CÓ PHÁP HAY KHÔNG PHÁP

127 lượt xem

"Mình có trao đổi với một huỵnh đệ Lý Gia về Phật học, mình hỏi về các pháp huynh đệ này bảo: Đạo Phật là không pháp nên không có pháp nào cả, điều này có đúng với chánh pháp không. Và trao đổi về Thiền và Phật giáo, bạn này bảo Đức Phật thấy Thiền không đạt được gì cả nên bỏ thiền và đặt Giác ngộ, đồng thời huynh đệ này bảo thiền là lấy một sở pháp đè một sở pháp nên không có hiệu quả trong tu tập và không nên thiền, chỉ nên tập trung lý luận học tập giáo lý để khai mở trí tuệ để giác ngộ, điều này có hoàn toàn đúng không? Xin giải thích để bản thân được minh ngộ điều này

(086) BẠN ĐỌC HỎI - LÝ TỨ TRẢ LỜI

CHỦ ĐỀ: CÓ PHÁP HAY KHÔNG PHÁP !!!

Các bạn !!!

Chiều nay, mình nhận được một số thắc mắc của bạn đọc có tên Nguyễn Quang Tuấn !!! Bạn Quang Tuấn thắc mắc như sau:

"Mình có trao đổi với một huỵnh đệ Lý Gia về Phật học, mình hỏi về các pháp huynh đệ này bảo: Đạo Phật là không pháp nên không có pháp nào cả, điều này có đúng với chánh pháp không. Và trao đổi về Thiền và Phật giáo, bạn này bảo Đức Phật thấy Thiền không đạt được gì cả nên bỏ thiền và đặt Giác ngộ, đồng thời huynh đệ này bảo thiền là lấy một sở pháp đè một sở pháp nên không có hiệu quả trong tu tập và không nên thiền, chỉ nên tập trung lý luận học tập giáo lý để khai mở trí tuệ để giác ngộ, điều này có hoàn toàn đúng không? Xin giải thích để bản thân được minh ngộ điều này. Chân thành cám ơn!" 20/03/2022 17:36:07 - Nguyễn Quang Tuấn

Nguyễn Quang Tuấn thân mến !!!

Về các thắc mắc của bạn, mình tạm chia thành hai phần và xin được trả lời như sau:

Hỏi:

1) Mình có trao đổi với một huỵnh đệ Lý Gia về Phật học, mình hỏi về các pháp huynh đệ này bảo: Đạo Phật là không pháp nên không có pháp nào cả, điều này có đúng với chánh pháp không ???

Trả lời:

Để trả lời thoả đáng câu hỏi trên, mình xin được đơn cử 10 bài kệ của đức Phật và 9 vị Tổ y bát được kế thừa giáo pháp chính thống đã tuyên thuyết về các pháp như sau !!!

1- ĐỨC BỔN SƯ THÍCH CA

Pháp bổn pháp vô pháp

Vô pháp pháp diệc pháp

Kim phó vô pháp thời

Pháp pháp hà tằng pháp.

Dịch:

Pháp gốc pháp không pháp

Pháp không pháp cũng pháp

Nay khi trao không pháp

Mỗi pháp đâu từng pháp?

2- TỔ MA-HA CA-DIẾP

Pháp pháp bổn lai pháp

Vô pháp vô phi pháp;

Hà ư nhất pháp trung,

Hữu pháp hữu phi pháp.

Dịch:

Các pháp, pháp xưa nay,

Không pháp, không phi pháp;

Tại sao trong một pháp,

Có pháp, có phi pháp.

3- TỔ A-NAN

Bổn lai truyền hữu pháp,

Truyền liễu ngôn vô pháp.

Các các tu tự ngộ,

Ngộ liễu vô vô pháp.

Dịch:

Xưa nay truyền có pháp,

Truyền rồi nói không pháp;

Mỗi mỗi cần tự ngộ,

Ngộ rồi không không pháp.

4- TỔ THƯƠNG-NA HÒA-TU

Thông đạt phi bỉ thử

Trí thánh vô trường đoản.

Nhữ trừ khinh mạn ý,Tất đắc A-la-hán.

Dịch:

Thông suốt dứt kia đây,

Chí thành không hay dở;

Ngươi trừ tâm khinh mạn,

Chóng được A-la-hán.

5- TỔ ƯU-BA-CÚC-ĐA

Tâm tự bổn lai tâm,

Bổn tâm phi hữu pháp.

Hữu pháp hữu bổn tâm,

Phi tâm phi bổn pháp.

Dịch:

Tâm tự xưa nay tâm,

Bổn tâm chẳng có pháp.

Có pháp có bổn tâm,

Chẳng tâm chẳng bổn pháp.

6- TỔ ĐỀ-CA-ĐA

Thông đạt bổn tâm pháp,

Vô pháp vô phi pháp.

Ngộ liễu đồng vị ngộ,

Vô tâm diệc vô pháp.

Dịch:

Thông thấu pháp bổn tâm,

Không pháp, không phi pháp;

Ngộ rồi đồng chưa ngộ,

Không tâm cũng không pháp.

7- TỔ DI-DÁ-CA

Vô tâm vô khả đắc,

Thuyết đắc bất danh pháp.

Nhược liễu tâm phi tâm,

Thủy giải tâm tâm pháp.

Dịch:

Không tâm không thể được,

Nói được chẳng gọi pháp.

Nếu rõ tâm phi tâm,

Mới hiểu tâm tâm pháp.

8- TỔ BÀ-TU-MẬT

Tâm đồng hư không giới,

Thị đẳng hư không pháp.

Chứng đắc hư không thời,

Vô thị vô phi pháp.

Dịch:

Tâm đồng cõi hư không,

Đây sánh hư không pháp.

Khi chứng được hư không,

Không pháp, không phi pháp.

9- TÔ PHẬT-ĐÀ NAN-ĐỀ

Hư không vô nội ngoại,

Tâm pháp diệc như thử.

Nhược liễu hư không cố,

Thị đạt chơn như lý.

Dịch:

Hư không chẳng trong ngoài,

Tâm pháp cũng như thế.

Nếu hiểu rõ hư không,

Là đạt lý chơn như.

10- TỔ PHỤC-ĐÀ-MẬT-ĐA

Chơn lý bổn vô danh,

Nhơn danh hiển chân lý?

Thọ đắc chân thật pháp,

Phi chơn diệc phi ngụy.

Dịch:

Chơn lý vốn không tên,

Nhơn tên bày chơn lý;

Nhận được pháp chân thật,

Chẳng chơn cũng chẳng ngụy.

Theo tinh thần mười bài kệ nêu trên, ta thấy rằng bổn lai vốn không pháp cũng không phi pháp !!! Và, tu hành trong Phật đạo là công cuộc tìm về bổn lai không pháp không phi pháp ấy !!! Vì thế, bảo rằng Phật đạo là không pháp, lời nói này không sai !!!

Tuy nhiên để hiểu thế nào là bổn lai, thế nào là pháp, thế nào là không pháp, thế nào là không phi pháp...vv... Người tu hành cần có thời gian "học tập đúng chánh pháp" và "giác ngộ như pháp" !!! Cho nên, chỉ một câu "Đạo Phật là không pháp", câu này tuy đúng, câu này là "đệ nhất nghĩa"...vv... Nhưng, xét cho cùng, chỉ một câu ngắn gọn ấy, khó giúp người nghe (chưa giác ngộ) chấp nhận cũng như thấu suốt vấn đề !!!

Hỏi:

2) Và trao đổi về Thiền và Phật giáo, bạn này bảo Đức Phật thấy Thiền không đạt được gì cả nên bỏ thiền và đặt Giác ngộ, đồng thời huynh đệ này bảo thiền là lấy một sở pháp đè một sở pháp nên không có hiệu quả trong tu tập và không nên thiền, chỉ nên tập trung lý luận học tập giáo lý để khai mở trí tuệ để giác ngộ, điều này có hoàn toàn đúng không?

Trả lời:

Về thắc mắc này, mình xin trả lời từng ý nhỏ như sau:

a) Và trao đổi về Thiền và Phật giáo, bạn này bảo Đức Phật thấy Thiền không đạt được gì cả nên bỏ thiền và đặt Giác ngộ ???

Trả lời:

Phật đạo là Đạo Giác Ngộ !!! Giác Ngộ gồm hai trạng thái nhận thức !!! Đó là: Trạng thái nhận thức của Giác và trạng thái nhận thức của Ngộ !!!

- Muốn thành tựu trạng thái nhận thức của Giác phải học tập !!!

- Muốn thành tựu trạng thái nhận thức của Ngộ phải thực chứng điều đã Giác !!!

Trong hai trạng thái này, không có trạng thái nào do Thiền mà thành !!! Tuy nhiên, một người thành tựu Giác hay thành tựu Ngộ đều "tự được Thiền" !!! Từ ý nghĩa trên, bạn có thể nhận ra câu nói của vị HĐ trên là thoả đáng hay chưa !!!

b) Đồng thời huynh đệ này bảo thiền là lấy một sở pháp đè một sở pháp nên không có hiệu quả trong tu tập và không nên thiền !!!

Trả lời:

Phật dạy trong kinh Lăng Già: "Có bốn loại thiền gồm: Ngu phu sở hành thiền, Phan duyên như thiền, Quán sát nghĩa thiền và Như lai thiền" !!!

- Ngu phu sở hành thiền: Là loại thiền của "người không giác ngộ hoặc ngoại đạo" dùng một sở pháp đè một sở pháp !!!

- Phan duyên như thiền: Là loại thiền của "người không giác ngộ hoặc ngoại đạo" chấp trước một ý nghĩa thắng diệu nào đó, rồi cột chặt tâm ý vào sự chấp trước ấy cho rằng đây là cảnh giới thắng diệu !!!

Cả hai thứ thiền trên, đều không đưa đến cứu cánh Giác Ngộ trong Phật đạo !!! Nên bảo rằng, hai thứ thiền này không hiệu quả đối với đạo Giác Ngộ là không sai !!!

- Quán sát nghĩa thiền: Là loại thiền do Giác Lực mà có !!!

- Như lai thiền: Là loại thiền do trực Ngộ mà tự thành !!!

Hai loại thiền trên thuộc về xuất thế gian thiền !!! Đây là kết quả "Giác và Ngộ rồi tự được thiền" chứ chẳng phải thứ thiền do công phu hay vận luyện của Đạo Thế Gian làm ra !!!

Chỉ khi nào thấu đáo bốn loại thiền mà Phật đã dạy ở trên, người tu hành mới tự biết muốn thành tựu Đạo Giác Ngộ có nên tu thiền hay không !!!

c) Chỉ nên tập trung lý luận học tập giáo lý để khai mở trí tuệ để giác ngộ. Xin giải thích để bản thân được minh ngộ điều này. Chân thành cám ơn!"

Trả lời:

Đạo Phật là một nền giáo dục, muốn hoàn thành các bậc học của nền giáo dục ấy, nhất định phải học, học và học !!!

Đạo Phật là Đạo Trí Tuệ, muốn thành tựu các tầng cao trí tuệ của đạo ấy, nhất định phải học, học và học !!!

Tóm lại !!!

Theo mình, trả lời của vị HĐ nào đó với bạn Nguyễn Quang Tuấn là "hoàn toàn đúng nhưng chưa đủ" !!! Vì rằng, muốn chỉ cho người "cái được gọi là đúng" thông qua một vài buổi trao đổi thì "chưa được coi là đủ" (nhất là đối với sự rộng sâu của giáo pháp) !!! Muốn "cái đúng trở thành đủ", cần phải trải qua một quá trình học tập như pháp !!!

Chúc Nguyễn Quang Tuấn và bạn đọc an vui, tinh tấn !!!

Rất mong, nhận được những câu hỏi lí thú và bổ ích từ các bạn !!!

30/03/2022

LÝ TỨ

 

Bài viết cùng danh mục

Thông báo

Hoặc gọi 096.4343.168