Tên Gọi Các Môn Học Đạo Đế

127 lượt xem

ám môn học của Đạo Đế là: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. Tám môn học này, khi thành tựu viên mãn sẽ ẩn tàng trong nó những Tam Muội Môn và Giải Thoát Môn của Phật đạo. Có nghĩa rằng, các Tam Muội Môn hay Giải Thoát Môn của Phật đạo chỉ là hệ quả tất yếu của sự thấm nhuần và thông đạt Giáo Pháp, tức ngữ và nghĩa không hai. Nếu có một Tam Muội Môn hay Giải Thoát Môn nào không được soi sáng bởi ngọn đuốc Giáo Pháp đều không thuộc về Đạo Quả trong Phật đạo!

Bài 42 (tiếp). TÊN GỌI CÁC MÔN HỌC

Tám môn học của Đạo Đế là: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. Tám môn học này, khi thành tựu viên mãn sẽ ẩn tàng trong nó những Tam Muội Môn và Giải Thoát Môn của Phật đạo. Có nghĩa rằng, các Tam Muội Môn hay Giải Thoát Môn của Phật đạo chỉ là hệ quả tất yếu của sự thấm nhuần và thông đạt Giáo Pháp, tức ngữ và nghĩa không hai. Nếu có một Tam Muội Môn hay Giải Thoát Môn nào không được soi sáng bởi ngọn đuốc Giáo Pháp đều không thuộc về Đạo Quả trong Phật đạo!

Tất nhiên, trong chừng mực nào đó, người tu hành sử dụng các tên gọi thuần túy của Bát Chánh Đạo như Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, vv … thay vì gọi tên tám môn học về Bát Chánh là Thấu Thị Môn, Thẩm Sát Môn vv … cũng không có gì sai. Vì rằng, trong tu học, danh tướng không quan trọng, điều quan trọng nhất là: Ta đã học được môn học đó hay chưa, học bằng cách gì, học ở đâu và đến lúc nào mới thành tựu các Đạo Phẩm này? Cho nên, cái được gọi là Trí Tuệ trong Phật đạo, không phải chỉ đơn thuần nhận biết qua những tên gọi, hoặc những định nghĩa như thế này hay thế kia … Mà, nó phải thật sự lấp lánh và rực sáng dưới mọi góc nhìn của Đạo Pháp!

Để phân biệt giữa môn học và sự thành tựu sau khi học, tức là học để có Chánh Kiến khác với người đã thành tựu Chánh Kiến, người xưa tạm đặt tên cho các môn học của Bát Chánh Đạo theo cách gọi riêng để dễ nhận biết.

III.1 Thấu Thị Môn (Môn học về Chánh Kiến)

Học cách trực nhận và thấu đáo như Pháp (về Thánh Pháp lẫn Thế Pháp). Khi thành tựu hoàn hảo sẽ có được Chánh Kiến.

III.2 Thẩm Sát Môn (Môn học về Tư Duy)

Học cách suy nghĩ, phản biện thấu đáo như Pháp. Khi thành tựu hoàn hảo, sẽ có được Chánh Tư Duy.

III.3 Đẳng Ngữ Môn (Môn học về Chánh Ngữ)

Học cách thức tuyên thuyết như Pháp. Khi thành tựu hoàn hảo, sẽ có được Chánh Ngữ.

III.4 Đại Hạnh Môn (Môn học về Chánh Nghiệp)

Học về Bồ Tát Hạnh như Pháp. Khi thành tựu hoàn hảo sẽ có được Chánh Mạng.

III.5 Đại Đạo Môn (Môn học về Chánh Mạng)

Học về Bồ Tát Đạo như Pháp. Khi thành tựu hoàn hảo, sẽ có được Chánh Mạng

III.6 Thật Nghĩa Môn (Môn học về Chánh Tinh Tấn)

Học về Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa như pháp. Khi thành tựu hoàn hảo sẽ cho ra Chánh Tinh Tấn.

III.7 Đẳng Trì Môn (Môn học về Chánh Niệm)

Học các thứ Tâm Vô Lượng như pháp. Khi thành tựu hoàn hảo, sẽ có được Chánh Niệm.

III.8 Chân Giác Môn (Môn học về Chánh Định)

Học về Đại Niết Bàn như Pháp. Khi thành tựu hoàn hảo, sẽ có được Chánh Định.

Thành tựu hoàn hảo tám môn học chân chánh nói trên, gọi là người tu hành thành tựu Đạo Đế. Thành tựu Đạo Đế, sẽ là người tu hành có Trí Tuệ chân thật trong Phật đạo, hay còn gọi là đắc thành Nhất Thiết Trí, người sở hữu trí này, còn gọi là Hy Hữu Trí. Đây là thứ trí tuệ thuần khiết, không ô tạp, bất hoại, đệ nhất lành, tối thượng chân chánh. Trí tuệ này, được ảnh chiếu qua tám mặt cơ bản của nó, mà: Những ai có mắt, nhất định sẽ thấy giá trị tuyệt đối của Đạo Pháp thông qua những lấp lánh từ sự ảnh chiếu này!

Nếu, Trí Tuệ là mặt trời thì, Bát Chánh Đạo chính là những tia sáng từ mặt trời ấy chiếu đến nhân gian, làm cho cả nhân gian bừng sáng, và những ai có mắt, như thật biết rằng: Mặt trời kia là một thực hữu, đang soi sáng giữa cuộc đời này!

I. Ý nghĩa, Nội dung và Phương Pháp Học Tập Các Môn Cơ Bản Của Đạo Đế Thuộc Xuất Thế Gian Thượng Thượng (Còn gọi là học Nhất Thiết Trí).

II. IV.1 Ý Nghĩa (Mở Rộng)

. Nếu, Tứ Diệu Đế là bốn cấp học từ thấp lên cao, có năng lực giáo dục một phàm phu vô văn trở thành một người có trí tuệ trong Phật đạo. Thì 37 phẩm, là giáo trình giảng dạy hoàn hảo, gồm 37 môn học từ thấp lên cao, giúp người học thành tựu mục tiêu học tập.

. Nếu, Tứ Diệu Đế có ba tầng nghĩa, gồm: Tục Đế, Thánh Đế và Chân Đế. Thì 37 phẩm cũng có ba tầng nghĩa tương ưng với các tầng của Tứ Đế. Vì thế, 37 phẩm còn có các tên là Trợ Đạo, Trợ Bồ Đề và Đạo Phẩm. Sự tương ưng này cho thấy, việc giải thích về 37 phẩm ở Tục Đế khác Thánh Đế, Thánh Đế khác Chân Đế.

Và trong chừng mực nào đó của tầng nghĩa Chân Đế, 37 phẩm bây giờ lại trở thành môn học chuyên biệt của Thấu Thị Môn và Thẩm Sát Môn (Chánh Kiến và Chánh Tư Duy) trong quy trình học Nhất Thiết Trí. Có xét đến đây, ta mới thấy sự hoạt dụng đến vô tận của Tứ Đế và 37 phẩm. Nếu, mỗi một Đế như một cấp học. Thì 37 phẩm hay 37 môn học được phân chia cho từng mỗi cấp học phù hợp với trình độ nhận thức về Đạo Pháp như sau:

a) Cấp Khổ Đế và Tập Đế (cấp I và cấp II) gồm các môn học: Tứ Niệm xứ, Tứ Chánh cần, Tứ Như Ý Túc. Gọi chung là Tư Lương Vị. Đây là hành trang tri thức tối thiểu, giúp người học vượt qua 8 món khổ của nhân gian, cùng mười món kiết sử đã cột trói hữu tình trong ba cõi bằng chính sự Giác Ngộ tối sơ, gọi là Sơ Ngộ. Vị tu hành này tâm thức bắt đầu chảy vào dòng Giác Ngộ.

b) Cấp Diệt Đế (cấp III): gồm các môn học: Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi. Gọi là Kiến Đạo Vị. Đây là nhóm tri thức thuộc về Xuất Thế Pháp. Có công dụng đưa người từ bến bờ Xuất Thế, tiến sâu vào Đạo Quả Xuất Thế, trở thành một vị Thánh thực thụ trong Phật đạo, hoàn thành mục tiêu cuối cùng của Phạm Hạnh. Như người đi tìm lõi cây, đã tìm được một lõi cây đích thực, đúng nghĩa Thành toàn Đạo Quả Giải Thoát.

c) Cấp Đạo Đế (cấp IV) gồm các môn học: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh NGữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. Gọi là Tu Đạo Vị.

Đây là nhóm tri thức thuộc về Xuất Thế Gian Thượng Thượng, có công dụng biến lõi cây đã tìm được (ở cấp III) trở thành một vật phẩm vô giá mang đến nhiều ích lợi cho đời. Nói khác hơn, tám môn học chân chánh này, giúp một vị Thánh trong Phật đạo trở thành những Bồ Tát thực thụ, trở thành một Đạo sư đúng nghĩa, với Trí Tuệ Siêu Việt có thể ung dung trở lại thế gian (nhập pháp giới, nhập thế), dùng con thuyền Bát Nhã sẵn sàng đưa người qua khỏi bến mê, đến bờ Giác Ngộ. Thành tựu Đạo Trí Tuệ.

(Trích sách Tâm Tông, thầy Lý Tứ, trang 184-187)

 

Bài viết cùng danh mục

Thông báo

Hoặc gọi 096.4343.168