KHAI THÁC NỘI DUNG BÀI KINH TẤT CẢ CÁC LẬU HOẶC

107 lượt xem

Kinh tất cả các lậu hoặc là bài kinh số 2 thuộc Kinh Trung Bộ - Đại tạng Kinh Việt Nam, được coi là bộ kinh trang bị cho hàng Phật tử kiến thức căn bản để vững tiến trên con đường tu học.

Kinh Tất cả các lậu hoặc cũng là bài kinh số 3 trong cuốn 11 bài Kinh Phật được Thầy Lý Tứ kết tập và chú thích, cuốn sách được coi là bức tranh tổng thể về hệ thống giáo dục đào tạo, tiến trình tu tập trong Phật đạo từ sơ cơ đến tối thượng.

KHAI THÁC NỘI DUNG BÀI KINH TẤT CẢ CÁC LẬU HOẶC

(Ghi chép nội dung sinh hoạt nhóm Liên quân miền Đông-Đà nẵng)

1. Tiếp cận bài Kinh

Kinh tất cả các lậu hoặc là bài kinh số 2 thuộc Kinh Trung Bộ - Đại tạng Kinh Việt Nam, được coi là bộ kinh trang bị cho hàng Phật tử kiến thức căn bản để vững tiến trên con đường tu học.

Kinh Tất cả các lậu hoặc cũng là bài kinh số 3 trong cuốn 11 bài Kinh Phật được Thầy Lý Tứ kết tập và chú thích, cuốn sách được coi là bức tranh tổng thể về hệ thống giáo dục đào tạo, tiến trình tu tập trong Phật đạo từ sơ cơ đến tối thượng.


2. Vai trò của bài Kinh

Lậu là rỉ chảy, hoặc là che mờ. Lậu hoặc là những thứ rỉ chảy trong tâm trí chúng sanh, làm tâm trí bị che mờ, không sáng suốt, không thấy được Niết Bàn. Theo bài Kinh, các lậu hoặc là nguyên nhân gây “tàn hại” (thân) và “nhiệt não” (tâm).

Đạo Phật là đạo xuất thế. Giải quyết các món lậu hoặc đối với người tu hành thuộc về thế đế. Tuy thuộc về thế đế nhưng việc giải quyết các món lậu hoặc lại có một vai trò rất lớn và quan trọng đối với người tu hành. Bởi chỉ khi các lậu hoặc được giảm thiểu một cách tối đa, không còn rỉ chảy trong tâm thức thì người tu hành mới có cơ hội nhìn thấy thanh tịnh tâm, bổn tâm vốn sẵn có của mình. Nói cách khác, khi giải quyết xong các món lậu hoặc, chính là người tu hành đã đặt một chân vào cánh cửa xuất thế, đưa đến Niết Bàn. Với những lí do như vậy, bài Kinh có một ý nghĩa quan trọng, xứng đáng để người tu hành dành thời gian nghiên cứu, tư duy.

Ngoài ra, chủ quan người viết cảm nhận cách giảng giải theo lối bạch văn rất chi tiết, tỉ mỉ có thể nói là “cầm tay chỉ việc” của Đức Phật trong bài Kinh còn đem đến cho người đọc một giá trị ứng dụng cao vào thực tế đời sống.

3. Làm rõ một số nội dung bài Kinh

3.1 Đối tượng và điều kiện

Mở đầu bài kinh Tất cả các lậu hoặc, Phật viết:

“Này các Tỷ kheo, Ta giảng sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy, không phải cho người không biết, cho người không thấy.”

Câu này có nghĩa một người chỉ có thể giải quyết các món lậu hoặc khi người đó đã thực sự thấy được những lậu hoặc rỉ chảy trong tâm trí mình và có những hiểu biết cụ thể nhất định về những lậu hoặc đó.

Đây là một sự thật hiển nhiên, giống như người lính ra trận muốn thắng lợi thì điều trước tiên nhất thiết phải biết là: quân giặc là ai, hình tướng đặc điểm nhận biết thế nào, trú xứ ở đâu. Nếu không biết những điều này không thể tránh khỏi việc lao vào trận chiến một cách hồ đồ, không trúng đích thậm chí có khi tự mình làm tổn hại chính mình.

Nguyên lý hiển nhiên là như vậy, nhưng trong thực tế không ít những người tu hành vẫn đang dấn thân trong sự mơ hồ, khổ nhưng không biết vì sao khổ, khổ nơi tâm trí này nhưng không quay lại tâm trí này để xem xét kĩ lưỡng nỗi khổ ấy, lại lao ra bên ngoài nương tựa nơi một tha lực mơ hồ nào đó cùng với một niềm tin không căn cứ, kết quả càng dấn thân càng rối rắm, bế tắc.

Cũng chính vì lí do như vậy mà chúng ta hiểu được vì sao việc học tập trong Lý Gia lại đề cao việc trang bị kiến thức chuẩn như vậy. Mỗi huynh đệ ngay khi vào Lý Gia đều được giảng giải cho nắm vững thế nào là lậu hoặc, hình tướng của lậu hoặc ra sao, thế nào là dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, dấu hiệu nhận biết thế nào, do đâu mà có ...vvv…

3.2 Về “Như lý tác ý”

“Và này các Tỷ kheo, thế nào là sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy: có như lý tác ý và không như lý tác ý.”

Như lý tác ý – có nghĩa là chỉ nên y cứ vào chân lý, như chân lý, như bản chất, như giáo lý (cơ sở lý luận) người tu hành đã được trang bị mà tác thành trong suy nghĩ và hành động của mình. Như lý tác ý chính là tư duy như pháp, là Chánh tư duy.

Hiểu đơn giản hơn là muốn làm một việc thành công phải có phương pháp đúng và phải làm đúng như phương pháp. Nếu không có phương pháp đúng hoặc không làm đúng như phương pháp (không như lý tác ý) thì hệ quả tất yếu là “các lậu hoặc (dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu) chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng”. Ngược lại, nếu có phương pháp đúng kết hợp với sự làm đúng như phương pháp (như lý tác ý) thì “các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt.”

Tuy nhiên, tâm thức chúng sanh vốn như một ma trận tâm pháp với rất nhiều cạm bẫy và lối tẻ. Bản thân chúng sanh sơ cơ lại không thể đủ sức để biết thế nào là “như lý” và “không như lý”. Ngay cả với huynh đệ Lý Gia chúng ta, cũng không ít người mặc dù khi được nghe Thầy giảng giải có vẻ thấy mình đã rất hiểu như vậy nhưng trong quá trình thực hành, giải quyết từng vấn đề cụ thể của tự thân thì không tránh khỏi việc đôi khi “không thông”, thậm chí nhận lầm những suy nghĩ mông lung hư vọng là “như lý”. Đây là lí do vì sao người tu hành cần thường xuyên gần gũi thiện tri thức, gần gũi người Thầy và cởi mở chia sẻ, trao đổi những tâm tư, khúc mắc của mình để được nhân đó mà hiểu ra thế nào là “như lý” thế nào là “không như lý”, từ đó biết “như lý tác ý”.

3.3 Các cách đoạn trừ lậu hoặc

Có 7 cách đoạn trừ các lậu hoặc được Phật tuyên thuyết lần lượt theo thứ tự như sau:

“Này các Tỷ kheo,
- Có những lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ;
- Có những lậu hoặc phải do phòng hộ được đoạn trừ;
- Có những lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ;
- Có những lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ;
- Có những lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ;
- Có những lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn trừ;
- Có những lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ.”

3.3.1 Do tri kiến được đoạn trừ

“Phải do tri kiến được đoạn trừ” được xếp hàng đầu như một lời tái khẳng định muốn giải quyết, muốn đoạn tận các lậu hoặc, trước nhất người tu hành cần được trang bị một nhận thức đúng đắn, một tri kiến như pháp.

Kinh dạy: “Vị này vì không tuệ tri các pháp cần phải tác ý, vì không tuệ tri các pháp không cần phải tác ý nên tác ý các pháp không cần phải tác ý và không tác ý các pháp cần phải tác ý.” Có nghĩa: nếu không được trang bị chánh tri kiến sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng không nghĩ/không làm những điều cần nghĩ/cần làm, mà nghĩ/làm những điều không cần nghĩ/ không cần làm.

Đoạn kinh liệt kê hàng loạt các thứ kiến được coi là không như lý tác ý, những thứ rối rắm, hư vọng tồn tại trong tâm trí của chúng sanh từ trước đến nay: từ “ta có mặt trong quá khứ …” cho đến “ta sẽ có mặt trong thời vị lai …”, “chúng sanh từ đâu đến, đi về đâu …”, “ta có tự ngã”, “ta không có tự ngã”, “do tự mình, ta tưởng tri ta có tự ngã”, “do tự mình ta tưởng tri ta không có tự ngã” ... vân vân…

Đức Phật phân định những thứ kiến này chính là tà kiến (thấy biết sai lệch, không như pháp), kiến trù lâm (thấy biết như một khu rừng rối rắm u tối), kiến hoang vu (bỏ không thấy biết), kiến hí luận (thấy biết sai lầm chỉ nhằm luận bàn thỏa mãn hơn thua), kiến tranh chấp (thấy biết xung đột, mâu thuẫn), kiến kiết phược (thấy biết ràng buộc, che mờ). Những thứ này tựu chung lại được gọi là “Kiến kiết sử” tức các thứ thấy biết, nghĩ suy cột trói, sai sử và làm tán loạn thân tâm, không đưa đến giác ngộ, giải thoát.

Ngược lại với Kiến kiết sử, Kinh dạy chánh trí kiến, chánh tư duy người tu hành cần phải có là:

“Vị ấy như lý tác ý: ‘Đây là khổ,’ như lý tác ý: ‘Đây là khổ tập,’ như lý tác ý: ‘Đây là khổ diệt,’ như lý tác ý: ‘Đây là con đường đưa đến khổ diệt. ‘Nhờ vị ấy tác ý như vậy, ba kiết sử được trừ diệt: Thân kiến, nghi, giới cấm thủ…”

Theo kinh dạy, dứt được 3 thứ là thân kiến, nghi và giới cấm thủ, người tu hành đạt được quả vị đầu tiên trong Phật đạo là Dự lưu, tức là Nhập vào dòng Thánh, hay còn gọi là quả vị Tu Đà Hoàn. Điều này cho thấy, để có được sơ ngộ trong Phật đạo (mầm mống đầu tiên của giác ngộ), điều kiện tiên quyết bắt buộc phải có là người tu hành phải được khai mở chánh tri kiến. Chỉ có nhận thức đúng đắn mới đem lại quả trí tuệ, không có con đường nào khác.

Cũng theo một bài kinh Trung Bộ khác (kinh 118) Phật dạy: “Có những Tỳ-khưu là những vị Dự lưu (Tu đà hườn), đã đoạn trừ ba kiết sử (giới thủ, thân kiến và nghi), không còn đọa vào ác đạo, chắc chắn sẽ được giác ngộ (Diệt đế) …”

Câu hỏi đặt ra: tại sao để sơ ngộ, 3 kiết sử đầu tiên người tu hành cần phải đoạn diệt là giới thủ, thân kiến và nghi, mà không phải là 3 kiết sử nào khác như tham, sân, si? Và vì sao một khi đoạn trừ được 3 kiết sử đó lại chắc chắn sẽ được giác ngộ triệt để Diệt Đế ở vị lai?

Kiến giải: Giới cấm thủ, thân kiến và nghi chính là 3 thứ kiến kiết sử, đại diện cho những vướng mắc của Thân (thân kiến) - Tâm (giới cấm thủ) - Trí (nghi) (3 thành tố tạo nên một hữu tình và cũng là 3 nơi chốn mà phiền não và vô minh sinh khởi), đoạn trừ được 3 kiến kiết sử này giống như người đào giếng đã thông được 3 huyết mạch chính yếu của dòng nước ngầm, khơi thông được rồi hệ quả tự nhiên từ đây nước sẽ tuôn trào, vị lai sẽ thành tựu viên mãn. Tham sân si chỉ là những biểu hiện của tâm hư vọng, là cái bóng, là hệ quả, là hiệu ứng của của một nhận thức sai lệch nào đó. Khi đã có chánh tri kiến, những thứ tâm hư vọng này tự mất (dứt thân kiến hết tham, dứt biên kiến hết sân, dứt kiến thủ hết si).

3.3.2 Do phòng hộ được đoạn trừ

Như lý giác sát tức là y cứ nơi giáo lý, nơi chân lý mà nhận biết mà quan sát, phòng hộ các căn tức là cảnh giác trong xúc đối, minh xúc. Có thể nói nội dung đoạn kinh là sự tóm lược bài Kinh các căn tu tập.

3.3.3 Do thọ dụng được đoạn trừ

Đoạn kinh nói cụ thể về 4 vấn đề của Thân là: ăn, mặc, ngủ, trị bệnh; trang bị cho người tu hành Chánh tri kiến về Thân. Với nhận thức như pháp, người tu hành ra khỏi 2 xu hướng cực đoan: hoặc cung phụng quá mức thân này, tưởng rằng Niết bàn ở nơi Thân được thảo mãn đầy đủ, hoặc chiều ngược lại là mặc kệ hoặc hành xác đến kiệt quệ, tin rằng nơi khổ hạnh sẽ thành tựu điều gì đó.

3.3.4 Do kham nhẫn được đoạn trừ

Là cách để đối trị với các cảm thọ. Cảm thọ bản chất chỉ là hiệu ứng do duyên. Đủ duyên thì thành, hết duyên tự mất. Người tu hành biết vậy, kham nhẫn, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não không còn nữa.

3.3.5 Do tránh né mà được đoạn trừ

Đoạn kinh mang tinh thần của phép gia trì gia hạnh, người tu hành phải biết lựa chọn môi trường thuận lợi, bảo vệ và trưởng dưỡng đạo tâm mới mong đạt thành quả giác ngộ.

3.3.6 Do trừ diệt được đoạn trừ

Đoạn kinh nói tới các dục niệm (tham), sân niệm (sân), hại niệm (si) các ác bất thiện pháp (vô minh, mờ tối). Đối trước các niệm này, người tu hành “như lý tác ý”, biết rõ đây chỉ là những nhớ nghĩ (niệm) xuất phát từ một thứ tâm hư vọng, không thật do vậy tự định hướng một thái độ rõ ràng, dứt khoát, cương quyết: không chấp nhận, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại.

3.3.7 Do tu tập được đoạn trừ

Các cách thức đoạn trừ lậu hoặc được Phật tuyên thuyết mở đầu bằng Chánh tri kiến, tiếp theo chia chẻ theo nhiều phương cách khác nhau như: phòng hộ, thọ dụng, tránh né, đoạn trừ và cuối cùng là tu tập. Dù chia chẻ theo nhiều cách nhưng không ra ngoài 4 niệm xứ: Thân, thọ, tâm, pháp.

Giác chi: có nghĩa là các chi phần giác ngộ, tức là do một sự giác ngộ nào đó mà đưa đến các cành nhánh, các hệ quả của giác ngộ, như một cái cây đã mọc thì hệ quả tất yếu sẽ nảy nở ra cành, lá.

Đối tượng được Phật giảng giải trong bài Kinh này là chúng Tỳ Kheo, tức hàng Nhị Thừa, Thanh Văn và Duyên Giác. Đặc điểm của Nhị Thừa là thành tựu nhờ nương cậy vào thánh giáo, thông qua quá trình tu tập. Nói cách khác là nghe, nhớ nghĩ và làm đúng y như những lời giáo dạy cụ thể đến từng chi tiết, như một chiếc máy cứ thế chạy chuẩn một khuôn chương trình mực thước đã định sẵn.

Do vậy, các lậu hoặc do tu tập mà được đoạn trừ nằm cuối cùng trong trình tự thuyết của bài kinh và trong quá trình tu tập ấy, Niệm giác chi đi đầu.

“Tỷ kheo như lý giác sát, tu tập niệm giác chi, niệm giác chi này y viễn ly, y ly tham, y đoạn diệt, hướng đến từ bỏ; như lý giác sát, tu tập trạch pháp giác chi... (như trên) ... tu tập tinh tấn giác chi… tu tập hỷ giác chi… tu tập khinh an giác chi... tu tập định giác chi... tu tập xả giác chi; xả giác chi này y viễn ly, y ly tham, y đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.”

Có nghĩa: Nhị thừa cần nhắm thẳng niệm xứ (thân và thọ) mà yểm ly (y viễn ly, y ly tham), không ngừng nhớ nghĩ đến triệt để yểm ly tất cả các tác động (cộng nghiệp và biệt nghiệp), các giá trị hư vọng, không thực (tham ái). Nhân nơi đoạn diệt, từ bỏ, yểm ly triệt để, nhị thừa “được nghĩa” giải thoát (thông qua thực chứng trên thân), từ đó giản trạch bản chất của các niệm xứ theo ngôn giáo (gọi là trạch pháp giác chi). Nhưng do giác ngộ (được nghĩa giải thoát) bằng phương cách “bỏ đây lấy kia”, nên Nhị thừa phải tiếp tục phòng hộ vững chắc, tiệm tiến tu hành cho đến khi tất cả các chi phần còn lại viên mãn: Tinh tấn, Hỷ, Khinh an, Định và cuối cùng là Xả giác chi mới hoàn thành tự thân. Xả giác chi chính là bỏ lại tất cả những gì của thế pháp, thể hiện trong lời tuyên bố của Nhị Thừa sau khi chứng quả A La Hán: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm xong, thân này là thân rốt sau, không còn trở lại đời sống cũ nữa.”

3.4 Rộng bàn

Khác với hàng Nhị thừa, việc đoạn tận các lậu hoặc của Bồ Tát thừa không khởi nguồn từ Niệm giác chi, mà bằng Trạch pháp giác chi.

Trạch pháp giác chi đối với Bồ tát thừa là tiến trình xảy ra nhân nơi nghe pháp sư giản trạch một pháp hoặc tự thân mổ xẻ, phân tích một pháp, một vấn đề đến tận nguồn cơn (chân lý), tâm ý hoát nhiên chuyển biến, dứt nguồn tâm, ngộ bổn lai thanh tịnh.

Bùng vỡ “nguyên ủy”, “cớ sự”, “gốc rễ vấn đề”, Bồ Tát thừa hoát nhiên giác ngộ, rõ biết, thật biết:

“Bất động là sự thật hằng hữu của tâm này, nó đã có từ khi chưa sanh vạn pháp ...

Vạn pháp sinh ra, chúng sanh “mê pháp” rồi lầm tưởng “tâm này lay động” …

Một phen dứt mê, vị chúng sanh này “nhìn trở lại tâm này”, bây giờ mới chợt nhận ra: “xưa nay đã tự bất động” …

Như người ngủ mê ngàn năm, một phen thức giấc, ngàn năm không thật ...”

Do giác ngộ rốt ráo bổn lai tự tịnh như vậy mà các chi phần còn lại: niệm, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, xả không mang màu sắc tiệm tiến tu hành cho tới viên mãn như hàng Nhị thừa mà xảy ra thành một chuỗi như hệ quả tất yếu và ngay lập tức nơi tâm thức.

Cũng bởi đặc điểm như vậy mà có thể thấy thành tựu đạo quả Diệt đế đối với Bồ tát thừa không do tu mà thành.

Chữ “tu tập” trong ngữ cảnh “Có những lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ” đối với Nhị thừa có thể được hiểu là tiến lên trong một môi trường đặc biệt đưa đến giải thoát. Thì đối với Bồ Tát thừa, tu tập có lẽ nên được hiểu theo nghĩa: tu là tư duy, tập là huân tập, tu tập là quá trình huân tập những chánh kiến, chánh tư duy cho đến khi bùng vỡ, giác ngộ, thấu suốt.

4. Kết luận

Trên đây là những ghi chép tóm lược lại nội dung học tập và trao đổi giữa các huynh đệ chúng mình trong một buổi sinh hoạt của nhóm liên quân Miền đông – Đà Nẵng, được trình bày lại dưới hình thức một bài tiểu luận ngắn.

Con xin thành kính tri ân công ơn giáo dưỡng của Thầy!!!

Muội xin tán thán tinh thần học tập của tất cả các huynh đệ chúng ta trong nhóm!!!

Mong nhận được những ý kiến đóng góp của Thầy và các huynh đệ để việc học tập ngày càng hiệu quả.

Lý Phương Anh

26/8/2022

 

Bài viết cùng danh mục

Thông báo

Hoặc gọi 096.4343.168