Ý nghĩa từ bi trong Phật Đạo

127 lượt xem

“Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử và chúng sanh

Đều trọn thành Phật Đạo”.

BÀI 12: Ý NGHĨA “TỪ BI” TRONG PHẬT ĐẠO?

 

Hỏi: Hồi nãy, có đề cập đến hai chữ Từ Bi. Vậy hai chữ Từ Bi trong Phật Đạo có giống như sự thương xót ở đời hay không?

Đáp: Xin thưa hai chữ từ bi ấy hoàn toàn khác nhau.

 

Hỏi: Xin ông nói rõ chúng khác nhau như thế nào?

Đáp: Phật dạy: “Từ Bi của Nhị Thừa không lớn hơn cái thân, chỉ để tự cứu. Từ Bi của Bồ Tát rộng lớn, có thể cứu nhiều người nên gọi là Đại Từ Bi. Từ Bi của Chư Phật không có giới hạn nên gọi là Vô Lượng Từ Bi.” Trong ba thứ Từ Bi của ba kiểu này, không thấy nói đến người đời.

 

Hỏi: Nhưng ở đời cũng có người biết thương xót cho kẻ yếu thế, bệnh tật; nhiều người sẵn sàng giúp đỡ người khác, sao Phật không nói những người đó là Từ Bi?

Đáp: Từ Bi trong Phật Đạo nằm trong nghĩa giúp mình giúp người được Giác Ngộ, được Giải Thoát, và thành tựu Trí Tuệ. Chứ không nhằm giúp người ra khỏi đói nghèo hoặc bất hạnh như ở đời, nên hai chữ Từ Bi trong Phật Đạo có ý nghĩa riêng của nó.

 

Hỏi: Nếu còn thấy Từ Bi của “đời” khác “đạo” thì Phật Giáo tuyên bố ý nghĩa bình đẳng như thế nào?

Đáp: Chữ “bình đẳng” trong Phật Giáo nhằm nói: “ở phép đối đãi thường tình... với người thân, cư xử có tình với nhau và đối xử vô tình với người ngoại đạo, với những kẻ bị ghét bỏ...! ... Nhưng trong Phật Đạo, nếu chịu khó tu hành, mọi người đều được giáo hóa như nhau và đồng chứng đạo quả như nhau”... Vì thế người tu hành mới có lời nguyện:

“Hư không hữu tận, Ngã nguyện vô cùng,

Tình dữ vô tình, Ðồng viên chủng trí…”

hoặc câu:

“Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử và chúng sanh

Đều trọn thành Phật Đạo”.

 

Hỏi: Bây giờ tôi mới cảm nhận một chút ý nghĩa của chữ “tình” và “vô tình” trong bài nguyện thường đọc.

Hai chữ tình và vô tình ngụ ý chỉ các thứ tâm thức sai biệt, mà lại hiểu thành hai loài hữu tình và vô tình. Thành ra cứ lý giải vòng vo hoài, thậm chí còn đem pháp tánh ra mà cắt nghĩa, thật là những lý giải thô thiển và gượng ép.

Đáp: Ông hãy thường xuyên đọc bài nguyện sau để thấm thía ý nghĩa bốn câu này:

“Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp,

Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ,

Ngã kim kiến văn đắc thọ trì,

Nguyện giải Như Lai chơn thiệt nghĩa.”

Nguyện giải Như Lai chơn thiệt (chân thật) nghĩa mà chỉ dùng sức hiểu ở đời để lý giải sẽ cho ra những nhầm lẫn tai hại khi tu tập trong Phật Đạo.

 

Hỏi: Nếu ngài nói như vậy, những thứ vô tri, vô giác như cỏ, cây, ngói đá. có thể tu hành để đạt thành tựu điều gì đó không?

Đáp: Muốn biết điều này, ông thử về lấy một viên đá hay một khúc gỗ, rồi ngày ngày dạy nó. Xem coi, chừng nào nó biết chữ. Chứ đừng nói chuyện sâu xa là dạy nó tu hành để thành Phật! ... Vì thế, Ngũ Tổ mới có bài kệ:

“Hữu tình lai hạ chủng,

Nhơn địa quả hoàn sanh,

Vô tình diệc vô chủng,

Vô tánh diệc vô sanh.”

 

Đừng có thêm một lần nữa hiểu sai hai câu nói sau trong bài kệ của Ngũ Tổ, mà tội nghiệp cho… người quá cố.

(Nguồn: VÔ ĐỐI MÔN (trích Bài 17); LÝ TỨ; NXB Dân Trí 2019)

 

Bài viết cùng danh mục

Thông báo

Hoặc gọi 096.4343.168