VỌNG - CHÂN

127 lượt xem

Nghĩ suy là tính chất tự nhiên của ý, giống như cái thấy là tính chất tự nhiên của con mắt, cái nghe là tính chất tự nhiên của lỗ tai...

CHÂN - VỌNG

Các bạn!!!

Nghĩ suy là tính chất tự nhiên của ý, giống như cái thấy là tính chất tự nhiên của con mắt, cái nghe là tính chất tự nhiên của lỗ tai...

Các tính chất tự nhiên này, gọi là tánh thấy, tánh nghe, hay báo thấy báo nghe, và các tính chất này thường trực, tức thường thấy thường nghe... Có vật thì thấy vật, không có vật thì thấy không, bịt con mắt sẽ thấy màu đen, mắt tạm dừng hoạt động như ngủ say sẽ thấy chiêm bao, mắt không còn hoạt động như người chết sẽ thấy thiên đường hay địa ngục... Tất cả những tính chất của thấy, nghe, ngưởi, nếm, nóng lạnh, nghĩ suy, hiện khởi không thông qua các căn, gọi là giao báo.

Một điều đặc biệt, tuy rằng các tính chất này là thường, nhưng nó lại không có tánh, gọi là không tánh, hay tự tánh thanh tịnh... Trong cái thấy, không có tánh đẹp tánh xấu, vì thế tánh thấy tự thanh tịnh. Trong cái nghe, không có tánh hay tánh dở, vì thế tánh nghe tự thanh tịnh. Trong cái ngửi, không có tánh thơm tánh thối, vì thế tánh ngửi tự thanh tịnh. Trong cái nếm, không có tánh ngọt tánh đắng, vì thế tánh nếm tự thanh tịnh. Trong xúc chạm, không có tánh lạc tánh khổ, vì thế tánh xúc tự thanh tịnh. Trong nghĩ suy, không có tánh vui tánh buồn, vì thế tánh biết tự thanh tịnh...

Tuy rằng những tính chất tự nhiên này không có tánh, nhưng khi mê một đối tượng nào đó, các tánh hư dối sẽ hiện khởi, gọi là hư vọng tánh... Ví dụ, thương một ai, sẽ thấy người đó đẹp, ngược lại lúc ghét sẽ thấy họ xấu, vì sao lúc thấy đẹp lúc thấy xấu ??? Vì người đó và cái thấy của ta không có tánh đẹp tánh xấu, nếu một trong hai thứ này có tánh thì, đẹp sẽ đẹp hoài, xấu sẽ xấu mãi... Hoặc một bản nhạc, lúc vui nghe rất hay, lúc buồn nghe dở bẹt, bản nhạc không tánh, cái nghe cũng không tánh, nên mới có lúc hay lúc dở. Khi đói, suy nghĩ đến thức ăn, suy nghĩ này không làm mình no, vì suy nghĩ không có tánh no và thức ăn cũng không tánh hết đói, nếu thức ăn có tánh no, ăn một lần vĩnh viễn sẽ không đói, nếu suy nghĩ có tánh no, chẳng cần kiếm ăn, chỉ cần suy nghĩ thì sẽ hết đói. Lúc lạnh, suy nghĩ về lửa, suy nghĩ này không làm mình ấm lên, vì suy nghĩ không có tánh nóng, và lửa cũng không có tánh lửa, nếu lửa có tánh lửa, lửa sẽ không bao giờ tắt, nếu suy nghĩ có tánh ấm của lửa, chẳng cần mặc áo len lúc trời lạnh...v...v...

Xét tột cùng, sẽ thấy được bản chất của pháp và trần, tức bản chất của nhận thức và bản chất của đối tượng đều rốt ráo không, tức là không tánh, không tướng, không hữu, không vô, không mê, không giác, không vọng, không chân, thường tự thanh tịnh, thường tự giải thoát !!! Nhưng, nếu không thấy được bản chất này, tức chẳng giác ngộ thiệt tướng, khi xúc đối sẽ vọng sanh các tính chất hư dối, sanh các tính chất hư dối gọi là mê, mê tức chẳng thức ngộ... Một khi đã mê, cái vọng hiện lên che lấp cái chơn !!!

Nhìn chung, những tánh chất hư dối sanh khởi khi mê thường không chân thật, không chân thật nên gọi là vọng, vì vọng nên nó vô thường, vì vô thường nên khi vầy khi khác. Cho nên khi mê, sẽ sinh các lỗi của mê, đó là: Vọng kiến, vọng tưởng, vọng cầu, vọng tình, vọng tâm, vọng thức..v..v... Tức sanh khởi cái không chân thật trong lòng, khi mà đối tượng của các căn là các trần, không có những tính chất như vậy. Nếu ta chấp chặt vào các tính chất hư nguỵ này, sẽ bị chính cái hư dối đó cột trói và sanh phiền não... Sở dĩ bị nó cột trói và sanh khởi phiền não vì, những tính chất này không có chân lý, không có chân lý nên nó vô ngã, vô thường !!! Nếu nó là chân lý, sẽ hiện đủ bốn đức tính cao quý là thường, ngã, lạc, tịnh !!!

Một trong những thứ giác ngộ của Phật đạo, đó là giác ngộ bản chất của thân, tâm, các pháp và thế giới đều không tánh, tức biết rõ các thứ ấy tự thanh tịnh, thường giải thoát, thường bất động, và luôn luôn an lạc, gọi là giác ngộ bản chân. Chỉ do mê, cái mê che lấp những thứ tốt đẹp vừa kể... Giống như một bức tranh quý, bị cái áo rách bao phủ lên nó, giống như miếng gổ chiên đàn để trong nhà xí !!!

Giác ngộ như vậy rồi, người trí đối trước muôn cảnh muôn duyên, chẳng khởi lên các thứ vọng, cũng chẳng cầu thấy cái chân. Không khởi vọng chẳng cầu chân gọi là như như, trong cái như ấy, bản tâm tự hiện...!!! Giống như người sáng mắt đứng giữa ban ngày, không cầu thấy cũng được thấy, không cầu sáng cũng được sáng !!!

Vài lời tâm sự cùng các HĐ...

Mong rằng, sau bài viết này, mọi người sẽ thành tựu điều gì đó để làm lợi cho mình, làm lợi cho người !!!

01-2011

TG: Lý Tứ

www.lytu.vn

 

Bài viết cùng danh mục

Thông báo

Hoặc gọi 096.4343.168