LÝ TỨ ĐỌC TRUYỆN LÝ TỨ

110 lượt xem

Các bạn !!!

Sáng nay, cũng bên chung trà và li cà phê nóng...!!! Hớp một ngụm, đọc Tâm Pháp do Lý Hiển Long trích đăng trên FB cá nhân bạn ấy...!!! Lại một đoạn viết hay...!!!

Xin mời các bạn cùng nhâm nhi buổi sáng để thấy hoa Ưu Đàm của ngàn năm một lần nở trong tâm thức !!!

06/10/2022

LÝ TỨ

LÝ TỨ ĐỌC TRUYỆN LÝ TỨ

 

"Như Bổn Mạt đứng dậy, cung tay chào mọi người, hướng về Lý Tứ và nói:

Thưa Lão Sư!... Thưa các huynh đệ!... Sau mấy ngày nghiền ngẫm ý nghĩa Diệt và Đạo Đế, sau những trăn trở về thế nào là Giải Thoát Bất Động, đệ tử nhìn lại tâm mình, nhìn lại những gì mình gặt hái được qua những lần nói chuyện của Lão Sư.

Đồ đệ nghiệm ra, trước đây nhân nghe những gì Lão Sư nói, nhờ hiểu biết, nhờ lắng nghe, nhờ ứng dụng những điều đã được nghe nói vào đời sống, trong lòng đồ đệ cảm thấy an ổn thanh tịnh... Điều này cũng từng được Lão Sư khen ngợi trước mọi người.

Nhưng rồi, khi nghe tuyên nói ý nghĩa Giải Thoát Bất Động, nghe Lão Sư giảng giải ý nghĩa Diệt Đế và Đạo Đế... Đệ tử lần này nhìn lại mình. Đệ tử phát hiện ra rằng, giống như những gì Lão Sư đã nói... Đâu đó trong lòng đệ tử vẫn còn những nghĩ suy mông lung... Và rồi tâm của đệ tử không thể tách rời khỏi giác.

Giác và tâm tạm thời làm nhân cho nhau để có được một chút an bình... Đệ tử biết rằng cái biết của mình là cái biết của giác, cái thanh tịnh của mình là hệ quả do giác làm ra... Mà những gì có được do bởi thứ khác làm ra đều là vô thường, vô thường bởi nó là hữu vi pháp.

Chính sự thanh tịnh trong ý nghĩa vô thường này, nên tâm của đồ đệ có khi dao động, có khi thụ động, có khi biếng nhác... Nói chung một chút an lành của giác đồ đệ cảm thấy chưa phải là cứu cánh, chưa phải là mục tiêu cuối cùng...

Lúc đầu, mới thấy được tâm này, con rất phấn khởi, được Lão Sư khen ngợi... và tạm bằng lòng!... Nhưng qua những bước triển khai tiếp theo về mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh, con nhận ra được lỗ hổng trong tâm của chính mình... Nhận ra cái vô thường của nguồn tâm hãy còn, nhận ra trí này đang bị giác bao phủ... Nó giống như người mù đã được sáng mắt nhưng hãy còn ở trong bóng tối... Tâm có được chút thanh tịnh, có chút không phiền não... nhưng đồ đệ cảm nhận rằng bóng dáng phiền não còn lẩn khuất đâu đây... Nó đang chờ cơ hội bất giác sẽ chiếm lấy nguồn tâm... Nó như kẻ thù trong bóng tối... chực chờ một chút sơ hở là lập tức bắt ngay lấy thân tâm này giao cho phiền não.

Thưa Lão Sư!... Thưa các huynh đệ!... Con cảm thấy mình hạ liệt, con cảm thấy mình là một hàng binh, con cảm thấy mình như gã cùng tử được no đủ bởi chút cơm thừa của người bố thí...

Và con cũng thấy mình là kẻ phản bội, không dám từ bỏ bát cơm thừa để nhận những gì cao quý. Con biết rằng bằng lòng với một chút thanh tịnh có được do hiểu biết này là phản bội tâm huyết của Lão Sư, phản bội nỗ lực của các huynh đệ...

Sau mấy ngày trăn trở, nhìn các huynh đệ đặt gánh nặng xuống, nhìn sự quở trách âm thầm của Lão Sư... Con tự ngồi xuống. Ngồi xuống với quyết tâm cao nhất... Con đã học từ tấm gương Thế Tôn... Chưa thấy được vấn đề quyết không đứng dậy...

Cho đến đêm hôm, trong cái mệt mỏi của những nỗ lực, trong tuyệt vọng của chính cái giác âm thầm tồn tại trong con...

Con chợt nhớ câu nói lâu rồi của Lão Sư, đó là: “Nhất tâm để dừng hiện nghiệp”. Con nghiền ngẫm câu nói này, và lần này con thấu suốt ý nghĩa của “Nhất tâm như ý túc”.

Con quán lại duyên thấy nghe... Con bằng lòng bỏ các duyên thấy nghe xuống... Con quán nhân duyên sanh tâm... Con bằng lòng từ bỏ cả mê lẫn giác... Con quán các pháp... Con thấy các pháp lặng lẽ trôi qua trước mắt mình như dòng nước chảy qua cây cầu... Con quán lại tâm này… Thấy tâm này tự nó dừng lặng...

Một lần nữa, trong tư thế dừng lặng như vậy, con thấy lưu chú âm thầm lặng lẽ vượt qua trong con như đoàn người lũ lượt đi trên một con đường, con với họ không hề có mối liên hệ nào...

Cứ thế con lặng lẽ quán sát... Bất chợt ý nghĩa câu kinh hiện lên trong con: “Các pháp, không không, lặng lẽ, tàn tạ, niệm niệm sanh diệt”. Thưa Lão Sư!...

Con hoát nhiên thấy được “Tâm này bản lai bất động, trí này bản lai chưa từng bị cột trói”. Cộng nghiệp, biệt nghiệp... con thấy rõ nó chỉ là danh tự... Tâm này chỉ là danh tự... Pháp kia cũng chỉ là danh tự... Thế giới cho dù có động lay nhưng tâm này vĩnh viễn bất động... Các pháp cho dù có hay không, trí này vẫn tuyệt nhiên tự tại...

Khi con sống trong những thấy biết như vậy, thưa Lão Sư!... Các thiền chi lại khởi lên trong con... Lần lượt các tam muội hiện rõ... Lúc đầu tập khí giác quán hiện khởi, con quở trách tập khí này, con quyết liệt với chính nó... Chính nhờ quyết liệt này mà trí quán tịch diệt... nhưng một chút cảm nhận và tư duy hãy còn...

Con tiếp tục quyết liệt với chính mình. Hùng tâm khởi lên, nó mạnh mẽ đến nỗi toàn thân tâm của con bỗng dưng biến mất… chỉ còn cái biết bản nhiên... Cái biết này không hề bị ràng buộc hay chi phối bởi thứ gì trên đời... Nó hoàn toàn độc lập... Con chợt hiểu ra thế nào là giải thoát... Con đem trí này nhìn lại nguồn tâm, thì ý nghĩa bất động hiện rõ trước mắt... Con nhìn nó như nhìn một vật trong lòng bàn tay... Bây giờ con thấu hiểu triệt để ý nghĩa giải thoát bất động... Rồi con tự cười mình... Đúng là xưa nay hết mê đến giác... như con tằm nhả tơ tự trói...

Thưa Lão Sư!... Con đã hiểu, con đã thấy, và con thật biết thế nào là giải thoát, thế nào là bất động... Con cũng hiểu thật rõ ý nghĩa độc cư thiền định… Con thấu suốt cả câu nói của ngài Duy Ma Cật nói với Xá Lợi Phất:

“Thưa ngài Xá Lợi Phất, đâu phải ngồi một mình nơi thanh vắng mới gọi là yên... mà yên là nơi ba cõi tự yên... tứ oai nghi đều yên mới chân thật yên”.

Con nghiệm ra độc cư thiền định trong ý nghĩa này là ý nghĩa của giải thoát bất động. Thấy được giải thoát bất động chính là cứu cánh của nghĩa yên...

Thưa Lão Sư!... Thưa các huynh đệ!... Con thật sự vui mừng những gì mình chân thật thấy, những gì mình chân thật biết... Lão Sư vẫn thường hay nói:

“Giải thoát bất động là thấy rõ biết rõ... Nó là cảnh giới thực chứng chứ không phải suy luận... Nó ra ngoài mọi kiến giải ngữ ngôn”.

Đúng là Thế Tôn vẫn thường ví dụ về sự thấy biết này bằng câu nói: “Như xem trái A Ma Lặc trong lòng bàn tay”. Con đã thấy những gì cần thấy trong lòng bàn tay của mình…

Con nghiệm ra: Giải thoát bất động chính là Đạo Đế, Đạo này lấy Đạo làm Đế... Thưa Lão Sư!... Những thấy biết của con như vậy đã hoàn toàn đúng chưa? Thấy biết như vậy có hoàn toàn chính xác không? Xin Lão Sư từ bi chỉ dạy...

Lý Tứ hướng về Như Bổn Mạt nghiêm giọng: “Xin chúc mừng Lão Ca... Xin chúc mừng, một chân Lão Ca đã đặt vào cửa ngõ bất động...”.

Như Bổn Mạt Lão Ca!... Vì sao tôi nói một chân đặt vào bất động... Giống như người ta ném hòn sỏi xuống hồ nước... hòn sỏi làm hồ nước nổi sóng... Hòn sỏi đã chìm, nhưng những gợn sóng không vì thế mà ngay lập tức lặng dứt... Thì cũng vậy, Lão Ca!... Cái Lão Ca thấy hoàn toàn đúng, cái Lão Ca biết không hề sai...

Nhưng những đợt sóng còn sót lại của hồ tâm hãy còn... Đừng ném vào cái hồ kia một hòn sỏi nào nữa... Đợi giây lát sau, các con sóng sẽ yếu dần và mất hẳn...

Thưa các vị!... Giải thoát bất động là như thế... Diệt Đế và Đạo Đế là như thế... Trí như ngọn đèn sáng, tâm như bầu trời xanh... Trí này sáng không ngăn ngại, tâm kia chẳng có áng mây... Tất cả đồng mất hút vào hư không... Chỉ có những ai một lần tự thấy thì vạn kiếp chẳng thể quên...

Các vị!... Đã đến lúc chúng ta quyết liệt với chính mình, đã đến lúc bỏ cái hạ liệt của gã cùng tử, đã đến lúc không khoan nhượng với những suy luận phải quấy đúng sai... Cái gì là đúng, cái gì là sai...

Cái gì là thế pháp, cái gì là Phật pháp? Các bạn thử nói đi... Còn một chút pháp nào phát ra từ tâm trí các bạn, phải lập tức biết chắc rằng nó là hư vọng... Các bạn!... Nó chính là ngón tay Thế Tôn nói trong kinh Viên Giác... Hãy từ bỏ những kiến giải về ngón tay để cho tâm trí rảnh rang mà hướng về mặt trăng chơn thiệt...

Các bạn!... Ba thứ tam muội các bạn phải vượt qua, một cái có giác có quán, một cái có giác không quán và cái cuối cùng không giác không quán...

Không giác không quán là cửa ngõ vào bất động giải thoát... Dứt giác quán, thiệt trí sẽ hiện, thiệt trí hiện bất động tâm hiện... Hai thứ này hiện rõ trong một hành giả như các bạn nhìn thấy bình hoa trước mắt... Kinh gọi điều này là “Như cái thấy mà thấy, như cái biết mà biết”... Chứ không như cái bị thấy mà thấy, không như cái bị biết mà biết...

Nói văn hoa hơn là: “Như thị kiến, như thị tri”.

Mọi bí mật đều ở chỗ này, mọi thấu suốt cũng ở chỗ này... Vào đó một lần, mới biết lời Như Lai chính là chân ngữ...

Các vị!... Một lần vào đây, các vị sẽ có được ngọn đèn sáng soi vào kinh điển... Lời Phật là chơn ngữ, muốn hiểu nó phải lấy chân tâm mà hiểu.

Lời Phật là thiệt ngôn, hãy lấy thiệt trí mà soi rọi... Các vị tự soi vào tâm này, bức tượng tự tâm sẽ lần lần hiện rõ trước mắt các bạn. Khi rọi ra ngoài, các bạn sẽ thấy những gì che chướng tâm người...

Mọi thứ rồi sẽ minh bạch dưới ngọn đèn trí tuệ...

Các vị!... Sáng hôm này, buổi sáng của hoa Ưu Đàm... Như Bổn Mạt Lão Huynh, từ đây Lão Huynh mới biết rằng mình chính là Phật Tử...

Mọi nghi ngờ, mọi thắc mắc của Lão Huynh sẽ không còn nữa... Thấy được rồi, như con hương tượng, cứ thẳng tiến vào rừng Đại Giác, không còn gì ngăn trở được Lão Huynh... Phật dạy:

“Cuộc đời như một Đại dương, không ai khác hơn các ông, hãy tự làm hòn đảo, nơi nương tựa cho chính mình và hãy tự mình đốt đuốc lên mà đi”.

Chắc bây giờ huynh thấm thía với ý nghĩa của câu nói này chứ!...

Các vị!... Chúng ta có một buổi sáng thật đẹp... Trong đời Lý Tứ mọi thứ xấu đẹp của thế gian không còn ý nghĩa... Cái đẹp của bây giờ, cái đẹp của chúng ta chính là nụ hoa Ưu Đàm đã nở... Với tôi, đây là cái đẹp nhất trong mọi cái đẹp...

“Như mây bay trên trời,

Không đẹp cũng không xấu...

Cái người trí cần tìm,

Cái đẹp trong cái đẹp.”

Xin chúc mừng Lão Huynh!... Chúc mừng các bằng hữu!..." (Còn tiếp)

Trích Tâm Pháp - tác giả Lý Tứ

Nhà xuất bản Hôị Nhà Văn - 2020 !!!

 

Bài viết cùng danh mục

Thông báo

Hoặc gọi 096.4343.168