Khái Niệm Trần; Pháp Trần; Pháp Giới

127 lượt xem

Khái Niệm Trần; Pháp Trần; Pháp Giới

Pháp có ba tầng, ba tầng này cho ra hệ quả của nó là “Ngu, Mê, Lầm”

1. Trần

Tự nó như hư không, không có tên tuổi, không có giá trị, tức không tướng, không tánh, không vị, không giới, không danh, không lượng. Nên “Trần” chưa phải là “Pháp”.

2. Pháp Trần (hay Pháp)

Khi ý thức tiếp xúc, mới có tên bình bàn, hình dáng bình bàn, giới hạn và giá trị bình khác bàn, tánh chất riêng của bình bàn. Những thứ này do ý thức gắn vào “Trần” nên gọi là “Pháp Trần” (nói gọn là Pháp). chừng mực nào đó, khi nói đến “Pháp” được hiểu là những gì “ý thức” tiếp cận được. Khi nói đến “Trần” được hiểu là những gì do “các căn còn lại” tiếp xúc.

Tuy nhiên đối với chúng sanh, thức nhập vào các căn gọi là nội lục nhập, buộc các căn phải đón nhận trần cảnh theo chủ ý của mình gọi là ngoại lục nhập, thành tựu sự đón nhận này gọi là thập nhị nhập.

Bây giờ, ý thức mới phân tích sự đón nhận đó theo quan điểm của nghiệp chung và nghiệp riêng, cho ra kết luận như thế này hoặc như thế kia, gọi là sinh pháp, hoàn thành sự nhận biết này gọi là thập bát giới.

Để làm rõ vấn đề, xin đưa thêm một số kiến giải...

Pháp có ba tầng, ba tầng này cho ra hệ quả của nó là “Ngu, Mê, Lầm”, đó là:

 

- Khái niệm

Một loại pháp hình thành do phân biệt, hệ quả của pháp này là Kiết Sử sẽ sanh, gọi là "Ngu". Hết cái ngu này dứt Tập, ra khỏi Nhuận Chi Vô Minh.

- Tri thức

Đây là loại pháp, nếu mê sẽ sanh ngã, gọi là "Mê". Hết cái này sẽ chứng Diệt, thành tựu Niết Bàn, ra khỏi Căn Bản Vô Minh.

- Quan niệm

Đây là tầng thứ ba của pháp, pháp này mê hoặc hữu tình, làm cho thánh phàm "Lầm tưởng" cứu cánh. Dứt mê hoặc này, sẽ viên mãn Diệt đế, bước vào Đạo đế, thành tựu trí tuệ. Thoát khỏi Vô Minh Trụ Địa.

3. Pháp giới

Là những nơi nào ý thức đến được, dễ hiểu hơn, "Pháp Giới" là giới hạn của "Ý Thức". Ví dụ: Khi nói đến sao hoả, người ta liền liên tưởng đến sao hoả, khi nói “địa ngục”, “Niết bàn”... cũng điều được liên tưởng. Sự liên tưởng này gọi là “Pháp Giới”.

Pháp do “Tâm sanh”, Trần do “nghiệp duyên sanh”. Pháp thuộc “nhận thức”, Trần thuộc về “thế giới”. Hai thứ này cần rạch ròi không nên lẫn lộn.

Phật nói “Pháp Giới không cùng tận ”, vì nghĩ tưởng của hữu tình không cùng tận. Khi nói đến cái gì thì người đời liền đưa ý thức đến đó. Nơi chốn của “ý thức” đến được gọi là “Pháp giới”. Do hiểu biết này mà chúng sanh không ra khỏi “Pháp giới

Với người tu Phật chỉ nên “không Pháp”, cũng không nên “muốn thấy được chơn tâm”. Vì, chỉ khi nào dứt “Cái Muốn” thì chơn tâm mới hiện.

(24-05-2013)

(Nguồn: Lý Tứ , Anh Lạc Luận Tập 2 - 1.12 . Khái Niệm " Trần ; Pháp Trần ; Pháp Giới " ,NXB Hồng Đức , 2021 )

 

Bài viết cùng danh mục

Thông báo

Hoặc gọi 096.4343.168