TIỂU LUẬN MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN

110 lượt xem

TIỂU LUẬN MƯỜI NHÂN DUYÊN

Thưa thầy, thưa các HĐTM, một bài thuyết trình trước đại chúng trên Zoom do phải cân đối thời gian thuyết với các hoạt động khác của buổi sinh hoạt nên dù cố gắng đến đâu thì sẽ vẫn có thiếu sót và nội dung chia sẻ cũng không đầy đủ như một bài luận. Vì vậy, hôm nay con đã chỉnh sửa hoàn chỉnh bài luận mà con dùng để bài thuyết trình gửi đến các để HĐTM cùng lợi lạc. Sau đây, xin mời các HĐTM cùng đọc lại những lời giáo dạy (bị phân mảnh do các căn cơ khác nhau) của thầy về Mười hai nhân duyên dưới sự sắp xếp và xâu chuỗi lại cho phù hợp với các căn cơ từ cạn đến sâu. Tất cả chỉ trong một bài luận !!!

Người thực hiện: Lý Đức Hoàng

-------------------------------

Giác ngộ – Giải thoát – Trí tuệ là ba mục tiêu lớn của Phật Đạo mà mỗi người tu hành phải hướng đến. Đây không những là mục tiêu mà còn là con đường mà mỗi người tu hành phải đi qua để chuyển hoá tâm thức từ lúc còn là một chúng sanh cho đến khi viên mãn Vô thượng Bồ Đề. Trên con đường này, mục tiêu quan trọng phải kể đến đó là Giác ngộ bởi lẽ nếu bản thân người học không giác ngộ thì hai mục tiêu còn lại là Giải thoát và Trí Tuệ sẽ chỉ là “Kính Hoa, Thuỷ Nguyệt” (Hoa trong gương, trăng đáy nước). Tức là người này với hai mục tiêu còn lại chỉ là nghe cho biết chứ bản thân chưa tự mình thể nhập vào, do đó sẽ không biết được Giải thoát có ý vị ra sao và Trí Tuệ của chư Phật thậm thâm vi diệu như thế nào.

Ngược lại, người tu hành một khi đã giác ngộ (dù chỉ là sơ ngộ) thì hai mục tiêu còn lại sẽ rất dễ dàng đạt được nếu người này tiếp tục tinh tấn tu học không nhàm mỏi. Bởi lẽ đã khi đã hoàn thành tốt bước khởi đầu, người nãy tiếp tục siêng năng tu tập, chịu khó động não tư duy và liên hệ thực tế thì việc đạt được Giải thoát, Trí tuệ là kết cục tất yếu bởi vì nếu nhân như vậy, duyên như vậy,…, thì nhất định bổn mạt (gốc ngọn, đầu đôi) phải như vậy (Theo “Thập Như Thị”)

Nhưng ở đời, chín người thì mười ý nên đâu dễ gì mà nhiếp phục được tâm người. Do căn tánh chúng sanh sai khác nên trong quá trình giáo hoá, Phật hoá hiện vô số pháp phương tiện để nhiếp thọ họ, cho họ an trụ trong chánh pháp. Điều này được thể hiện rõ trong Kinh Thắng Man như sau:

“Cũng vậy, thiện nam tử, thiện nữ nhân Nhiếp Thọ Chánh Pháp thì có thể kham được bốn trọng nhiệm hơn đại địa kia, đó là: Đối với các loài hữu tình rời lìa thiện hữu, không nghe pháp, phạm các tội lỗi thì dùng căn lành trời người để thành thục họ. Với kẻ cầu Thanh Văn dạy cho họ Thanh Văn thừa; Với kẻ cầu Duyên Giác dạy họ Duyên Giác thừa và với kẻ cầu Đại thừa dạy họ Đại thừa”

Từ đó ta thấy được Phật Đạo là thứ cam lộ diệu dược, vì vậy người giáo hoá phải biết tuỳ bệnh cho thuốc. Từ đó mới sinh ra nhiều thứ “thuốc” khác nhau như: Tứ thiền bát định, Tứ niệm xứ, Mười hai nhân duyên,….Trong đó pháp “Mười hai nhân duyên” chính là thứ thuốc dành cho Duyên Giác Thừa. Những người này do quán thông suốt pháp này mà giác ngộ. Đây cũng chính là nội dung chính mà bài luận này muốn nói đến.

1. Thức mê – tiền đề làm nên mười hai nhân duyên.

Như đã biết, có năm món cùng tồn tại trong một hữu tình. Đó là: Sắc – Thọ – Tưởng – Hành – Thức. Năm thành tố này, tự bản thân chúng vốn dĩ vắng lặng và thanh tịnh Khi ta mê mờ, bị trói buộc thì năm món này trở thành Ngũ Ấm. Sắc – Thọ – Tưởng – Hành – Thức không phải là một liên minh mà là những đối tượng độc lập, trong đó Thức đóng vai trò ông chủ chi phối bốn món còn lại. Bốn thành tố Sắc – Thọ – Tưởng – Hành vận hành theo nguyên tắc của nghiệp. Tức là là đủ duyên thì tụ, hết duyên thì tán. Khi nào thức không còn sống chung với bốn món còn lại thì bốn món này tự động tan rã trong khi thức vẫn tiếp tục tồn tại để đi tìm thân nghiệp (Sắc – Thọ – Tưởng – Hành) mới. Hành trình của thức ấm (thức mê) từ lúc sinh ra cho đến tiếp nối đời sau trong Phật Đạo gọi là mười hai nhân duyên.

2. Mười hai nhân duyên – Hành trình của một thức mê.

Gọi là mười hai nhân duyên nhưng thực ra nó chỉ là tên gọi của từng giai đoạn chứ về mặt bản chất cũng chỉ là một thức. Giống như một người, trong từng giai đoạn của cuộc đời giữ một vai trò khác nhau. Khi nhỏ đi học thì gọi là học sinh, lên đại học thì gọi là sinh viên. Ra trường đi làm gọi là nhân viên, sau vài năm thăng tiến thì lên trưởng phòng rồi giám đốc. Sinh viên, trưởng phòng hay giám đốc cũng chỉ là danh xưng chứ thực ra không phải người đó. Tên gọi mười hai chi nhân duyên của một thức mê cũng như vậy. Trong hành trình của mình, thức chia làm mười hai giai đoạn gồm có: Vô minh, Hành, Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh, Lão Tử.

Trong mười hai giai đoạn đó lại tiếp tục gom nhóm làm ba giai đoạn như sau:

  • Tiền tế là giai đoạn này chúng sanh chưa xuất hiện trên đời bao gồm các chi: Vô minh, Hành, Thức, Danh sắc
  • Trung tế là giai đoạn chúng sanh xuất hiện ở đời, tiếp nhận, thủ giữ những thứ bất tịnh từ trần cảnh. Giai đoạn này bao gồm các chi sau: Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ
  • Hậu tế là giai đoạn chúng sanh xuất hiện ở đời, từ những gì đã tiếp nhận, thủ giữ sanh ra những thứ ưu, bi, khổ, não. Cứ như vậy thức mê vẫn hoàn mê để rồi luân hồi ngay trong hiện đời (tâm thức) và đời vị lai. Hậu tế bao gồm các chi dưới đây: Hữu, Sanh, Lão Tử (Ưu, bi, khổ, não)

Để giải thích rõ cho mười hai chi nhân duyên, trong đoạn kinh Duyên Sinh có nói rõ như sau:

“Có vô minh, đối với các cảnh giới khởi ra tham, sân, si,cái đối với cái cảnh giới khởi ra tham, sân, si ấy, ấy là vô minh duyên cho hành, cái mà đối với mọi sự thường phân biệt rõ ràng, gọi là "thức", cùng với thức đồng sinh bốn ấm (sắc, thọ, tưởng, hành), gọi là danh sắc, y vào các căn của danh sắc, gọi là lục nhập, ba pháp hòa hợp (căn, trần, thức) gọi là xúc, biết cảm thọ sự xúc chạm ấy, gọi là thọ; tham đắm vào sự cảm thọ ấy, gọi là ái, tăng trưởng sự tham ái ấy, gọi là thủ; từ chỗ chấp thủ ấy sinh ra "năng sinh nghiệp" (chủ động trong hành động sinh danh sắc khác), gọi là hữu, mà từ nhân kia (nghiệp) sinh ra năm ấm (danh sắc), gọi là sinh, sinh ra rồi năm ấm thành thục, gọi là lão (già), lão rồi năm ấm diệt hoại, gọi là tử (chết), trong khi sắp mất, nội tâm đủ cả tham đắm và nhiệt não, gọi là sầu (buồn rầu); từ chỗ sầu bi ấy, sinh ra những lời nói, gọi là thán (than thở),thân của năm thức chịu khổ, gọi là khổ, tác ý (khởi ra ý tưởng), ý thức chịu mọi sự khổ, gọi là ưu (lo), đủ những thứ trên như thế cùng những phiền não tùy thuộc, gọi là não.

Đen tối nhiều nên gọi là vô minh, tạo tác, nên gọi là chư hành (mọi hành động), phân biệt rõ ràng, nên gọi là thức, nương dựa nhau, nên gọi là danh sắc, làm cửa sinh khởi, nên gọi là lục nhập, xúc chạm, nên gọi là xúc, cảm thọ, nên gọi là thọ, khát khao, nên gọi là ái, chấp lấy, nên gọi là thủ, sinh khởi sự có thân sau này (hậu hữu thân), nên gọi là hữu, sinh ra năm ấm, nên gọi là sinh, năm ấm thành thục, nên gọi là lão, năm ấm diệt hoại, nên gọi là tử, buồn rầu, nên gọi là sầu, than thở, nên gọi là thán, não thân, nên gọi là khổ, não tâm, nên gọi là ưu, phiền não, nên gọi là não”

3. Bốn cấp độ quán mười hai nhân duyên

Trong kinh Đại Niết Bàn có dạy:

“Này Thiện nam tử! Trí quán mười hai nhơn duyên có bốn hạng: Một là hạ, hai là trung, ba là thượng, bốn là thượng thượng.

Quán trí bực hạ chẳng thấy Phật tánh, vì chẳng thấy nên chứng được đạo Thanh văn. Trí quán bực trung chẳng thấy Phật tánh, vì chẳng thấy nên chứng đặng đạo Duyên Giác. Trí quán bực thượng thấy Phật tánh chẳng rõ ràng, vì thấy chẳng rõ ràng nên trụ bực thập trụ. Trí quán bực thượng thượng thấy Phật tánh rõ ràng nên chứng được vô thượng Bồ Đề”.

Tại sao cùng một pháp mười hai nhân duyên nhưng khi quán sát thì thấy biết lại sai biệt, ấy là do “tâm nguyện” và “xu hướng” tu hành của mỗi loại căn tánh mà Phật đã nêu ở trên.

Xét theo tâm nguyện và xu hướng tu hành của bốn căn tánh trên ta chia họ ra thành hai nhóm đó là:

  • Nhị thừa: Thanh văn (căn trí bậc hạ) và Duyên giác (căn trí bậc trung) nhưng người trong hai thừa này giống nhau ở tâm nguyện, đó là: “Tu hành để tự cứu bản thân, không có ước vọng giúp người”! Chẳng những tâm nguyện giống nhau, xu hướng tu hành của họ cũng giống nhau, ở chỗ: “Chán khổ tìm vui, chán sanh tử cầu Niết bàn”. Chính tâm nguyện và xu hướng tu hành này, nên Thanh văn và Duyên giác có danh xưng chung là Nhị thừa hay Tiểu thừa… Tiểu thừa có nghĩa là “cổ xe nhỏ”, xe nhỏ là thứ xe chỉ đủ để chở bản thân !!!
  • Bồ Tát thừa: Bồ tát quyền thừa (căn trí bậc thượng) và Bồ tát nhất thừa (căn trí bậc thượng thượng). Họ là những người có tâm nguyện rộng lớn muốn độ thoát hết thảy chúng sanh… Xu hướng tu hành của thừa này là thành tựu cho bằng được Vô thượng Bồ đề quả, không chấp nhận dừng lại ở những quả vị nhỏ nhoi !!! Chính hoài bão và ước nguyện to lớn này, mà những người tu học trong đạo Bồ tát có danh xưng là Đại thừa !!! Đại thừa là cỗ xe lớn, những người trong thừa này có thể gánh vác công việc của chư Phật, xe Đại thừa có năng lực chuyên chở hết thảy chúng sanh đến bến bờ an vui !!! Tâm nguyện và xu hướng là như vậy, nhưng do công đức tích luỹ sai khác nên trí tuệ hiện đời của các Bồ tát cũng trở nên sai khác… Đây là lí do vì sao Bồ tát thừa lại chia thành hai bậc, đó là Bồ tát quyền thừa và Bồ tát nhất thừa hay Phật thừa.

Sau đây là cách mà bốn loại căn trí này quán sát pháp “Mười hai nhân duyên”

  • Thanh văn thừa quán hậu tế của 12 nhân duyên (Hữu, Sanh, Lão tử)
  • Duyên giác thừa quán bốn chi sau trong trung tế của 12 nhân duyên (Xúc, Thọ, Ái, Thủ)
  • Bồ tát quyền thừa quán thấu suốt chi “Lục Nhập” của 12 nhân duyên
  • Bồ tát nhất thừa quán sát thông suốt tiền tế của 12 nhân duyên (Vô minh, Hành, Thức, Danh Sắc)

4. Cách quán mười hai nhân duyên của Nhị thừa

Do tâm nguyện cũng như xu hướng của Thanh văn và Duyên giác là tự cứu và chán khổ tìm vui, chán sanh tử cầu Niết bàn… Vì thế, để đáp ứng tâm nguyện và xu hướng này, Nhị thừa nhắm thẳng vào những nguyên nhân trước mắt nào gây ra khổ, nguyên nhân trước mắt nào không được yên vui để tịch diệt mà Nhị thừa cho là phù hợp với mục tiêu của mình !!!

Quán Hậu tế

Đối với Thanh văn thừa, để tịch diệt các nguyên nhân nói trên, học thuyết yểm li chính là thứ triết lí đáp ứng mọi yêu cầu của họ !!! Vì thế, yểm li gia đình, yểm li quyến thuộc, yểm li tài sản, yểm li ngũ ấm, ham thích độc cư thiền định, lấy giới luật làm hàng rào cấm ngăn và quán hậu tế của 12 nhân duyên (hữu, sanh, lão, tử) là những phần việc mà Thanh văn thừa học tập và ứng dụng triệt để vào đời sống… Sau khi học tập và ứng dụng triệt để những điều trên, Thanh văn thừa có được đạo quả cao nhất của thừa này (A la hán quả) !!!

Hậu tế là những gì thuộc mé sau, nó gồm những điều chưa xảy ra trong hiện tại. Hậu tế gồm các chi: Hữu, sanh, lão tử. Chữ hữu ở đây ám chỉ thân sau (hậu hữu thân), một đời sống (cõi hữu) sau đó được tiếp nối trong khổ sở do thức mê làm chủ và vô minh dẫn đường. Cái chưa đến ta không thể thấy và không thể bắt nó dừng hoặc từ chối nhận chịu trong hiện tại.

Ta chỉ có thể cảm nhận về nó, hoặc nhìn những đối tượng khác ngoài ta đang chịu thống khổ do các chi này mà biết. Hữu, sanh, lão tử tuy chính bản thân của mỗi người chưa từng trải qua trong hiện kiếp, nhưng nó lại là nỗi ám ảnh đáng ghê sợ và thường trực tác động lên đời sống. Nỗi ám ảnh ghê sợ và sự tác động thường trực này, lại là tác nhân giúp nhiều người nhìn lại chính mình và mong muốn thoát ra khỏi nó, đây là động cơ khiến phần lớn người đời tìm đến Phật Đạo, và họ cũng biết chắc rằng: Chỉ có Phật Đạo mới đủ khả năng giúp họ thoát khỏi sự ghê sợ này...!!!

Muốn thoát khỏi nạn tai của hậu tế, người này phải nhàm chán sanh tử, mau chóng cầu được Niết Bàn. Đây là nguyên nhân chính để Nhị thừa xuất hiện. Để cầu được Niết Bàn, Nhị thừa phải tuân thủ hai điều cơ bản nhằm dứt tình tưởng, làm cho thức cùng vô minh không còn động lực trong hiện tại để có khả năng tiếp tục di chuyển đến hậu tế.

Để dứt tình, Nhị thừa phải từ bỏ tất cả những gì khiến mình ái luyến, đó là "cắt ái ly gia". Để dứt tưởng, vị này phải xuyên suốt thiền định như pháp nhằm yểm ly dần dần cõi hữu. Đến khi thành tựu như pháp, tình và tưởng của vị này hoàn toàn tịch diệt, gọi là "sở tác dĩ biện, bất thọ hậu hữu".

Quán Trung tế (chỉ quán bốn chi sau gồm: Xúc – Thọ – Ái – Thủ)

Riêng, đối với Duyên giác thừa, được coi là bậc trung căn vì căn trí của thừa này có khá hơn Thanh văn một chút !!! Giống như Thanh văn, Duyên giác thừa cũng lấy học thuyết yểm li làm trọng tâm tu tập… Nhưng vì tạm coi là có trí tuệ, và căn bản Duyên giác thừa nhận ra nguyên nhân của các món khổ là do những “xúc đối bất như ý” và “cảm thọ yếu mềm”, vì thế thừa này không quán hậu tế của 12 nhân duyên, mà quán trung tế (gồm xúc, thọ, ái, thủ)… Tức quán những nguyên nhân hiện tiền phát sinh khổ não dựa trên nền tảng xúc đối giữa căn và cảnh từ đó cho ra ái thủ, trói buộc (nguyên nhân của mọi khổ đau) !!! Thành tựu phép quán “luân chuyển” hay “hoàn diệt” từ trung tế của 12 nhân duyên, Duyên giác thừa thành tựu đạo quả Duyên giác (hay chứng Bích Chi Phật quả) !!!

Đây là giai đoạn vô minh cùng thức hiện tiền đang làm chủ sự nhận biết trên cơ sở xúc đối. Vô minh và thức lúc này thay đổi tướng trạng và chức năng của nó, cho nên tên của nó cũng được thay đổi theo. Trung tế gồm có năm chi, đó là: Ngoại lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ.

Trung tế trong mười hai nhân duyên, là thuật ngữ nhằm chỉ cho những gì xảy ra trước mắt của cuộc sống. Các chi của nó gồm: Ngoại lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ. Một người với số vốn kiến thức vừa đủ về Phật học và biết cách quan sát, có thể nhận biết được những gì thuộc trung tế.

Trong các chi này, chỉ cần quyết tâm dừng một chi, các chi khác sẽ tự tịch diệt. Sự tịch diệt này dựa trên nguyên lý luân chuyển hay hoàn diệt của mười hai nhân duyên. Khi một chi đã dừng, vòng tròn hư ảo của sanh diệt luân hồi không thể hình thành. Nó giống như một đóm lửa được quay tròn, đóm lửa di chuyển từ điểm này đến điểm khác tạo thành một vòng tròn lửa, chỉ cần đóm lửa này dừng ở bất kỳ điểm nào, vòng lửa hư ảo kia tự động không còn nữa. Mười hai nhân duyên, bản chất của nó là vô minh và thức di chuyển qua mười hai điểm trên một quỹ đạo, tạo thành vòng tròn khép kín, vòng tròn này nếu không được ngăn chặn và phá vỡ, thì nó sẽ tiếp tục luân hồi đến bất tận!!!

Trong mười hai chi, những chi thuộc nhóm tiền tế đã qua rồi, không thể dừng trong hiện tại. Còn các chi thuộc về hậu tế thì chưa đến, mà cái chưa đến ta không thể buộc nó dừng. Vì thế, người tu tập phần lớn chọn phương cách bắt nó dừng ở trung tế, tức là tịch diệt những gì đang xảy ra trong hiện tiền đời sống. Khi một chi của trung tế tịch diệt, mười hai chi tự tịch diệt theo nguyên lý vòng lửa nói trên.

Vì thế, Phật nói kẻ trung căn khi quán mười hai nhân duyên sẽ thành tựu Niết Bàn. Điều này có nghĩa, đối với phần lớn người tu hành, cách khôn ngoan và hiệu quả nhất để chấm dứt vòng luân hồi luẩn quẩn, đó là nhắm ngay trung tế mà tịch diệt.

Có ba cách quán Trung tế của mười hai nhân duyên gồm: Nhắm thẳng cảm thọ mà diệt, quán luân chuyển, quán hoàn diệt.

Diệt thọ (Tu vô thọ): Nhắm thẳng Thọ mà đoạn. Tất nhiên với người bình thường thì điều này là rất khó. Nhưng mà thông qua thiền định (tứ thiền) thì có thể. Thọ tức là đem vào trong lòng, tu thiền định chính là phép xả. Phép xả đầu tiên đó là người này khởi tâm “Ít muốn biết đủ, bằng lòng với hiện tại”. Ngay khi thực hành đời sống “Thiểu dục tri túc” các cảm thọ sẽ dần dần biến mất, người này sẽ dần vượt qua từ sơ thiền cho đến tứ thiền. Từ đó khổ thọ và lạc thọ sẽ dần biến mất trong quá trình này.

Quán luân chuyển (quán thuận chiều mười hai nhân duyên): Chi trước dừng nên chi sau dừng. Tức là, khi các căn xúc đối với trần cảnh (Xúc) người này minh xúc (không đưa nhận thức điên đảo trong khi xúc đối) thì tự nhiên Thọ sẽ không sanh. Nhưng nếu Thọ đã khởi sanh, người này nhận ra và lập tức từ bỏ cảm thọ (sự thích thú, khao khát) thì tự nhiên Ái sẽ không sanh. Nhưng nếu Ái đã khởi, người này quán biết rằng Ái tâm (tâm yêu/ghét) này làm cho thân này bất tịnh, không đưa đến an vui, thanh tịnh, từ đó người này không còn ái luyến, yêu hay ghét cũng đều không còn. Từ đó tâm không còn gì để thủ giữ, do đó chi cuối cùng của Trung tế là Thủ tự nhiên không sanh. Sau khi quán xong phải vào thiền định để giữ gìn đạo quả.

Quán hoàn diệt (quán ngược chiều mười hai nhân duyên): Chi sau dừng nên chi trước dừng. Ngước lại với luân chuyển, khi tâm này đã chấp thủ (Thủ) các hữu vi pháp khiến thân tâm bất tịnh, người này nhận ra và tiến hành xả bỏ các pháp đã thọ nhận thì tự nhiên sau đó Ái sẽ không sanh. Nhưng nếu Ái đã sanh rồi, người này quán sát những lỗi lầm do ái gây ra (phiền não, sầu bi) từ đó dừng Ái thì tự dưng sau đó không có cảm thọ (Thọ). Một khi thọ không sanh thì người này xúc đối (Xúc) với trần cảnh chính là minh xúc, hoàn thành việc quán hoàn diệt. Sau khi quán xong phải vào thiền định để giữ gìn đạo quả.

Tại sao sau khi quán luân chuyển và hoàn diệt phải dùng thiền định để giữ gìn đạo quả. Đó là bởi cái thanh tịnh này là vô thường chứ chưa phải thường như cái thanh tịnh chơn thiệt (thanh tịnh do tâm tự hiện chứ không phải do nỗ lực bản thân). Do vô thường nên khi không quán nữa thì các ác niệm lại sanh khởi, vậy nên sau khi quán xong phải lập tức vào thiền định để giữ gìn đạo quả vừa đạt được.

5. Trung Ấm

Tiếp theo, để làm tiền đề nhằm quán sát Lục nhập và Tiền tế thuộc Bồ Tát Đạo. Chúng ta phải làm rõ hai khái niệm “Trung Ấm và thức”. Nếu chỉ dừng lại ở công việc tự cứu (Nhị thừa) thì không cần phải đào sâu về hai khái niệm này. Nhưng trong Bồ Tát Đạo thì lại khác, không biết tường tận về Trung Ấm và thức, sẽ không thể thấu suốt nguyên uỷ trôi lăn của một hữu tình, mà đã không thấu suốt cái gì trôi lăn và động lực nào làm cho trôi lăn, sẽ không thể sản sinh những phương tiện giúp người dừng sự trôi lăn đó một cách thoả đáng. Thậm chí đôi khi Trung Ấm được hiểu lầm, sẽ dẫn đến những giải thích mang đậm "màu sắc mê muội". Những giải thích như thế chẳng những không làm cho người có chánh kiến để có thể tự cởi trói, mà còn khiến người thêm hồ nghi, hoang mang và đắm chìm sâu hơn trong tà pháp.

5.1. Định nghĩa

Trung Ấm, hay Thân Trung Ấm, Thần Thức: Là một khái niệm trừu tượng, chỉ cho Thức Ấm khi từ bỏ thân nghiệp cũ, mà chưa có được một thân nghiệp mới trong điều kiện thức này hãy còn mê, tức vô minh và hành chưa dứt.

5.2. Bản chất của Trung Ấm

“Trung Ấm”, chỉ là tên gọi tạm thời trường hợp “Thức Ấm” hoàn toàn rời nghiệp cũ mà chưa nhận nghiệp mới, khi nhận được thân nghiệp mới, thì danh từ Trung Ấm không còn nữa.

Vì Trung Ấm chỉ là tên gọi tạm thời trong một giai đoạn nhất định của Thức mê. Cho nên bản chất của “Trung Ấm” chính là “Thức mê”, có nghĩa không phải có một Trung Ấm và một Thức Ấm khác nhau. Nói cách khác, “Trung Ấm” và “Thức mê” chỉ là hai tên gọi của một cái gì đó.

Trước khi Phật ra đời, hữu tình không thể tự mình thoát ra khỏi sự mê muội của Thức, mặc dù không ít hữu tình cảm nhận sự trói buộc của một cõi hữu từ thức mê sản sanh, và họ cố sức tìm mọi phương cách để thoát khỏi sự trói buộc vô hình này, nhưng tất cả đều vô vọng. Nó giống như một người, không thể tự nâng mình vĩnh viễn ra khỏi mặt đất!!! Để cố gắng thoát khỏi sự cột trói của Thức, người ta đã cố hết sức, nhưng tất cả đều thất bại. Sự thất bại điển hình trong các nỗ lực này, đó là cảnh giới Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định mà Ngoại Đạo đã thành tựu.

Vấn đề ở chỗ, con người dù có nỗ lực đến đâu, thì sự nỗ lực này không thể vượt ra khỏi "cái biết" (Thức). Giống như, một người ngồi trong thau, nỗ lực tự nhấc cái thau lên, đây là một thực tế vô phương. Nếu có một sự thành tựu nào đó chăng nữa của những nỗ lực này, thì đó cũng chỉ là sự biến tướng của "cái biết". Cái biết biến đổi từ hình thái này sang hình thái khác, đó là sự chuyển biến từ Thức mê thành Tưởng mê. Rốt cục, mê vẫn hoàn mê, chỉ khác chăng là "cách thức mê"!!!

Từ khi Phật ra đời, với trí tuệ siêu việt, và một nguồn tâm hoàn toàn tĩnh lặng. Như một người mắt sáng, nhìn vào bầu trời xanh, Đức Phật đã nhìn rõ bản chất, "sự huân biến của Thức" và phát hiện ra con đường đi, cũng như phương cách vô hiệu hoá sự dịch chuyển mê muội của Thức. Nỗ lực của hữu tình đã được đền đáp xứng đáng bởi một "sự nhìn thấy phi thường" của bậc Tam Giới Tôn. Từ đó, một giải thích cụ thể và rõ ràng về Trung Ấm đã được tuyên bố đúng với bản chất của nó.

Thức (cái biết), tự nó là không. Tức là bản chất của cái biết: Không tánh, không tướng, không giác, không mê, không chủ thể, không đối tượng, không thường, chẳng vô thường, không ngu, không trí, không trong, không ngoài, không đây, không kia, không sắc, không pháp, không màu, không mùi, không vị... Nó giống như hư không!!! Bản chất của Thức là như vậy, vì thế khi cổ Đức phát hiện ra bản chất thật của Thức, bèn tuyên bố sự chân thật này bằng một câu nói rất chân thật, đó là: "Thức tức Trí".

Thức cũng không tự mình di chuyển từ nơi này đến nơi kia, không thể tự dời đổi từ một hữu tình này đến một hữu tình khác. Nó như một quả bóng đá đặt giữa sân, quả bóng này không tự bay về phía cầu môn đội A hay đi về phía cầu môn đội B. Giống như một người hoặc ngu hoặc trí, người này ngồi tại vị trí A, thì cái biết ngu hay cái biết trí không thể tự đi đến vị trí B. Nếu muốn cái ngu hay trí này đến B, người đó phải di chuyển và mang nó theo.

Thì cũng vậy, thức mê hay thức giác tự nó không thể từ một nơi đến một nơi, thức này muốn đến được một nơi nào đó, phải có một chủ thể mang nó đi, hoặc chính nó chịu một lực tác động bên ngoài làm cho xê dịch. Giống như người ta mang quả bóng từ bên ngoài vào giữa sân, hoặc do các cầu thủ đá quả bóng này bay đi nơi khác.

Đối với hữu tình còn thọ mạng, thì thức và hữu tình đó không phải hai, nó luôn luôn cư ngụ trong các căn của hữu tình đó, khi hữu tình này tĩnh hay động, thức từ các căn, tuỳ theo sự tĩnh hay động mà làm công việc riêng của nghiệp.

Đối với một hữu tình khi thọ mạng không còn, thức từ bỏ người này, chịu sự tác động của cặp mê là tình tưởng (mê hay giác, hoặc vừa mê vừa giác) mà chuyển động. Sự chuyển động của thức, dựa trên nguyên lý lực kéo lớn hơn lực cản, tình hay tưởng cái nào lớn hơn sẽ đẩy thức chuyển động về hướng của mình.

Giống như trò chơi kéo co, đội nào mạnh hơn sẽ thắng, sợi dây và tâm điểm sẽ chạy về hướng đội thắng. Thời gian và vận tốc Trung Ấm di chuyển phụ thuộc vào lực kéo bên này và lực cản của phía bên kia. Giống như hai đội thi kéo co, sự chênh lệch về sức mạnh của hai đội sẽ cho ra vận tốc di chuyển của dấu mốc trên sợi dây và thời gian trận đấu.

Tất nhiên, trên đời rất khó có thể có một sự cân bằng tuyệt đối giữa tình (ác) và tưởng (thiện) trong một con người, vì thế không có sự đứng lặng mà không đi tìm thân nghiệp mới của một Trung Ấm do sự cân bằng tình tưởng này. Ngoại trừ các A La Hán vào chánh vị Niết Bàn, các vị này đã triệt tiêu hoàn toàn tình tưởng, động lực chính làm nên luân hồi. Tuyên bố "Sở tác dĩ biện, bất thọ hậu hữu" của một La Hán đã nói lên sự hoàn thành tối hậu này.

5.3. Sự có mặt của Tình – Tưởng trong một thức mê

Thức tuy rằng bản chất của nó là không, nhưng tánh giác của một hữu tình khi chưa giác ngộ, đã tác động lên cái biết, làm cho cái biết động lay, sự động lay này chính là "bản chất lao lự ban sơ" của một hữu tình khi mê.

Khi Thủ Lăng Nghiêm Phật dạy: "Nơi trí Bồ Đề chăm chú phát sanh tướng mỏi mệt...". Điều này có nghĩa rằng, tánh giác do sức giác của mình, thuận theo tánh hay giác, phát sinh ra cái biết ban đầu, cái biết ban đầu đó là tưởng. Giống như một người tĩnh lặng, chăm chú nhìn vào hư không, đến một lúc nào đó, cái nhìn bị mỏi mệt, bỗng dưng hư không hiện ra hoa đốm!!! Do mê màu sắc các hoa đốm và muốn thủ giữ hoa dốm kia, tình tưởng từ đó phát sinh.

Khi hoa đốm phát sinh, người này liền quên cái tĩnh lặng mà lấy cái bị biết là hoa đốm làm đối tượng gởi gắm tâm ý, sự gởi gắm tâm ý này là nhân động lay ban đầu để từ đó hình thành những động lay sau này. Khi tâm ý và hoa đốm câu sanh, năng thủ sở thủ thành lập, chừng ấy nhận thức phân biệt liền có. Giống như trẻ con và những chùm pháo hoa, màu sắc rực rỡ của pháo hoa sẽ hấp dẫn cái thấy và làm cho đứa trẻ mê mẩn quên cả đất trời. Điều này cũng trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật ví như những bọt bóng nước lấp lánh nhiều màu sắc, trẻ con tưởng nhầm là lưu ly.

Chính sự lầm nhận tướng không thật của hoa đốm, nên một hữu tình tỏ ra thích thú (ái), rồi từ đó mong muốn chiếm hữu (thủ). Khi tâm chiếm hữu khởi lên, vị hữu tình này bèn dùng "mọi thủ đoạn" để có được nó. Vì thế tình (ác pháp, ác nhận thức) xuất hiện. Nếu vị hữu tình này, gìn giữ tình này không gián đoạn trong tâm thức (vô gián) thì một cõi ác sẽ chờ đợi khi hiện nghiệp kết thúc.

Ngược lại, có những vị chúng sanh, do ý thức được vị ngọt, sự khổ đau khi tâm ý có hy cầu và thủ giữ. Vị hữu tình này nhàm chán, luôn có ý tưởng từ bỏ, ý tưởng và sự từ bỏ này huân lâu ngày, trở thành tưởng. Khái niệm tưởng trong trường hợp này nhằm để chỉ một tâm niệm nhàm chán các ác bất thiện pháp của tình, hướng tâm địa của vị ấy đến một sự thanh cao nào đó, sự hướng đến cái thanh cao, Phật Đạo gọi là tưởng. Nếu vị hữu tình này, thủ giữ và tìm cách làm cho tưởng này không đoạn dứt, thì chính tưởng (thiện niệm) này sẽ huân thành thiện nghiệp, và cho ra một cõi nước thù thắng ở vị lai.

Nếu một hữu tình, giữa sự chiếm hữu (tình) và ý tưởng thoát ly khỏi sự chiếm hữu (tưởng) có mặt trong tâm, hai món tình (ác niệm, ác giác quán) và tưởng (thiện niệm, thiện giác quán) thay nhau làm hậu thuẫn cho một "quan niệm sống", thì vị này sẽ có kết quả là một cõi nước tuỳ vào sức mạnh của mỗi bên. Sức mạnh này tạo ra độ chênh lệch, làm định hướng cho một dòng chảy (hành) của Trung Ấm. Giống như một con kênh dẫn nước, đầu kênh thấp, chỗ nước ít, sẽ là hướng chảy về của đầu kênh cao hơn, hoặc nước nhiều hơn. Hiệu số tình-tưởng (thiện-ác) sai biệt, sẽ làm cho tâm thức vị này chảy và chảy mãi không ngừng!!!

Như vậy, chúng ta có thể hiểu, cái "lao lự ban sơ" của một hữu tình, là một hình thức "thất niệm", làm cho tình và tưởng có mặt. Sự có mặt của tình tưởng đã làm cho hữu tình này bị che đậy bởi nó, và sự che đậy này làm cho hữu tình không còn nhận cái "tĩnh lặng trong sạch" ban đầu, sự che đậy này Phật Đạo gọi là vô minh.

Tình hay tưởng, bản chất của nó tự không có gì là minh hay vô minh, nhưng nếu mê một thứ hoặc mê cả hai, thì chính cái mê này che đậy sự thuần khiết của thức. Tình tưởng giống như hai tấm vải, một tấm màu đen và một tấm màu trắng, cả hai tấm vải đen hoặc trắng này tự thân không có giá trị ngăn che. Nhưng nếu, một người dùng hoặc vải đen, hoặc miếng vải trắng, hoặc cả hai bịt kín cặp mắt của mình, thì bây giờ các miếng vải mới trở thành công cụ che lấp.

Tóm lại, nếu một hữu tình bị tình hay tưởng hoặc cả hai che mờ tâm ý, bây giờ hữu tình đó không thoát ra khỏi sự che chướng này, và mọi hiểu biết, các nhận định không ra khỏi màu sắc của sự che lấp ấy. Phật Giáo gọi sự che lấp kể trên là sự u tối hay vô minh. Và nhất định, hữu tình này phải đi theo sự u tối nói trên.

5.4. Sự duyên nhau của Trung Ấm

Như chúng ta đã biết, Trung Ấm thuộc về tiền tế, nó làm nên ba chi đầu của mười hai nhân duyên. Trước khi Trung Ấm nhập vào danh sắc để hoàn thành nhiệm vụ của mình, thì Trung Ấm có đủ thành tố của ba chi tiền tế, đó là: Vô minh, hành, thức.

  • Vô minh: Kết quả của mê mờ tình tưởng và bị tình tưởng ngăn che.
  • Hành: Tình và tưởng làm lực đẩy và lực cản tạo thành động lực để thức mê di chuyển theo phương của mình.
  • Thức: Bản chất của Trung Ấm.

Chính nhờ vào ba duyên này, mà Trung Ấm có thể dịch chuyển để duyên một khối lượng mê vô hình vô tướng đến danh sắc. Khi Trung Ấm đến được nơi cần đến (danh sắc), thì vai trò của Trung Ấm hoàn toàn chấm dứt, trả thức về đúng với chức năng "hoàn thiện một hiện nghiệp" của nó. Vì thế các chi sau gồm danh sắc, lục nhập, xúc thọ... ra đời.

5.5. Năng lực giao tiếp của Trung Ấm

Khi rời khỏi báo thân, mọi khả năng giao tiếp của Trung Ấm đều hoàn toàn bị vô hiệu, tức là năng lực giao tiếp với thế giới bên ngoài của Trung Ấm không còn nữa.

Mặc dù trong thức có đầy đủ tính chất của sự nhận biết, nhưng những tính chất này không thể tiếp cận được các tín hiệu từ thế giới bên ngoài, vì các công cụ tiếp nhận không còn nữa. Một con người, muốn thấy phải có con mắt, muốn nghe phải có lỗ tai, muốn ngửi phải có lỗ mũi... Các căn, chính là công cụ để thức lấy đây mà tiếp cận và nhận biết, một khi các công cụ này không còn, sự tiếp xúc của thức, hay nói khác đi là sự nhận biết của Trung Ấm hoàn toàn tê liệt.

Giống như một cái Amply, trong cái âm ly có đủ tính năng của thu và phát cũng như khuếch đại tín hiệu. Tuy âm ly có những chức năng này, nhưng nếu cái âm ly đó không có micro thì chức năng thu không sử dụng được, đối với phát và khuếch đại phải nhờ cái loa, nếu không có cái loa, việc phát và khuếch đại tín hiệu sẽ không thể thực hiện.

Thức hay Trung Ấm khi rời bỏ thân, các căn không còn, Trung Ấm không thể giao tiếp với thế giới bên ngoài cũng giống như vậy. Chính vì điều này, trong kinh A Di Đà, Phật mới dạy: "Khi sắp lâm chung, nếu người này gặp được Thiện Tri Thức giảng nói mười hai bộ kinh, người này có thể vãng sanh". Điều này muốn nói rằng, thần thức chỉ có thể giao tiếp với thế giới bên ngoài (không phải thế giới nội tâm), khi nào thức vẫn còn cộng trú với thân nghiệp.

Cũng có những trường hợp, thức vẫn còn cộng trú với thân nghiệp, nhưng khả năng giao tiếp với thế giới bên ngoài tạm dừng.

Ví như người ngủ mê, chết giấc... Sự không thể giao tiếp với thế giới bên ngoài tạm thời này sở dĩ xuất hiện, vì lúc đó thức tạm thời yên nghỉ, hoặc thức không còn hiện diện ở các căn do một sự cố ngoài mong muốn nào đó đột ngột xảy ra...

Điều này giống như một cái âm ly còn sử dụng được, có đầy đủ micro và loa, nhưng tạm thời mất điện. Thức tạm ngừng nhận biết giống như hệ thống âm ly tạm mất điện không làm được các chức năng thu phát của mình.

5.6. Vì sao cần có sự thấu đáo về Thức và Trung Ấm

Xét bản chất đích thực của mười hai nhân duyên, trong mười hai chi đó, không có gì khác hơn là Thức và Vô minh, tức là chính cái biết và sự u tối bao trùm cái biết này. Cả hai thứ nói trên duyên cho nhau, làm nên một vòng tròn luẩn quẩn vô hình nhưng lại có năng lực cột buộc, khiến chúng sanh không thể nào thoát khỏi nó. Cái vòng cột buộc này Phật Đạo gọi là mười hai nhân duyên. Chiếc vòng này giống như một chiếc vòng lửa đang xoay tròn, bất cứ khi nào tại một điểm trên chiếc vòng lửa này dừng lại, chiếc vòng cũng tự chấm dứt. Đó là sự sâu xa màu nhiệm của giáo pháp ẩn chứa trong mười hai nhân duyên.

Vì sao đồng là mười hai nhân duyên, mà ba loại căn trí khác nhau khi nhìn về nó, lại cho ra ba thành tựu sai khác như kinh đã nói ??? Muốn lý giải thấu đáo sự tình này, chúng ta phải khảo sát sự luân chuyển của mười hai nhân duyên, và tìm xem mười hai nhân duyên hình thành qua mấy giai đoạn. Vòng đời của một chúng sanh, hay vòng tròn mười hai nhân duyên gồm mười hai chi, được chia (lại) thành ba giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn tiền tế gồm: Vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập (nội).
  • Giai đoạn trung tế: Lục nhập (ngoại), xúc, thọ, ái, thủ.
  • Giai đoạn hậu tế: Hữu, sanh, lão tử.

6. Cách quán mười hai nhân duyên của Bồ Tát thừa

Quán Lục Nhập (Bao gồm ngoại lục nhập ở trung tế và nội lục nhập ở tiền tế). Đối với Bồ tát thừa, là những người có hoài bão lớn, chỉ vì lợi ích của tất cả chúng sanh mà tu tập… Chính hoài bão này là cơ sở trọng yếu để Bồ tát không dùng học thuyết yểm li nhằm điều phục bản thân, xa lánh khổ não… Mà với họ “có trí tuệ, hết mê mờ” mới chính là chìa khoá để mở tất cả các cánh cửa của đạo pháp !!! Từ đó, hai học thuyết “tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” và “sanh tử tức Niết bàn, phiền não tức Bồ đề” chính là hai thứ triết lí đáp ứng yêu cầu học tập của thừa này !!!

Để có thể thấu suốt hai học thuyết “tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” cũng như “sanh tử tức Niết bàn, phiền não tức Bồ đề”… Các Bồ tát phải tìm cho được căn nguyên sinh tâm, sinh pháp và căn nguyên hình thành chúng sanh giới !!!

Về căn nguyên sinh tâm, sinh pháp… Bồ tát phải thấy cho được thiệt tướng của tâm và thiệt tướng của pháp !!! Để thấy thiệt tướng của tâm, thiệt tướng của pháp… Bồ tát phải thấu suốt “nội lục nhập” và “ngoại lục nhập”, đây là hai yếu tố quyết định mê ngộ, được hình thành từ cuối giai đoạn tiền tế và đầu giai đoạn trung tế của 12 nhân duyên.

Theo quan điểm của Phật đạo trên tinh thần Thập nhị nhân duyên (12 nhân duyên) thì, sau khi nghiệp thức từ bỏ thân nghiệp cũ và tìm được một thân nghiệp mới có cùng nghiệp quả....

Chờ cho thân nghiệp mới tạm hoàn hảo, thức nghiệp tức thì nhập vào các căn của thân nghiệp mới, chiếm hữu các căn và làm “chủ nhân ông” của thân nghiệp đó... Từ đây, “thân nghiệp mới” trở thành một “thực thể sống” có tri giác... Gọi là nội lục nhập!!!

Quán nội lục nhậplà: Quán quá trình chiếm hữu thân nghiệp mới và nhập vào sáu căn của thức nghiệp!!! Khi quán như thế, Bồ tát lập tức nhận ra “bản chất của một hữu tình không có cái được gọi là tâm”!!!

Sở dĩ hữu tình có tâm là vì: Khi thức trở thành chủ nhân ông, nhập vào các căn, bắt các căn nhận thức theo chủ ý đảo điên của mình (của nghiệp quả), thuận theo nghiệp thì vui mừng, trái với nghiệp thì buồn khổ... Các hiệu ứng tình cảm vui buồn nói trên, Phật đạo gọi là “hư vọng tâm”!!! Khi quán thấu đáo như vậy, Bồ tát phát hiện ra “bản lai hữu tình không tâm” (không có vui buồn hư dối)!!! Từ đó thực chứng “Vô sanh tâm”!!!

Nhưng, bản chất của thức là “thường minh”, tức muốn biết, muốn nghe, muốn thấy, muốn phân biệt, v.v... Để thoả mãn bản chất thường minh, thức nghiệp điều động sáu căn là nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý tìm đến sáu đối tượng của nó gồm sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp... Gọi là ngoại lục nhập!!!

Quán ngoại lục nhập là: Quán quá trình điều động các căn tìm đến trần cảnh của thức nghiệp!!! Khi quán thấu đáo điều này, hành giả lập tức nhận ra “bản chất của một hữu tình không pháp”!!!

Sở dĩ hữu tình có pháp là vì: Sau khi thức trở thành chủ nhân ông, bắt sáu căn đối trước thấy nghe phát sinh những nhận thức đảo điên theo chủ ý của mình thông qua lục thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức) ... Nhận thức đảo điên này chính là các pháp!!! Khi quán thấu đáo như thế, Bồ tát lập tức nhận ra “bản lai hữu tình không pháp” (không có quan điểm quan niệm đảo điên)!!! Từ đó thực chứng “Vô sanh pháp”!!!

Vô sanh tâm và vô sanh pháp còn có tên là vô sanh pháp nhẫn, hai vô sanh, tâm không pháp không, hai vô ngã, v.v...!!! Đây là cảnh giới rất quan trọng của Phật đạo... Người tu hành thực chứng hai cảnh giới này, cơ hội viên mãn Diệt đế là rất gần...

Giác ngộ như thế (Vô sanh pháp nhẫn), thiệt tướng của tâm và pháp hiện rõ như trái a ma lặc trong lòng bàn tay… Từ đây, Bồ tát “lờ mờ” cảm nhận bốn đức tính ưu việt của Phật tánh là “thường, ngã, lạc, tịnh” đã sẵn có trong hữu tình, chỉ vì một niệm mê nên các đức tính ấy không hiện !!! Thấy được điều này, Bồ tát hoàn thành công việc tự độ, thành tựu đạo quả cuối cùng của Thập trụ, quả chứng cao nhất của Bồ tát quyền thừa !!!

Quán Tiền tế

Nhưng, Bồ tát là những vị có hoài bão lớn, nên họ không bằng lòng dừng lại ở các địa vị nhỏ nhoi của Thập trụ chỉ đủ tự cứu bản thân !!! Bây giờ Bồ tát phát khởi đại bi, quyết tìm xem vì sao chúng sanh luân hồi trong sanh tử khổ !!! Để giải quyết nan đề này, Bồ tát quán căn nguyên luân chuyển của một chúng sanh và đường đi của họ !!! Để có thể quán căn nguyên luân chuyển một chúng sanh, Bồ tát “quán tiền tế” của chúng sanh đó !!!

Tiền tế là một loạt các chi từ khi chúng sanh từ bỏ thân nghiệp cũ để đến với một thân nghiệp mới gồm: Vô minh, hành, thức, danh sắc !!! Khi quán thông suốt tiền tế, Bồ tát nhận ra tất cả những gì được gọi là luân chuyển, đường đi, cũng như hồi kết của một hữu tình chẳng khác gì trong tảng băng lớn đang trôi nổi trên biển cả lại chứa hạt minh châu vô giá, băng tan minh châu hiện !!! Băng vô thường, minh châu vô diệt !!! Tảng băng trôi ấy chính là tình tưởng (hay thiện ác) vô thường, viên minh châu vô diệt chính là Phật tánh thường trụ trong mỗi hữu tình !!!

“Tình hay tưởng” thì về mặt bản chất cũng là do “Vô Minh” duyên nên. Cũng như vậy, mười hai chi nhân duyên cũng đều từ “Vô Minh” xuất sanh hay nói khác thì mười hai chi này chính là “Vô Minh” nhưng chỉ khác ở tên gọi. Khi mê thì gọi là “Vô Minh”, đến khi ngộ, hết vô minh rồi mới thấy “bản lai vô sanh” nhẫn đến “minh tâm kiến tánh”. Sau khi đã “minh tâm kiến tánh”, tiếp tục học tập trí tuệ, Bồ Tát mới thấy rằng: “Vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận” (trích Kinh Bát Nhã). Tức là không có gì được gọi là vô minh (vô vô minh) nên cũng không có gì gọi là hết vô minh (vô vô minh tận). Các chi còn lại cho đến “Lão tử” cũng tương tự như vậy.

Vậy tại sao có lúc thì Phật thuyết rằng vô minh là có (hữu) nhưng lúc thì lại nói rằng vô minh là không (vô). Đó là bởi vì mê cũng tại tâm này mà ngộ cũng tại tâm này. Khi mê tâm ấy là ma, ngộ rồi mới biết tâm ấy là Phật!!! Khi mê, toàn tâm là hữu (có), ngộ rồi tâm ấy tự không (vô). Dứt mê dứt ngộ, tâm còn không có, hà huống có hữu với vô. Như vậy, nói hữu hay vô, hữu vô này đều không thật, khi nào không còn thấy có hữu hay vô mới gọi là rốt ráo vô. Vì thế "rốt ráo không" là chân thật ngữ.

Như đã nói ở trên, tất cả lời Phật đều nhằm chỉ tâm, vì thế tất cả nghĩa không mà Phật tuyên thuyết đều nhằm mục đích nói lên một sự thật, bản lai tâm này vốn tự không, chỉ một niệm mê ban sơ mà thấy thành có. Giống như người nhặm mắt, do mắt nhặm mà thấy hoa đốm trong hư không, trong lúc người kia nhặm mắt thấy hư không có hoa đốm, thực tế lúc đó, hư không chẳng sanh ra hoa đốm. Những ai sáng mắt, mắt không bệnh sẽ chứng thực điều này.

Cũng như thế, khi một hữu tình đang mê, toàn tâm hữu tình này là hữu, và cái hữu đó chỉ do thức mê nhận biết. Giống như thực tế hư không kia không hề sanh hoa đốm, chỉ do mắt bệnh thấy ra như vậy. Thì cũng vậy, trong lúc tâm mê tưởng ra cái hữu, thức mê nhận lấy cái hữu này làm ta, thực tế lúc đó, lúc chúng sanh đang mê cũng không có cái gì là hữu. Giống như người ngủ mê, nằm mơ thấy thành ấp xóm làng, trong lúc vị kia thấy thành ấp xóm làng, không có nghĩa rằng thành ấp xóm làng này thực có.

Tâm mê cho ra ba cõi hữu, thức mê cho ra hư vọng pháp, ba cõi hữu và hư vọng pháp này nó giống như cảnh tượng chiêm bao, các thứ ấy chỉ hiện trong mê rồi nhận lầm in tuồng là có. Vì thế Phật dạy: "Các pháp, không tánh, không tướng...". Khi mê nói “có”, khi ngộ nói “không” đó là cái thiện xảo phương tiện của Phật. Khi sử dụng linh hoạt, tuỳ cơ ứng biến hai chữ “có” và “không” để sinh ra các pháp phương tiện dạy người như vậy gọi là “Trung đạo”

Hai nghĩa có và không nếu thấu suốt được, hai nghĩa này đồng là thiện phương tiện giúp người chấm dứt sanh diệt, thành tựu cứu cánh Niết Bàn. Vì rằng, bản nguyên của có hay không tự nó không sanh diệt, tự nó đã sẵn cứu cánh Niết Bàn, không phải đợi đến dứt hữu hoặc toàn không mới thành tựu Niết Bàn. Vì thế, Bồ tát thấu suốt nghĩa Trung Đạo, vị ấy ở nơi mà chúng sanh thấy đó là cõi hữu, nơi ấy cũng Niết Bàn. Vị ấy ở nơi mà chúng sanh thấy đó là cõi không, cõi ấy cũng Niết Bàn. Hữu vô đồng là không, nên cái rốt ráo không lại hàm chứa nghĩa Trung Đạo.

Có nghĩa khi vị ấy tuyên thuyết rằng có, lời tuyên thuyết này vì lợi ích chúng sanh. Vị ấy tuyên thuyết rằng không, lời tuyên thuyết này cũng chỉ vì lợi ích chúng sanh. Vì có không đều là thiện phương tiện để giúp người đến cứu cánh an vui, còn tự thân họ chính là rốt ráo không, nên vị này chẳng thấy có hay không...!!!. Vì thế, kinh dạy: “Mười hai nhơn duyên gọi là Phật tánh. Phật tánh chính là đệ nhứt nghĩa không. Đệ nhứt nghĩa không gọi là trung đạo. Trung đạo đó gọi là Phật. Phật đây là Niết Bàn”

Thấy như thế, từ bi tâm của Bồ tát phát khởi không khác từ bi tâm của Phật vì biết rằng “tất cả chúng sanh đồng có những đức tính cao đẹp như chư Như Lai”. Do thấy biết như vậy, bốn đức tính siêu việt còn lại của Phật tánh là từ, bi, hỉ, xả hiện khởi đầy đủ trong lòng !!! Thấy đến đây, Bồ tát được coi là đã hoàn thành công đoạn tu tập cuối cùng, chỉ còn chờ đủ duyên, chứng Vô thượng Bồ đề quả.

7. Mối quan hệ giữa mười hai nhân duyên và sự hình thành nghiệp quả của một hữu tình.

Tiếp theo, ta xét đến tính nhân quả của mười hai nhân duyên để hình thành nên một nhân cách (cõi hữu). Cõi hữu ở đây chỉ ba cõi gồm Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Để làm rõ tính nhân quả của mười hai nhân duyên, ta tạm sắp xếp lại 12 chi nhân duyên lại như sau:

· Nghiệp nhân: Vô Minh, Hành, Thức, Danh Sắc

· Nghiệp duyên: Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ

· Nghiệp quả: Hữu

· Nghiệp báo: Sanh, Lão Tử [Ưu – Bi – Khổ – Não]

Như chúng ta đã biết, để một nghiệp quả của chúng sanh viên mãn phải trải qua bốn giai đoạn đó là:

· Nhân: Hạt giống

· Duyên: Các điều kiện cần và đủ để hạt giống nảy mầm và phát triển

· Quả: Kết quả (trái) của nhân duyên

· Báo: Tính chất (vị) của kết quả đó (lành, dữ)

Mọi người đều biết, sở dĩ chúng sanh có cõi hữu hay hữu vi pháp có quả báo là: Hữu, Sanh, Lão tử [Ưu – Bi – Khổ – Não] là vì có một cái nhân nào đó. Nhân này chính là cơ sở đầu tiên (chủng tử) mà khi đủ duyên sẽ hình thành nên quả báo.

Để có một nhận thức (là cơ sở đầu tiên để sinh pháp) thì phải có một chủng tử hình thành nên nó. Chủng tử này chính là “Thức mê” và 12 nhân duyên chính là minh hoạ cụ thể về tiến trình mà từ nhân là “Thức mê” cho ra quả báo mê muội (Hữu, Sanh, Lão tử [Ưu – Bi – Khổ – Não]).

Trong mười hai nhân duyên thì giai đoạn tiền tế chính là nhân. Trong bốn chi tiền tế thì thức làm nhân cho các chi còn lại. Thức có ba thành phần cấu tạo gồm thức (hạt giống), Vô minh, Hành. Trước giờ chúng ta cho rằng nhân này gồm có bốn chi, chi trước duyên cho chi sau nhưng thực ra về bản chất, nhóm tiền tề chỉ là một chủng tử thức nhưng do mê nên gọi là vô minh, do mê nên mới có luân chuyển gọi là hành. Vì vậy Vô minh, Hành, Thức trở thành chủng tử của nhận thức (mê).

Thức gồm bốn thành phần đó là: Vô minh, Hành, Thức và Danh sắc trong đó Danh sắc là cơ sở để hình thành nên nghiệp quả của chúng sanh, nó giống như một hạt mầm (gọi là mầm Danh sắc) để Sắc – Thọ – Tưởng – Hành – Thức hình thành sau đó nhập thai. Mầm Danh sắc gồm có Danh (Thọ – Tưởng – Hành – Thức) và Sắc (Sắc). Nhưng nếu không có mầm này thì cũng sẽ không hình thành nghiệp quả của chúng sanh.

Khi nhân nảy mầm, nó sẽ tiếp nhận các duyên bên ngoài giúp cho nhận thức này hoàn hảo. Các chi ngoại duyên này gồm Lục nhập – Xúc – Thọ – Ái – Thủ. Một nhận thức phải đầy đủ năm chi trên thì nhận thức này mới hoàn hảo được, chỉ cần một chi không hiện hữu thì nhận thức này sẽ không sinh pháp (ra quả) được. Giống như một hạt mầm cây khi đã gieo nếu không tiếp nhận các ngoại duyên như ánh sáng, nước, khí hậu,… thì không thể thành một cái cây được.

· Lục nhập: Quá trình mà Thức chiếm dụng các căn để làm chủ ngũ ấm

· Xúc: Khi thức đã vào các căn rồi, nó sẽ thúc đẩy “Lục nhập” xúc đối (tiếp xúc) với đối tượng của từng căn.

· Thọ: Cảm thọ (Cảm nhận) cái xúc đối trên

· Ái: Sanh lòng thương ghét

· Thủ: Thủ giữ - Đem điều ấy (lòng thương ghét) chấp vào trong lòng.

Khi trải qua đủ năm duyên này thì một pháp (hữu lậu) mới sanh. Sau đó một cõi hữu (Dục giới – Sắc giới – Vô sắc giới) hay hữu vi pháp mới hình thành. Một hữu lậu tâm hình thành được gọi là Quả. Kết quả của “Quả” này được gọi là “Báo” (gồm hai chi Sanh – Lão tử) gồm các tính chất Ưu – Bi – Khổ – Não.

Kết lại: Tiền tế là nhân của nhận thức, Trung tế là duyên để nhận thức hoàn hảo và Hậu tế là Quả – Báo của nhận thức hoàn hảo trên (Quả hữu lậu sẽ cho ra báo hữu lậu gồm Sanh – Lão tử – Ưu – Bi – Khổ – Não). Nếu bất kỳ một chi nào không hiện hữu thì nhận thức này sẽ không hoàn hảo dẫn đến pháp không sanh, tâm không sanh. Chứng “Vô sanh pháp nhẫn”.

Ảnh minh hoạ: Nhóm GenZ hội ngộ tại thành phố mang tên Bác

8-10-2022

Lý Đức Hoàng

 

Bài viết cùng danh mục

Thông báo

Hoặc gọi 096.4343.168