SỰ CHUYỂN BIẾN CỦA TÂM THỨC TỪ CẢNH GIỚI CỦA TAM VÔ LẬU HỌC ĐẾN CẢNH GIỚI CỦA TAM GIẢI THOÁT MÔN

91 lượt xem

Vô lậu Tâm là một thứ tâm không còn phiền não rỉ chảy, một thứ tâm đáng quý. Tuy nhiên Vô lậu Tâm vẫn chưa phải là Niết Bàn. Muốn chứng rốt ráo vô lậu vào Niết Bàn chân thật, người tu hành còn phải mở một trong ba cánh cửa Tam Giải Thoát Môn: cửa Không, cửa Vô Tướng, cửa Vô Tác.

SỰ CHUYỂN BIẾN CỦA TÂM THỨC TỪ CẢNH GIỚI CỦA TAM VÔ LẬU HỌC ĐẾN CẢNH GIỚI CỦA TAM GIẢI THOÁT MÔN

I. Tiếp cận đề tài

Trên con đường tiến đến giải thoát chân chánh,Vô lậu tâm là một trong những cứ điểm quan trọng mà người tu hành cần chiếm đóng. Đây là quá trình ra khỏi ba cõi khổ dựa trên nền tảng “Giới -Định – Huệ vô lậu” gọi là Tam Vô lậu học.

Vô lậu Tâm là một thứ tâm không còn phiền não rỉ chảy, một thứ tâm đáng quý. Tuy nhiên Vô lậu Tâm vẫn chưa phải là Niết Bàn. Muốn chứng rốt ráo vô lậu vào Niết Bàn chân thật, người tu hành còn phải mở một trong ba cánh cửa Tam Giải Thoát Môn: cửa Không, cửa Vô Tướng, cửa Vô Tác.

Vậy, có những chuyển biển cụ thế như thế nào xảy ra trong tâm thức của người tu hành từ cảnh giới của Tam Vô lậu học sang cảnh giới của Tam Giải thoát môn? Nhãn quan ra sao, giác ngộ như thế nào gọi là đã mở được ba cửa Không, Vô Tướng, Vô tác, vào thành Niết Bàn? Đây là những câu hỏi khiến người viết khởi tạo bài viết.

II. Sơ lược về Tam vô lậu học

1. Vì sao Phật tuyên nói ba học pháp vô lậu?

Hầu hết người tu hành sở dĩ hướng tâm về Phật là do đời sống tâm thức cảm thấy có phiền não, có chướng ngại. Nỗ lực tu hành chính là hành động cụ thể biểu hiện cho mong ước có được một tâm trí thảnh thơi, an vui, tự tại.

Nếu bình tâm quan sát, sẽ thấy suy cho cùng sở dĩ con người ta tâm có phiền não, trí có chướng ngại chỉ là do mang trong mình một nhận thức như thế nào đó về thế giới hoặc về chính mình. Nhận thức dẫn dắt hành vi, do nhận thức và hành vi lỗi họa dẫn đến thấy nghe thì điên đảo, tâm thì nặng nề mê muội, trí thì rối rắm nghĩ suy.

Để giải quyết vấn đề này, biện pháp hữu hiệu sẽ là thiết lập một nhận thức, một quy tắc nhìn nhận và ứng xử mới đối với thế giới cũng như đối với chính thân tâm này. Đây là lí do vì sao Tam vô lậu học hay còn gọi Giới-Định-Huệ vô lậu ra đời.

Giới vô lậu có thể được coi chính là sự thiết lập một cách thức nhìn nhận, một quy tắc ứng xử mới đối với thế giới bên ngoài (nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc) cũng như nội tâm bên trong (ý xúc đối các pháp).

Giới vô lậu được nêu trong nhiều loại Kinh khác nhau như:

- Kinh Sa Môn quả:

“Khi mắt thấy sắc, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì con mắt không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, vị ấy tự chế ngự các nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt. Khi tai nghe tiếng … mũi ngửi hương … lưỡi nếm vị … thân cảm xúc … ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng, những nguyên nhân gì, vì ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, vị ấy chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn. Vị ấy thành tựu hộ trì các căn này nội tâm hưởng lạc thọ không uế nhiễm.”

- Kinh Các căn tu tập:

“Ở đây, này Ananda, vị Tỳ kheo, mắt thấy sắc, khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý bất khả ý …

Vị ấy tuệ tri như sau: “Khả ý này khởi lên nơi ta, bất khả ý này khởi lên, khả ý bất khả ý khởi lên. Cái này khởi lên, vì là hữu vi nên thô. (Nhưng) cái này là an tịnh, cái này là thù diệu, tức là xả”.

Cho nên, dầu cho cái gì khởi lên là khả ý, bất khả ý hay khả ý bất khả ý, tất cả đều đoạn diệt (trong vị ấy), và xả tồn tại …”

- Kinh Kim Cang: “Bất ưng trụ sắc thanh hương vị xúc pháp sinh tâm”

Dù được tuyên thuyết dưới nhiều hình thức diễn đạt khác nhau, nhưng các bài Kinh đều có điểm chung là hướng con người ta tới cùng một quy tắc: khi sáu căn xúc đối với sáu trần, không phân biệt, không thủ giữ, không chấp nhất, không mê mờ. Đây chính là giới vô lậu. Hệ quả của Giới Vô lậu là một nội tâm định tĩnh, không uế nhiễm do không thủ giữ, không chấp nhất, không mê mờ.

2. Vì sao Giới- Định- Huệ có sự liên kết chặt chẽ?

Nhận thức dẫn dắt hành vi (Giới), hành vi làm nên tâm cảnh (Định), tâm cảnh là chỗ y cứ để nhận thức thêm thấu tỏ (Huệ). Do vậy Giới-Định-Huệ vô lậu cái này có thì cái kia có, một cái có thì cả 3 cùng có.

3. Vì sao gọi là học pháp?

Gọi là học pháp, bởi đã là những quy tắc nhìn nhận và ứng xử mới thì đây là điều người ta cần phải học, có học mới biết để thay đổi, không khác được. Giống như đứa trẻ, sinh ra không biết gì nên nhặt bẩn lên ăn, phải có một người lớn đến dạy và chỉ bảo cho nó biết đồ bẩn ăn vào sẽ đau bụng. Đứa bé học được nguyên tắc không nhặt đồ bẩn đưa vào mồm ăn, sẽ được khỏe mạnh, không bệnh tật. Cũng như vậy, Giới-Định-Huệ vô lậu là những điều cần học, cần hiểu, hiểu đúng mới có thể thực hành đúng, thực hành đúng sẽ tiến tu vô lậu.

4. Sự khác biệt về trình tự của Tam Vô Lậu học ở Nhị thừa và Bồ Tát thừa

Giới- Định- Huệ vô lậu của Nhị thừa xuất pháp từ Giới, dựa trên nền tảng của xả pháp và mang hơi hướng dáng dấp của yểm ly. Điều này được mô tả trong Kinh Sa Môn Quả hoặc Kinh các căn tu tập “dầu cái gì khởi lên” thì đều nhất quyết không thọ, “tất cả đều đoạn diệt” chỉ có “xả tồn tại”. Không phóng dật, không nghĩ tưởng, không thọ nhận, xả tất cả các ác bất thiện pháp (hữu lậu), xả đến khi toàn tâm vắng lặng, nơi vắng lặng này được coi là thiện, là vô lậu. Cho nên với Nhị Thừa, trình tự của Tam Vô lậu học là nhân Giới mà được Đinh, nhân Định mà sanh Huệ.

Khác với Nhị Thừa, chỗ phát xuất của Bồ Tát thừa thiên về Huệ và trình tự Tam Vô Lậu học ở Bồ Tát Thừa lại là từ Huệ sanh Định, từ Định sanh Giới. Bồ Tát thừa giác ngộ sở dĩ phát sinh các thứ tâm hư vọng, phiền não là do trong xúc đối, thấy nghe hay biết theo thức nghiệp không theo bản chất của sự vật sự việc, gọi là mê mờ. Từ đó thừa này phát hiện cách thức trừ diệt các lậu hoặc, được mô tả trong Kinh Kim Cang: “Bất ưng trụ sắc thanh hương vị xúc pháp sinh tâm/ Ưng vô sở trụ nhi sinh kì tâm”. Tâm không chạy theo thấy nghe hay biết, không trụ chấp vào những hiểu biết do nghiệp làm thành, nên rỗng rang thanh tịnh dừng lặng gọi là Định. Trong Định càng thấu tỏ hơn cái được gọi là chân lý, là bản chất của sự vật sự việc, là con đường nào đưa đến tâm thức hữu lậu và con đường nào đưa đến tâm thức vô lậu, gọi là Huệ. Khi thấu suốt như vậy, Bồ Tát thừa tinh tấn tự biết hộ trì, lóng sạch những thứ phàm tâm do tập khí nhiều đời, gọi là nhân Huệ sanh Giới.

III. Từ cảnh giới của Tam Vô Lậu sang cảnh giới của Tam Giải Thoát

1. Sự chuyển biến đầu tiên

Dù tiến tu theo trình tự nào thì Tam Vô Lậu học ở cả Nhị Thừa và Bồ Tát thừa đều đưa đến kết quả vô sanh nhẫn, hay vô sanh tâm, vô lậu tâm, tức tâm hư vọng đã tịch diệt, phiền não không còn rỉ chảy, thế chỗ cho an vui thanh tịnh.

Ở nơi thanh tịnh tâm đó, người tu hành bắt đầu có những cảm nhận đầu tiên về cửa Không, cửa Vô tướng, cửa Vô tác:

- Không ở đây nghĩa là thấy trong mình một trạng thái Tâm vắng mặt các thứ phiền não, kiết sử, lậu hoặc, là thứ Tâm “không có gì”.

- Vô tướng ở đây nghĩa là thấy trong mình một trạng thái Tâm không nắm giữ một thứ tướng, một quan niệm thế gian nào.

- Vô tác ở đây là một trạng thái tĩnh tịch, trong xúc đối không khởi tác ý.

Ở tầng nghĩa này, có thể thấy Tam giải thoát môn là sự kế thừa từ kết quả của Tam Vô Lậu học. Điều này thể hiện rất rõ nét ở Bồ Tát Thừa do quy trình Tam Vô Lậu Học của thừa này phát xuất từ Huệ, tức là ngay từ đầu đã mang hơi hướng của tam giải thoát.

Đó cũng là lí do vì sao một người thành tựu Tam Vô Lậu Học, chứng vô lậu tâm là mốc hoàn thành Tập Đế nhưng cũng được coi là đã bước một chân vào Diệt Đế. Tam Vô Lậu học giống như mặt trước của cánh cửa và Tam Giải thoát Môn là mặt sau khi người này bước sang phía bên kia, bỏ lại phía sau tất cả những gì thuộc về đời sống tâm thức cũ. Cảnh giới này còn được gọi là Xa Ma Tha xuất thế.

2. Tầng bậc nhận thức thứ hai

Như một người miên mật đi một quãng đường xa đã tới trạm dừng nghỉ, giờ mới ngồi xuống nhìn lại chặng đường mình đã đi qua và những chướng ngại đã gặp. Trong cái an tịnh, vắng lặng của thứ Tâm “chẳng có gì”, người tu hành bình tâm và nhìn lại đời sống tâm thức của mình trước kia.

Trong lúc quán sát, người này bỗng hoát nhiên phát hiện ra sự thật: những thứ phiền não kia tự nó là Không, không có từ trong bản chất của sự vật sự việc, chỉ là bóng dáng là hệ quả của một nhận thức sai lầm nào đó do tâm trí tự sản sinh ra. Giống như đứa trẻ nhìn bóng cây, tưởng cái bóng là con ma nên tâm trí hãi sợ. Thực tế, cái bóng chưa bao giờ là con ma, con ma không thật có thì … Phiền não cũng không thật có!!!

Người này cũng nhận ra phiền não kia Vô Tướng. Tự trong bản chất của sự vật sự việc không có chứa tướng phiền não tướng áp lực để có thể làm cho con người ta bị phiền não bị áp lực được. Cái cây chẳng thể làm gì đứa trẻ, chỉ tại đứa trẻ lầm bóng cây là con ma. Sự thật, không hề có hình tướng phiền não mà nó đã thấy!!!!

Phiền não đã không thật có, cũng chẳng có tánh tướng phiền não, chỉ do lầm mà thấy thì hết lầm hết phiền não, thật không có gì được gọi là “cái để làm”. Giống như đứa trẻ một ngày lớn lên, chân thật nhận ra xưa nay bóng cây chưa từng là con ma, mọi lầm nhận cùng hãi sợ phiền não trong nó tự tiêu tan, chẳng đem tâm tìm kiếm chỗ an toàn ẩn nấp cũng không còn mảy may nỗ lực giải quyết con ma, giải quyết phiền não. Gọi là Vô Nguyện, Vô tác!!! Hiểu ra “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”, từ đây chân thật giải thoát, chân thật tự tại, chân thật bất động trong xúc đối. Cảnh giới này còn được gọi là Tỳ Bà Xa Na xuất thế.

3. Tầng bậc nhận thức thứ ba

Tam giải thoát môn ở tầng bậc thứ 2 có thể coi là giây phút chân thật nhận ra sự tồn tại không thật của các thứ phiền não lậu hoặc, cũng như nhận ra bản chân của thế giới. Thế giới tự nó không phải là một pháp (một quan niệm, nghĩ suy), không có tính chất phiền não cùng lậu hoặc, chẳng phải cột buộc cũng chẳng phải giải thoát. “Mong cầu nơi thế giới” (hữu lậu) hay “nỗ lực nơi phiền não” (vô lậu) ở người tu hành đều đã hoàn toàn tịch diệt, chỉ còn lại sự bất động trong tâm thức.

Người tu hành tiếp tục vào sâu trong cảnh giới thanh tịnh bất động, lặng lẽ quan sát chính mình tới một lúc bỗng nhận ra rằng: Thanh tịnh bất động này chẳng phải do tu hành mà thành. Trước khi sự việc xảy ra làm gì có cái gì được gọi là tâm, nơi chẳng có cái gì được gọi là tâm ấy đã chính là thanh tịnh bất động. Thanh tịnh bất động tự có, đã có từ khi chưa sinh vạn pháp, là chỗ gốc gác, khởi nguồn, bổn lai, là sự thật hằng hữu. Chẳng qua vạn pháp sinh ra, mê pháp rồi lầm tưởng tâm này lay động. Lầm tưởng lay động rồi lại mải miết rong ruổi tìm cầu cái thanh tịnh, bất động. Một phen dứt mê, nhìn trở lại tâm này, bây giờ mới chợt nhận ra, “bản lai đã tự có bất động rồi”. Một niệm không sanh, bất động tự hiện.

Tam giải thoát môn bây giờ trong người này mang ý nghĩa:

- Không: là sự thấu suốt bản lai chẳng có gì được gọi là Tâm (Không tâm, không pháp), bản lai đã tự vắng lặng, tự thanh tịnh, tự bất động, tự chẳng làm sao, tự an tự ổn. Tất cả chỉ niệm mê!!! “Như người ngủ ngàn năm, một phen thức giấc, ngàn năm không thật”. Đây là cái thấy Bổn tâm, thấy chân thật chính mình, người xưa gọi là Bản lai diện mục.

- Vô tướng: Gọi là thấy Bổn tâm thấy chính mình, nhưng kì thực biết rõ Bổn tâm là nơi chẳng có gì được gọi là tâm, chính mình là nơi chẳng có gì được gọi là mình, chứ chẳng phải là thấy cái gì đó như người ta tưởng, nên gọi là Vô tướng.

- Vô tác: là sự hiểu thấu Bổn tâm thanh tịnh chẳng phải do tác mà thành, mà đến được. Nó chỉ có thể là kết quả của sự thấu suốt gọi là Giác Ngộ.

Đến đây tất cả mọi vướng mắc, mọi mối tơ vò từ trước đến nay trong tâm trí của người tu hành về thế giới cũng như về chính mình đã được sáng tỏ. Tất cả đã sáng tỏ, mọi nguyên nhân phát sinh vọng tưởng đều tịch diệt, gọi là Diệt Đế. Tự tâm an lạc gọi là Thiền Na.

IV. Kết luận và một vài tâm sự

Như vậy, qua những phân tích ở trên, có thể thấy Tam Vô Lậu học là pháp tu hành, là công cụ để làm mỏng nhẹ sự ngăn che của thức nghiệp. Thức nghiệp mỏng nhẹ sẽ tạo điều kiện tối ưu để “cái tự ngộ” xảy ra, gọi là Tam Giải Thoát.

Cũng từ những phân tích trên, ta thấy được tính hoạt dụng đặc dị của các thuật ngữ trong Phật đạo. Cùng là Không-Vô tướng- Vô tác nhưng có thể là sự mô tả rất nhiều tầng bậc chuyển biến tâm thức khác nhau ở người tu hành từ hoàn thành Tập Đế, bước chân vào Diệt Đế cho đến viên mãn Diệt Đế. Các thuật ngữ nếu không được hiểu đúng sẽ rất mơ hồ, hiểu đã mơ hồ thì thực hành cũng khó lòng thấu thoát. Khi thuật ngữ đã được sáng tỏ hoặc được chỉ hướng cụ thể, mỗi căn cơ sẽ tự biết mình phải làm gì để tùy thuận chỗ thấy biết và rồi đưa tới thực chứng.

Bài viết trên đây được khởi nguồn từ nhân duyên trao đổi trong một buổi sinh hoạt sáng sớm chủ nhật của HĐ Lý Gia Miền Bắc. Những buổi sinh hoạt đều đặn và các HĐ không ngừng tinh tấn nỗ lực, cá nhân người viết cảm nhận sâu sắc việc học tập trong Lý Gia quả giống như những ngọn nứi lửa ngầm, nhìn lặng lẽ nhưng âm thầm hoạt động liên tục, không ngừng …

Tâm cảnh giới vốn là một phạm trù trừu tượng và rộng sâu, trong phạm vi một bài viết khó có thể bao trùm được hết tất cả các khía cạnh giáo tông cũng như các cảnh chứng tâm tông. Do vậy, bài viết cũng chỉ có thể khai thác đề tài ở một mức độ nhất định nào đó. Tuy nhiên, người viết cũng mong trong khả năng của mình có thể góp thêm một vài đốm lửa, biết đâu có thể hữu ích trở thành một chỉ dấu giúp HĐ, người hữu duyên sáng tỏ trên con đường tiến tu …

Lý Phương Anh

(28/9/2022)

 

Bài viết cùng danh mục

Thông báo

Hoặc gọi 096.4343.168