Ta Là Ai - Ta là Trụ Trì

127 lượt xem

Mê hay Ngộ không ở đâu xa mà ngay ở thái độ đón nhận trần cảnh của vị trụ trì “Ý”. Khi ý ô nhiễm gọi là mê; Khi ý thanh tịnh gọi là giác.

Khi vị trụ trì “lìa mê lìa giác” và bắt gặp cảnh giới “rổng rang thanh tịnh” ngay trong tâm vị ấy gọi là “Ngộ”, ngoài ra kinh sách còn mô tả cảnh giới giác ngộ diệt đế bằng những từ ngữ tương ưng như là “vô niệm”, “bổn lai vô nhất vật”, “không pháp không tâm”, hay “bất động, giải thoát”, “và vị ấy không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời” …vv… Đến giai đoạn này khỏi cầu… thì Niết Bàn an vui cũng tự hiện trong ngôi chùa của quý ông, quý bà !!!

“Ý” là một trong sáu căn “Nhãn, Nhĩ, Tỉ, Thiệt, Thân, Ý” nhưng được lựa chọn bổ nhiệm chức danh Trụ trì bởi, khi sinh ra “Ý” đã có chức năng đặc biệt là nghĩ suy, có tố chất lãnh đạo, làm chủ, tiên phong… như lời kinh Pháp cú

TA LÀ AI – TA LÀ TRỤ TRÌ !!!

Lý Thái Đăng

Nếu có quý ông, quý bà nào đó tu học Phật pháp, mà đặt cho tôi câu hỏi “Ta là ai???” thì tôi sẽ trả lời “Ta là trụ trì !!!”.

Được gọi là “Trụ Trì” bởi mỗi quý ông hay quý bà đều thoả mãn những điều kiện cần và đủ đặt ra, nghĩa là tại nơi đó có một vị chủ quản lý (trụ) và có ít nhất một đối tượng để quản lý (trì).

“Vị chủ quản lý” thường trực, trụ trong mỗi quý ông hay quý bà được gọi là “tánh biết” hay “ý”; Còn “đối tượng quản lý” có thể gọi tên, là chùa ông hay chùa bà.

Chùa ông hay chùa bà thông thường có năm cánh cửa hướng ngoại đặt tên là “Nhãn, Nhĩ, Tỉ, Thiệt, Thân”, thường liên hệ, tìm kiếm và tiếp xúc với năm đối tượng tương ưng là “Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc”.

Thông thường khi xúc đối, mọi thông tin “thấy nghe hay biết…” thu lượm được từ năm cánh cửa đều được đưa về cho vị trụ trì “Ý” xử lý… thông qua các chức năng như nghĩ suy, phân tích, so sánh, tổng hợp… cho ra kết quả sản phẩm mang thương hiệu của Ý là quan điểm, quan niệm, kết luận, phán xét…vv…gọi là sanh pháp.

Nếu vị trụ trì mê pháp ắt sanh tâm; Nếu vị trụ trì thủ giữ, lấy tâm, pháp làm đời sống ắt sanh ngã. Khi vị Trụ trì đã sanh tâm, pháp, ngã thì mọi sự rắc rối, trùng trùng mê khởi phát ra từ gốc rễ mê này… gọi là “Căn bổn vô minh”.

Nếu vị trụ trì được ứng dụng đúng quy trình học tập Văn, Tư, Tu, lại được trang bị những kiến thức chuẩn trong Phật đạo ngay từ ban đầu, thì việc tư duy theo cấp lớp đề ra là hết khổ, dứt tập, chứng diệt… sẽ có nhiều thuận lợi cho việc tư duy chơn chánh, hệ quả tất yếu sẽ phát ra giác lực, huệ lực, định lực, giải thoát lực… giúp vị trụ trì giác ngộ diệt đế… ngay đó hết mê, sáng suốt hiện khởi… vị trụ trì được đổi tên mới, gọi là “Diệu quan sát trí”!!! Từ đây, vị ấy như người sáng mắt đủ tiêu chuẩn học tập trí tuệ của đạo xuất thế…

Tóm lại: Mê hay Ngộ không ở đâu xa mà ngay ở thái độ đón nhận trần cảnh của vị trụ trì “Ý”. Khi ý ô nhiễm gọi là mê; Khi ý thanh tịnh gọi là giác.

Khi vị trụ trì “lìa mê lìa giác” và bắt gặp cảnh giới “rổng rang thanh tịnh” ngay trong tâm vị ấy gọi là “Ngộ”, ngoài ra kinh sách còn mô tả cảnh giới giác ngộ diệt đế bằng những từ ngữ tương ưng như là “vô niệm”, “bổn lai vô nhất vật”, “không pháp không tâm”, hay “bất động, giải thoát”, “và vị ấy không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời” …vv… Đến giai đoạn này khỏi cầu… thì Niết Bàn an vui cũng tự hiện trong ngôi chùa của quý ông, quý bà !!!

“Ý” là một trong sáu căn “Nhãn, Nhĩ, Tỉ, Thiệt, Thân, Ý” nhưng được lựa chọn bổ nhiệm chức danh Trụ trì bởi, khi sinh ra “Ý” đã có chức năng đặc biệt là nghĩ suy, có tố chất lãnh đạo, làm chủ, tiên phong… như lời kinh Pháp cú (phẩm song yếu) chỉ rõ:

“1. Ý dẫn đầu các pháp,

Ý làm chủ, ý tạo;

Nếu với ý ô nhiễm,

Nói lên hay hành động,

Khổ não bước theo sau,

Như xe, chân vật kéo.

2. Ý dẫn đầu các pháp,

Ý làm chủ, ý tạo;

Nếu với ý thanh tịnh,

Nói lên hay hành động,

An lạc bước theo sau,

Như bóng, không rời hình”.

Như vậy, thông qua “phẩm song yếu” ta đã phát hiện được loại mã khoá để mở cánh cửa đi đến “Địa ngục” hay “Niết bàn” thông qua các câu kinh “Nếu với ý ô nhiễm… Khổ não bước theo sau… Như xe, chân vật kéo” và “Nếu với ý thanh tịnh… An lạc bước theo sau… Như bóng, không rời hình”.

Quá trình chuyển “ý ô nhiễm” thành “ý thanh tịnh” là quá trình giáo dục trong Phật đạo hay còn gọi là quá trình “chuyển thức thành trí” ngay chính trong ngôi chùa của quý ông, quý bà mà không phải “hướng ngoại tìm cầu”!!!

Khi quý ông, quý bà đã xây dựng được cho mình quy trình “chuyển thức thành trí” trong ngôi chùa tu tập tự thân thì coi như ngọn lửa vô sanh đã được nhen lên, cây đuốc giáo pháp đã được thắp sáng, gọi là ngôi chùa đã an vị “tượng Phật phát hào quang”. Lúc này vị trụ trì đi đến đâu thì “tượng Phật phát hào quang” cũng đến đó… cho dù đó là khu rừng, gốc cây, miếu hoang, là gia đình, khu chợ hay chùa am… tất cả đồng sáng chói và thanh tịnh !!!

Nếu người tu hành chưa xây dựng cho mình được ngôi chùa tu tập tư thân, khi “Ý” vẫn còn ô nhiễm, tánh giác chưa hiện… giống như “tượng Phật chưa được khai tâm điểm nhãn” thì dù ở nhà hay đến chợ, đến chùa, dù lên rừng hay xuống biển, dù yểm ly hay lập cốc dụng công… kết quả tất yếu vẫn là: “Nếu với ý ô nhiễm, Nói lên hay hành động, Khổ não bước theo sau, Như xe, chân vật kéo”. (Trích Kinh Pháp Cú).

Sau khi xây dựng được “ngôi chùa tu tập tự thân” và xác định được vai trò vị trí của người quản lý, vị “trụ trì” trân trọng treo tấm biển lên trên cổng chùa có bốn chữ “Duy tuệ thị nghiệp”. Tăng cường giữ gìn vệ sinh môi trường, đề ra quy tắc “không đem rác vào chùa, không xả rác ra môi trường”. Trong chùa còn treo các khẩu hiệu như “giác ngộ, giải thoát, trí tuệ”; “thiểu dục tri túc”; “lặng lẽ quan sát không kết luận” …

Ngoài chùa có biển nhắc nhở “Chùa là nơi tôn nghiêm, không được mua bán, đổi chác, gây ồn ào mất trật tự”!!!

Chương trình học tập mỗi khoá được in to, rõ và đẹp, đặt nơi trang trọng. Kế họach học tập chi tiết cụ thể dựa trên bốn cấp học “Tứ Đế” và “Ba mươi bảy phẩm trợ đạo” giống như ba mươi bảy môn học của giáo dục phổ thông.

Đánh giá và xếp loại học tập của chùa dựa trên thước đo gọi là “Pháp Ấn”. Theo Thầy Lý Tứ chỉ dạy “Pháp Ấn chính là “con dấu pháp” ấn chứng đạo quả của người tu hành. “Phật đạo có nhiều Pháp Ấn… Nhưng chỉ áp dụng ba loại Pháp Ấn quan trọng là đủ để kiểm định quá trình dạy và học đó là Tứ Pháp Ấn; Tam Pháp Ấn và Đệ Nhất Pháp Ấn.

Tứ Pháp Ấn gồm: Vô thường, Khổ, Không, Vô ngã. Đây là Pháp Ấn cho Nhị thừa.

Tam Pháp Ấn gồm Không, Vô tướng, Vô tác. Đây là Pháp Ấn thuộc về Bồ tát quyền thừa, dành cho người tu tập tiến về đạo quả vô lậu bằng con đường tam giải thoát môn.

Đệ nhất Pháp Ấn hay Thiệt tướng Pháp Ấn: Đây là Pháp Ấn của Bồ tát nhất thừa, dành cho người thấy thiệt tướng”. (Lý Tứ).

Tiếp theo vị trụ trì đăng ký thi đua phấn đấu đạt danh hiệu “Chùa Văn Hoá Vô Lậu” dựa trên những tiêu chí như sau (trích Lý Gia Ra Mắt):

Văn hóa vô lậu “Là một hình thái văn hóa chỉ có trong Phật Đạo, đó là đời sống được xây dựng trên nền tảng giác ngộ, gồm những người cộng đồng có giác có ngộ…” (Lý Tứ)

1. Điều kiện cần và đủ của người sống trong môi trường văn hóa vô lậu là: “NGŨ UẨN GIAI KHÔNG”

+ Sắc uẩn (thân): Không đặt bất cứ giá trị hư ảo nào lên thân này;

+ Thọ uẩn: Không lấy khổ vui của cảm thọ mà sinh tâm.

+ Tưởng uẩn: Biết rõ các tưởng không thật nên chẳng duyên theo, chẳng mong cầu; chẳng tìm cách tịch diệt;

+ Hành uẩn: Biết rõ “vô minh duyên hành”, tâm hành do bất giác khởi niệm, bản chất vô minh là phân biệt, phân biệt tạo ra sự chênh lệch, đối đãi, bất bình đẳng, hành xuất hiện do chênh lệch; không có vô minh không có hành; giác ngộ thì hết vô minh.

+ Thức uẩn: Thấu suốt “tam giới duy tâm tạo”, tâm hư vọng do thức phân biệt làm ra; dừng phân biệt, thức tịch diệt; thức tịch diệt, thức chuyển thành trí;

Tóm lại: Sắc uẩn thuộc về thân; thọ, tưởng, hành, thức uẩn thuộc về tâm, “tâm mê cảnh duyên, các pháp hư vọng liền sanh”; Tâm thanh tịnh, không mê mờ năm uẩn, tạm gọi là ngũ uẩn giai không. “ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách”.

2. Đặc tính của văn hóa vô lậu

+ Ứng xử của cộng đồng văn hóa vô lậu là “Không bốn tướng” (nhân, ngã, chúng sanh, thọ giả). Vì không bốn tướng, đặc biệt là không còn tướng ngã, (nên chẳng còn ngã sở), do tướng ngã tịch diệt mà các tướng còn lại là tướng nhân, chúng sanh, thọ giả cũng không.

+ Ngữ ngôn của cộng đồng văn hóa vô lậu là “Không tứ cú” (đồng dị, có không, chẳng phải có chẳng phải không, thường vô thường). Tứ cú là ngữ ngôn của ba cõi, là ngữ ngôn của phân biệt, nhị nguyên. Kẹt vào tứ cú là kẹt vào luân hồi ba cõi. Muốn giải thoát, dạy người giác ngộ giải thoát, ngữ ngôn phải lìa tứ cú.

+ Đời sống của cộng đồng văn hóa vô lậu là “Không bốn bệnh” (tác, nhậm, chỉ, diệt). Vì không còn bốn bệnh nên đạo tràng tự thanh tịnh.

Cần phải nói rõ rằng, người tu hành không biết, không thấy đích cần đến, là tu mù, chẳng bao giờ đến được Niết bàn, nhưng nếu biết rõ Niết bàn mà không nắm rõ phương pháp tu tập, còn khởi tâm, cố gắng, làm cái gì đó để đến, tức thì phạm vào “Bốn bệnh”, chẳng bao giờ thành tựu. Người tu sau khi giác ngộ, biết rằng tự tâm đã sẳn đủ các tính chất của Niết Bàn, vì thế dùng không hộ trì để mà hộ trì; dùng không tu tập để mà tu tập mới xa lìa được bốn bệnh, mới tới được cảnh giới cần tới.

+ Quan niệm của cộng đồng văn hóa vô lậu là “Không ba thời” (quá khứ, hiện tại, vị lai). Vì không ba thời nên chẳng có khái niệm phân biệt thường hay vô thường.

+ Giá trị chuẩn mực (hay thước đo) của cộng đồng văn hóa vô lậu là “Thanh tịnh tâm” những gì trái với thanh tịnh tâm được loại bỏ hoàn toàn. Tâm thanh tịnh là tâm của giải thoát, mọi hoạt động với tâm thanh tịnh sẽ gặt hái thành quả là công đức, là nhân quả của giải thoát (khác với tâm không thanh tịnh, mọi cố gắng thiện nhất cũng chỉ đưa đến phước đức, là sản phẩm trói buộc của ba cõi).

+ Tồn tại của cộng đồng văn hóa vô lậu là “Tứ vô lượng tâm” (từ, bi, hỷ, xả). Để có tứ vô lượng tâm người tu cần thành tựu 10 ba la mật. Sáu ba la mật đầu (Bố-thí; Trì-giới; Kham nhẫn; Tinh-tấn; Thiền-định; Trí-huệ) dùng tự độ mình; bốn ba la mật sau (Nguyện Ba-la mật; Phương tiện Ba-la mật; Lực Ba-la mật; Huệ Ba-la mật) dùng để độ người. Vì có nguyện Ba la mật nên Bồ tát mới xuất hiện ở cõi này để độ cho chúng sanh. Những người đang sống trong cộng đồng văn hóa vô lậu là những vị đang thực hiện lời nguyện của mình.” (Lý Tứ).

Hạnh phúc thay cho những quý ông, quý bà phát tâm “xây chùa, đúc tượng, độ tăng” mà biết xây dựng cho mình ngôi chùa tu tập tự thân, đúc được pho tượng Phật hào quang sáng chói và may mắn được cúng dường cho vị trụ trì có tám tính chất “Thường Ngã Lạc Tịnh Từ Bi Hỷ Xả”.

Vinh quang thay cho quốc độ có vô số ngôi chùa tu tập tự thân, phát sanh ngày càng nhanh, mạnh và rộng lớn, lan toả văn hoá vô lậu, “đem ước mơ và yêu thương đến những nơi xa nhất”.

Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Thầy (14/8/1954 – 14/8/2023) con kính chúc Thầy sức khoẻ, an trụ dài lâu làm nơi nương tựa cho chúng con học tập trên con đường “giác ngộ giải thoát và trí tuệ”. Con xin kính lễ Thầy ba lễ !!!

Kính mong Thầy và Đại chúng thẩm định, đánh giá bài viết của học trò qua 10 năm được Thầy giáo dạy, được các HĐTM giúp đỡ, trợ duyên.

Tây nguyên, ngày 18/6/2023

Con, Lý Thái Đăng

Bài Viết Gốc: (1) LÝ GIA | Facebook

Bài viết cùng danh mục

Thông báo

Hoặc gọi 096.4343.168