THỰC HÀNH LẶNG LẼ QUAN SÁT KHÔNG KẾT LUẬN LÀ THẾ NÀO

127 lượt xem

Bất kỳ một phép tu nào, dù mang tên gọi là gì, đều phải biết phép tu này chỉ dùng cho những vị tu hành chưa thật sự chứng Diệt Đế. Và kết quả của nó chỉ mang tính chất hỗ trợ, giúp nhanh chóng Giác Ngộ. Chứ bản thân một phép tu, một dụng công không thể là công cụ để đưa đến Giác Ngộ hoặc Giải Thoát.

Hỏi: Giữa Giác Quán và hai phép tu Chỉ (Xa Ma Tha) Quán (Tỳ Bà Xá Na) có mối liên hệ nào không?

Đáp: Ở mặt nào đó, giữa Chỉ Quán và Giác Quán có mối liên hệ.

Chỉ và Giác, nếu khảo sát nguyên nhân phát sinh hai phép tu này thì ta có thể thấy Giác và Chỉ có cùng một nguyên nhân. Nguyên nhân đó là, vì nhận thức được rằng phải đưa tâm này về đúng với “bản nguyên tĩnh lặng của nó” nên người tu hành dùng phép tu Chỉ để dừng vọng tâm.

Tuy nhiên, nếu xét về thủ thuật sử dụng hai phép tu này, ta sẽ thấy có một vài điểm khác biệt, đó là:

  • Thủ thuật sử dụng phép tu Chỉ (trong trường hợp chưa Giác Ngộ), mang tính cực đoan, quyết tâm đoạn dứt, không cho sanh khởi.
  • Trong khi đó, thủ thuật sử dụng phép tu Giác có phần nhẹ nhàng hơn, đặt nặng yếu tố Giác Ngộ. Nhân nhận thức mà hướng tâm đến chứ không cực đoan bắt tâm phải dừng hẳn, và luôn luôn trong Giác có đi kèm phép Quán để hỗ trợ. Nhờ sự hỗ trợ này mà Giác Tâm hoàn toàn tương ưng với nhận thức.

Thông thường, Chỉ và Quán là hai phép tu gần như riêng lẻ. Trong khi đó Giác và Quán luôn luôn song hành, làm nhân quả cho nhau.

Chính tính chất cực đoan trong cách tu Chỉ của những người không Giác Ngộ nên nhiều khi, người tu hành sử dụng phép tu này trở thành đối nghịch với ý nghĩa Giải Thoát, hoặc ứng dụng phép tu làm đóng bít nẻo Giác Ngộ. Vô hình trung, một người tu hành trong Phật Đạo lại có cùng cách dụng công (để định) gần giống một ngoại đạo (tìm cầu cứu cánh nơi một sở pháp hoặc giới).

Để cố gắng dừng tâm, dừng ý, phần lớn người tu hành dụng công bằng cách “bức tử hoặc cột trói tâm ý bởi một sở pháp”.

Hệ quả của hành động cực đoan này sẽ khiến người tu hành, sau nhiều ngày tháng dụng công “tâm xơ cứng, ý thui chột”, năng lực tư duy không được phát huy. Vì thế, không thể cho ra ý nghĩa Giải Thoát hoặc đưa đến Giác Ngộ.

Chính điều này đã làm cho người tu hành không tự biết rằng, mình đã hành động ngược với tôn chỉ của Phật Đạo là Giác Ngộ và Giải Thoát.

Vì rằng, Giải Thoát không thể có từ một cái “nhân cột trói”, không thể đến trong một “ý thức mất năng lực tư duy”.

Thông thường, hai phép tu Chỉ và Quán trong Phật Đạo chỉ dành cho người đã Giác Ngộ. Nó thuộc về Xuất Thế Gian Chỉ Quán. Vì sao gọi là Xuất Thế Gian Chỉ Quán? Vì rằng, người đã Giác Ngộ nhận ra cái gì là Bổn Tâm mới có thể ở yên nơi Bổn Tâm, gọi là Xuất Thế Gian Xa Ma Tha.

Khi có điều không như ý xảy ra, vượt quá giới hạn chịu đựng của Xa Ma Tha, với sự thấu suốt của mình, vị này dùng Huệ Trí để quan sát cái không như ý và trực nhận ra rằng, bất như ý này cũng chỉ là huyễn pháp. Quan sát như vậy, huyễn pháp tự tịch diệt, trả lại bản nguyên an lạc, bất động cho nguồn tâm. Ứng dụng trong trường hợp như vậy của đối tượng như vậy nên phép tu này gọi là Xuất Thế Gian Tỳ Bà Xá Na.

Tất nhiên, đối với một vị đã hoàn toàn thành tựu Bất Động, đã viên mãn ý nghĩa Giải Thoát, Chỉ và Quán của họ nếu xuất hiện thì sẽ xuất hiện bằng chức năng của Tánh Giác. Vì thế, Chỉ Quán bây giờ mang ý nghĩa của hình thức lặng lẽ quan sát hơn là một khởi tâm theo kiểu Chỉ Quán hay Giác Quán của thế gian. Vì thế, trước đây mới nói, người chứng Diệt Đế, thành tựu Giải Thoát Bất Động vĩnh viễn chấm dứt Giác Quán.

Tóm lại, bất kỳ một phép tu nào, dù mang tên gọi là gì, đều phải biết phép tu này chỉ dùng cho những vị tu hành chưa thật sự chứng Diệt Đế. Và kết quả của nó chỉ mang tính chất hỗ trợ, giúp nhanh chóng Giác Ngộ. Chứ bản thân một phép tu, một dụng công không thể là công cụ để đưa đến Giác Ngộ hoặc Giải Thoát.

Còn đối với những vị tu hành đã chứng Diệt Đế, thành tựu Bất Động Tâm, thấy Thật Tướng,... họ có cách của họ. Đôi khi, dù nghe tên gọi giống với phép tu hoặc cách dụng công thế gian, nhưng ý nghĩa và sự tu tập hoàn toàn khác hẳn những người chưa Giác Ngộ hành động và suy nghĩ. Phần lớn nói là tu, nhưng đối với họ, cái gọi là tu, cái gọi là quán chỉ là kết quả của một sự trực nhận tức thì của Tánh Giác, chứ chẳng phải một hình thức dụng công hay suy xét. Chính vì nét đặc trưng của Tánh Giác nên trong khi yêu cầu đệ tử trình kệ thấy Tánh, Ngũ Tổ đã dặn dò với đại ý: “Nếu thấy là thấy liền, không phải ngồi đó suy lường (của ý thức) mới thấy”.

Hỏi: Người tu hành sau khi Giác Ngộ Bổn Tâm, thấy Tánh rồi mới thấy Thật Tướng hay thấy Thật Tướng rồi mới thấy Tánh? 

Đáp: Thật Tướng là cái thấy gần như cuối cùng của Phật Đạo. Vì thế, thấy Tánh trước, thấy Thật Tướng sau.

Hỏi: Dùng cái gì để thấy Thật Tướng?

Đáp: Dùng Tánh Giác để thấy Thật Tướng.

Hỏi: Vì sao phải dùng Tánh Giác mới thấy được Thật Tướng?

Đáp: Cái thấy của tiền ngũ thức là cái thấy của nghiệp. Cái thấy của ý thức là cái thấy của pháp. Hai cái thấy này chỉ cho ra hư vọng tướng. Vì thế muốn thấy Thật Tướng, phải đoạn dứt cái thấy thông qua sáu thức. Khi đã đoạn dứt sáu thức, bây giờ Tánh Giác mới hiện. Sau khi Tánh Giác hiện, người tu hành dùng Tánh Giác lặng lẽ quan sát… Trong cái lặng lẽ quan sát, một lúc nào đó, người tu hành sẽ thấy được Thật Tướng.

Hỏi: Thấy Thật Tướng mang ý nghĩa thế nào trong Phật Đạo?

Đáp: Dứt tiền ngũ thức hết ngu, dứt ý thức hết , thấy Thật Tướng hết lầm. Có hết ngu, hết mê, hết lầm người tu hành mới có cơ may thành tựu Thật Trí.

Hỏi: Chỉ cần ba điều này, người tu hành có thể thành tựu Thật Trí thì cần gì phải học Huyễn Trí?

Đáp: Học Huyễn Trí là học cách từng bước tiếp cận Thật Trí. Giống như một người đi từ A đến Z, người này vượt qua B, C, D để đến gần với Z hơn.

Hỏi: Dùng công cụ gì để học Huyễn Trí?

Đáp: Dùng Tánh Giác để học Huyễn Trí. Vì rằng học Huyễn Trí là học cách “trực nhận một vấn đề” thông qua Tánh Giác. Cho nên, nếu dùng ý thức hay phép suy luận thế gian để cầu thấy được tinh túy của Huyễn Trí sẽ là việc làm không cho ra kết quả như ý.

Vì sao nói như vậy? Giống như một người đi từ A đến Z, người này chưa từng biết con đường này như thế nào. Đã chưa từng biết thì cho dù có vận dụng hết thảy trí khôn hiểu biết ở đời, hoặc có cất công suy luận, cũng không thể biết được điều mà bản thân chưa từng biết được, cho dù đó là trong tưởng tượng. Nhưng, chỉ cần người này có tấm bản đồ trước mặt và trực nhận ra con đường nào là con đường mình cần đi thì lúc đó, người này chỉ cần nhìn con đường trước mắt trong thực địa để đi tới.

Ví dụ như Thiện Tài đi cầu Nhất Thiết Trí trong Kinh Hoa Nghiêm. Các Tam Muội Môn, các Giải Thoát Môn được nói lên bởi những nhà Thiện Tri Thức. Đây chính là tấm bản đồ họ vạch ra mà Thiện Tài là người cần phải trực nhận con đường đã vẽ trên tấm bản đồ này để tìm ra con đường đi tới trong thực địa. Vì thế, khi tuyên nói các Tam Muội Môn hay Giải Thoát Môn, ta không nghe các Thiện Tri Thức này giải thích hay tìm thấy một chút suy luận từ ý thức của Thiện Tài. Hoặc câu chuyện Tát Đà Ba Luân cầu Bát Nhã Trí nơi Đại Sư Đàm Vô Kiệt cũng cùng chung một hình thức như vậy.

Hỏi: Muốn trực nhận một vấn đề thuộc về Huyễn Trí của Phật Đạo người tu hành phải làm gì?

Đáp: “Lặng lẽ quan sát” - Lặng lẽ quan sát chính là chiếc chìa khoá để “mở cánh cửa trực nhận”.

Hỏi: Vì sao “lặng lẽ quan sát” là chiếc chìa khoá để mở cánh cửa của trực nhận?

Đáp: Người đời có thói quen, khi xúc đối một sự việc, tiếp theo đằng sau sự xúc đối này là một kết luận.

- Kết luận chính là chấp nhận đóng bít cánh cửa Trí Tuệ. Sau khi có được kết luận là sự phán xét chủ Phán xét chủ quan chính là hình thức sinh ngã. Và cuối cùng là, nêu lên quan điểm của mình. Nêu lên quan điểm của mình chính là hình thức sinh pháp.

Đối trước một sự việc mà người này tự đóng sập cánh cửa Trí Tuệ để rồi sau đó sinh ngã, sinh pháp thì làm sao có cơ hội thấy được Huyễn Trí cũng như Thật Tướng. Vì thế lặng lẽ quan sát” chính là chiếc chìa khóa để mở cánh cửa Huyễn Trí.

Hỏi: “Lặng lẽ quan sát” có phải là hình thức phát huy triệt để tinh túy của Xuất Thế Gian Xa Ma Tha và Xuất Thế Gian Tỳ Bà Xá Na hay không?

Đáp: “Lặng lẽ quan sát” chính là cách ứng dụng tuyệt vời của Xuất Thế Gian Xa Ma Tha. Và Quan Sát (trong tĩnh lặng), chính là cách phát huy triệt để tinh hoa của Tỳ Bà Xá Na. Không kết luận chính là cách bỏ ngỏ để “Tánh Giác có cơ hội trực nhận ra vấn đề”.

Hỏi: Nếu có thể, xin giải thích rõ ràng cách thực hiện ba điều trên (lặng lẽ, quan sát, không kết luận)?

Đáp: Những gì cần giải thích, đã giải thích rồi, bây giờ là lúc ứng dụng để đưa đến một trực nhận. Bất kỳ một giải thích nào cũng không giúp ích nhiều bằng chính tự thân: “Lặng lẽ, quan sát và không kết luận”.

Một thành tựu rực rỡ, đang chờ đón đằng sau ba điều này! Chúc may mắn!

NGUỒN: VĐM.42. Thực Hành Lặng Lẽ, Quan Sát, Không Kết Luận Như Thế Nào? - Lý Gia (lytu.vn)

Bài viết cùng danh mục

Thông báo

Hoặc gọi 096.4343.168