VÔ ĐỐI MÔN - LÝ TỨ - PHẦN 9

127 lượt xem

Tứ Đế, Ba Mươi Bảy Phẩm hay các pháp Nhân Duyên không được đề cập đến vì các pháp này được hiểu như một “giáo trình khung”, chỉ được giảng dạy trong quá trình tu học Bồ Tát pháp, tức học Nhất Thiết Trí.

Trong quá trình này, sẽ được bậc đạo sư đào sâu ý nghĩa của từng pháp, nhằm giúp cho người học nắm vững quy trình giáo huấn một chúng sinh từ Sơ Phát Tâm đến thành tựu rốt ráo phải vượt qua những chặng đường nào của Tứ Đế, Ba Mươi Bảy Phẩm hay các pháp Nhân Duyên...

Học xong những điều này, khi giáo hóa, vị này sẽ theo dõi và nắm vững người được giáo hóa đã đi đến đâu, cần tiếp tục những “phẩm” nào? “đế” nào? để thành tựu những nấc thang phía sau. Riêng các Pháp Nhân Duyên, như Ba Duyên Hòa Hiệp hoặc Mười Hai Nhân Duyên, vị Đạo Sư chỉ triển khai khi nào thấy rõ căn cơ đồ đệ của mình thuộc nhóm Duyên Giác Thừa.

Trong quá trình tu học cơ bản, người tu hành cũng được giới thiệu sơ lược về các pháp nêu trên. Việc đó giúp họ tạm hình dung ra con đường của Phật Đạo, nhưng nó không phải là những pháp ứng dụng để thành tựu đạo quả trước mắt.

GIÁO TRÌNH KHUNG ĐÀO TẠO BỒ TÁT, PHẬT QUẢ

Hỏi: Vì sao khi đề cập đến hai con đường cơ bản để người tu hành chọn lựa, không thấy đề cập đến Tứ Đế, Ba Mươi Bảy Phẩm hay Thập Nhị Nhân Duyên?

Đáp: Tứ Đế, Ba Mươi Bảy Phẩm hay các pháp Nhân Duyên không được đề cập đến vì các pháp này được hiểu như một “giáo trình khung”, chỉ được giảng dạy trong quá trình tu học Bồ Tát pháp, tức học Nhất Thiết Trí.

Trong quá trình này, sẽ được bậc đạo sư đào sâu ý nghĩa của từng pháp, nhằm giúp cho người học nắm vững quy trình giáo huấn một chúng sinh từ Sơ Phát Tâm đến thành tựu rốt ráo phải vượt qua những chặng đường nào của Tứ Đế, Ba Mươi Bảy Phẩm hay các pháp Nhân Duyên...

Học xong những điều này, khi giáo hóa, vị này sẽ theo dõi và nắm vững người được giáo hóa đã đi đến đâu, cần tiếp tục những “phẩm” nào? “đế” nào? để thành tựu những nấc thang phía sau. Riêng các Pháp Nhân Duyên, như Ba Duyên Hòa Hiệp hoặc Mười Hai Nhân Duyên, vị Đạo Sư chỉ triển khai khi nào thấy rõ căn cơ đồ đệ của mình thuộc nhóm Duyên Giác Thừa.

Trong quá trình tu học cơ bản, người tu hành cũng được giới thiệu sơ lược về các pháp nêu trên. Việc đó giúp họ tạm hình dung ra con đường của Phật Đạo, nhưng nó không phải là những pháp ứng dụng để thành tựu đạo quả trước mắt.

Hỏi: Trong Phật Đạo, “Vô ngã” là cột mốc quan trọng. Tại sao trong hai con đường cơ bản lại không thấy nói đến việc người ta tu tập nó trong giai đoạn nào?

Đáp: Vô ngã không do tu mà được, vì thế không có pháp tu để thành tựu vô ngã. Chỉ khi nào, người tu hành không lầm nhận năm ấm, không bị năm ấm cột trói để sinh ngã, từ đó tự thực chứng rằng: “chính ta là vô ngã” hoặc khi nào, người tu hành thấy được bản chất các pháp tự nó không có ngã, thì bây giờ người đó mới biết rõ “bản lai pháp kia vô ngã”.

Hỏi: Trong kinh cũng có đề cập đến các pháp như: Sổ Tức, Bạch Cốt Quán, Cửu Tưởng Quán, Minh Sát Tuệ, Phép Tỉnh Thức, Bát Bội Xả, Lục Niệm. Trên hai con đường đã nêu, những pháp này, tu tập trong giai đoạn nào?

Đáp: Những pháp này thuộc biện pháp tình thế. Trong lúc tu hành, chỉ khi nào Bậc Đạo Sư phát hiện ra đồ đệ của mình bị một số vấn đề tự thân làm cản trở thì mới được giảng giải và yêu cầu thực hành một trong những pháp nêu trên, để vượt qua khó khăn của tự thân trong giai đoạn nhất thời.

Ví dụ: Trong lúc tu hành, có người bị “tham dục” nổi lên đến độ không kiềm chế được, vị Đạo Sư sẽ hướng dẫn họ quán Bạch Cốt để đối trị tham dục trước mắt. Khi tham dục dừng, pháp này cũng chấm dứt. Hoặc có người, vì sợ hãi bởi đói khát, không kham nhẫn đau nhức khi ngồi thiền, sẽ được dạy phép Minh Sát để chế ngự. Người nhiều sân hận, dạy Quán Từ Bi; người tánh tình cố chấp, dạy Bát Bội Xả; người tán tâm, dạy Sổ Tức Quán; người hay ngủ gục, dạy Quán Ánh Sáng; người nhiều dâm dục, dạy quán Cửu Tưởng.

Nói chung, những pháp này không thể áp dụng đại trà cho tất cả người tu hành nên tạm gọi nó là “biện pháp tình thế” hay “các pháp đối trị”. Vì thế, những người bình thường, không có vấn đề gì của tự thân, thì sẽ không yêu cầu thực hành những pháp này.

Hỏi: Một người vô tình khi đọc kinh điển, hoặc nhân nghe người nào đó nói về một pháp tu, ví như quán Bạch Cốt, người này miệt mài tu hành pháp quán đó, có thành tựu điều gì không?

Đáp: Như đã nói, các pháp như vậy thuộc loại “biện pháp tình thế”, hàm chứa ý nghĩa đối trị nhiều hơn là đưa đến Giác Ngộ hay Giải Thoát.

Vì thế, nếu không biết rõ công dụng, miệt mài tu tập một pháp nào đó, giống như uống thuốc mà không đúng bịnh, lợi ích sẽ không nhiều. Chuyện kinh có kể rằng:

“Có một người tự tu phép Bạch Cốt, ông ta miệt mài tu tập pháp này, đến khi pháp quán thành tựu, ông ta nhìn mình rồi nhìn mọi người, tất cả đều là bộ xương trắng. Ông ta hoảng sợ đến phát điên, chạy lung tung. Rất may, ông ta chạy đến chỗ Phật, Phật ôn tồn, dùng Phạm Âm nói với ông ta: “Ở đây, chúng của ta thanh tịnh”. Nhờ nghe được Phạm Âm của Phật, cái thấy của người này trở lại bình thường”.

Căn cứ mẩu chuyện kinh trên, để thực hành một pháp quán, nếu không được hướng dẫn cụ thể, chẳng những không đưa đến lợi ích, mà có khi bị phản tác dụng.

Vì thế trong Phật Đạo, thuyết pháp để làm thay đổi nhận thức của một người là chủ yếu. Khi nhận thức thay đổi, hành vi sẽ thay đổi, hành vi thay đổi đời sống người ấy cũng thay đổi theo, gọi là Giác Ngộ hay Giải Thoát.

Có thể thấy suốt 49 năm hoằng hóa của Đức Phật, chỉ thấy Phật thuyết pháp, nói rõ ý nghĩa từng pháp; Đức Phật cắt nghĩa đến bao giờ đồ chúng thấu suốt mới thôi. Rất ít khi, Phật dạy đồ đệ ngồi tu như thế nào.

Hỏi: Nếu nói “Rất ít khi, Phật dạy đồ đệ ngồi tu như thế nào”, thì tại sao trong hai con đường: con đường đưa đến Giải Thoát và con đường đưa đến Giác ngộ, đều đề cập đến việc phải “thiền định” để vượt qua ba cõi. Phải thiền định để vượt qua ba cõi mà không dạy ngồi tu, hai điều này có chống trái nhau hay không?

Đáp: Gọi là thiền định để vượt qua ba cõi không có nghĩa người này ôm chặt một phép tu rồi ngồi xuống miệt mài như quán Bạch Cốt hay Sổ Tức... Mà vị tu hành này đã được cắt nghĩa và thấu hiểu cái gì làm nên ba cõi trong tâm thức này.

Khi thấu hiểu như vậy, vị ấy lần lượt đưa tâm thức xa rời những nguyên nhân làm nên các cõi ấy. Trong quá trình tâm thức lần lượt xả dần những ham muốn thuộc về ba cõi, hỷ lạc sẽ sanh, gọi là được thiền.

Tóm lại: thiền định để vượt qua ba cõi, là do thấu suốt mà tâm tự xả chứ không phải “đưa thêm một pháp bên ngoài vào tâm ý để cột chặt tâm ý vào pháp đó như người tu Bạch Cốt hay Sổ Tức”.

Nó giống như một người đi xa, trên vai mang vác ba chục ký lô những vật vô ích.

Người này được người có trí tuệ chỉ cho biết rằng: ba chục ký người kia đang mang vác trên vai là những vật vô ích. Người này nghe như thế, liền quan sát từng món một, thấy sự vô ích của món nào, người này quăng bỏ món ấy cho đến khi hết mới thôi. Càng vứt bỏ, người này càng thấy vui vẻ, nhẹ nhàng và an ổn; vui vẻ, nhẹ nhàng và an ổn trong trường hợp này, có thể tạm ví như hỷ lạc, khinh an trong lúc tu tập thiền định.

Trong quá trình “xả bỏ” như thế, không bất luận là ngồi, nằm hay đi đứng, tất cả oai nghi đều có thể thực hành pháp xả này, vì nó thuộc về hiểu biết, mà hiểu biết thì không luận tư thế như thế nào. Ví dụ: chúng ta có thể nói đến các điển tích kinh điển trong Phật giáo như: Ngài A Nan chứng thánh ở tư thế đang bổ nhào hay Huệ Năng giác ngộ trong lúc đang gánh củi.

Tiền thân Bồ Tát Thích Ca Giác Ngộ trong tư thế một chân đứng một chân co, khi đang trên đường lên núi hái thuốc. Đừng cố chấp hễ nói đến tu trong Phật Đạo là phải ngồi kiết già, lưng thẳng, hai răng nghiến chặt, lưỡi đưa lên đốc họng, tập trung tư tưởng vào một nơi chốn nào đó.

Hiểu như thế là sai với tinh thần tu tập của Phật Đạo. Đành rằng, cũng có những người ngồi mà Giác Ngộ hay chứng đạo quả Giải Thoát. Nhưng ngồi để làm gì, với hiểu biết như thế nào? Có lẽ câu hỏi này cần xem lại.

Hỏi: Phật Đạo nói rằng người tu hành phải đạt thành tựu Vô Niệm. Đưa hiểu biết vào tâm thức để làm thay đổi nhận thức là hữu niệm. Hữu niệm làm sao để trở thành tựu Vô Niệm?

Đáp: Giống như người kia mang vác trên vai 30 ký là có vật, nghe để biết 30 ký ấy vô ích là “hữu niệm”. Người này quăng bỏ từng vật một là “hữu niệm”. Khi không còn một vật, thì “niệm” quăng bỏ cũng dứt, khi ấy người ta mới đạt đến cái gọi là Vô Niệm.

Giống như nghe câu “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” và đưa tâm ý vào đó, để giản trạch câu nói ấy, và biến nó thành hữu niệm. Giản trạch xong, tâm không sanh, giản trạch cũng dứt theo, gọi là Vô niệm. Vì thế, chữ Vô Niệm trong Phật Đạo nhằm chỉ cho cảnh giới của người thấu suốt rồi, tâm thức tự xả bỏ, chứ không phải không biết gì hết mà gọi là Vô Niệm.

Hỏi: Nếu nói như vậy, cho đến bao giờ mới biết hết mọi thứ trên đời, để cho tâm trí được sảng khoái và khoáng đạt nhằm đạt được cái Vô niệm?

Đáp: Phật Đạo “không chủ trương dạy người biết hết mọi thứ trên đời” mà chỉ nhắm đến làm cho tâm hư dối này vĩnh viễn tịch diệt, để được Giải Thoát, để được Giác Ngộ. Vì thế, chỉ cần một niệm mà “thật sự thấu suốt tâm này không thật”, bỏ cái tâm hư dối xuống thì ngay đó là rốt ráo Vô niệm.

Hỏi: Thế nào là Chánh Niệm?

Đáp: Những niệm nào giúp ta thấu suốt, dẫn đến tịch diệt các niệm hư dối, gọi là Chánh Niệm.

Hỏi: Thế nào là “niệm hư dối”?

Đáp: Những nhớ nghĩ, suy tư nào làm cho ta bị cột trói, bị mê mờ, bị đảo điên, hay sinh tâm thì Phật Đạo gọi đó là niệm hư dối.

Hỏi: Chỉ cần Vô Niệm là đủ, thì cần gì đến quá trình thiền định để ra khỏi ba cõi, hiểu biết ngũ ấm, thấu rõ ngũ uẩn, cái gì là tâm, cái gì là pháp.

Đáp: Người đời do mê, nên mỗi thứ ấy là một loại niệm hư dối; khi nào không bị mê các thứ trên thì chỉ cần Vô Niệm là đủ.

  • Giống như một người quảy trên vai ba chục ký gồm nhiều tạp vật... Nếu còn luyến tiếc, thì đối với mỗi món, cần phải hiểu rõ sự vô dụng của từng món, rồi theo thứ lớp mà bỏ...
  • Nếu người có trí, tâm tình quyết đoán, nghe ba chục ký này chỉ toàn đồ vô ích, liền thật thấy nó là vô ích. Người này lập tức bỏ ngay, không phải dài dòng!

Phật Đạo có “đốn”, có “tiệm” cũng giống như hai loại người trên.

 

19. LẤY “TÂM” LÀM GỐC, “KIẾT SỬ” DO ĐÂU? DỪNG “VỌNG KHỞI PHÂN BIỆT”

Hỏi: Người mới bắt đầu tu hành trong Phật Đạo, lấy gì làm gốc?

Đáp: Người mới tu hành trong Phật Đạo lấy “tâm” làm gốc.

Hỏi: Nếu “tâm” này là hư dối, lẽ nào lấy “cái hư dối” làm gốc?

Đáp: Vì nó hư dối, nên mới lấy nó làm gốc, để diệt trừ tận gốc cái hư dối này. Giống như một người chưa biết chữ, thì nhắm thẳng vào việc chưa biết chữ, quyết tâm học hành cho biết chữ. Giống như muốn làm sạch cỏ, thì phải nhổ tận gốc rễ của chúng… Sau đó, mới tính đến những việc khó hơn.

Hỏi: Làm thế nào để lấy “tâm” làm gốc?

Đáp: Tâm là cái gốc sản sinh ra các thứ hư vọng, tham lam, mong cầu không có điểm dừng. Mong cầu thành tựu thì thêm tham, không thành tựu thì sân hận, muốn chiếm đoạt, chìm đắm trong tham sân gọi là si mê. Tham, sân, si - Phật Giáo gọi là ba độc, ba độc này khi phát tác, sẽ khiến chúng sinh ưu bi khổ não.

Hỏi: Làm sao để thoát ra khỏi “ba độc” trên?

Đáp: Trước mắt, để cho ba thứ độc này không phát tác, chờ cơ hội tận diệt chúng, người tu hành phải biết khu trú, tức bao vây ba độc này để chúng nằm yên một chỗ. Giống như người bị rắn độc cắn phải làm chậm sự hấp thu của nọc độc về hệ thống tuần hoàn.

Hỏi: Đối với ba độc (tham, sân, si) làm chậm sự hấp thu đó như thế nào?

Đáp: Muốn ba độc nằm yên một chỗ, làm chậm sự phát tác của chúng, chờ sau đó điều trị, người tu hành phải xây dựng lối sống “thiểu dục tri túc”. Trong đó “thiểu dục” được hiểu là: Tâm ít ham muốn; “tri túc” được hiểu là: Ý biết đủ trong mọi hoàn cảnh.

Ít muốn biết đủ: Tâm bằng lòng với những gì đang có, ý không khởi tham vọng là cách tốt nhất ngăn chặn cơ hội “ba độc” phát tác. Sự độc hại của chúng sẽ biến tham, sân, si thành ưu bi, khổ não. Ít muốn, biết đủ,

quan trọng trong giai đoạn đầu của người tu hành như thế nào? Kinh Di Giáo nói rõ điều này:

Nhược dục thoát chư khổ não, đương quán tri túc. Tri túc chi pháp, tức thị phú lạc, an ổn chi xứ. Tri túc chi nhơn, tuy ngọa địa thượng du vi an lạc, bất tri túc chi nhơn, tuy xứ thiên đường diệt bất xưng ý”.

Nghĩa là: Muốn thoát khỏi khổ não, ngay hiện tại phải biết quan sát để thâm nhập phép biết đủ. Biết đủ là “pháp” cho các ông tu tập trong lúc này. Biết đủ chính là nguyên nhân đưa đến tâm an ổn nơi hiện tại và giàu có trí tuệ ở vị lai. Người biết đủ, dù nằm trên đất cát vẫn an lạc. Trái lại, người không biết đủ, dù ở thiên đường cũng không vừa ý.

Hỏi: Xin nói rõ, quá trình này được diễn ra như thế nào?

Đáp: Tâm hư dối bị tác động của ba độc tham, sân, si theo nguyên tắc cung cầu. Trong đó “tâm” được ví như thị trường, “ý thức” được ví như nhà sản xuất. Khi tâm biết đủ, không vọng sinh các nhu cầu, thì ý thức sẽ dừng cung cấp các sản phẩm nghĩ suy nhằm làm thỏa mãn nhu cầu tham, sân. Khi ý thức dừng cung cấp những sản phẩm độc hại làm phá hoại tâm này thì chừng đó người tu hành mới đủ bình tĩnh và sáng suốt để tiếp nhận Giáo Pháp một cách hiệu quả, không sai lệch.

Hỏi: Thế nào để tiếp nhận Giáo Pháp không sai lệch?

Đáp: Giáo Pháp của Phật giống như thuốc chữa bệnh. Đáng lẽ ra, “người bệnh” dùng thuốc này để giúp mình tiêu ngã, diệt trừ ba độc, chấm dứt si mê. Thế nhưng người này làm ngược lại, dùng Giáo Pháp như một món trang sức để thỏa mãn cái ngã, nuôi lớn tham vọng: học tập để hơn người, để làm thầy.

Chìm đắm trong tham vọng này, chẳng khác “dứt dòng le le, tiếp nối dòng cò”. Tiếp nhận Giáo Pháp trong tâm thế như vậy, Giáo Pháp sẽ bị người đó vô hiệu hóa, đôi khi phản tác dụng.

Tóm lại, khi nào người tu hành trong Phật Đạo chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa thiểu dục tri túc, để xây dựng cho mình bằng được “đời sống ít muốn, biết đủ; buộc hư vọng tâm phải dừng lại” thì chừng ấy hư vọng tâm và ý thức sẽ là những ông chủ bà chủ độc chiếm thân tâm; bắt các “căn” làm tôi tớ, mãi miết rong ruổi nơi tiền trần tìm kiếm các pháp để thỏa mãn tham vọng, không có hồi kết.

Phật Đạo gọi đó là: Mãi mãi trôi nổi (luân hồi) trong pháp giới (tâm thức) chúng sanh”.

− Không nhận thức đầy đủ để xây dựng đời sống ít muốn biết đủ, mà

cố tình cột trói tâm này ở yên một chỗ bằng các biện pháp cưỡng bức để sanh các thứ thiền, khi dây trói bị cắt đứt, ba độc lại làm chủ và phát tác sự độc hại của nó mãnh liệt hơn...

− Suy tư để nhận thức đầy đủ một pháp rồi mới ứng dụng, chính là biện pháp phục hồi chức năng Chánh Tư Duy. Chức năng này đã bị người tu hành bỏ quên. Đây cũng là một trong những cách châm ngọn lửa trí tuệ vào cây đuốc Giáo Pháp đang ở trên tay, giúp soi sáng con đường đi đến Giác Ngộ.

  • Thông thường, người tu hành chấp nhận Giáo Pháp theo lối mòn, người trước nói thế nào, người sau nghe thế ấy. Nhắm mắt làm theo, mà không sử dụng sức tư duy để phân định điều đã nghe là đúng hay sai. Không suy xét đến tận cùng vấn đề, để có một nhận thức đầy đủ việc mình đang làm, đang tu tập. Điều này dẫn đến hậu quả là sau nhiều ngày tháng, khả năng tư duy sẽ bị thui chột, dẫn đến cả tin, mê tín.
  • Cuối cùng là, rất khó chuyển thức thành trí để thâm nhập những ý nghĩa ẩn mật của kinh. Không thể thâm nhập ý nghĩa ẩn mật của kinh, cơ hội Giác Ngộ nhất định khó đến với những người này.

Giống như một người khi đi chỉ biết đi, khi đứng chỉ biết đứng, khi ngồi chỉ biết ngồi, khi ăn chỉ biết ăn, khi uống chỉ biết uống mà không nhận thức đầy đủ rằng: Tôi phải đi đến đâu? Vì sao tôi dừng lại? Tôi ngồi xuống bởi lý do gì? Ăn uống, ngủ, nghỉ, cũng đều như vậy. Nhất định những hành động trong trạng thái không nhận thức đầy đủ này khó có  thể chấp nhận rằng điều này sẽ dẫn đến trí tuệ và Giác Ngộ trong vị lai.

Tất nhiên, trong vài bài kinh, cũng có đề cập đến chuyện người tu hành làm như vậy, nhưng đây chỉ là biện pháp tình thế. Biện pháp bất đắc dĩ có ý nghĩa chữa cháy đối với hạng người ham ưa chuyện thị phi; thường nghe ngóng việc người khác, thích dòm ngó ra bên ngoài; thấy gì cũng muốn, nghe gì cũng ham; không dành trọn tâm ý để nhất tâm tư duy con đường Giải Thoát. Đối với hạng này, vị Đạo Sư phải buộc lòng chỉ định họ thực hiện hạ sách này. Biện pháp như vậy, không phải là cách tốt nhất áp dụng cho tất cả mọi căn cơ tu hành.

Hỏi: Sau khi đã xây dựng được đời sống ít muốn, biết đủ người tu hành cần làm gì tiếp theo để dứt sạch tham, sân, si?

Đáp: Việc cần làm tiếp theo để dứt tận gốc tham, sân, si (kiết sử) là: phải học tập Giáo Pháp để biết rằng kiết sử do đâu mà thành.

Hỏi: Xin cho biết, kiết sử do đâu mà thành?

Đáp: Kiết sử chỉ là hiệu ứng của tổ hợp căn, trần, thức duyên với nhau trong điều kiện mê muội. Có hai giai đoạn tổ hợp khi duyên nhau sẽ sanh kiết sử, đó là:

  • Ý căn duyên nội trần rồi vọng khởi phân biệt, đem phân biệt của quá khứ về hiện tại, lôi kéo người tu hành làm theo sự sai khiến của nó.
  • Sáu căn duyên ngoại trần và vọng khởi phân biệt trong hiện tại, khiến người tu hành bỏ mất bản tâm, chạy theo kiết sử, như con trâu bị con người cầm sợi dây dắt đi.

 

DỪNG “VỌNG KHỞI PHÂN BIỆT”

Hỏi: Như vậy, cho dù các căn duyên về quá khứ, hay duyên trong hiện tại, đều bắt nguồn từ vọng khởi phân biệt. Nếu chấm dứt vọng khởi phân biệt thì kiết sử không hiện chăng?

Đáp: Người không vọng khởi phân biệt, kiết sử sẽ không hình thành.

Hỏi: Có bao nhiêu cách để “dừng vọng khởi phân biệt”?

Đáp: Có nhiều cách giải quyết như pháp, giúp người tu hành dừng vọng khởi phân biệt.

  • Cách thứ nhất: Hướng vọng phân biệt sang mục tiêu thắng diệu, để kiết sử không hiện. Ví dụ: khi tiếp trần, người đời vọng phân biệt để sanh kiết sử thì người tu hành làm ngược lại, dùng Giác Trí để phân biệt đúng sai, nhận thức đầy đủ “lỗi” và “họa” của kiết sử. Khi nhận thức đầy đủ lỗi họa của kiết sử, kiết sử sẽ không hiện. Cách làm này gọi là dùng thiện pháp chế ngự ác pháp”.
  • Cách thứ hai: Biết rõ kiết sử hình thành chỉ là hiệu ứng của tổ hợp “căn, trần, thức” duyên nhau trong điều kiện phân biệt mê muội. Người  tu hành này, thường xuyên “chặn đứng vọng phân biệt” từ ý thức. Đây là hình thức của phép tu Tam Ma Đề.
    • Giác Ngộ đầy đủ về Tứ Niệm Xứ: Giác ngộ rằng, thân này bất tịnh, chỉ là cái túi đựng thịt xương. Cảm thọ vui ít khổ nhiều, như người nghiện, đến nghiện sẽ khổ. Tâm này vô thường, sáng nắng chiều mưa, hết thương đến ghét. Pháp kia vô ngã, các quan niệm thế gian tự chẳng thường còn. Giác ngộ đầy đủ như thế, nhất định “vọng phân biệt không sanh”, kiết sử vĩnh viễn tịch diệt.

Vì sao Giác Ngộ như thế, vọng phân biệt không sanh? Vì thân, thọ, tâm, pháp là bốn nơi chốn mà người không Giác Ngộ thường hay lầm nhận về nó, rồi vọng phân biệt mà sanh tham ưu. Nếu không “lầm nhận” bốn món này,vọng phân biệt không tự hiện.

Giống như, người ta lầm nhận miếng thủy tinh dưới ánh sáng thành viên kim cương, rồi vọng sanh phân biệt, tham ưu mới hiện. Nếu biết rõ đó chỉ là miếng thủy tinh thì chẳng ai tội gì phân biệt lớn nhỏ, tốt xấu để sinh tham ưa mà chạy đi lấy nó bao giờ.

  • Hoặc cao hơn nữa Giác Ngộ: “Thân đồng với hư không”, không có một chút giá trị. Cảm thọ chẳng ở trong thân, chẳng ở ngoài cảnh, chẳng ở chặng giữa căn và cảnh, chỉ do duyên hiệp mà thành, như hai bàn tay chà vào nhau sanh hơi ấm, dứt duyên liền diệt.

“Tâm” không thật có, chỉ là tên gọi, mà tên gọi thì không tánh, ví như người tên Giàu không có tánh giàu. Các pháp thiện ác, đúng sai, sang hèn trong đời không có chân lý… thiện nơi này ác nơi kia, đúng với chỗ này sai với chỗ khác. Kẻ giàu người nghèo chỉ so sánh với nhau bằng vật chất bên ngoài, mà trong tâm thức của họ thì vật chất không thể đến được, cho nên các pháp như thế gọi là chẳng thể được…

Giác ngộ chân thật như vậy thì “vọng phân biệt không hiện, người này có thể biến kiết sử trở thành Diệu Pháp.

Hỏi: Sau khi dứt kiết sử, vị tu hành này làm gì tiếp tục?

Đáp: Sau khi dứt kiết sử, trong lòng an vui, những ham muốn cơ bản coi như phần lớn tịch diệt.

Người này, căn đối cảnh không còn mê muội như xưa. Phật Đạo gọi đó là dứt Nhuận Chi Vô Minh, giống như một cái cây cao to đã bị chặt hết cành nhánh.

Phần việc còn lại, là cắt ngắn cây này cho thấp dần, sau đó đào tận gốc rễ để đem cái cây lên khỏi mặt đất, làm xong điều này, Phật Đạo gọi là dứt Căn Bản Vô Minh.

Bây giờ, cái cây trở thành những khúc gỗ. Từ khúc gỗ, người ta bỏ vỏ và giác cây. Phần lõi còn lại, để tạc thành một bức tượng như ý, người này tìm thầy để học nghề điêu khắc.

Khi trở thành thợ điêu khắc chuyên nghiệp, Phật Đạo gọi người này đã chấm dứt Vô Minh Trụ Địa.

 

20. BỐN LẦN GIÁC NGỘ QUAN TRỌNG PHẢI TRẢI QUA

Hỏi: Một người đã xây dựng cho mình đời sống “thiểu dục tri túc” và thành tựu các pháp tu nói trên. Vậy người này đã hoàn toàn tịch diệt tâm hư vọng và đoạn hết kiết sử hay chưa?

Đáp: Những pháp vừa nêu, không thể đưa đến hoàn toàn tịch diệt hư vọng tâm. Và, kiết sử cũng chỉ đoạn dứt phần lớn chứ chưa hết hoàn toàn. Vì rằng, muốn tịch diệt hư vọng tâm, người tu hành phải chân thật Giác Ngộ.

Chân thật Giác Ngộ, hư vọng tâm rốt ráo tịch diệt, bấy giờ kiết sử cũng rốt ráo tịch diệt theo. Quá trình này giống như nước đã được lóng trong nhưng mầm bệnh tiềm ẩn hãy còn, vì thế chưa thể sử dụng cho việc ăn uống ngay được mà còn phải trải qua giai đoạn nấu chín. Giác Ngộ chân thật, giống như đun sôi nước, tiêu diệt các mầm bệnh.

Hỏi: Trước cũng nói Giác Ngộ Tứ Niệm Xứ, sao bây giờ còn đề cập đến Giác Ngộ nữa? Như vậy, một người tu hành trong Phật Đạo phải trải qua bao nhiêu lần Giác Ngộ?

Đáp: Trước chỉ nói đến Giác Ngộ, bây giờ nói đến chân thật Giác Ngộ. Giác Ngộ chân thật Giác Ngộ là hai cảnh giới khác nhau. Giống như “nước trong và nước sạch là hai thứ nước hoàn toàn khác nhau”.

Một người tu hành trong Phật Đạo có rất nhiều lần Giác Ngộ, mỗi lần Giác Ngộ là một lần thăng tiến tâm và trí lên một cảnh giới cao hơn trong hành trình tiến về Vô Thượng Bồ Đề.

Giống như một người đi từ A đến Z, người này phải trải qua những chặng đường B, C, D; mỗi cung đường đi qua, cảnh vật khác nhau, và phương tiện cũng khác nhau. Vì thế, Phật Đạo mới có vô lượng Pháp Môn.

Hỏi: Xin ngài hãy nói qua cho tôi biết, có bao nhiêu lần Giác Ngộ quan trọng trong hành trình tiến về Vô Thượng Bồ Đề?

Đáp: Như những gì trước đây đã nói, có thể hiểu đơn giản có bốn lần Giác Ngộ quan trọng mà một người tu hành nhất định phải trải qua, mới đến được Vô Thượng Bồ Đề, đó là:

  • Lần thứ nhất: Giác Ngộ để hư vọng tâm và kiết sử mỏng nhẹ đến mức tối thiểu, gọi là sơ ngộ. Giống như, người ta dùng phèn để lóng trong nước đục.
  • Lần thứ hai: Giác Ngộ chân thật, để hư vọng tâm hoàn toàn tịch diệt, chân tâm hiện ra. Giống như, người ta đun sôi nước để nước này có thể sử dụng mà không sợ độc hại.
  • Lần thứ ba: Giác Ngộ để thật sự biến Giác thành Trí. Giống như, học những cách thức chế biến nước sạch đang có trở thành cam lộ cứu người.
  • Lần thứ tư: Giác Ngộ Vô Sư Trí - đây được ví như vụ “nổ Big Bang” hình thành Phật Đạo.

Hỏi: Có phải ba lần Giác Ngộ trước là do học tập mà được, gọi là Hữu Sư Trí. Còn lần Giác Ngộ thứ tư gọi là Vô Sư, vì chẳng có thầy, do tự Giác Ngộ mà hình thành Phật Đạo. Như vậy, phải nói rằng: Vô Sư Trí là lần Giác Ngộ đầu tiên, chứ sao lại xếp vào lần thứ tư?

Đáp: Giống như giả thuyết về Big Bang - vụ nổ đầu tiên hình thành vũ trụ. Nhưng con người khám phá vũ trụ thì nghiên cứu ngược lại. Người tu hành trong Phật Đạo cũng vậy, chỉ có thể tiệm tiến từ những Giáo Pháp cơ bản của Phật Pháp, rồi dần dần tiến xa hơn, tiến đến bao giờ không còn có thể tiến nữa, chờ công đức hội đủ, tâm thức vị đó sẽ tự bùng nổ.

Vì thế cái gọi là “điểm không” của vũ trụ, điểm mà mọi thứ bắt đầu và hình thành những điều cao siêu hơn so với tri thức nhân loại. Tốt nhất, hãy trở về với thực tại tu hành, nỗ lực, tinh cần để có được các lần Giác Ngộ như đã nêu trên, đây mới là điều nên làm của một Phật Tử trong hiện tại.

Hỏi: Làm thế nào để sau khi sơ ngộ, người tu hành này Giác Ngộ chân thật?

Đáp: Giống như người ta cắt cái cây thành nhiều đoạn cho thấp dần, sau đó mới có thể đào gốc rễ của nó lên.

  • Người tu hành thấu suốt ngũ ấm để không bị ngăn che, thấu suốt ngũ uẩn để không bị mê mờ, đây là lần cắt khúc cây đầu tiên..
  • Chân chánh biết thế nào là ba cõi, ba cõi từ đâu sanh, làm sao thứ lớp vượt qua ba cõi, là cắt phần cây thứ hai.
  • Hiểu rõ tâm, hiểu rõ vật (cảnh, thế giới), hiểu rõ pháp, là lần cắt khúc cây thứ ba.
  • Giác Ngộ tâm không thật, nên vô sở đắc. Giác Ngộ vật vô tri, nên vô sở hữu. Giác Ngộ pháp như huyễn, nên vô sở cầu, là lúc cắt khúc cây thứ tư.
    • Hoát nhiên thấy được “bổn lai không tâm, không pháp, không ngã” là đào gốc rễ của cái cây đó.

Hỏi: Có thể nào sau khi sơ ngộ, không cần thấu suốt hoặc Giác Ngộ tuần tự để cắt dần những phần của thân cây, vị tu hành này một lúc đào ngay gốc rễ hư vọng tâm lên được hay không?

Đáp: Tất nhiên là được, Phật Sử cũng đã ghi nhận một số trường hợp hy hữu như vậy.

Vì nó là “chuyện hi hữu” nên chỉ có người hy hữu mới làm được. Đừng có lầm tưởng mình cũng thuộc loại hi hữu nên không chịu từ từ cắt ngắn thân cây, để nguyên cái cây dài như vậy rồi hì hục đào. Sau khi gốc cây bật lên khỏi mặt đất, đó cũng là lúc người ta dùng thân cây đó để làm quan tài cho chính mấy ông thợ làm việc cẩu thả. Vì không phải là hy hữu nhân, nên bị hy hữu thọ đè chết là chuyện tự nhiên.

Giả sử, có người hy hữu bỗng dưng chứng hai vô ngã, thành tựu Phạm Hạnh, người này cũng phải học lại kiến thức thứ lớp đốn cây cho thuần thục, để sau này biết cách mà dạy người.

Không học những điều trên, khi giáo hóa vô tình giết oan người ta. Vì thế, khi Thế Tôn vừa thành Đẳng Chánh Giác, sau khi quan sát căn tánh chúng sanh, ngài tuyên thuyết: “Xưa Chư Như Lai dùng ba thừa để giáo hóa chúng sanh, nay Như Lai cũng dùng ba thừa”.

Hỏi: Có thể giảng nói cụ thể về việc cắt ngắn từng đoạn cây như thế nào hay không?

Đáp: Việc này đã giảng nói rất nhiều trước đây, bây giờ lặp lại, giống như “bò nhai rơm khôchẳng có thú vị chút nào.

Nếu muốn biết, tìm đọc các tư liệu Phật Học của Lý Gia. Hoặc đi tìm các sư huynh của tôi cầu xin, những vị đó sẽ giảng nói cho mà nghe. Mấy vị ấy rất rành cái vụ này.

Hỏi: Nghe nói là một chuyện, Giác Ngộ là một chuyện. Nếu nghe nói hoặc đọc tụng mà Giác Ngộ thì đã có biết bao nhiêu người Giác Ngộ rồi, tôi nghĩ đâu có đơn giản như vậy?

Đáp: Thế thì ông muốn hỏi điều gì?

Hỏi: Tôi chỉ muốn trực tiếp được nghe Ngài nói, vì theo tôi biết, ngoài việc truyền đạt kiến thức một cách chuyên nghiệp, người nói còn phải biết rõ tâm cảnh đối tượng thính pháp.

Thuyết pháp để khai ngộ cho người, chính là dùng Diệu Âm, Pháp Âm tác động thẳng vào tâm người nghe, để người nghe nhân đó trực nhận ra điều gì đó, gọi là Giác Ngộ.

Vì thế, thuyết pháp không giống như dạy chữ ở đời. Tôi hiểu như vậy, không biết có đúng không?

Đáp: Ông quá tài, biết nhiều thứ.

Sao không nhân ở nơi thế gian âm trong lúc đối thoại, lắng nghe, âm thầm suy xét để hiểu ra cái gì là Diệu Âm?

Không nhân nơi kiến thức học được từ trước đến giờ, “lặng lẽ quan sát” để xem thế nào là Pháp Âm?

Hãy ngồi đó, suy gẫm những câu hỏi vừa nêu.

Tôi đi uống thuốc ù lỗ tai đây. Hồi khuya đến giờ tự nhiên cái lỗ tai nó nhức, sáng ra chỉ còn nghe ù ù, nặng nặng, nhức nhức. Cái thân này, nó báo đời như thế đó. ghê chưa. May sao bác sĩ Nguyên có cho tôi một bọc, đem theo lúc du lịch, nay hãy còn. Tôi đi uống đây. Ông tranh thủ ngồi suy ngẫm nhé, mình sẽ tiếp tục!

VIDEO ĐỌC

Bài viết cùng danh mục

Thông báo

Hoặc gọi 096.4343.168