ĐẠI SƯ HUYỀN KHÔNG

103 lượt xem

“Tự tâm hồ vô hữu

Kiến tính sơn bất không

Tự tánh động vô động

Trí huệ tự viên thông.” 

                          - Lý Tứ -

LÝ TỨ ĐỌC TRUYỆN LÝ TỨ 

Cái tên Lý Tứ bắt nguồn từ câu chuyện này !!! Không ngờ một cái tên từ nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết Tâm Pháp, tự dưng trở thành tên của tui... Nghe cũng có lí !!! Ha ha ha ha !!!

TÂM PHÁP - TÁC GIẢ LÝ TỨ

(Hội Nhà Văn xuất bản - 2020)

 

“Tự tâm hồ vô hữu

Kiến tính sơn bất không

Tự tánh động vô động

Trí huệ tự viên thông.” 

                          - Lý Tứ -

 

Lý Tứ ngồi vắt vẻo trên ngọn tùng cao nhất. Cây tùng giữa Đại ngàn này ước chừng tuổi đời không dưới mấy trăm năm... Phía trước mặt là dãy núi Kiến Tính. 

Kiến Tính thật ra là tên của ngọn núi cao nhất trong quần thể gồm nhiều dãy núi nối nhau. Kiến Tính nằm ở giữa, bên trái thấp hơn là ngọn Hư Vọng, bên phải là ngọn Giác Tâm... 

Ba ngọn núi hợp cùng những ngọn vô danh khác chạy dài hai bên tạo thành vệt xanh đến tận chân trời. Ngọn Kiến Tính sừng sững ở giữa. Nếu nhìn từ xa, người giàu tưởng tượng sẽ thấy Kiến Tính như một người cao lớn đang ngồi xếp bằng ngay tại trung tâm. Hai bên vô số những con người từ cao đến thấp cùng ngồi trầm mặc... Thiên nhiên đã tạo nên diện mạo riêng của mình... 

Muốn đến được đỉnh Kiến Tính, phải vượt qua một cái hồ rất rộng. Hồ này có tên là hồ Tự Tâm. Hồ Tự Tâm sâu bao nhiêu thì không ai biết, mặt hồ trong suốt soi rõ dãy Kiến Tính tạo thành bức tranh thủy mặc, ngoạn mục và kỳ bí... Sáng sớm, khi mặt trời lên chừng hai sào, cả dãy Kiến Tính lấp lánh bởi ánh sáng phản chiếu từ hồ Tự Tâm. Buổi chiều khi mặt trời gần lặng phía sau dãy núi, hơi nước từ hồ bốc lên, người ta thấy đỉnh Kiến Tính được bao phủ bởi vầng hào quang nhiều màu sắc... 

Hồ Tự Tâm, tích nước từ dãy Kiến Tính chảy xuống. Nước ở hồ trong vắt nhưng rất độc. Độc tố trên núi theo nước mưa tích tụ trong hồ... Chẳng may, sinh vật nào để nước hồ dính vào thì suốt đời coi như tàn phế... Độc tố ăn sâu vào da thịt xương tủy và vô phương cứu chữa. Khi độc tố lan dần đến tim, coi như người này hội ngộ tổ tiên... 

Nghe đồn trên ngọn Kiến Tính có một loại thảo dược có thể làm tiêu độc này, nhưng chẳng mấy ai lên tới... Vì thế, Kiến Tính từ xưa đến nay trở thành khu vực bất khả xâm phạm. Nơi đây được coi như thâm sơn cùng cốc và người đời thêu dệt không biết bao nhiêu câu chuyện huyền bí chung quanh ngọn núi này... 

Có vài khách giang hồ, cao nhân ẩn sĩ tò mò muốn khám phá ngọn núi đầy bí ẩn sừng sững và nhiều thách thức… Vì thế Kiến Tính huyền bí lại thêm huyền bí... 

Mười tháng trước, ngày mười bốn tháng tám năm ngoái... trong lúc nhàn cư, Lý Tứ ngao du lên Long Sơn. Trên núi là một tu viện nổi tiếng cùng tên với ngọn núi. Những ngày lễ lớn cả ngàn khách thập phương đổ dồn về đây để viếng chùa và nghe giảng pháp... Viện chủ là một Lão Hòa Thượng đã gần chín mươi. Nghe đồn Lão Hòa Thượng viện chủ trước đây xuất thân từ Thiếu Lâm, cái nôi võ học của Trung Nguyên. Nhưng sau đó vì chỉ muốn tu hành độ thế, Lão Hòa Thượng không theo nghiệp võ mà lên Long Sơn mở chùa lập viện... thuyết pháp, giảng kinh dạy người tu hành. 

Sau hơn bốn mươi năm hoằng hóa, đệ tử tăng tục của Hòa Thượng không dưới vài vạn người. Vì thế, nhắc đến Đại Sư Huyền Không, chẳng một ai trong giới tu hành mà không nghe tiếng và ngưỡng mộ... Chữ Huyền của Lão Hòa Thượng ngang vai vế với Phương Trượng hiện thời của thiếu Lâm là Huyền Nhân. Nghe đồn nếu tiếp tục ở lại Thiếu Lâm thì chức Phương Trượng đã thuộc về Huyền Không Đại Sư... Đại Sư ngoài cái danh Viện chủ Phật môn, trong mình Lão Hòa Thượng còn mang một thân võ học. Nghe nói Phương Trượng Thiếu Lâm hiện thời còn phải nể nang Lão Hòa Thượng vài thành... 

Nhân duyên lần đó lên núi vãng chùa nghe pháp, Lão Viện Chủ giảng về Tự Tánh. Trong ngày có buổi pháp đàm, đích thân Lão Viện Chủ giải nghi cho thính chúng... Cơ hội này Lý Tứ quen biết với Lão Hòa Thượng Huyền Không thông qua cây đao sét... Đêm đó, đích thân Viện Chủ mời Lý Tứ ở lại chùa và đàm đạo... Cái đêm hội ngộ này khiến một tăng một tục trở thành đôi bạn vong niên... Sáng ngày thứ ba, Lão Hòa Thượng tiễn Lý Tứ xuống núi và có cuộc ước hẹn hôm nay... 

Ngồi trên ngọn tùng già, Lý Tứ miên man suy nghĩ về những gì đã qua... Vài tháng nay giang hồ đồn đại về chuyện Đại Sư Huyền Không giao chức Viện Chủ Long Sơn lại cho người kế thừa, còn bản thân Lão Hòa Thượng đi đâu thì không một ai biết được... Tăng lữ trong viện thì có người nói rằng chính mắt mình thấy Lão Hòa Thượng như một vệt khói đi thẳng vào trong lòng núi và ngọn núi khép lại như chưa hề có sự việc gì xảy ra... Có người lại kể rằng nửa đêm hôm đó một con hạc thật lớn đến chở Hòa Thượng đi thẳng lên trời... Mọi câu chuyện thêu dệt chung quanh sự mất tích đột ngột của Lão Hòa Thượng làm cho Lý Tứ càng thêm kính trọng tư cách một cao Tăng. 

Chỉ vì chân lý Lão Hòa Thượng dám từ bỏ danh phận Viện Chủ, từ bỏ bao nhiêu tâm huyết một đời, từ bỏ cả ngàn con người luôn vây quanh chúc tụng tán dương... Âm thầm lên Kiến Tính, chỉ vì chợt nhận ra cái gì mới thật là chân lý... 

Từ xa, tiếng Lão Hòa Thượng vang dội giữa Đại ngàn như tiếng chuông đồng. Chứng tỏ dù đã gần chín mươi nhưng khí lực của Lão chẳng thua kém trung niên... Lý Đệ!... Lão Đại Ca tự nghĩ, nếu có nhanh lắm, chiều nay Lý Đệ mới đến được nơi này. Không ngờ cước lực của Lý Đệ quả là thiên hạ khó bì, mới sáng sớm Lý Đệ đã vắt vẻo trên ngọn tùng già. Lão nạp này lại một phen tính toán trật lất...

Lý Tứ buông mình xuống đất lên tiếng: 

Hòa Thượng Đại Ca!... Tiểu Đệ đêm ngày mong gặp Hòa Thượng Đại Ca nên gia tăng cước lực. Phí sức một chút, bù lại được diện kiến Hòa Thượng Đại Ca là Tiểu Đệ thỏa nguyện lắm rồi... Hòa Thượng Đại Ca tính toán như thần. Chẳng qua Tiểu Đệ đến sớm hơn một chút chỉ vì cái tâm này hối thúc chứ chẳng phải Hòa Thượng Đại Ca tính toán sai đâu... 

Cả hai, một tăng một tục cùng sánh vai tiến thẳng về ngọn Kiến Tính... Vừa đi, Lão Hòa Thượng vừa tâm sự: 

Lý Đệ!... Lão nạp nhớ mãi cái lần đầu tiên nhìn thấy cây đao sét của Lý Đệ... Câu hỏi hôm đó của Lý Đệ, nếu không nhờ cây đao sét nói lên danh phận của người mang nó, thì lão nạp này cũng thao thao bất tuyệt cắt nghĩa về tự tánh, như bao nhiêu lần lão nạp nói về đề tài này trước mấy ngàn lỗ tai đồ chúng... 

Bây giờ ngẫm lại, thiệt là nhầm lẫn... Ha ha ha ha!... 

“Tự tánh là tánh mình!...?” Tánh mình mà là tự tánh thì tự tánh này nhất định sanh diệt... Ha ha ha ha!... Cây đao sét nhưng cắt đứt được vô minh... 

“Tánh mình” là thứ tánh do nhân duyên nghiệp quả làm nên, đầy đủ tính chất của phàm tình. Một mực cho rằng “tánh mình là tự tánh” thì than ôi Giáo pháp của Thích Ca trở thành vô thường sanh diệt… Ha ha ha ha!... Cái giọng hào sảng của Lão Hòa Thượng vang vang giữa núi rừng như đánh thức Đại ngàn bao đời nay ngủ say theo năm tháng... 

Cả hai đứng bên bờ hồ Tự Tâm, hình bóng một tăng một tục soi rõ dưới mặt hồ... 

Lý Tứ lên tiếng: 

Hòa Thượng Đại Ca!... Đại ca thấy đó... Nếu mặt hồ không bị tác động bởi một duyên nào hết, thì tính chất tự nhiên của hồ sẽ hiện... Tính chất tự nhiên này, Phật gia gọi là tự tánh... Nhưng nếu có một nhân duyên nào tác động lên mặt hồ, thì Hòa Thượng Đại Ca ơi!... Mặt hồ sẽ nổi sóng. 

Khi mặt hồ nổi sóng nhất định hình ảnh của tiểu đệ và Hòa Thượng Đại Ca theo đó mà biến dạng, theo đó mà nổi trôi... 

Cái biến dạng nổi trôi do duyên tác động vào mặt hồ Phật gia gọi là hư vọng tánh, là tánh mình, là chúng sanh tánh, là sân si tánh... là sanh diệt tánh, là phàm phu tánh chứ chẳng phải tự tánh đâu Hòa Thượng Đại Ca... 

Cho nên, “tự tánh” là tánh đồng nhất không sai biệt mà Phật và hữu tình đồng có, trong điều kiện chưa bị một duyên nào tác động. Giả sử như một vạn cái hồ, lớn nhỏ sai khác... nếu một vạn cái hồ này không bị tác động bởi duyên thì vạn cái hồ đó đồng một tự tánh... 

“Tự tánh” là tập hợp của nhiều tính chất, khi dứt các duyên, dần dần những tính chất này lần lượt sẽ hiện... 

Ví như tính chất trong sạch của nước, tính chất giác liễu khi chiếu soi, tính chất bất động đứng lặng, tính chất mát diệu thanh lương... Thì hồ tâm này cũng vậy!... Khi dừng các duyên, đừng ném hòn đá thấy nghe vào tâm thì tự tánh sẽ hiện. Khi tự tánh hiện, những tính chất nhất định của nó lần lượt hiện theo mà người tu hành có thể cảm nhận được... 

Các tính chất đặc biệt đó là: Thanh tịnh, bất động, liễu tri, an lạc, chân ngã, chân thường, từ bi... khi hiện đủ, hiện viên mãn, Phật gia gọi đó là Phật Tánh... 

Sự xuất hiện lần lượt này, kinh Niết Bàn nói rằng: “Phật Tánh của Phật gồm đủ bảy điều, Bồ Tát Thập Địa có sáu điều, Thập Trụ có năm điều”. 

Nó chẳng phải tánh mình. Nếu lầm nhận tánh mình là tự tánh thì cái hiểu này xa rời Phật đạo... Khi nói tánh mình tức có đây có kia, tánh mình khác, tánh người khác, tánh người kia khác tánh người nọ... Những tánh riêng này đã bị tác động bởi các duyên sai khác thì làm sao gọi là đồng... Trong khi đó kinh dạy: 

֍ “Phật và chúng sanh đồng một tự tánh”

Hòa Thượng Đại Ca ơi!... Đại Ca có nhớ khi Lục Tổ Huệ Năng thấy được tự tánh bèn la lên rằng: “Nào dè tự tánh vốn tự thanh tịnh!... Nào dè tự tánh vốn không sanh diệt!... Nào dè tự tánh vốn không lay động!... Nào dè tự tánh liễu tri muôn pháp”. 

Chứ đâu có nói: “Nào dè tánh mình vốn hay sân hận!... Nào dè tánh mình vốn hay tham dục!... Nào dè tánh mình vốn thích phân biệt!... Nào dè tánh mình theo duyên động lay!...” 

Nói đến đây, Lý Tứ lượm một viên đá nhỏ ném xuống mặt hồ... Hình ảnh của Lý Tứ và Lão Hòa Thượng chao đảo theo từng đợt sóng. Lý Tứ cười ha ha rồi nói: 

- Hòa Thượng Đại Ca!... Viên đá rớt xuống mặt hồ làm diện mục của tiểu đệ và Đại ca méo mó... Cái “bản lai diện mục” đâu rồi? Ha ha ha ha!... 

Tánh mình lại sanh diệt theo duyên!... Ha ha ha ha!... Nói đến đây Lý Tứ đọc mấy câu của Tổ Long Thọ: 

“Chúng duyên trung hữu tánh,

Thị sự tắc bất nhiên,

Tánh tùng chúng duyên xuất,

Tức danh vi tác pháp,

Tánh nhược thị tác giả,

Vân hà hữu thử nghĩa,

Tánh danh vi vô tác,

Bất đãi dị pháp thành.” 

Ha ha ha ha!... Cổ nhân đã nói như vậy!... Cố đem tánh mình cắt nghĩa tự tánh thiệt oan cho cái tự tánh!... Ha ha ha ha!... Tự tánh lìa mê lìa giác. Đem mê hiểu tự tánh đã sai, nay lấy giác hiểu tự tánh thiệt là mê chồng thêm mê... 

Lão Hòa Thượng trầm ngâm rồi nói: 

Lý Đệ quả nhiên biết dùng phương tiện để giải thích vấn đề. Cái thấu suốt của Lý Đệ, lão nạp đây một đời giảng kinh thuyết pháp mà chẳng thể bì kịp... 

Từ ngày lão nạp từ bỏ thân phận viện chủ, từ bỏ những gì có thể từ bỏ để tìm đến ngọn Kiến Tính này, thật ra không phải dễ dàng gì... Tâm huyết một đời của lão nạp, ân tình một đời với bao nhiêu con người gắn bó vì hạnh phúc của bản thân và đồng đạo. Đành lòng từ biệt quá khứ những tháng năm dấn thân đi tìm chân lý và dạy người chân lý... thiệt là việc khó làm!... 

Để có được ngày hôm nay, để có được những phút giây làm bằng hữu với Lý Đệ, để có được cái thong dong giữa Đại ngàn sáng nghe suối reo, chiều nhìn hạc múa, để có được phút giây “tu du phản chiếu”... lão nạp đã phải nhiều đêm trằn trọc, nhiều đêm chọn lựa, nhiều đêm tự nhủ với lòng và nhiều đêm đối diện với chính mình để tìm xem thành tựu bản thân là chân hay giả...

Câu nói của Lý Đệ, lão nạp nhớ mãi không quên: “Tâm này chính là đối tượng để người tu hành nhắm đến mà hàng phục, tâm này chính là đối tượng để người tu hành nghiêm khắc đánh giá mức độ thành tựu chứ không phải là những lý luận hay sự tung hô ngoài kia...” 

Lão nạp cũng từng trằn trọc với câu nói chí thiết của Lý Đệ: “Trượng phu là kẻ dám nhả bỏ những gì cần nhả bỏ mà người đời không dám nhả bỏ, dám nuốt vào những gì mà người khác không dám nuốt vào...” 

Thiệt là nhả bỏ những vị ngọt mình đã từng thụ hưởng không dễ, nuốt vào những thứ cay đắng của ngã này cũng thiệt khó làm... 

Nhưng rồi lão nạp lại nghĩ, một đời dấn thân tu hành là vì cái gì? Chẳng lẽ là vì cái ngã này... ? Chẳng lẽ để giữ gìn cái phù phiếm của sáng được tung hê chiều nghe chúc tụng…? 

Chẳng lẽ cứ tháng ngày giảng nói những lý lẽ cao thâm mà người nói lẫn người nghe đều mơ hồ trong cơn tùy mộng... Rồi đêm đến lại lo sợ bởi cái thân già này một mai nằm xuống chẳng biết sẽ về đâu…? Chẳng lẽ gặp nhau lại tung hô giải thoát, nhưng đêm đêm một mình âm thầm lần chuỗi niệm Phật cầu được vãng sanh... Nhưng mà có được may mắn vãng sanh hay không, chưa đến hồi kết làm sao biết được... 

Từ ngày gặp Lý Đệ, lão nạp mới ngờ ngợ rằng mặt trăng hãy còn xa lắm... Mấy chục năm trời, mở miệng là răn dạy đồ chúng hãy từ bỏ ngón tay để thấy mặt trăng. Nhưng mặt trăng là cái gì thì điều này lão nạp thật tình không dám nghĩ đến... 

Từ bỏ ngón tay này để lại nhìn ngắm ngón tay khác, rồi lại ve vuốt giảng giải ngón tay mà cứ lớn tiếng cho rằng mình đang giảng nói mặt trăng... 

Cho đến khi Lý Đệ hỏi lão: “Tự tánh là cái gì?” 

Câu hỏi này đã đánh thức lão nạp. Câu hỏi của Lý Đệ chính là động lực để lão nạp nhìn lại chính mình... Lão nạp này chợt nhận ra như người đứng trên đỉnh núi, toàn thân ở trong hư không nhưng da bàn chân hãy còn dính chặt vào mảnh đất ba cõi đang nằm dưới chân mình. Một đời lão nạp dấn thân cho Phật đạo, nhưng tâm này lại bị cột trói bởi danh vọng, địa vị, lễ nghi, hình tướng... Ba cõi hãy còn sờ sờ ra đó, có khác chăng, nó là sự biến tướng khôn ngoan của cái ngã này... 

Lần này lão nạp dứt áo ra đi, từ bỏ thân phận, từ bỏ đồ chúng... Không phải lão nạp này yếu hèn làm người chạy trốn trước thực tế của chân lý, mà lão nạp này hãnh diện với những gì mình thấy được... Vì tôn trọng chân lý, lão nạp này từ bỏ tất cả không phải với tâm trạng của người thua cuộc. Buông vũ khí chiến đấu không phải của một kẻ hàng binh... Lão nạp này thề quyết với lòng, chưa thực chứng chân lý là gì, chưa thấu suốt những điều mình đã từng giảng nói... lão nạp quyết bỏ thân nơi thâm sơn cùng cốc này để không phụ lòng chư Phật, không phụ niềm tin của đồ chúng đã gởi gắm cho mình... 

Cả đời lão nạp, vật thực thế gian không thiếu, danh vọng không thua... Nhưng cái lão nạp cần tìm là chân lý chứ không phải những thứ đó, không phải địa vị hư ảo và danh dự hão huyền... 

Khi nãy, lúc mặt hồ đứng lặng... lão nạp soi mặt mình xuống nước và câu nói của Lý Đệ, lão nạp như tỉnh cơn mê... 

Đúng là “bản lai diện mục” không phải ở duyên thấy nghe, không phải tìm thấy qua cái chao đảo của làn sóng tự tâm, mà nó chỉ hiện khi bặt dứt các duyên... 

Đúng là, người ta đã ném hòn đá thấy nghe, thổi ngọn gió nghĩ suy xuống mặt hồ rồi nhìn những hình ảnh biến dạng méo mó của duyên thấy nghe mà cho rằng diện mục... 

Hình ảnh thấy được qua các duyên này chính là tướng hư vọng. Chính là sự phản chiếu những hình ảnh hư vọng rọi xuống mặt hồ… Đừng tác động một chút duyên nào lên mặt hồ, thiệt tướng sẽ hiện... Bản lai hồ kia không tướng. Thiệt tướng chính là không tướng... 

Lão nạp bây giờ mới nghiệm ra thế nào là “Bất ưng trụ sắc sanh tâm”. Bất ưng trụ sắc là ngón tay, bất sinh tâm mới là mặt trăng... Ha ha!... 

Cả đời lão nạp giảng giải không biết bao nhiêu lần câu bất ưng trụ sắc, nhưng lại trụ câu nói đó để rồi sinh tâm mà chẳng dám từ bỏ nó để nhìn thấy mặt trăng... 

Lý Tứ và Lão Hòa Thượng cùng ngồi trên bãi cỏ ven hồ... Cả hai không nói lời nào!... Thi thoảng vài cơn gió nhẹ làm mặt hồ gợn sóng lăn tăn... Cứ như thế trời vẫn xanh, hồ vẫn trong và mây vẫn bay!... 

Lý Tứ lên tiếng: 

Hòa Thượng Đại Ca!... Tấm lòng của Hòa Thượng Huyền Không Lý Tứ này hiểu, tấm lòng Đại Ca Tiểu Đệ cũng hiểu... Cái vĩ Đại của Hòa Thượng Đại Ca trên đời không mấy người có được...

Tiểu Đệ kính trọng cái chân thực của Đại Ca, Lý Tứ kính trọng cái dấn thân vì chân lý của Hòa Thượng... 

Chỉ cần cái chân thực của tấm lòng, chỉ cần sự dấn thân vì chân lý... nhất định Hòa Thượng Đại Ca sẽ thấy được cái cần thấy và tìm được cái cần tìm... 

Hòa Thượng Đại Ca ơi!... Trong Phật đạo có hai chữ, người tu hành nào cũng biết, người tu hành nào cũng nghe, người tu hành nào cũng đọc... Thậm chí biết, nghe, tụng, đọc nhiều lần... nhưng chẳng mấy ai để tâm... Vì sao? Vì nghe riết rồi quen, đọc riết rồi thuộc, biết riết rồi nhàm chán, giảng nói riết rồi nó trở thành sáo ngữ tầm thường. Không một lần để tâm đến nó, rồi nó trở thành vô dụng như tiếng mõ đêm khuya... Đó là hai chữ: 

“Như Thị” và “Nhất Thời”... Không phải vô cớ mà trước khi nhập diệt, Thế Tôn lại di huấn đầu kinh phải đề: “Như thị ngã văn, nhất thời Phật tại”. 

Hòa Thượng Đại Ca!... Ai cũng biết ý nghĩa câu này, ai cũng hiểu câu trên ngụ ý nói rằng những lời kinh kia của ngài A Nan nghe và thuật lại... Nhưng nếu ý nghĩa của nó chỉ gói gọn như thế thì làm gì nhọc công Thế Tôn lại phải di huấn trong lúc lâm chung... Chẳng lẽ, trước khi lâm chung, người cha lại đi trăn trối cho con cái những điều tầm thường như thế… 

Nếu bảo rằng câu đó để chỉ ra rằng ngài A Nan nghe và thuật lại, thì vô hình trung tự loại mình ra khỏi ngữ ngôn văn tự ý nghĩa của lời kinh, mà Phật pháp là thường, Phật thường thuyết nên tôi thường nghe... Thành ra, phải là “Tôi nghe như vầy” 

Chứ không phải ngài A Nan nghe... Tôi nghe như vầy, chính tôi được nghe như vầy, mọi lúc mọi thời mọi nơi tôi chỉ nghe như vầy chứ không nghe khác... Ai thấu suốt được chữ như vậy người đó sẽ dứt vọng... Nghe được như vầy, thấu suốt như vầy, sáng trưa chiều tối đều không thấy sai khác vì chỉ như vầy, thì bây giờ nghĩa “Nhất Thời” sẽ hiện... 

Ai thấu suốt nghĩa “Nhất Thời” Nhất định dứt “tưởng”. Vì sao? 

Vì tưởng do ba thời mà sanh... Không vọng, dứt tưởng, chư Phật hiện tiền... Nên kinh nói rằng: “Như thị ngã văn, nhất thời Phật tại”. 

Lão Hòa Thượng sau một hồi trầm ngâm, ngước nhìn Lý Tứ rồi lên tiếng: 

Lý Đệ!... Đúng rồi Lý Đệ!... Thì ra câu “Nghe cái chưa từng nghe, thấy cái chưa từng thấy, biết cái chưa từng biết”… của kinh Niết Bàn bây giờ đã rõ. Nghe cái chưa từng nghe là nghe cái “Như Vầy”, thấy cái chưa từng thấy là thấy nghĩa “Nhất Thời”, biết cái chưa từng biết là biết “Tự tâm chính là Phật”... Ha ha ha ha!... 

Lý Đệ!... Lý Đệ!... Lời nói của Lý Đệ khiến lão nạp hiểu ra nhiều điều. Thì ra mặt trăng ở đằng sau ngón tay, rời ngón tay mới thấy mặt trăng. Nghe như vầy dứt vọng, thấy như vầy dứt tưởng, không vọng không tưởng, chư Phật hiện tiền... 

Lý Đệ quả có con đao sét rẹt mà bén ngót... Chỉ một đường đao chặt đứt nhân duyên... 

Như vầy!... Như vầy và chỉ như vầy mà thôi... Không như vầy mà thấy, không như vầy mà nghe, không như vầy mà hay, không như vầy mà biết... nhất định vọng sanh. Buông thấy nghe hay biết như kia, chỉ thấy nghe hay biết như vầy thì tự tánh sẽ hiện!... Ha ha ha ha!... 

“Chí đạo vô nan;

Duy hiềm giản trạch,

Đản mạc tắng ái;

Đổng nhiên minh bạch.”

Lời Thánh chẳng phải ngón tay!... Ha! Ha! Ha! Ha!... Đừng ve vuốt giảng nói ngón tay, mặt trăng sẽ hiện... Ngữ ngôn không tánh, nhưng lại biết gạt kẻ ngu!... Ha ha ha ha!... 

Câu nói của Lý Đệ hôm ở Long Sơn viện bây giờ đã rõ... 

⁕ “Ai biết lý duyên khởi sẽ biết được pháp, ai biết được pháp sẽ biết được không pháp, ai biết được không pháp sẽ thấy được nghĩa không, ai thấy được nghĩa không sẽ thấy được thật pháp, ai thấy được thật pháp sẽ thấu suốt Phật pháp”.

Thì ra câu nói của Lý Đệ ẩn chứa cả một quá trình tu tập thấu suốt và tâm chứng... 

Lý Đệ!... Lý Đệ đã dựng lại những gì ngã đổ trong lòng lão nạp. Lý Đệ đã đốt ngọn đuốc cho lão nạp này đi... Tiếc thay!... Tiếc thay!... Lão Hòa Thượng nói hai lần chữ tiếc thay rồi nín lặng... 

Lý Tứ quay qua hỏi Lão Hòa Thượng: 

- Đại Ca tiếc điều gì?

Lão nạp này tiếc!... Lão nạp này chỉ tiếc!... Ấp úng một hồi, cố vượt qua cái gì đó khó khăn. Lão Hòa Thượng mới mạnh dạn nói lớn: 

Lão nạp chỉ tiếc Lý Đệ là Cư Sĩ, tiếc mình là Hòa Thượng nên chẳng thể thành nghĩa thầy trò!... 

- Đại Ca!... Thân Đại Ca là Sa Môn, Tiểu Đệ là cư sĩ!... Cư sĩ phải đảnh lễ Sa Môn Hòa Thượng Đại Ca một cái mới xứng đạo tăng tục... Nói đến đây, Lý Tứ chắp hai tay hướng về lão Hòa Thượng xá ba xá... 

Lão Hòa Thượng đột nhiên tung mình lên cao, chiếc áo cà sa phất phới như chim phượng hoàng vụt qua mặt hồ bay về hướng núi Kiến Tính... 

Chỉ còn văng vẳng hai tiếng Mô Phật!... Mô Phật!... Lão nạp này không dám nhận!... Lão nạp này không dám nhận!... 

Lý Tứ cười ha hả rồi tung mình đuổi theo nói lớn: 

- Hòa Thượng Đại Ca!... Tiểu Đệ đi theo Đại Ca đây... Cả hai cùng hạ xuống chân núi kiến Tính. Trước mặt hai người hiện ra cửa Hang động Tự Tánh...

Trích Tâm Pháp - tác giả Lý Tứ

 

Bài viết cùng danh mục

Thông báo

Hoặc gọi 096.4343.168