Luận Bàn Về Nghiệp

127 lượt xem

Bài luận của con sẽ giải đáp 7 câu hỏi:

1. Nghiệp là gì?

2.Có các dạng nghiệp, loại nghiệp nào?

3. Tiến trình hình thành một nghiệp ra sao?

4. Công cụ nào tạo nghiệp?

5. Cách điều chỉnh nghiệp như thế nào?

6. Cộng nghiệp và biệt nghiệp là gì?

7. Hiểu thế nào về nghiệp thức và thức nghiệp?

8. Một số điều suy ngẫm

LUẬN BÀN VỀ NGHIỆP

Con kính thưa Thầy! Thưa các huynh đệ!

Đến hôm nay, con đã vào Lý Gia được 3 tháng 14 ngày. Dân gian có câu: “3 tháng biết lật, bảy tháng biết bò”. Con cũng chỉ mới đang ở trong các cú lật đầu tiên để đẩy lùi ngu mê lầm, nhưng thân tâm đã thấy nhẹ nhõm, an vui, thơ thới. Con nhớ đến câu nói của phi hành gia Neil Armstrong, khi ông trở thành người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Khoảng khắc lịch sử ấy, ông nói: "Đây là bước đi nhỏ bé của con người, nhưng là bước tiến khổng lồ của nhân loại”. Câu nói của Armstrong khiến con liên tưởng: Hơn 3 tháng ở đây, dù mới lãnh hội được rất ít điều thâm sâu trong kho tàng giáo pháp của Lý Lão sư, nhưng 3 tháng ấy, Thầy đã giúp con nhận ra những điều mà mấy chục năm bươn chải ngoài đời không tài nào nhận ra được.

Nếu không có Nga Vương Lý Lão sư chiết xuất nguồn sữa Chánh pháp nguyên chất từ “biển giáo pháp” bị pha loãng 50 lần, thì có lẽ cả đời chúng con phải uống nhầm nước muối và chìm nổi mãi trong ba cõi, 6 đường. Con xin đảnh lễ tri ân Thầy giáo dạy, đảnh lễ tri ân huynh đệ đã hộ trì.

Hôm nay con xin được trình bày bài luận về Nghiệp. Những dữ liệu như Pháp trong bài đều nhờ công đức giáo dạy của Thầy. Những điều chưa như Pháp, có lẽ là do con học hành chưa thấu.

Bài luận của con sẽ giải đáp 7 câu hỏi:

1. Nghiệp là gì?

2.Có các dạng nghiệp, loại nghiệp nào?

3. Tiến trình hình thành một nghiệp ra sao?

4. Công cụ nào tạo nghiệp?

5. Cách điều chỉnh nghiệp như thế nào?

6. Cộng nghiệp và biệt nghiệp là gì?

7. Hiểu thế nào về nghiệp thức và thức nghiệp?

8. Một số điều suy ngẫm

I. NGHIỆP LÀ GÌ?

1. CÁCH HIỂU THẾ GIAN và KHÔNG NHƯ PHÁP: Có nhiều cách hiểu khác nhau:

- Cách hiểu thứ nhất: Nghiệp là các suy nghĩ và hành động xấu ác gây hại cho mình và người, và khiến mình phải đón nhận quả báo tương ứng. Theo cách hiểu này, thì chỉ có việc ác tạo nghiệp, còn việc thiện không tạo nghiệp.

- Cách hiểu thứ hai: Nghiệp là gieo nhân nào gặt quả đó. Nghĩa là không thể thay đổi tiến trình nhân quả. Cách hiểu này cũng giống như cách người ta nói về định mệnh. Định là không lay chuyển. Mệnh là số mệnh. Ví dụ giết người thì chắc chắn phải đền mạng, dù là đền ở kiếp này hay kiếp sau.

- Cách hiểu thứ ba: Đã tạo nghiệp nhân thì chắc chắn có nghiệp quả. Với cách tư duy này, người ta không hiểu nguyên lý: Dù đã gieo nghiệp nhân, nhưng chưa chắc đã có nghiệp quả, nghiệp báo.

- Cách hiểu thứ tư: Tu hành có thể làm tịch diệt nghiệp.

- Cách hiểu thứ năm: Nghiệp có thể hóa giải được bằng cách tự thân làm việc thiện và cầu xin được phù hộ độ trì. Chính từ cách hiểu này, nên ở nhiều nước Á đông, người ta đã tạo ra cả một ngành kinh doanh nhiều lợi nhuận để “giúp người” hóa nghiệp, giải nghiệp. Về điều này thì chính con cũng đã từng nhẹ dạ!!!

Nói chung, còn rất nhiều cách hiểu khác nữa. Tuy nhiên, các cách hiểu trên, dẫn đến một số mắc kẹt không giải quyết được:

- Mắc kẹt thứ nhất: Nếu nhân nào quả ấy, thì nhân đã gieo từ quá khứ chắc chắn sẽ trổ quả tương lai, không thể thay đổi. Thế thì tác dụng của giáo dục, học tập ở đâu? Nếu một đứa trẻ ngỗ nghịch, hung dữ từ bé thì chẳng lẽ bó tay không thể dạy thành người hiền lương? Chẳng lẽ ai giết người từ kiếp trước, kiếp này có tu sửa thế nào đi chăng nữa, vẫn sẽ phải đền mạng? Trong Tăng Chi Bộ kinh, Đức Phật đã chỉ rõ sự mắc kẹt này: “Này các Tỳ-kheo, ai nói như sau: ‘Người này tạo nghiệp như thế nào, người ấy thọ quả như vậy’. Nếu sự thật là thế thì không có đời sống Phạm hạnh, không có cơ hội thoát khổ”

- Mắc kẹt thứ hai: Nếu nhân nào quả ấy không thể thay đổi, thì làm sao một phàm phu vô văn có thể trở thành Thánh, thành Phật?

- Mắc kẹt thứ ba: Nếu quan niệm nghiệp chỉ là những hành động, thì cái gì chỉ đạo các hành động đó? Vì nếu không có tâm ý chỉ đạo, thì làm sao phát xuất hành động!

- Mắc kẹt thứ tư: Nếu nghiệp chỉ là việc xấu, việc ác thì tu tập và làm việc thiện, sẽ được lợi lạc gì?

- Mắc kẹt thứ năm: Nếu nghiệp có thể hóa giải một phần từ cầu xin được phù hộ độ trì, thì con người đâu cần rốt ráo tu tập, hướng thiện? Giống như sau khi đi cướp, kẻ cướp chỉ cần cầu xin là có thể giảm tội, thoát tội.

Nói chung, vì không hiểu thấu nguồn cơn, nên sẽ có vô số mắc kẹt.

2. KHÁI NIỆM NGHIỆP TRONG PHẬT ĐẠO.

- Trong Tăng Chi bộ kinh, chương Năm, phẩm VI, kinh số 57, Đức Phật dạy: “Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy”. Khái quát của Đức Phật cho thấy, tiến trình nhân quả của nghiệp, sự hiện hữu và đồng hành tất yếu của nghiệp với đời sống của hữu tình. Mặt khác, nghiệp cũng chính là động lực để Phật tử tiến tu.

- Kinh Địa Tạng nói: “Chúng sanh trong 3 cõi nhướng mắt nhíu mày đều tạo nghiệp".

- Còn Lý Lão sư định nghĩa rất đơn giản, dễ hiểu mà đầy đủ: Nghiệp là tất cả những gì xúc đối được của 6 căn.

Theo định nghĩa này, chúng ta có nghiệp thấy, nghiệp nghe, nghiệp ngửi, nghiệp nếm, nghiệp xúc chạm, nghiệp nghĩ suy.

II. CÁC DẠNG NGHIỆP, LOẠI NGHIỆP

1. NGHIỆP HỮU LẬU VÀ NGHIỆP VÔ LẬU: Nghiệp hữu lậu, chính là nghiệp thế gian, được tạo ra do 6 căn xúc đối trong mê mờ, hậu quả của nó khiến người ta khổ não. Nghiệp vô lậu là nghiệp xuất thế, là kết quả xúc đối thanh tịnh của 6 căn, không khiến ta khổ não, mê mờ.

Muốn hiểu rõ nghiệp hữu lậu và nghiệp vô lậu cần hiểu rõ bản chất của nghiệp.

- Bản chất của nghiệp: Chính là bản chất của Thấy, Nghe, Ngửi, Nếm... Bản chất của nó là không tánh (không có thiện, ác, khổ,vui, thế gian, xuất thế…).

Muốn hiểu bản chất của nghiệp, cũng cần hiểu bản chất của căn và trần:

* Bản chất của các căn: Là vô thường sanh diệt, nên không tánh, thanh tịnh. Ngũ căn thân vô tri (mắt giống như ống nhòm, tai giống cái tai nghe...). Còn ý căn– tức công cụ nghĩ suy, bản chất cũng không thiện ác, không vui buồn.

* Bản chất các trần: Là vô tri, vô giác, vô thường nên cũng không tánh, thanh tịnh. Cái bình, cái bàn, sông núi, mây trời đều chẳng có cảm giác, chẳng biết nghĩ suy...

Vì lẽ đó, khi căn xúc đối trần, là cái vô tri xúc đối với cái vô tri vô giác, thì đâu có khởi lên dính mắc gì. Chỉ khi cái thức xui khiến các căn chạy theo các trần, định đặt cho các trần một giá trị và so sánh nó với cái khác, thì lúc này nghiệp mới thành hữu lậu, biến nghiệp từ không tánh thành có tánh.

- Nghiệp hữu lậu là gì?

Khi ta thấy nghe ngửi nếm 1 cái gì đó, tự cái thấy nghe ngửi nếm đó vốn không có ý nghĩa gì, chẳng xấu chẳng đẹp, chẳng vui cũng chẳng buồn, chẳng ngon chẳng không. Nhưng nếu ta Mê cái xúc đối đó, thì thân tâm ta sẽ bị cái thấy nghe tác động làm cho phiền não, dao động, mê mờ. Khi thấy nghe ngửi nếm mà để nó cuốn theo thì gọi là nghiệp hữu lậu. Ví dụ, hai người bạn cùng nhìn thấy một đàn gà đi qua. Một người thích ăn thịt gà thì nhìn đàn gà thấy ngay 7 món gà, người kia không thích gà thì chỉ nhìn là nhìn thôi, chẳng khởi lên một mê chấp nào cả. Chính cái mê đã biến nghiệp vốn không tánh thành có tánh.

- Nghiệp vô lậu là gì?

Khi ta vẫn thấy nghe ngửi nếm xúc chạm nhưng không để cái thấy nghe đó làm loạn động, mê mờ, sinh khổ phiền não, thì nghiệp này trở thành vô lậu.

+ Có một điều cần lưu ý: Người mù vẫn có nghiệp Mù, điếc cũng có nghiệp điếc, người sống đời sống thực vật (khi Ý thức bị tê liệt hoặc không bị tê liệt nhưng ý thức không điều khiển được cơ thể) thì vẫn là nghiệp hữu lậu chứ không phải vô lậu, bởi người này vẫn thấy biết trong vô minh.

+ Với thế gian, người ta nỗ lực việc tạo thiện nghiệp để hướng tới và dần rời bỏ ác nghiệp.

+ Nhưng với đạo xuất thế, cả thiện nghiệp và ác nghiệp đều là thứ cột trói và cản trở giải thoát. Chỉ có vô lậu nghiệp hay nói cách khác là trung tánh nghiệp, mới giúp người ta thoát ly ba cõi, kể cả khi vẫn sống giữa ba cõi.

Như vậy, nội dung nghiệp vô lậu và hữu lậu, có mấy ý chính cần suy ngẫm:

- Thứ nhất, tu tập trong Phật đạo không thể làm mất nghiệp, mà là trả nghiệp trở về với đúng bản chân không tánh của nó, nói cách khác, triệt tiêu các tánh hư dối trong tâm thức của chúng sanh thông qua thấy biết.

- Thứ hai, bất kỳ một hữu tình nào, kể cả bậc Vô thượng chánh đẳng chánh giác, đều có nghiệp. Tạm gọi đó là Chúng sanh nghiệp, Thánh nghiệp, Bồ tát nghiệp, Phật nghiệp. Nhưng điểm khác nhau giữa phàm phu và bậc giác ngộ chính là một bên tạo ra nghiệp hữu lậu, một bên tạo ra nghiệp vô lậu; một bên bị nghiệp làm cho khổ, phiền não, vô minh; một bên hiểu rõ cách vận hành của nghiệp để điều chỉnh nghiệp, quán sát nghiệp để phát sinh trí tuệ và giáo hóa chúng sanh.

- Thứ ba, nghiệp vốn trung tánh, chẳng hữu lậu, chẳng vô lậu. Mê thì thành hữu lậu, hết mê là vô lậu. Vô lậu thực ra chỉ là văn tự - một cách gọi. Vì gọi là vô lậu nhưng thực chất lại là trung tánh, vì khi HỮU đã không còn thì đâu còn có VÔ. Giống như một đất nước không có người xấu thì làm gì cái gọi là “người đẹp” có cơ sở tồn tại. Người đẹp chỉ xuất hiện khi có vế đối đãi là “người xấu”. Khi không phân biệt đẹp xấu thì tất cả đều là người. Một ví dụ khác là khi có BỆNH thì mới xuất hiện THUỐC, khi bệnh không còn thì cái gọi là THUỐC cũng chẳng còn.

2. NGHIỆP HỮU LẬU (tức nghiệp thế gian): Có 3 loại:

- Thiện Nghiệp

- Ác nghiệp

- Vô ký nghiệp

Thiện Nghiệp: Là những nghiệp nào khi tác động làm cho ta vui vẻ, sung mãn, thích thú…

Ác Nghiệp: Là những nghiệp mà khi tiếp cận khiến ta phiền muộn, chán ghét, khổ đau…

Vô Ký Nghiệp: (vô là không, ký là ghi nhận. Vô ký là không ghi nhận). Có hai loại vô ký nghiệp:

+ Loại thứ nhất là 6 căn có thấy nghe nhưng tâm thức ta không ghi nhận. Ví dụ khi đi từ nhà đến cơ quan, mắt ta thấy rất nhiều người đi đường, tai nghe thấy rất nhiều âm thanh, nhưng chỉ ghi nhận những hình ảnh hoặc âm thanh nổi trội. Những hình ảnh âm thanh khác dù ta có nhìn, nghe thoáng qua, nhưng tâm không hề khởi ra một niệm nào về nó. Một ví dụ khác là khi đi tàu lửa cao tốc, những hình ảnh hai bên đường lướt nhanh qua mắt ta, nhưng hầu hết ta không để ý nó là cái gì.

+ Loại thứ hai là 6 căn ta có xúc đối nhưng không biết: Ví dụ dẫm phải 1 con vi khuẩn, ta hoàn toàn không biết là dẫm phải.

Dù không ghi lại, không có tác động đến tâm thức, nhưng vô ký nghiệp không phải là nghiệp vô lậu, vì nó vẫn được thấy hoặc không thấy qua lăng kính của vô minh.

- Trong thiện nghiệp và ác nghiệp thế gian lại chia làm 2 loại nghiệp đó là Quyết Định Nghiệp và Bất Định Nghiệp

* Quyết định nghiệp: Là nghiệp không thể thay đổi, do sự nhất tâm cao độ của hữu tình khi tạo tác nghiệp.

Ví dụ 1 người luôn thù hận người khác, luôn luôn nghĩ mọi cách để gây tổn hại đến người khác hoặc thường xuyên biến cái nung nấu tổn hại người khác thành hành động, thì sẽ rơi vào quyết định nghiệp. Nói cách khác, sự thù hận ấy được huân tập nhiều lần, thường trực trong tâm thức, lấn át các tâm khác, thì sẽ rơi vào quyết định nghiệp. Nghiệp này vô cùng khó thay đổi.

- Khi người này thân hoại mạng chung hoặc thậm chí chưa thân hoại mạng chung, tâm thức họ đã sa vào cảnh giới mà tâm thức họ đang nhất tâm và huân tập rồi rồi. Ví dụ một người luôn lo sợ bị trả thù, bị sát hại, sầu bi khổ ưu não khởi liên tục, thì chưa chết đã rơi vào cảnh giới tâm thức địa ngục. Có câu “địa ngục trần gian” chính là để miêu tả điều này.

* Bất Định Nghiệp: Là người tâm thức hay thay đổi, lúc thiện, lúc ác. Tóm lại người đó tùy duyên mà thiện ác. Nghiệp này có thể thay đổi được, nếu được trợ duyên phù hợp.

- Khi người này thân hoại mạng chung, tùy sức kéo của tình - tưởng và các nhân duyên, thần thức người này sẽ vào cảnh giới bất định.

III. TIẾN TRÌNH HÌNH THÀNH MỘT NGHIỆP

Để một nghiệp viên mãn, phải trải qua 4 giai đoạn là:

Nhân: Hạt giống

Duyên: Điều kiện

Quả: Kết quả

Báo: Tính chất của kết quả.

1. Nghiệp Nhân: Là hạt giống Nghiệp, hay còn gọi là Chủng Tử Nghiệp

Một hạt giống không thể nảy mầm nếu không hội đủ các điều kiện cần thiết. Giống như một hạt đỗ để trong bao hút chân không, mãi mãi sẽ không thể nảy mầm.

2. Nghiệp Duyên: Chính là điều kiện để nghiệp nhân nảy mầm

Hạt giống gieo xuống sa mạc nóng, gieo xuống tuyết lạnh, gieo vào mồm con vật, gieo vào nồi, sẽ không xuất hiện cái mầm nào hết. Nó cần đất, không khí, độ ẩm và cần được bảo vệ không bị chim thú ăn mất, thì mới đủ điều kiện nảy mầm. Hai tháng trước Lý Lão sư trồng một hạt giống hoa lạ. Tối hôm trước Lão sư vừa khoe với vợ “cây hoa đã mọc mầm”, sáng hôm sau ra thăm, thấy mất tiêu. Thì ra ốc sên đã “trợ duyên” bằng cách chén sạch. Tiến trình nhân quả của hạt mầm này kết thúc ở đây.

Phật giáo chia ra làm rất nhiều loại Duyên: Nhân duyên, thân cận duyên, thứ đệ duyên, đẳng vô gián duyên… tức là duyên gần, duyên xa, duyên vô tình, duyên hữu tình, duyên tác động mạnh, duyên tác động nhẹ…

Duyên hữu tình: Ví như ta chủ động xách nước tưới cây

Duyên vô tình: Ví dụ trời mưa khiến cây thêm tươi tốt.

Các điều kiện càng đầy đủ thì hạt giống nghiệp càng nhanh chóng nảy mầm.

Có một điều cần lưu ý: Có những duyên vô tình ở thời điểm hiện tại, nhưng lại có thể không vô tình nếu xét cả từ một tiến trình: Ví dụ, kiếp này ta vô tình gặp một người rất tốt, thì có thể đời trước ta đã giúp họ, hoặc ta tích được nhiều phước đức, công đức nên hay gặp quý nhân phù trợ. Khi mới vào Lý Gia, con hỏi Thầy: “Tại sao đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã có trí tuệ rồi mà có kiếp vẫn thị hiện thành một con nai?”. Thầy bảo: “Làm con nai để tu từ bi tâm”. Con hỏi tiếp: “Thưa Thầy, con nai ấy có ý thức để tu từ bi tâm không?”. Thầy bảo: “Con nai không có ý thức đó”. Con hỏi tiếp: “Nai không có ý thức tu, lỡ nó làm điều gì ác thì có phải đi ngược lại tiến trình tu tập trước đó của Ngài Thích Ca?” Thầy bảo: “Con nai đó không thể làm điều ác, nó sẽ gặp toàn duyên lành”. Và duyên lành này không hề đến một cách vô tình, bởi tiền kiếp con nai đó đã tích rất nhiều công đức, phước đức, đã có chủng tử Phật... nên kiếp này nai không thể gặp chuyện ác, không thể làm điều ác...

3. Quả (kết quả): Mỗi hạt giống lại cho ra một trái quả tương ứng với cái hạt giống đó. Trái cam không ra quả chanh.

4. Báo: Trong mỗi loại quả chứa những tính chất khác nhau, gọi là báo. Ví như quả cam có màu vàng, vị ngọt, mùi thơm...

Khi 4 giai đoạn này không bị khiếm khuyết thì một nghiệp được coi là Viên Mãn.

Khi một hoặc một vài giai đoạn bị khiếm khuyết thì quả, báo sẽ thay đổi, thậm chí quả, báo không xuất hiện.

Ví như có 1 hạt giống, ta cất trong lọ hoặc treo trên bếp thì nó sẽ không nảy mầm.

Giả sử có nảy mầm nhưng nếu ta không tưới nước, bón phân, không có anh sáng thì nó cũng không phát triển được.

Giả sử thành cây rồi mà ta không chăm sóc, bón phân tưới nước, ngăn ngừa sâu bệnh để cho sâu ăn…thì nó cũng khó mà ra quả.

Ra quả rồi mà ta không bảo vệ, để chim chuột ăn mất thì quả cũng không còn.

Có quả rồi, nhưng nếu không chăm sóc đúng cách thì các tính chất của quả cũng không đạt yêu cầu.

Do Phật Đạo nhìn thấy được quá trình hình thành từ nhân đến quả của một nghiệp có 4 giai đoạn như vậy, nên có công nghệ Chánh pháp tác động vào từng giai đoạn, hoặc tác động vào cả 4 giai đoạn để thay đổi nghiệp, thậm chí tác động để quả báo không trổ.

Ví dụ, khi gieo hạt cây đu đủ, ta chọn hạt chắc mẩy thay vì hạt lép.

Ta gieo hạt đu đủ chắc mẩy đó xuống mảnh đất màu mỡ, phân bón, độ ẩm, nhiệt độ phù hợp để đủ duyên cho hạt đu đủ nảy mầm khỏe mạnh.

Quá trình đu đủ lớn, ta chăm bón để ra nhiều trái nhất, trái to nhất.

Khi ra trái rồi, ta bón thêm kali cho trái ngọt hơn bình thường. Thậm chí có thể có một số chất tiêm vào trái quả, để trái quả thay đổi tính chất.

Tóm lại, kể cả khi báo xuất hiện rồi, nếu tác động đúng, ta vẫn có thể thay đổi tính chất của báo.

Như vậy, từ tiến trình hình thành một nghiệp, có mấy điều cần suy nghẫm:

- Một là hệ thống Phật Đạo ra đời để làm thay đổi tận gốc rễ Nghiệp quả của chúng sanh. Điều mà thế gian không có phương pháp luận để làm và thiếu công nghệ tối thắng để làm. Với pháp thế gian, phần lớn người ta gieo nhân nào sẽ gặt quả tương ưng, thậm chí quả xấu hơn, vì không có công nghệ điều chỉnh nghiệp. Một nhân tốt, nhưng được thêm duyên xấu, thì quả báo sẽ xấu. Một nhân xấu, thêm duyên xấu, quả báo sẽ xấu hơn.

- Hai là, Phật đạo có năng lực kỳ diệu mà pháp thế gian bó tay, đó là có thể biến một phàm phu vô văn thành Thánh, thành Phật. Ví dụ nôm na là gieo hạt chanh mà thu trái cam. Gieo quả cam mà hái trái lưu ly. Nghĩa là pháp thế gian không thể tạo ra một sự đột chuyển bất khả tư nghì. Chính vì vậy mới nói, giác ngộ - giải thoát – trí tuệ không do tu mà thành. Tu ở đây là muốn nói đến pháp tạo tác mà ra. Còn giác ngộ - giải thoát – trí tuệ từ Bát nhã trí mà ra. Bát nhã trí chẳng do ai tạo tác, nên chẳng sanh từ đâu, chẳng diệt về đâu. Đủ nhân duyên, Bát nhã trí sẽ hiện. Nhân duyên đó chính là bi ngưỡng của chúng sanh, bi nguyện của chư phật và sự hiện diện của vô minh. Bi ngưỡng là khát cầu giải thoát của chúng sanh, bi nguyện là thệ nguyện giáo hóa chúng sanh của chư Phật. Vô minh là sự mê lầm, u tối của chúng sanh. Thiếu một trong những nhân duyên này, Bát nhã trí không sanh.

IV. CỘNG NGHIỆP VÀ BIỆT NGHIỆP

1. CỘNG NGHIỆP: Là nghiệp chung của cộng đồng mà mỗi cá nhân trong cộng đồng đó bị ràng buộc và liên quan. Ví dụ, đã làm con người thì phải chịu chung nhiều nghiệp phổ quát của loài người như sanh lão bệnh tử, lũ lụt, hạn hán, bão tố, dịch bệnh... Ở phạm vi hẹp hơn, có cộng nghiệp của một cộng đồng nhỏ, ví dụ như Lý Gia. Vào Lý Gia là huynh đệ chúng con được cộng nghiệp an vui, tinh tấn, vô lậu, trí tuệ...

2. BIỆT NGHIỆP: Là nghiệp riêng của mỗi cá nhân. Ví như ai đó sinh ra bị khuyết thiếu bộ phận cơ thể, mang những bệnh riêng khác, tính tình dị biệt...

- Nghiệp chung và nghiệp riêng không tách rời nhau, vì cả hai đều tác động lên thân tâm mỗi người. Nhưng không phải cá nhân nào cũng chịu tác động như nhau khi đối diện nghiệp chung. Ví dụ, một trận lụt làm hàng triệu người đói khát, nhưng một số người khác vẫn kiếm bộn tiền nhờ bán thực phẩm.

- Muốn đạt quả vị xuất thế, con người ta phải giải thoát khỏi 5 món, trong đó có cộng nghiệp và biệt nghiệp. 5 món cần giải thoát là: Giải thoát khỏi sự cột trói của cộng nghiệp, biệt nghiệp, ngũ ấm, ba cõi và các pháp.

V. CÔNG CỤ TẠO NGHIỆP

1. CÓ BAO NHIÊU CÔNG CỤ TẠO NGHIỆP? Theo định nghĩa đã nêu trước đó của Thầy Lý Tứ, thì 6 căn đều là công cụ tạo nghiệp. Nhưng nếu 6 căn đó chỉ ghi nhận xúc đối, thì nghiệp không thể vận hành viên mãn. 6 căn ghi nhận xong, cần có tạo tác để nghiệp vận hành. Ví như một chiếc thuyền sẽ đứng im ở trên một đoạn sông nước không chảy. Chỉ khi xả đập, dòng nước chảy thì chiếc thuyền mới dịch chuyển. Cái tạo tác ở đây chính là dòng chảy. Tạo tác là động lực đẩy một nghiệp vận hành. Dù các căn có ghi nhận nghiệp, nhưng không có tạo tác thì giống như một hạt đỗ khô để trong bọc, không bao giờ nảy mầm được. Chỉ khi hạt đỗ đó được đem ngâm nước, thì nó mới có thể bắt đầu tiến trình nảy mầm...

- Công cụ tạo tác biến nghiệp thành hữu lậu hoặc vô lậu, chính là 3 nghiệp thân, khẩu, ý. Nói cách khác 3 công cụ này là Suy nghĩ, Lời nói và Hành động của hữu tình. Suy nghĩ đại diện cho Ý, hành động đại diện cho Thân, phát ra Lời nói là sự kết hợp của Thân và Ý. Ý chỉ đạo thì mồm sẽ nói.

2. ĐỘNG CƠ TẠO NGHIỆP: Trong 3 công cụ tạo nghiệp này, Ý đóng vai trò dẫn dắt. Nếu mắt thấy sắc, tai nghe âm thanh, lưỡi nếm vị, mũi ngửi mùi, thân xúc chạm mà không khởi lên ý thích - ghét, thì lời nói và hành động cũng không chạy theo sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Trong Kinh Pháp cú, Phẩm song yếu, Đức Phật dạy:

Ý dẫn đầu các pháp,

Ý làm chủ, ý tạo;

Nếu với ý ô nhiễm,

Nói lên hay hành động,

Khổ não bước theo sau,

Như xe theo vật kéo.

Ý dẫn đầu các pháp,

Ý làm chủ, ý tạo;

Nếu với ý thanh tịnh,

Nói lên hay hành động,

An lạc bước theo sau,

Như bóng, không rời hình.

- Trong kinh Nhất A-hàm Đức Phật dạy: “Này hỡi các Tỳ-kheo, Như Lai xác nhận rằng chính Tác Ý là Nghiệp. Có ý muốn làm, mới có hành động bằng thân, khẩu hay ý”. Kinh Trung A-hàm, Đức Phật khẳng định “Trong ba nghiệp thân, khẩu và ý, thì ý nghiệp là tối quan trọng”.

- Như vậy động cơ tạo nghiệp rất quan trọng. Động cơ đó chính là tâm ý. Một hành động có vẻ thiện, nhưng động cơ ác, thì sẽ hình thành một nghiệp hữu lậu. Một hành vi ác, nhưng động cơ thiện thì chưa chắc đã tạo thành nghiệp hữu lậu, thậm chí tạo thành nghiệp vô lậu.

Ví dụ, tiền thân của Đức Phật là Bồ tát Thích Ca, khi đi trên một chiếc thuyền buôn, đã nghe thấy toán cướp bàn nhau giết hết người trên thuyền để cướp châu báu. Bồ tát Thích Ca liền nghĩ: Nếu toán cướp kia giết người, họ sẽ phải đọa địa ngục vô lượng kiếp, nên ta phải “tiên hạ thủ vi cường”, giết toán cướp trước. Và Ngài ra tay.

Cùng một việc giết người, nhưng Bồ tát Thích Ca đã gieo hai nhân khác nhau và gặt hai quả báo hoàn toàn khác nhau:

- Nhân giết người thì vẫn phải trả quả báo bằng việc đọa địa ngục nhiều kiếp.

- Còn nhân từ bi cao tột muốn cứu bọn cướp khỏi đọa địa ngục thì được quả báo tốt lành là sau khi rời địa ngục, Ngài hội đủ công đức trở thành Chánh đẳng Chánh giác.

Ưng Quật Ma La – kẻ giết 999 người vì động cơ cầu đạo, chứ không vì động cơ tàn ác, vẫn đắc quả A la hán khi được Đức Phật giáo hóa, cũng là một ví dụ về việc động cơ tạo nghiệp có thể quyết định tính chất thiện – ác của nghiệp.

VI. ĐIỀU CHỈNH NGHIỆP BẰNG CÁCH NÀO?

Thế gian và một số ngoại đạo, tà đạo rất sợ nghiệp. Họ nghĩ rằng đã tạo ra nhân là chắc chắn phải gặt quả, nên tìm rất nhiều cách để hóa giải nghiệp. Phật đạo thì khác, vì hiểu thấu quy trình nên bình tĩnh đối mặt, đón nhận và hóa giải.

Để cho dễ hiểu, con xin tạm chia thành mấy cách sau đây:

1. ĐIỀU CHỈNH NGHIỆP BẰNG SÁM HỐI: Sám hối là ăn năn về lỗi lầm đã gây ra, tìm cách khắc phục lỗi đó và quyết không tiếp tục phạm lỗi nữa. Sám hối hiệu quả nhất chính là tinh tấn tiến tu trên con đường Phật đạo, để thân tâm thanh tịnh, biến nghiệp hữu lậu thành vô lậu.

Sám hối theo tầng bậc thế gian và 3 thừa:

Phương pháp sám hối của Thế gian: Người ta chủ yếu dùng hành vi và của cải vật chất để sám hối. Vì nguồn tâm chúng sanh không thanh tịnh, nên dù có dùng hành vi và vật chất để sám hối, thì cũng rất khó đạt được kết quả như ý. Chẳng những họ không giải quyết được tận gốc rễ vấn đề, mà còn có thể tiếp tục phát sinh nghiệp xấu: Ví dụ ông Lý Thập Nhật ăn trộm một con heo nhà ông Trần Trọng Hùng, nhưng lúc đến xin lỗi lại chỉ đền một con gà. Thế là lại sinh ân oán tiếp. Kể cả trong trường hợp ông Hùng có tha thứ, thì tâm thức ông Lý Thập Nhật vẫn có thể vẫn day dứt, hối lỗi, xấu hổ, hoặc vui mừng. Tâm thức này tiếp tục gieo nghiệp nhân xấu.

Với sám hối thế gian, vì không sám hối tận gốc rễ, vì tâm trí không thanh tịnh, nên người ta sám hối lỗi này xong, lại có thể mắc ngay lỗi lầm khác.

Phương pháp sám hối của Nhị thừa: Nhị thừa chủ yếu dùng yểm ly và thiền định để sám hối hữu tướng. Cách sám hối này sẽ gặp vấn đề nếu người sám hối rời thiền định hoặc không còn điều kiện tối ưu để yểm ly, ví dụ người tu hành phải trở lại tiếp xúc đời thường, thì lỗi lầm rất dễ quay lại.

Phương pháp sám hối của Bồ tát quyền thừa: Bồ tát chủ yếu dùng giác ngộ nguồn tâm thanh tịnh để sám hối vô tướng. Cách sám hối này hiệu quả, vì là nó sám hối xuất thế, nhưng hiệu quả chưa cao tột vì Bồ tát quyền thừa chưa biết thiệt tướng nên chưa thể rốt ráo khiến người và mình hoan hỉ tận cùng.

Phương pháp sám hối của Bồ tát Nhất thừa: Bồ tát Nhất thừa chủ yếu dùng trí tuệ để sám hối thiệt tướng. Tức là hiểu thấu chân lý mà lời nói, nghĩ suy, hành động đều như Pháp, nên không những đem lại tự tại cho mình, đem hoan hỉ cho người được sám hối mà còn lợi lạc cho cả đại chúng.

Tại sao Bồ tát Nhất thừa lại “chủ yếu dùng trí tuệ để sám hối thiệt tướng”? Vì vị này, song song với việc sám hối thiệt tướng, vẫn có thể dùng cách sám hối thế gian để hóa giải nghiệp: Ví dụ gây ra lỗi với ai đó, nếu thuận tiện, vẫn có thể đến tận nhà người đó xin lỗi, đền bù để hóa giải ân oán trong lòng người đó.

Tại sao cách sám hối của 3 thừa lại có sự sai khác?

Nhị thừa thấy rõ công cụ nào gây ra lầm lỗi, gây ra nghiệp hữu lậu thì lấy cái đó sám hối. Vì Thanh Văn cho rằng Thân là riềng mối chính gây ra lầm lỗi (nghiệp hữu lậu) nên yểm ly 5 căn thân để sám hối. Tức là làm Thân thanh tịnh. Khi 5 căn thân được yểm ly, Thân thanh tịnh thì ý căn cũng không còn đối tượng để chạy theo, để loạn động nữa, nên ý cũng dần thanh tịnh. Duyên Giác sám hối chủ yếu thông qua Thọ để quán Duyên. Nên có thể nói Nhị thừa sám hối thông qua việc thanh tịnh Thân, Thọ.

Bồ tát Quyền thừa dùng giác ngộ để sám hối vì Bồ Tát thấy chủ yếu tội lỗi này xuất phát từ tâm mê (họ quan niệm tâm chính là công cụ gây ra lỗi lầm). Khi tâm thanh tịnh thì vượt thoát ba cõi, không tạo còn nghiệp hữu lậu. Nói cách khác, khi tâm Niết bàn thì lỗi lầm ba cõi không xâm phạm được. Có thể nói Bồ tát Quyền thừa sám hối thông qua việc thanh tịnh Tâm.

Bồ tát Nhất thừa hiểu rõ công cụ chủ yếu gây ra lỗi lầm là pháp, người ta do mê chấp quan điểm quan niệm mà gây lầm lỗi. Hết mê, hết phân biệt, thấy thiệt tướng thì tâm hư vọng chẳng sanh, pháp hư vọng chẳng hiện. Vì thế Bồ tát Nhất thừa sám hối thông qua trí, tức là thanh tịnh Pháp.

Vậy 3 cách sám hối này là sám hối qua việc thanh tịnh: Thân – Tâm - Trí

Có thể nói:

Sám hối hữu tướng là nương cậy vào cái bên ngoài để tìm sự an ổn ở bên trong tâm thức.

Sám hối vô tướng là quay về bên trong tâm này để diệt trừ động loạn, giúp tâm thanh tịnh, không tiếp tục tạo tác nghiệp hữu lậu.

Sám hối thiệt tướng là hiểu thấu bổn lai nghiệp chẳng hữu lậu, chẳng vô lậu, nên tâm trí được ung dung tự tại, từ đó giúp người an vui tự tại.

Sám hối trong Phật đạo có hai tác dụng lớn:

- Thứ nhất, nghiệp xấu sẽ giảm đi, thậm chí không còn;

- Thứ hai, nghiệp xấu có đổ về thì tâm thức này hoàn toàn không bị tác động, nên quả thì có, báo về thân vẫn có, nhưng báo về tâm coi như bằng không. Giống như một vị A la hán, có bị oan gia ném đá tới chết cái thân, thì tâm thức vị này vẫn không lay động. Khi tâm như hư không thì dù nghiệp có là quả bom nguyên tử ném vào, hư không vẫn chẳng hề hấn gì.

Con rút ra một số ghi nhớ để tự thân dễ nhớ việc sám hối:

Sám hối theo nghiệp: Nghiệp mình đã gây ra, cần sám hối để chuộc lỗi, không tái phạm.

Sám hối theo nguyện: Mình đã phát nguyện gì, nếu tự thấy sao nhãng, cần sám hối. Ví dụ như phát nguyện Vô thượng bồ đề mà học trí tuệ kiểu đủng đỉnh, được chăng hay chớ, thì cần sám hối nghiêm túc.

Sám hối theo hạnh: Đã gieo Hạnh giáo hóa chúng sanh, mà thờ ơ, lãnh đạm trước sự vô minh của chúng sanh, cần sám hối.

Sám hối theo tuệ: Tuệ khai tới đâu thì sám hối tới đó, không cầm đèn chạy trước ô tô được, nhưng cũng không bị hít khói. Huệ mình tới đâu, cần ứng dụng vào đời sống và giúp người tới đó. Văn tuệ có rồi, tư tuệ có rồi mà không chịu tu tuệ, cần sám hối.

2. ĐIỀU CHỈNH NGHIỆP BẰNG CÔNG NGHỆ CHÁNH PHÁP:

- Về phương pháp luận: Phật đạo biết rõ nghiệp hữu lậu chỉ là hiệu ứng của mê. Vì mê nên vô thường. Vô thường thì có thể dừng. Mê thì không thật nên có thể thay đổi.

- Về hành động thực tiễn: Như đã nói, 6 căn, 3 nghiệp chính là công cụ tạo nghiệp, nên để chuyển nghiệp hữu lậu thành vô lậu thì cần giữ 6 căn thanh tịnh, thân khẩu ý thanh tịnh. Tóm lại là không để cho thức mê che mắt 6 căn, dẫn dắt 3 nghiệp thân, khẩu, ý.

* Có nhiều cách làm cho 6 căn, 3 nghiệp thanh tịnh, đó là giữ giới và tu thiền định. Nhị thừa đầu tiên giữ giới cụ túc để yểm ly các căn, giữ gìn thân khẩu ý để làm mỏng nhẹ phiền não, kiết sử, lậu hoặc. Sau đó người tu hành dùng thiền định để để vượt qua Dục giới, Sắc giới, rồi vào vô sắc giới để diệt Tưởng. Và cuối cùng dùng Tam vô lậu học (cụ thể là Giới vô lậu) để đạt đạo quả vô lậu, cơ bản biến nghiệp hữu lậu thành nghiệp vô lậu.

- Như huynh Lý Giác Thư đã có lần nói: Thầy đã cho con câu thần chú nhiệm màu “Lặng lẽ quan sát không kết luận”. Câu thần chú này không chỉ dành cho người mới tu học, mà còn cần thực hành suốt quá trình tiến lên trong Phật đạo cho đến khi nhìn rõ thiệt tướng vạn pháp. Chỉ nhìn lời nói, hành động của người đó, mà không thấu động cơ của họ, nghĩ suy của họ, cảnh giới của họ thì mọi kết luận đều tạo nghiệp hữu lậu. Làm được việc lặng lẽ quan sát không kết luận, chính là giữ được giới vô lậu.

- Hiểu tiến trình vận hành nghiệp, chúng ta có phương cách ứng xử với nghiệp đã tạo và nghiệp đang tạo:

* Với những nghiệp nhân đã được tạo tác, ta cần tập trung trợ duyên lành hiện tại để điều chỉnh nghiệp. Vì sao phải tập trung vào hiện tại?

Đức Phật dạy:

Quá khứ thì đã qua

Tương lai thì chưa tới

Chỉ có pháp hiện tại

Tuệ quán chính ở đây

Khi một nhân đã sanh: Không thể điều chỉnh được nhân, vì cái nhân ấy thuộc về quá khứ.

Quả báo là tương lai, thì chưa tới, nên ta không bò tới tương lai mà điều chỉnh được

Ta chỉ có thể điều chỉnh nghiệp ở hiện tại. Đó chính là tuệ quán.

- Với nghiệp đang tạo (hay còn gọi là hiện nghiệp) thì gieo nhân vô lậu để gặt quả và báo vô lậu bằng cách lặng lẽ quan sát không kết luận. Phật đã dạy người tu hành điều này trong Tứ Chánh cần: “Việc thiện chưa sanh thì sanh khởi, việc thiện đã sanh khởi thì trưởng dưỡng”. Lúc này, chúng ta hoàn toàn chủ động trong việc gieo nhân vô lậu, trợ duyên vô lậu để trưởng dưỡng nghiệp vô lậu. Khi ta tiến tu sâu trên con đường trí tuệ, ta nghĩ suy bằng Chánh tư duy thì sẽ không tạo tác nghiệp hữu lậu.

- Ứng dụng vào quán 12 nhân duyên: Từ nguyên lý này, có thể quán 12 nhân duyên để điều chỉnh vòng tròn vận hành tâm thức của chúng sanh:

* Vô minh, hành, thức, danh sắc (gọi là tiền tế) thuộc về nhân quá khứ.

* Xúc, thọ, ái, thủ (gọi là trung tế) thuộc về duyên hiện tại

* Hữu, sanh, lão, tử (gọi là hậu tế) thuộc về quả, báo tương lai.

Gieo nhân Minh, thì một hữu tình không còn là chúng sanh; tâm thức không còn mê mờ, vòng tròn 12 nhân duyên tịch diệt. Lúc này nếu có tái sanh, thì là tái sanh theo nguyện chứ không còn tái sanh theo nghiệp.

Nếu chưa thay thế được Vô minh bằng Minh thì thực hiện ngắt món trước thì món sau trong 12 nhân duyên đoạn diệt.

Phần này, con cũng rút ra một số điều suy ngẫm:

- Điều chỉnh, chuyển hóa nghiệp sẽ cho ra Quả phật hay Quả Chúng sanh: Phật giáo hiểu rõ “Phật với chúng sanh đồng” một xuất phát điểm, đó là Phật tánh: Thanh tịnh, giác liễu. Có thể coi đó là nhân Phật. Dù là nhân tốt, nhưng bồi đắp duyên Vô minh thì ra Quả Chúng sanh với đầy đủ tính chất của báo là phiền não, kiết sử, lậu hoặc; còn bồi đắp duyên lành là Minh, là Nguyện, là Công hạnh thì sẽ ra Quả Phật.

- Năng lực chuyển hóa nghiệp của giác ngộ: Sự giác ngộ có năng lực vô cùng lớn trong việc điều chỉnh và chuyển nghiệp: Giác ngộ càng sâu, thì nghiệp quả và nghiệp báo càng thay đổi lớn. Ưng Quật Ma La giết tới 999 người, nhưng sau khi chứng A la hán, ông chỉ phải trả quả báo là bị ném đá, thay vì bị đọa địa ngục vô lượng kiếp.

Trong kinh Tăng chi bộ, Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, có người, thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, tâm hạn hẹp, kém trí đức, người như vậy dù làm nghiệp ác nhỏ cũng đủ tạo quả báo đưa vào cảnh khổ.

Này các Tỳ-kheo, có người, thân được tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, là người có trí đức lớn, tâm quảng đại, cao thượng, người như vậy dù có lầm lạc hoặc sơ suất, lỡ làm việc ác nhỏ tương tự, nghiệp ác ấy đưa họ đến cảm thọ ngay trong hiện tại và không tạo quả báo trong đời sau”.

VII. NGHIỆP THỨC VÀ THỨC NGHIỆP

Kinh Tiểu Bộ, Phật dạy: “Chúng sanh là chủ của nghiệp, nghiệp là thai tạng của chúng sanh”. Điều này có nghĩa là chúng sanh tạo nghiệp, và nghiệp dẫn dắt chúng sanh luân hồi.

Nghiệp thức là gì? Theo con hiểu, nghiệp thức là cái hiểu biết đã bị nghiệp che chướng, làm cho tăm tối. Giống như ví dụ Thầy đưa ra: Con mọt thì chỉ nhìn thấy cái bàn là cái bánh, nó không thể nhìn thấy cái bàn như con người thấy. Người bị nghiệp ngu dốt thì thấy nghe không thể sáng tỏ. Con người nhìn xác chết thối hoắc chỉ muốn ói nhưng con kền kền lại thấy cái xác đó là Gala Dinner. Nghiệp thức đã khiến thấy biết mỗi loài sai khác.

Đức Phật đã ví dụ rất rõ: Con người thì nhìn sông Hằng là sông, nhưng nghiệp ngạ quỷ khiến cho nó chỉ nhìn thấy sông Hằng là lửa. Nghiệp của chư thiên sẽ nhìn thấy sông Hằng là Lưu Ly. Ngay cùng là con người, nhưng người có biệt nghiệp đui mù cũng chẳng thấy sông Hằng là nước, là lửa, là Lưu Ly, mà chỉ thấy sông Hằng tối đen như các thứ khác.

* Ví như chỉ một cái bụng tròn vo của Lý Lão sư, người thì đoán là do mỡ mà thành, người đoán là do cơm mà thành, người đoán là do rỗng rang mà thành, do hương chiên đàn mà thành, còn Lý Lão sư một lần có tiết lộ: Do luyện khí công mà thành. Nói chung, kể cả Lý Lão sư có nói về cái bụng như vậy, hãy suy ngẫm, đừng tin vội. Biết đâu cái bụng tròn đó do cả mỡ, cả cơm, cả rỗng rang, cả khí công, cả hương chiên đàn duyên lại mà thành thì sao? Nói chung, nhìn dzậy mà chưa chắc đã phải dzậy, đừng vội kết luận!

* Một bài thuyết pháp của Đức Phật cùng lúc cho nhiều đối tượng: trời, người, thiên, long, bát, bộ, bồ tát, tỷ kheo...nhưng mỗi người sẽ hiểu bài pháp ấy theo một tầng bậc khác nhau. Nói kinh vô lượng nghĩa, một phần cũng chính là nói đến nghiệp thấy biết sai khác của một loài, các loài.

* Giống như các hoạ sĩ và nhà sưu tập, khi nhìn thấy bức tranh Mona Lisa của Leonardo Da Vinci thì thấy đây là bức tranh đẹp nhất, đắt nhất thế giới, nhưng một bà nội trợ ở vùng sâu vùng xa không hiểu gì về hội hoạ, thì bức hoạ ấy chỉ đáng vứt vào xó bếp. Có thể bà ấy còn nghĩ: Vẽ phụ nữ gì mà vừa béo, vừa già, mặt vừa giống đàn ông như vậy. Thà treo ảnh cô gái đẹp còn hơn!

- Thức nghiệp là gì? Thức nghiệp là thứ dẫn dắt chúng sanh sinh tử luân hồi trong 3 cõi 6 đường, hay nói cách khác thức nghiệp tạo ra đời sống một chúng sanh. Khi thân hoại mạng chung, thức sẽ mang trong mình hạt mầm sắc thọ tưởng hành thức đi tái sanh. Tâm thức ngu si thì tái sinh làm người cũng ở trong cảnh giới ngu si của súc sanh. Tâm thức ác độc sẽ vào cảnh giới của địa ngục, cùng làm người nhưng tâm thức ở trong địa ngục vô gián – nghĩa là không gián đoạn.

Về điều này, con rút ra mấy ý cần ngẫm nghĩ:

- Thứ nhất, cái ta thấy nghe ngửi nếm đều là thấy nghe ngửi nếm theo nghiệp (cộng nghiệp và biệt nghiệp). Vì thấy nghe ngửi nếm theo nghiệp, nên cái thấy nghe của loài này khác loài kia, người này khác người kia, do đó nó vô thường, không phải chân lý. Đã không phải chân lý thì mọi kết luận dựa trên thấy nghe đó đều phi lý – không phải chân lý.

- Thứ hai, biết được chúng sanh luân hồi là do thức nghiệp, ta cần rốt ráo tu học để chuyển thức thành trí, thoát khỏi tâm thức ba cõi, không phải trôi lăn trong sanh tử luân hồi nữa. Nếu có phát nguyện trở lại 3 cõi độ chúng sanh thì cũng là tiến trình Bất tư nghì biến dịch sanh tử, chứ không bị trôi lăn trong Phần đoạn sanh tử nữa. Bất tư nghì biến dịch sanh tử là giai đoạn tâm thức biến chuyển không thể nghĩ bàn của một bậc giác ngộ tái sanh theo nguyện. Phần đoạn sanh tử là chúng sanh buộc phải trôi lăn, tái sanh theo nghiệp, không thể khác.

VIII. MỘT SỐ ĐIỀU RÚT RA

- Thứ nhất, bản chất của nghiệp chẳng hữu lậu, chẳng vô lậu. Vì mê mà thành hữu lậu, ngộ hóa vô lậu.

- Thứ hai, tu học trong Phật đạo không thể làm mất được nghiệp, mà là để điều chỉnh nghiệp, chuyển từ nghiệp hữu lậu sang nghiệp vô lậu thông qua Chánh pháp.

- Thứ ba, giữ cho 6 căn, 3 nghiệp thanh tịnh bằng cách không cho thức mê điều khiển 6 căn, 3 nghiệp. Thực hiện được như vậy sẽ chuyển được nghiệp hữu lậu sang vô lậu.

- Thứ tư, khi nói về Nghiệp, Phật giáo không đơn giản nói về một loại kiến thức, mà giúp người tu hành biến kiến thức thành pháp môn để vào đạo. Đức Phật nói câu sau chính là nhấn mạnh ý đó: “nghiệp là điểm tựa”. Khi nói Phiền não tức Bồ đề, Vô minh tức Bát Nhã, sanh tử tức Niết Bàn, nghiệp tức trí tuệ... chính là để nhấn mạnh ý: Bất kể điều gì cũng có thể trở thành cánh cửa để thâm nhập Phật đạo. Nhất thiết pháp giai thị Phật pháp nghĩa là như vậy.

- Điều cuối cùng, như con vừa trình bày, giác ngộ có năng lực vô cùng lớn trong điều chỉnh nghiệp và chuyển nghiệp. Điều này chính là động lực cho huynh đệ Lý Gia chúng ta tinh tấn giác ngộ và sau đó giúp người giác ngộ. Chúc huynh đệ tỉ muội Lý Gia bùng nở muôn ngàn đóa bồ công anh mang trí tuệ và tình yêu thương đi khắp muôn phương, đáp đền công đức giáo hóa của Đức Phật, của đại hiệp Lý Tam Đao!

Xin chúc huynh đệ Lý Gia luôn Duy Tuệ thị nghiệp (tức là lấy trí tuệ làm sự nghiệp) để thành tựu Phật quả, chứ kiên quyết không chấp nhận Duy nghiệp thị nghiệp (tức lấy nghiệp hữu lậu làm sự nghiệp) để vĩnh biệt trái đắng Chúng sanh quả.

Lý Ngọc Hải

15/10/2022

Ảnh: Nụ cười vô lậu của Lão Nghệ nhân - đại hiệp tam đao "đoạn mê khai giác"

 

Bài viết cùng danh mục

Thông báo

Hoặc gọi 096.4343.168