HỎI ĐÁP CÙNG THẦY LÝ TỨ

116 lượt xem

HỎI ĐÁP CÙNG THẦY LÝ TỨ (Phần 1) 1-6-2023

 

Hỏi: Nội dung của khóa học Hạnh phúc quanh ta là gì?

 

Đáp: Khóa học hạnh phúc quanh ta chỉ là chương trình giáo pháp nhập môn, tương tự với lớp vỡ lòng trong Phật Đạo. Cung cấp cho các bạn những khái niệm cơ bản trong Phật Đạo, các mục tiêu mà Phật đạo có thể giải quyết. Tất nhiên, với một nền giáo dục khái niệm cơ bản luôn quan trọng.

 

Hỏi: Phật đạo giải quyết những vấn đề gì? Có phải sau khi học Phật đạo thì có thể giải quyết tất cả các vấn đề trong cuộc sống?

 

Đáp: Phật đạo không giải quyết tất cả mọi vấn đề của cuộc sống. Trên đời không có một nền giáo dục nào giải quyết được tất cả mọi thứ. Phật đạo chỉ giải quyết những vấn đề được đặt ra trong nền giáo dục của nó, đó là: HẾT KHỔ, DỨT TẬP, CHỨNG DIỆT và CÓ TRÍ TUỆ.

 

Hỏi: Nếu có trí tuệ thì có thể giải quyết được mọi thứ không?

 

Đáp: Trí tuệ được đề cập trong Phật đạo là Phật trí, là sự thông suốt Phật Đạo chứ không phải thông suốt các vấn đề về đời. Ngay cả Đức Phật nếu được đưa cho cái máy tính thì cũng phải đi học cách sử dụng, đưa cho cái xe hơi thì cũng phải đăng ký học mấy khóa lái xe hơi. Không nên hiểu lầm trí tuệ của Phật làm được mọi thứ. Trí tuệ của Phật chỉ thông suốt các vấn đề trong Phật Đạo, còn các vấn đề thuộc về thế pháp (pháp thế gian) thì phải học theo cách của thế gian.

 

Hỏi: Ai là người dạy trong Chương trình này?

 

Đáp: Vấn đề không phải ai dạy mà cần quan tâm trong đó nói gì, đây là thái độ của người trí. Đâu cần quan tâm họ là ai? Nhỡ họ là người danh tiếng nhưng nói bậy thì sao? Quan trọng là bạn tự kiểm định từ chính mình, HÃY NGHE ĐI rồi quay lai bản thân TỰ KIỂM ĐỊNH.

 

Hỏi: Tại sao không hướng dẫn mọi người giải quyết các vấn đề cá nhân mà phải học các khái niệm?

 

Đáp: Nếu không hiểu được các khái niệm cơ bản, rất khó để trao đổi với các bạn. Toàn bộ khung giáo dục đều phải bắt đầu từ khái niệm cơ bản. Mỗi nền giáo dục đều phải có những từ ngữ chuyên môn riêng, nếu như không nắm được từ ngữ chuyên môn này thì không thể biết các nội dung bên trong họ nói cái gì? Phật đạo cũng có những khái niệm chuyên môn, nếu lấy hiểu biết ở đời để hiểu về các từ ngữ chuyên môn thì không thể thành tựu. Ví dụ như khái niệm “phần mềm” trong chuyên môn tin học mà hiểu thành “cục bông” thì không làm sao giải quyết được các yêu cầu khi sử dụng máy tính. Và chỉ có những người có chuyên môn mới có thể giải thích được các từ ngữ chuyên môn, mới đáng tin cậy để được lắng nghe giải thích và chỉ có giải thích đúng mới ứng dụng được.

 

Hỏi: Vậy những người chia sẻ trong Chương trình Hạnh Phúc Quanh ta là những người đã ứng dụng được những từ ngữ chuyên môn này?

 

Đáp: Đúng, họ đã ứng dụng được và ĐÃ THÀNH CÔNG với những khái niệm chuyên môn này.

 

Hỏi: Thế nào là một người được coi là thành công khi học tập trong Lý Gia?

 

Đáp: Trong Lý Gia coi là người thành công nếu sau một thời gian học tập, THỨ NHẤT là giảm thiểu đa số những nỗi khổ của đời, khoảng 70 – 80%. Tại sao chỉ giảm thiểu 70 – 80%, vì đó là đặc điểm của giáo dục, một người học hết cấp 1 cũng không thể giải quyết hết toàn bộ các bài toán của cấp 1 mà cần phải học lên các cấp cao hơn. THỨ HAI là họ giải quyết được cấp học thứ 2 là Tập Đế, nghĩa là giải quyết được phiền não, kiết sử (tham sân si), không còn bị mê mờ bởi cái gì. THỨ BA sau khi giải quyết xong 2 cấp học này họ thành công trong việc nhận ra tự thân mình chứng Niết Bàn, an vui. Sau khi hoàn thành 3 cấp học, tự người này có thể đứng vững trên đôi chân của mình. Nếu người này muốn dấn thân trở thành người Thầy thì tiếp tục học tập để có chuyên môn đi hướng dẫn người khác. Tùy thuộc vào những thước đo như vậy để kiểm chứng bản thân. Anh học một thời gian (1 tháng, 2 tháng, 3 tháng)… tự dưng đứng trước các vấn đề trước đây rất khổ não thì giờ không còn khổ nữa, rồi sau đó đứng trước các vấn đề thế gian thấy trong lòng không còn tham, không còn sân, không si….

Ngoài các mục tiêu này Phật Đạo không giải quyết được các mục tiêu khác, Phật Đạo không giúp cho bạn trúng số, không giúp cho bạn hết đau.

Con người ta có 2 thứ là đau và khổ. Nếu đau hãy đến với y học, vì đối tượng của họ là cái đau trên thân bạn, nếu bạn khổ thì hãy đến Phật Đạo, Phật Đạo là thứ đạo chuyên giải quyết các món khổ. Cho nên một người sau khi theo Phật Đạo, người này không tránh khỏi đau, vì sinh lão bệnh tử là quy luật, không ai ra khỏi quy luật này, nhưng người đời đau thì luôn kèm theo khổ, còn người thành tựu trong Phật Đạo có đau nhưng KHÔNG CÓ KHỔ. Điều này chúng ta phải minh bạch, Lý gia luôn minh bạch, vào đây chúng tôi chỉ giải quyết được các vấn đề này, nếu phù hợp thì chúng ta cùng học tập.

 

Hỏi: Thầy có lời khuyên nào cho phụ huynh về việc giáo dục và nuôi dạy con?

 

Đáp: Với quan điểm của Phật Đạo, vì nó là một nền giáo dục do đó chỉ những ai đủ nhận thức, ví dụ tầm 17 – 18 tuổi trở nên, nhận thức được cuộc đời có khổ não thì người đó mới biết nó cần điều gì để giác ngộ, cho nên con nít đâu đã biết gì mà giác ngộ? Lý gia cũng có con trẻ nhưng đó là nó theo cha mẹ vào nghe chứ mình luôn khuyến khích các bạn ý học tập các tri thức ở đời vì các bạn ý cần được trang bị các tri thức của đời trước. Nếu tri thức ở đời chưa có hoặc chưa đủ ở mức độ nào đó thì rất khó tiếp nhận Phật Đạo. Phật Đạo là đạo DIỆT KHỔ mà, trẻ con đã biết khổ là gì đâu mà diệt?

Nhưng mà theo mình biết thì các HĐ trong Lý Gia nuôi dạy con rất tốt, mặc dù mình không dạy các bạn ý điều này nhưng vì các bạn ý ứng dụng giáo pháp vào đời sống nên các bạn ý làm tốt vai trò của mình!

 

 

HỎI ĐÁP CÙNG THẦY LÝ TỨ (Phần 2) 2-6-2023

 

Hỏi: Thầy có thể chia sẻ về bát chánh, bát chánh có phải là con đường giúp chúng sanh thoát khổ? Có phải là con đường dẫn đến giải thoát?

 

Đáp:

Về tổng quan, bát chánh có 8 điều chân chánh (chánh kiến, chánh tư duy, chánh niệm, chánh nghiệp, chánh định, chánh mạng, chánh ngữ, chánh tinh tấn), đó là kết quả của một quá trình học tập, là kết quả của một quá trình ứng dụng, không phải là nhân để tu hành.

 

Trong 37 phẩm trợ đạo, bát chánh là 8 phẩm cuối cùng, có nghĩa là nó phải trải qua 29 phẩm trước đó, vì vậy nó là thành quả. Một người chưa giác ngộ thì chưa thể biết cái gì là chân chánh.

Giống như một người mù không thể biết gì về màu sắc, muốn người này có hiểu biết đúng đắn về màu sắc thì phải chữa cho người này hết mù, khi người này hết mù tự dưng người ta sẽ biết thế nào là màu xanh, thế nào là màu đỏ.

 

Điều đặc biệt là bát chánh trong Phật Đạo phát triển theo từng giai đoạn học tập, ví dụ giai đoạn này thế này là chánh nhưng giai đoạn sau không còn là chánh. Ví dụ, mục tiêu của các bạn là đi từ đây đến Thành phố Hồ Chí Minh, thì mục tiêu trước mắt các bạn nhắm đến là Nha Trang, như vậy, lúc này Nha Trang là chân chánh. Khi còn ngồi đây, các bạn được nghe nói về Nha Trang, các bạn chưa biết gì về Nha Trang, nếu có biết thì cũng chỉ thông qua lời kể lại. Khi các bạn đến được Nha Trang, lúc đó các bạn biết rất rõ về Nha Trang, cái biết đó bây giờ là chân chánh vì các bạn thực sự đến đó, đã tận mắt nhìn thấy Nha Trang.

 

Nhưng mục tiêu cuối cùng của các bạn là TP. Hồ Chí Minh, nếu các bạn không đi tiếp mà các bạn ở lại Nha Trang, thì bây giờ mục tiêu Nha Trang trở thành tà chứ không còn là chánh. Như vậy nó chỉ chánh trong giai đoạn này nhưng sẽ là tà trong giai đoạn khác. Cho đến bao giờ các bạn đến được mục tiêu cuối cùng các bạn đề ra, bây giờ cái chánh đó mới thực sự là chân chánh. Chính vì vậy mà Đức Phật mới có danh hiệu là VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC.

 

Chính vì không hiểu đúng về điều này nên dù có tu tập cũng không thành tựu được cái gì. Bát chánh đạo là kết quả cho nên không thể lấy bát chánh để mà tu? Nếu đã biết cái gì là chánh thì đâu cần phải tu? Giống như các bạn đã biết về Nha Trang rồi thì cần gì phải đặt mục tiêu đến Nha Trang nữa? Nếu chưa đến Nha Trang mà có hiểu biết thì hiểu biết này chưa chân chánh (theo tinh thần Phật Đạo), nó chỉ là cái hiểu của tri thức, chưa có thực chứng, mà Phật Đạo là ĐẠO THỰC CHỨNG.

Cũng vì sự hiểu lầm điều này nên người ta không thể thực chứng trong Phật Đạo. Giống như một người giảng về ánh sáng cho người mù, nếu chỉ giảng giải về màu sắc cho người mù thì dù có giảng cái gì người mù cũng chỉ thấy thành màu đen, vì cuộc đời người ta chưa nhìn thấy cái gì ngoài màu đen? Như vậy công việc cần làm không phải là giảng về màu sắc chân chánh cho người mù mà việc cần làm là chữa cho người này sáng mắt. Khi họ sáng mắt thì dần dần họ sẽ tự học được thế nào là màu sắc, thế nào là giá trị của ánh sáng, từ hiểu biết này họ mới học được thế nào là hội họa. Đa số người ta làm ngược quy trình, nghĩa là để nguyên một người mù và dạy họ về ánh sáng, về hội họa. Vì làm ngược như vậy nên dù có học cái gì cũng không thể THỰC CHỨNG TRONG PHẬT ĐẠO.

 

Nếu làm đúng quy trình, một thời gian sau khi học tập, các bạn dù muốn kiếm cái khổ cũng không ra.

Thực ra học tập trong Phật Đạo không phải là TU CHO RA CÁI NIẾT BÀN hay HỌC CHO RA CÁI PHẬT TÁNH mà khi các bạn gạt hết các món Khổ, Kiết Sử, Phiền Não, Lậu hoặc thì tự nhiên các bạn thấy được cái Niết Bàn, cái An vui, cái Thanh tịnh tự thân. Phật đạo không phải là PHÁP LÀM RA, có nghĩa là không phải các bạn học để cho ra cái gì, những cái đó nó đã có sẵn bên trong các bạn. Giống như cha mẹ ông bà để lại cho các bạn một khối tài sản lớn ở đâu đó xung quanh các bạn, nhưng các bạn vẫn nghèo đói. Nhưng nếu có một người đủ uy tín và chứng minh được là ông bà cha mẹ đã để lại cho các bạn một kho báu, và đủ phương tiện để hướng dẫn các bạn đào cái đó lên thì các bạn chỉ cần học những kiến thức đó là kho báu trở thành của các bạn chứ không cần làm ra cái gì? Như vậy người Thầy trong Phật Đạo không phải là người dạy cho các bạn một cái gì mới, mà là hướng dẫn cho các bạn tìm lại chính khối tài sản của các bạn. Giống như một người giàu bỗng dưng ngủ mê thấy mình nghèo đói, ăn xin, nếu người này không thức dậy thì họ vẫn chỉ sống trong cuộc sống nghèo đói. Bây giờ có một người đi lại đánh thức người này dậy thì rõ ràng tài sản của người giàu đó chưa bao giờ mất đi. Vậy thì công việc của Phật Đạo là đánh thức các bạn giật mình thức dậy trong giấc mơ dài 3 cõi này chứ không phải làm cho các bạn cái gì khác.

 

HỎI ĐÁP CÙNG THẦY LÝ TỨ (Phần 3) 3-6-2023

 

Hỏi: Thưa Thầy, Phật có dạy: bát chánh đạo là tấm bản đồ để chúng ta đi, nhưng theo lời Thầy thì đó là quả, vậy thì hành trình để đến được chỗ chánh đó là như thế nào? Ví dụ như con muốn có sức khỏe tốt thì chắc chắn giải pháp là phải tập thể dục, với con biết là phải tập thể dục là chánh và khi con nương theo cái chánh như vậy thì con biết sức khỏe con có sự tăng trưởng. Hoặc ví dụ con biết con đang làm một công việc không có tốt, con quay lại con điều chỉnh chánh nghiệp để có thể làm một việc tốt hơn. Hoặc con biết là chánh kiến của con chưa tốt nên trong từng hành động con vun bồi chánh kiến đó để nó tốt hơn, như vậy trong cuộc sống, trong công việc, trong hàng ngày mỗi điều con làm con đều nương theo 8 chánh đó với mong ước được giác ngộ. Tuy nhiên như Thầy có nói, chỉ khi nào giác ngộ thì mới có được 8 chánh đó, vậy thì câu hỏi đặt ra là chúng sanh làm thế nào để đi được đến con đường giác ngộ đó?

 

Đáp: Với ví dụ của bạn, một người biết tập thể dục thì có được sức khỏe tốt. SỨC KHỎE TỐT chính là CHÂN CHÁNH của cơ thể. Như vậy, khi nào bạn tập thể dục đến lúc bạn đạt được cái YÊU CẦU VỀ SỨC KHỎE TỐT thì bạn mới ĐƯỢC CHÂN CHÁNH, chứ khi còn đang tập thể dục thì ĐÂU CÓ BIẾT CHÁNH LÀ CÁI GÌ? Như vậy, kết quả đó phải là kết quả cuối cùng sau thời gian tập luyện thì bạn mới biết THẾ NÀO LÀ SỨC KHỎE TỐT. Còn bây giờ bạn còn đang yếu mà bạn nghĩ là tôi có sức khỏe hay tôi rất khỏe thì ĐÓ LÀ SUY NGHĨ CỦA BẠN vì NÓ CHƯA CÓ THỰC CHỨNG.

Còn tấm bản đồ để đi là gì? Đó chính là hệ thống giáo dục, là toàn bộ giáo trình của nền giáo dục Phật Đạo. Nó giống như một con đường bao gồm 4 mục tiêu mà người học cần chiếm lĩnh từng mục tiêu, bao gồm: Phật giáo cơ bản, Phật giáo nâng cao, Phật giáo chuyên sâu. Muốn đến lớp nâng cao phải qua lớp cơ bản, muốn đến lớp chuyên sâu phải qua lớp nâng cao. Tâm thức của con người rất đa dạng, không ai có thể vẽ ra tâm thức của ai cả nhưng tâm thức cũng có những nét chung, chính nét chung đó tạo nên con đường một người cần phải đi. Còn đi cụ thể thế nào thì các bạn phải đi mới biết được. Lý Gia chỉ trang bị cho các bạn con đường các bạn phải đi chứ không thể đi thay các bạn được. Chính vì thế trong Lý Gia áp dụng 3 pháp: văn – tư – tu làm phương pháp học tập. Văn là trang bị kiến thức, tức là các bạn sẽ được tiếp nhận kiến thức từ sách vở, từ lời giảng giải và KIẾN THỨC NÀY PHẢI CHUẨN. Sau khi được trang bị kiến thức, người học tư duy những kiến thức này gọi là Thiền Tư. Chứ Thiền không phải là ngồi hít thở. Khi bạn tư duy cho đến thấu đáo, chỗ nào không hiểu, chỗ nào không thuyết phục phải hỏi cho đến nơi đến chốn. Chỉ khi nào thấu đáo thì bây giờ các bạn mới có thể ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống của các bạn, cho đến khi nào ứng dụng thuần thục các Pháp này thì gọi là TU.

Trong Lý Gia mọi thứ đều minh bạch, mục tiêu minh bạch, phương pháp minh bạch. Nếu ai thấy mục tiêu này giống với mong muốn của mình, đó là hết khổ, được an vui hạnh phúc, tự tại giữa cuộc đời…, phù hợp với phương pháp tiếp cận của chúng tôi, đó là học tập theo phương pháp văn - tư - tu thì chúng ta cùng học tập.

Đã nói đến giáo dục thì phải có những mục tiêu cụ thể và minh bạch. Nhưng hiện nay có rất nhiều cái không minh bạch, do không am tường về Phật Pháp dẫn đến không minh bạch về mục tiêu, từ đó mà người ta đưa ra những mục tiêu rất không rõ ràng. Nếu tu tập một thời gian mà chữa được bệnh thì cần gì bác sĩ, cần gì bệnh viện? Nếu tu tập để mà giàu có thì cần gì lao động? Rất nhiều điều vô lý như vậy mà nhiều người vẫn tin. Nhưng khổ nỗi đấy lại là đặc tính của con người, đặc tính muốn gửi gắm mình vào tay người khác. Chính vì điều này mà rất nhiều người lợi dụng đặc điểm đó của con người để trục lợi.

 

Hỏi: Lấy gì để chứng minh lời của Thầy là Phật Pháp?

 

Đáp: Đây chính là câu hỏi của người trí, người trí không có mù tin. Các bạn biết Phật đạo có các mục tiêu, mục tiêu thứ nhất là sau một thời gian học tập sẽ giải quyết được các món khổ nhân sinh, nghĩa là đứng trước nỗi khổ thế gian trước đây cảm thấy rất khổ sở thì bây giờ giảm thiểu tối đa. Nếu các bạn học tập ở đâu đó mà một thời gian các món khổ này vẫn còn nguyên thì phải xem lại. Còn nếu mà đúng là bạn thấy hết khổ thì đây là dấu hiệu cho thấy bạn đang đi đúng. Như vậy, muốn biết những điều mình nói có đúng không phải căn cứ vào các mục tiêu của Phật Đạo đề ra, mà Phật Đạo là đạo diệt khổ nên yêu cầu trước tiên là phải thấy đỡ khổ.

Các bạn ai cũng nghe đến Tứ Đế, chữ Đế ở đây là nền tảng, là cấp lớp. Tứ Đế gồm 4 cấp học:

+ cấp 1 giải quyết Khổ gọi là Khổ đế ,

+ cấp 2 giải quyết Tập gọi là Tập đế, Tập là những nguyên nhân nào sinh ra phiền não, kiết sử, lậu hoặc.

+ cấp 3 gọi là Diệt Đế nghĩa là tất cả những hư vọng đã được Diệt, gọi là Niết Bàn.

+ cấp 4 gọi là Đạo Đế, bây giờ mới là lúc học Phật Đạo.

Chính vì thế trong Kinh hay nói: Hết khổ, Dứt Tập, Chứng Diệt và Tu Đạo. Phải đến cấp thứ 4 mới được gọi là Tu. Giống như một người bị đau chân mà đi học điền kinh, thì cấp 1, cấp 2, cấp 3 phải chữa cho người này hết đau chân, rồi đến cấp 4 mới bắt đầu học các chuyên môn của điền kinh.

 

Hỏi: Trong Tứ Đế, cái nào là nhân, cái nào là quả?

 

Đáp: Cấp học trước là nhân của cấp học sau, cấp học sau là quả của cấp học trước. Nếu lấy nền giáo dục quốc dân làm ví dụ thì theo bạn cấp nào là nhân, cấp nào là quả?

 

Hỏi: Cấp 1 là nhân của cấp 2, cấp 2 là nhân của cấp 3. Nhưng theo em Tập Đế là nhân của Khổ Đế, Diệt Đế là quả của Đạo Đế.

 

Đáp: Nếu nói như bạn thì học cấp 2 xong mới đi học cấp 1, học Đại học xong mới đi học cấp 3. Chính cái hiểu sai lầm về kiến thức Phật Đạo mà các bạn không ứng dụng được. Bây giờ chưa nói đến Phật Đạo, chỉ quay sang giáo dục quốc dân thôi cũng có thể dễ thấy, các bạn có thể tự suy ra cái nào là nhân? Muốn học được cấp 2 thì phải học cấp 1 chứ? Mấy kiến thức này mình cũng đọc rất nhiều trên mạng, chứng tỏ người viết cũng không biết gì về Phật Đạo.

 

Hỏi: Con muốn hỏi tính chân lý của 4 cấp học này? Quan điểm của Lý Gia về tính chân lý này?

 

Đáp: Lý Gia không có quan điểm riêng. Lý Gia chỉ dạy lại quan điểm của Phật. Bốn đế này không có chân lý gì cả, nó chỉ 4 cấp học. Nếu nói chân lý ở đây thì đó chính là việc tìm ra sự thật đúng nhất trong thân tâm của bạn.

 

Hỏi: Con đã tìm ra sự thật nhưng bên trong con vẫn mù và vẫn khổ?

 

Đáp: Nếu mù thì phải bệnh viện mắt, còn nếu khổ thì phải học tập. Đó là lý do vì sao Kinh Điển Phật Giáo nhiều như vậy, đó chính là sách giáo khoa của nên giáo dục, đã là sách giáo khoa thì phải có người lãnh hội được tinh thần của Sách giáo khoa này mới có thể truyền tải được tinh thần này. Nhưng ở đời người ta lại không như thế, ra tiệm sách vớ cuốn sách nào cũng đọc, rồi hiểu sai, hiểu sai lại đi truyền đạt sai. Giống như bạn vào tiệm thuốc tây, thuốc nào cũng là thuốc chữa bệnh nhưng muốn uống đúng phải là người am tường các loại thuốc này mới chỉ được cho bạn thuốc nào dành cho bạn, chứ không phải vớ thuốc gì cũng uống là … biết liền.

Chính vì thế trong Phật Đạo có các vị Bồ Tát, Bồ Tát chính là những vị thầy giáo có đủ năng lực truyền đạt sách giáo khoa trong hệ thống giáo dục Phật Đạo cho các bạn.

 

Hỏi: Đấy là về học còn vậy thì pháp hành ở đây là gì?

 

Đáp: Mình không nói gì về Pháp hành cả, Lý Gia chỉ chủ trương giáo dục: các bạn học xong về học bài, ứng dụng bài học. Giống như trên lớp các bạn học 2+2 = 4, học xong ra chợ mua 2 con gà thêm 2 con vịt thì biết mình có 4 con, còn trước chưa học thì ai hỏi không biết là mấy con.

 

Hỏi: Có người không học mà vẫn biết Thầy ạ.

 

Đáp: Trên đời có rất nhiều người không học mà vẫn biết, nhưng quan trọng NGƯỜI ĐÓ KHÔNG PHẢI MÌNH, nếu mình cứ tưởng mình giống họ thì đấy KHÔNG PHẢI THÁI ĐỘ CỦA NGƯỜI TRÍ. Đã là người trí thì KHÔNG NÊN ĐẶT RA ĐIỀU NÀY, bởi vì những người như thế thì rất nhiều nhưng khổ nỗi nó không phải là mình, đã không phải là mình rồi thì mình đặt vấn đề đó ra làm gì cho rắc rối? Thái độ kẻ trí là người phải xem lại mình là ai trong nền giáo dục này, mình đã hiểu gì trong nền giáo dục này? Vấn đề ở đây là cần phải đặt ra câu hỏi: TÔI CÒN KHỔ KHÔNG? Nếu còn khổ thì tôi phải làm sao giúp tôi hết khổ? TÔI CÒN PHIỀN NÃO KHÔNG? Nếu còn phiền não thì làm sao để tôi hết phiền não?

 

Hỏi: Thưa Thầy, con thấy có quan điểm rằng SỰ SỐNG NÀY RẤT HOÀN HẢO, do con người suy nghĩ nhiều quá, lo âu nhiều quá mà đâm ra buồn khổ. Như Trịnh Công Sơn có câu: “Ta là ai mà yêu quá đời này?”

 

Đáp: Nói chung, đấy là quan điểm của bạn, bạn cứ giữ quan điểm đó, mình có nói gì về nó đâu. Ở đây, chúng mình chỉ nói đến những người mà thấy đúng là CUỘC ĐỜI LÀ BẤT NHƯ Ý, NHIỀU KHỔ NÃO. Giờ trưa thế này mà về muộn tí có khi lo ngay ngáy vì sợ vợ chửi. Nếu bạn thấy vợ chửi bạn vẫn vui thì ok, còn nếu bạn thấy khổ thì đến đây. Chúng ta không ràng buộc gì nhau, rất thoải mái. Mỗi người đều có quyền có quan điểm riêng, không ai bắt mình phải thay đổi được cả. Ngay cả ông Phật cũng không có quyền làm điều này. NHƯNG nếu như tôi thấy những lời ông nói là chân lý, tôi muốn học những điều đó thì tôi sẽ theo. Tôi sẵn sàng quỳ lạy trước chân lý của Phật!

Lý Diệu Tâm

Bài viết cùng danh mục

Thông báo

Hoặc gọi 096.4343.168