bạn có thể tự thấy biết rõ ràng thế nào là thức thế nào là trí. Có thấu đáo, việc chuyển thức thành trí mới thành công. Biết đâu một ngày đẹp trời, mỗi người sẽ là một cục trí...đi...tới...đi...lui cho con đỉa nghiệp...ớn... chơi !!!

29-05-2013

Tác giả: Lý Tứ

 

Bài viết cùng danh mục

Thông báo

Hoặc gọi 096.4343.168