VÔ ĐỐI MÔN - LÝ TỨ - PHẦN 8

127 lượt xem

Phật dạy:

  • Quy y Phật, không đọa địa ngục.
  • Quy y Pháp, không đọa ngạ quỷ.
  • Quy y tăng, không làm súc sinh.
  • Giữ năm giới, không mất thân người.
  • Tu thập thiện, được quả báo sanh thiên.
  • Người nhất tâm nhớ nghĩ Phật Quốc, khi bỏ cõi này, Vãng Sanh làm công dân của Phật Quốc đó.
  • Người chứng Tu Đà Hoàn, tệ lắm bảy đời cũng được Giải Thoát.
  • Người chứng La Hán, ra khỏi ba cõi.
  • Người Giác Ngộ, thấy đây là Niết Bàn.
  • Người thành tựu Trí Tuệ, làm thầy trời người.

Vô số tiêu chuẩn làm cơ sở đánh giá, tại ông không biết đó thôi!

14.) CÓ CÔNG THỨC CHUNG TRONG TU TẬP PHẬT ĐẠO HAY KHÔNG? KIẾN THIỆT TẾ, TRỤ THIỆT TẾ LÀ GÌ?

 

Hỏi: Vì sao ngày trước xếp Anh Nhi Hạnh trước Thiên Hạnh, nay lại xếp Anh Nhi Hạnh sau Phạm Hạnh? Trước sau các hạnh thứ lớp không đồng, ý nghĩa cũng không đồng. Có thâm ý gì chăng?

Đáp: Thâm ý thì không, nhưng tùy cơ mà các hạnh được xếp đặt theo thứ lớp sai khác để khiến người tu hành thành tựu đạo quả trước mắt.

Hỏi: Xin hỏi, tùy cơ là như thế nào?

Đáp: Ngày trước, phần lớn huynh đệ mới bước chân vào con đường tu hành chưa phân biệt được cái gì là đời, cái gì là đạo, đạo đời lộn xộn. Để giúp mọi người chấm dứt sự lộn xộn này, cũng để khiến người quên dần tâm đời, lúc đó phải đặt Anh Nhi Hạnh làm mục tiêu trước mắt. Anh Nhi Hạnh trong giai đoạn này có ý nghĩa quên đời để chờ đạo.

Vì thế lúc đó mới nói rằng: Điều cũ đã quên, cái mới chưa được, hồn nhiên như trẻ thơ, gọi là Anh Nhi Hạnh*”.

Nay, người tu hành đã biết rõ điều gì là đời, điều gì là đạo, đạo có mấy tầng. Vì thế, trong thời điểm này, Anh Nhi Hạnh được xếp sau Phạm Hạnh để giúp người chuẩn bị học Đạo Trí Tuệ. Bây giờ, Anh Nhi Hạnh lại mang một ý nghĩa khác.

Nói chung, tùy vào thời điểm tu hành, mỗi một giai đoạn trong Phật Đạo, Bậc Đạo Sư sẽ cho ra một ý nghĩa tương ưng phù hợp với thời điểm đó để hướng người tu hành thành tựu đạo quả trước mắt.

Giống như, có khi nói vào Như Lai Địa, Sơ Địa đi trước Bát Địa. Có khi nói trong Phật Địa, chứng Bát Địa rồi mới trở lại đăng Sơ Địa (Sơ Hoan Hỷ Địa). Chừng nào, người tu hành chưa có được Thật Trí, thì chưa thể biết hết sự ảo diệu của Đạo Pháp.

Ví dụ, ngày trước tuy huynh đệ đã tu hành, nhưng còn chấp nhất vì sao thân còn mang bệnh tật, bây giờ phải cắt nghĩa bệnh tật là Bồ Tát thị hiện trả quả báo hiện đời của thân nghiệp, làm duyên cho chúng sanh biết thân này vô thường, phải chịu sanh lão bệnh tử.

  • Tóm lại, chưa thấy cái “Thiệt” thì phải dùng lời “Quyền” để giảng nói. Vì thế Phật Đạo mới có quyền có thiệt!

Hỏi: Như vậy, có thể đưa ra một công thức chungđể giúp người tu hành nhờ đó mà tự giải các vấn đề của Phật Đạo?

Đáp: Nếu có thể đặt ra một công thức chung thì ngày xưa Thế Tôn đâu phải mất công 49 năm ròng rã thuyết pháp. Đến nỗi, lúc tuổi già không tự đi được, phải nhờ đồ chúng khiêng. Thế mà nằm trên võng, Thế Tôn cũng phải nén cái đau, mở miệng thuyết pháp.

Hỏi: Vì sao Phật Đạo không thể đưa ra một công thức chung?

Đáp: Vì tâm người đảo điên không theo một quy luật nào hết. Vì thánh chúng chỗ chứng sai biệt. Vì Trí Tuệ vô cùng rộng lớn trong một lúc chẳng thể nói hết. Vì Đạo Quả Vô Thượng bất cộng Tam Thừa. Nói tóm lại, có vô số sai biệt như thế, mà đã là vô số sai biệt thì chẳng thể có một công thức chung.

Hỏi: Vì sao ngày trước ngăn không cho huynh đệ chứng thiệt tế, nay lại nói nhiều về thiệt tế?

Đáp: Ngày trước tâm của huynh đệ còn yếu kém, nếu khuyến khích chứng thiệt tế sẽ không thể phát tâm Vô Thượng Bồ Đề. Nay huynh đệ chớm thấy Đạo Trí Tuệ, vì thế khuyến khích mọi người Giác Ngộ chân thật để khi học trí tuệ, trí tuệ không bị hoen ố bởi suy lường. Trong thực tế, có quá nhiều huynh đệ chưa vượt qua được ải Giác. Nay đã đến lúc phải vượt qua cái ải này thôi!

Hỏi: Nay huynh đệ chứng thiệt tế, thì làm sao phát tâm Vô Thượng Bồ Đề?

Đáp: Bây giờ mà còn nói chuyện phát tâm Vô Thượng Bồ1 Đề. ông có lẫn hay không? Giống như hỏi người đang đi học đại học, vì sao chú mày không mơ ước được bước chân vào giảng đường đại học.

Hỏi: Kiến Thiệt Tế và Trụ Thiệt Tế, giống hay khác?

Đáp: Bản thân hai chữ kiến và trụ khác nhau rất xa, đâu cần cắt nghĩa. Vả chăng, nó cũng giống như người đói lâu năm, thấy thức ăn ngon trước mặt, người này có chịu cam tâm trụ ở đó để tiếp tục “được” đói hay không?

Hỏi: Phật Đạo có vô số thuật ngữ, vô số danh pháp. Đây là rào cản lớn nhất khi người tu hành đọc tụng kinh điển. Xin hỏi, làm sao vượt qua rào cản trước mắt này?

Đáp: Tôi có thể giúp cho ông vượt qua rào cản trước mắt này bằng hai

1. Phát tâm Vô thượng Bồ Đề: Phát tâm thành Phật.

câu thần chú: Đạo ta khi đọc kinh ta/ Cái nào không biết thì tra…. Gu Gồ (Google)” Ha ha ha!

Hỏi: Nhưng mà những giải thích từ các phương tiện như vậy đâu thể giúp người Giác Ngộ?

Đáp: Tất nhiên những giải thích được tìm thấy bằng các công cụ tìm kiếm của kỹ thuật chưa phải là tất cả. Nhưng có còn hơn không. Muốn đào sâu ý nghĩa hơn nữa thì phải quảy trên vai mấy ngàn đôi giày để tầm cầu Đạo Sư thôi. Ngồi đó mà chờ sung rụng, thì có lẽ đợi đến tháng tám năm

  1. (nay là năm 2015) may ra có người sinh tháng tám, hợp tuổi, hợp mạng, hợp cung,… đến kiếm mình mà giảng nói.

Hỏi: Như những gì ông đã cắt nghĩa về Phật Đạo thì Phật Đạo quan niệm như thế nào về đời sau?

Đáp: Phật Đạo rất coi trọng nhân quả, nhân nào thì quả ấy.

  • Nếu trong hiện đời, thành tựu nhân vô lậu, thì đời sau sẽ là vô lậu.
  • Nếu hiện đời, tâm ý vắng lặng, không muốn đi nữa, không có động lực để đi tiếp, thì người đó sẽ dừng vĩnh viễn.
  • Nếu trong hiện đời thành tựu trí tuệ, thì đời sau sẽ là người có trí tuệ. Giống như một người có tiền của, đi từ điểm A để đến các địa điểm B,

C, D. người này đi đến đâu cũng là người giàu sang. Nếu một người có tri

thức, cho dù đi đến đâu, đời sống có sang hèn, sự hiểu biết của họ cũng không mất đi.

  • Nếu một người, không có ý nguyện đi một nơi nào khác, trong tâm cũng chẳng muốn đổi thay, thì người ấy nhất định sẽ ở nguyên tại nơi này...

Vì thế, người tu hành thường hay nói: “Người đời sợ quả, kẻ tu lo nhân”.

15. CHỮ “HIẾU” TRONG PHẬT ĐẠO

Hỏi: Phật Giáo chỉ nói đến Giác Ngộ, Giải Thoát và Trí Tuệ. Như vậy, Phật Giáo có chú trọng đến chuyện báo hiếu hay không?

Đáp: Giống như các loại hình học tập ở đời, trong học tập, người ta chỉ nói đến thành tài, nói đến danh vị, nói đến bằng cấp, nghề nghiệp chứ không nói đến báo hiếu. Nhưng một người học hành thành tài, có danh vị, có bằng cấp, nghề nghiệp có phải người này đã ngầm một phần báo hiếu, đền đáp công ơn sinh dưỡng cuả cha mẹ hay không?

Hỏi: Trong cuộc đời người tu hành, Phật Đạo đặt mục tiêu báo hiếu ở vị trí thứ mấy?

Đáp: Báo hiếu là mục tiêu tối thượng, là mục tiêu cao nhất, là mục tiêu số một. Và nó là mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc đời người tu hành, theo quan niệm của Phật Đạo.

Hỏi: Xin hãy chứng minh điều mà ngài vừa nói?

Đáp: Ông có nghe chuyện Hoàng Hậu Maya1 vừa sanh Thái Tử2 bảy ngày, từ một người phàm tục, trở thành Thiên Chúng của cõi Đao Lợi hay không? Thái Tử vừa được sinh ra, sau này lớn lên mới thành Phật, mà đã thực hiện chữ hiếu của mình cao cả như thế. Phỏng xưa nay, ông đã từng nghe qua, ai là người làm được việc hy hữu này hay không?

Hỏi: Đấy là chuyện hy hữu của một Đức Phật, còn chuyện này từ trước đến giờ ngoài Phật đâu có ai làm được?

Đáp: Ông có nghe Mục Kiều Liên là người chứng quả La Hán, một quả vị có thứ hạng thấp của Phật Đạo, Sau khi chứng quả, tức thì dùng đạo lực của mình, lặn lội xuống Địa Ngục để tìm cách cứu mẹ hay không?

Hỏi: Mục Kiền Liên 3 chứng thánh, tuy là thánh hạng thấp. Nhưng người chứng thánh thì ít, hạng chưa chứng thì nhiều. những người chưa chứng, làm sao báo hiếu?

 

Hoàng hậu Maya: vợ vua Tịnh Phạn, mẹ của Thái tử Tất Đạt Đa.

Thái Tử: ở đây chỉ Thái tử Tất Đạt Đa.

Mục Kiền Liên: là người nước Ma Kiệt Đà, một đệ tử giỏi thần thông nhất của Đức Phật.

Đáp: Ông có nghe chuyện nàng Quang Mục1, là cư sĩ hạng bình dân, chưa từng chứng một quả vị nào trong Phật Đạo, cho dù đó là quả vị dưới hạng cuối cùng của hàng thánh. đã cứu được mẹ mình ra khỏi Địa Ngục hay không?

Hỏi: Chỉ có ba trường hợp báo hiếu hy hữu này, còn những trường hợp khác thì đâu có thấy làm được những chuyện lớn lao đến vậy?

Đáp: Vì những người tu hành còn lại, đâu người nào có cha mẹ làm nhiều chuyện ác, bị đọa xuống Địa Ngục đâu, mà bắt họ đi cứu.

Hỏi: Tu hành trong Phật Đạo, ngoài cứu cha mẹ, còn các quyến thuộc khác thì thế nào?

Đáp: Chẳng những Hoàng Hậu Maya, sinh mẫu của Đức Phật làm một Thiên Chúng. Vua Tịnh Phạn là thân sinh của Phật, sau khi tạ thế cũng sanh Đạo Lợi Thiên. Kế mẫu của Phật là Kiều Đàm Di 2 chứng thánh, ra khỏi ba cõi. Vợ là Công Chúa Gia Du Đà La cũng chứng thánh, thành bậc Ứng Cúng. Con trai là La Hầu La cũng chứng thánh, thành Đệ Nhất Mật Hạnh. Nguyên dòng họ Thích bị quân của vua Lưu Ly giết sạch cũng sanh Thiên toàn bộ. Ông còn muốn điều gì hơn nữa về chuyện báo hiếu như thế này của Phật Đạo.

Hỏi: Phật Đạo phân chia việc báo hiếu ra thành mấy lớp?

Đáp: Phật Đạo chia việc báo hiếu ra thành bốn lớp.

Hỏi: Bốn lớp như thế nào, xin ngài nói rõ cho tôi hay.

Đáp: Bốn lớp là Tiểu Hiếu, Trung Hiếu, Đại Hiếu và Tối Thượng Hiếu ý nghĩa như sau:

  • Lớp Tiểu hiếu: Kiểu này tu hành trong Phật Đạo, nhưng ý chí thấp kém, mong ước nhỏ nhoi. Làm người của Đạo lớn, nhưng chỉ dám mong ước được báo hiếu như người đời, ví như chuyện ngồi đó khóc măng, đội gạo, hái lê, làm thuê.

Nói chung, báo hiếu theo kiểu Quách Cư Nghiệp3 đời Nguyên đã viết. Như ông, là bậc làm cha mẹ, có muốn con cái mình sau này báo hiếu cho ông theo “cách thê thảm” đó không? Chắc là không rồi! Đừng nói là có. Nhỡ người đời nghe được, thật xấu danh Phật Tử.

 

Nàng Quang Mục: tên nữ cư sĩ xuất hiện trong Kinh Địa Tạng.

Kiều Đàm Di: sinh trưởng ở nước Câu Ly, bà là em gái của hoàng hậu Maya. Hai chị em cùng lấy vua Tịnh Phạn. Bà là ni trưởng đầu tiên của nhà Phật.

Quách Cư Nghiệp: là một học giả đời nhà Nguyên (Trung Quốc). Ông là người biên soạn cuốn “Nhị thập tứ hiếu” kể về 12 tấm gương hiếu thảo nổi tiếng.

  • Lớp Trung hiếu: Hạng này tuy trong Phật Đạo, nhưng tu hành chỉ để mong ước là người thành tài, ở đời kiếm chút công danh, ngày hai bữa cận kề bên cha mẹ, sáng chiều dâng cơm ngon, mặc áo đẹp, ở nhà sang. Mặc cho cha mẹ, phải chịu nóng bức bởi lửa phiền não, hàng ngày bị cột trói trong ngục tù ba cõi. Tôi hỏi ông, cha mẹ giống người tù chung thân, có món ăn ngon, khi ăn có thấy ngon không, hay là nuốt không trôi, chỉ muốn sớm được ra ngoài, sống trong tự do, ăn dở mặc rách cũng cam.

Bản thân là cha mẹ, ông có muốn suốt đời mình ở trong nhà tù ba cõi, bị thiêu đốt bởi lửa phiền não, hầu được ăn miếng cơm ngon, mặc chiếc áo đẹp từ sự báo hiếu của con cái, theo kiểu này hay không? Chắc là không rồi. Đừng có nói là có, Phật mà nghe được điều này, chắc Phật buồn lắm.

  • Lớp Đại hiếu: Đây là hạng người tu hành trong Phật Đạo, có ý chí, quyết tu tập để tự thân Giác Ngộ, sớm được Giải Thoát. Vị ấy thành tựu xong, dùng các pháp lành này hồi hướng, cứu cha mẹ thoát khỏi cảnh đốt thiêu bởi lửa phiền não. Trong một niệm biến ngục tù tam giới thành Niết Bàn, đời này, đời sau vĩnh viễn an vui.

Là một người làm cha, làm mẹ thấy con cái mình theo Phật, thành Bậc Ứng Cúng, là vị đủ tài đức, hơn hẳn mọi thứ tài đức trong ba cõi, người người có gặp cùng không gặp, đều chắp tay cung kính, lễ bái, ngợi khen. Con cái thành tựu đạo quả và báo hiếu trong ý nghĩa thắng diệu này.

Đã là Phật Tử ông muốn làm điều này cho cha mẹ mình hay không?

  • Lớp Tối Thượng Hiếu: Đây là hạng tu hành trong Phật Đạo, có trí tuệ lớn, đủ năng lực thừa kế sự nghiệp của Đức Phật.

Khắp nhân loại này, cho dù người trong đạo, kẻ ngoài đạo, người thương, kẻ ghét. trong lòng đều cung kính xưng tán công đức, trí tuệ của vị ấy. Ngoài chuyện, báo hiếu cho cha mẹ, quyến thuộc hiện đời, cha mẹ những đời trước và tất cả chúng sinh, nếu học hành theo Giáo Pháp của Phật do vị này truyền dạy, nhất định toại nguyện.

Phàm làm cha mẹ, ông có muốn con mình thành tựu Trí Tuệ và báo hiếu cùng khắp theo như những gì Đức Phật dạy hay không? Đã là Phật Tử, chắc ai cũng mong muốn.

Thế đấy, Phật Đạo chia việc báo hiếu ra làm bốn thứ lớp trước sau như vậy. Ông muốn mình và con cái thuộc lớp nào, để sau này thực hành báo hiếu?

Hỏi: Xin hỏi, những việc báo hiếu như vậy, chỉ nghe có ông nói. Trước nay, chưa thấy người tu hành nào nói như thế?

Đáp: Có rất nhiều người tu hành trong Phật Đạo nói như thế từ xưa đến nay, chỉ tại ông chưa đủ duyên để được nghe mà thôi.

Vả lại, Phật Đạo là pháp tối thâm u, tối thắng diệu. Ông và những người tầm thường như ông, nếu tự hiểu ra được những đạo lý thâm ảo này, hóa ra Phật Đạo là thứ triết lý chỉ ngang bằng sức suy nghĩ của một kẻ tầm thường như ông hay sao?

Hỏi: Nếu nói rằng, Phật Đạo có năng lực báo hiếu thắng diệu nhường ấy. Tại sao người tu hành, sau khi người thân qua đời, lại không trực tiếp đi cứu như Phật, như Mục Kiền Liên, như Nàng Quang Mục, mà phải thỉnh Tăng cầu siêu?

Đáp: Nguyên nhân người tu hành thỉnh Tăng cầu siêu cho cha mẹ sau khi qua đời là vì:

Vị đó, tuy tu hành trong Phật Đạo, nhưng chưa đến mức biết người thân của mình qua đời đang ở đâu, nên họ báo hiếu bằng cách nhờ Tăng đến trợ giúp. Nếu rủi ro người thân xuống Địa Ngục thì Tăng trợ giúp để ra khỏi đó. Người thân may mắn được sanh các cõi khác thì sớm Vãng Sanh, không còn trở lại cõi đời đầy phiền não này nữa.

Chuyện này đâu có gì là sai mà phải bàn cãi? Như bản thân ông, thân làm con, khi cha mẹ qua đời, tự thân mình không biết cha mẹ nay ở đâu, liệu có lặn lội nhờ vả người khác cứu cha mẹ của mình để tròn đạo hiếu hay không? Hay là cha mẹ chết rồi, đến đâu thì đến; sướng, cực mặc kệ, thân tui tui lo? Làm người như thế, có đáng hay không?

Tóm lại, tự mình chưa thể cứu được, thì nhờ vả người khác cứu giúp. Được không chưa biết, nhưng việc làm này chí ít cũng thỏa mãn lòng hiếu đạo của người tu hành!

Hỏi: Nhưng theo tôi, cầu là chuyện rủi may, đâu có biết chắc là được hay không? Mà đã không biết chắc, thì tại sao phải nhờ vả người khác cầu xin điều mình chưa biết chắc?

Đáp: Tôi chưa thấy trên đời có ai lý luận ngược ngạo như ông. Không biết chắc mới đi cậy nhờ người ta; chứ đã biết chắc, thì tự mình đi cứu, chớ nhờ mà làm chi cho tốn kém, lại phải mang ơn.

Vả chăng, như Mục Kiền Liên, tuy biết chắc mẹ mình ở đâu, đang làm gì, nhưng một thân một mình không kham nổi, nên phải nhờ công đức của chư Tăng. Giống như có người thấy tảng đá bự bằng con voi giữa đường, muốn dời nó đi, sức mình không làm nổi, thì nhờ thêm nhiều người, chuyện này có gì là lạ mà phải thắc mắc.

Hỏi: Trong Phật Đạo, dựa trên tiêu chuẩn nào để làm cơ sở đánh giá đời sau của quyến thuộc?

Đáp: Đâu riêng gì Phật Đạo, ở đời cũng có lắm tiêu chuẩn làm cơ sở đánh giá tương lai của một con người.

Hỏi: Các tiêu chuẩn của Đạo Phật cụ thể như thế nào?

Đáp: Phật dạy:

  • Quy y Phật, không đọa địa ngục.
  • Quy y Pháp, không đọa ngạ quỷ.
  • Quy y tăng, không làm súc sinh.
  • Giữ năm giới, không mất thân người.
  • Tu thập thiện, được quả báo sanh thiên.
  • Người nhất tâm nhớ nghĩ Phật Quốc, khi bỏ cõi này, Vãng Sanh làm công dân của Phật Quốc đó.
  • Người chứng Tu Đà Hoàn, tệ lắm bảy đời cũng được Giải Thoát.
  • Người chứng La Hán, ra khỏi ba cõi.
  • Người Giác Ngộ, thấy đây là Niết Bàn.
  • Người thành tựu Trí Tuệ, làm thầy trời người.

Vô số tiêu chuẩn làm cơ sở đánh giá, tại ông không biết đó thôi!

Hỏi: Người đã quy y Tam Bảo, nhưng sau đó làm thì có bị trừng phạt vì tội lỗi mình gây ra hay không?

Đáp: Nếu có chịu, sau khi trả xong lỗi ác, thì cái quy y vẫn còn, vì Tam Bảo thường trụ. Giống như một người có cha mẹ làm quan to, vì mắc tội với người khác, nên bị giam cầm. Sau khi mãn hạn, vị thế con của quan to của cha mẹ đâu có mất.

Hỏi: Ba cõi ở đâu mà tại sao nó có thể giam cầm được người ta?

Đáp: Ba cõi trong tâm này.

Hỏi: Tâm vô hình làm sao biết có ba cõi trong đó?

Đáp: Tâm vô hình nhưng có bóng. Thấy bóng nên biết có ba cõi. Như gió vô hình, nhưng thấy cờ bay, người trí biết ngay ở đó có gió.

Hỏi: Cái bóng của ba cõi trong tâm, hình dáng như thế nào?

Đáp:

  • Phiền não là bóng dáng của ba cõi trong tâm.
  • Tham lam là bóng dáng của ba cõi trong tâm.
  • Sân hận là bóng dáng của ba cõi trong tâm.
  • Ngã mạn là bóng dáng của ba cõi trong tâm.
  • Tà kiến là bóng dáng của ba cõi trong tâm.
  • Ngu si là bóng dáng của ba cõi trong tâm.

Nói chung, ba cõi tuy vô hình nhưng có bóng dáng của nó. Khi nào, trong ông hiện khởi những bóng dáng này, thì biết chắc rằng, mình đang là “công dân ưu tú” của ba cõi. Công dân ưu tú nhất định sẽ được tuyên dương. Ông đã được ba cõi tặng tấm “huy chương hay kỷ niệm chương vì sự nghiệp phiền não” nào chưa?

Hỏi: Như vậy, những lúc không hiện các bóng dáng nói trên, mình đã ra khỏi vô minh ba cõi rồi chăng?

Đáp: Mọi chuyện đâu có dễ dàng như thế?

Giống như trong tối thì không thấy một bóng hình nào cả... Nhưng bước ra ngoài sáng, lập tức hình với bóng của ta xuất hiện.

Vì thế, “Khi nào, cho dù ở ngoài sáng hay trong bóng tối, cũng không một chút bóng dáng của ta hiện hữu. Lúc đó mới biết chắc, bóng dáng vô minh của ba cõi hoàn toàn tịch diệt trong tâm thức này ”.

 

16. Ý NGHĨA ‘THỨC; TRÍ; GIÁC TRÍ; HUYỄN TRÍ; THẬT TRÍ; … LÀ GÌ?

NHẬN BIẾT “THỨC” VÀ “TRÍ”

Hỏi: Cũng đồng thời là hiểu về Phật pháp, những hiểu biết trong ý nghĩa nào thuộc về thức? ý nghĩa nào thuộc về trí?

Đáp: Hiểu biết nào mang nặng tính giáo điều, có chứa trong đó mầm mống của “ngã”, phát xuất từ sự chấp trước, hay cột trói mình, hay cột trói người, không có ý vị Giải Thoát, không có ý vị Thanh Tịnh… Những hiểu biết như vậy đều thuộc về thức.

Hiểu biết nào, ngược với những điều đã nêu, thuộc về trí.

Hỏi: Muốn biến những “hiểu biết” của thức thành trí, ta nên làm gì với hiểu biết đó?

Đáp: Hiểu biết, tự nó không tánh. Có nghĩa rằng: Hiểu biết tự nó không có “tánh” của “thức”, không có “tánh” của “trí”. Chỉ do người sử dụng hiểu biết vào mục đích nào, mà hiểu biết này mang tính chất của “thức” hay tính chất của “trí”.

Giống như con dao, tự nó không có tánh “thiện” hay “ác”. Chỉ do người sử dụng con dao này vào mục đích gì, mà tạm nói con dao đó mang tính chất của thiện hay tính chất của ác...

Người tu hành trong Phật Đạo, muốn biến hiểu biết về Phật Pháp đang có, từ “thức” thành “trí”. Người tu hành này, phải nhận thức rằng:

  • Các pháp ta đã học, các pháp ta đang biết, là những pháp lành giúp ta tịch diệt cái ngã hư dối này, giúp ta tịch diệt nguồn tâm mê muội kia, giúp ta không chạy theo thấy nghe hay biết, giúp ta ra khỏi cột buộc của những quan niệm thế gian. Nếu ta thiện xảo sử dụng những hiểu biết này, để tự thân ra khỏi những điều nêu trên, tại nơi đây ta sẽ chứng thực ý nghĩa vô ngã, tâm ta sẽ không còn điên đảo vì thế thanh tịnh tự hiện.
  • Nếu ta không rong ruổi theo để thấy, nghe, hay, biết thì kiết sử (tham sân) tự dứt, sẽ là người thảnh thơi trong đời sống này. Nếu dùng hiểu biết này để rời bỏ các cột buộc từ quan niệm (pháp) thế gian, ta sẽ trở thành người tự tại trước những cơn sóng dữ của sự đúng sai, phải quấy, hơn thua, được mất, thiện ác, như một người dựng lại những gì đã ngã đổ sau cơn tàn phá của cuồng phong ba cõi.

Làm được như thế, không biến thức cũng thành trí, không mong ngu si cũng tự chấm dứt, không đốt ngọn đèn trí tuệ, vô minh cũng tự đẩy lùi.

 

GIÁC TRÍ, HUYỄN TRÍ, THẬT TRÍ, … LÀ GÌ?

Hỏi: Thứ trí mà chúng ta đang bàn, nó có phải là Phật Trí hay Thật Trí chưa?

Đáp: Thứ trí mà chúng ta đang bàn, chưa phải là Phật Trí hay Chân Thật Trí.

Hỏi: Như vậy, thứ trí này thuộc vào trí gì?

Đáp: Nó là Giác Trí, tức thứ trí nhân nơi Giác mà được. Từ trí này, người tu hành dùng nó làm công cụ duyên vào nội tâm và hướng về Thiện Giải Thoát, để lần lượt thành tựu các quả vị của Phật Đạo.

Hỏi: Đến khi nào Giác Trí này mới có thể thâm nhập Huyễn Trí và sau đó thành tựu Thật Trí?

Đáp: Cho đến khi nào người tu hành trong Phật Đạo trong lòng không còn nhân ngã, không còn chủ thể mình là người chứng và khách thể là quả chứng đạt được, thì chừng ấy từ Giác Trí mới có thể học các pháp của Huyễn Trí.

Hỏi: Vì sao đến chừng ấy Giác Trí mới có thể học để thành Huyễn Trí?

Đáp: Huyễn Trí là thứ trí không thật, tức là hiểu biết này, không phải của tôi, vì trong sâu thẳm nó chẳng có tánh tôi, tự nó không có Tướng Thọ Giả; Cũng không phải của một ai, vì trong sâu thẳm nó không có tánh ai là người làm ra, tự nó không có “tướng tác giả”.

Nó giống như con chim bay trên trời, bay qua nhưng chẳng để lại dấu vết về đường bay của nó. Hoặc như cục vàng nhỏ, tự cục vàng này chẳng có tánh của đồ trang sức, hay tánh thường làm ra các món đồ trang sức.

Hỏi: Vì sao phải như vậy mới là“huyễn trí”. .

Đáp: Nếu chưa nhận ra điều này thì người đó lầm cho rằng “huyễn trí”ta đang học đây là “thật trí”.

Từ sự lầm nhận này, nơi “không bốn tướng” trở thành có tướng, nơi “không bốn bệnh” trở thành có bệnh, nơi không cột trói trở thành tứ cú. Tự đóng cửa Thật Trí.

Hỏi: Người có Giác Trí, có thể dùng Giác Trí này giảng nói cho người khác được không?

Đáp: Rất được và rất nên. Nếu người sở hữu Giác Trí biết dùng công cụ này để khi giảng nói “giúp mình dứt ngã, giúp người bỏ tà theo chánh”.

Còn nếu làm ngược lại thì Giác Trí quay lại trở thành thức biết, chẳng khác gì một phàm phu.

Hỏi: Làm thế nào để biết rằng, Giác Trí quay lại thành thức biết?

Đáp: Cái biết của Giác Trí luôn luôn bị giới hạn.

Vì thế, khi giảng nói hay sinh lỗi lầm, trong lỗi lầm đó, chỉ làm lợi người trong phạm vi nhất định, phải cầu người có Thật Trí chỉnh sửa nhiều lần để hiểu biết của Giác Trí hoàn hảo hơn.

Trong lúc chỉnh sửa như vậy, người có Giác Trí không nhận những lời chỉnh sửa này, cố chấp, tự cho đã đủ.

Giống như con chim non, chỉ bay được một quãng đường ngắn. Nếu con chim non này không đợi chim mẹ nuôi nấng trưởng thành, dạy cách đối phó để bảo toàn sinh mạng, tự cho đã đủ, nhất quyết bay xa… Nhất định con chim non này sẽ bị Diều Hâu (thức) ăn thịt, hoặc không biết đường về và sẽ tự diệt bởi nhiều nguyên nhân, trong đó tự diệt do không có sự bảo hộ của bầy đàn. Và kết quả cuối cùng, là tự tìm đến cái chết của trí tuệ!

Hỏi: Biểu hiện nào, cho thấy rằng người tu hành này chỉ ở địa vị của Giác Trí?

Đáp: Tự người này và những người được nghe vị này giảng nói, nhận ra sự không thấu đáo, sự không thỏa đáng, sự không hoàn hảo, sự cột buộc,… trong những pháp đã tuyên thuyết.

Hỏi: Chừng nào kết quả mà chúng ta tu tập mới được gọi là thành tựu Huyễn Trí?

Đáp: Chừng nào có được Thật Trí thì chừng ấy mới biết rằng ta đã thành tựu Huyễn Trí.

Hỏi: Thật Trí và Huyễn Trí khác nhau ở điểm nào?

Đáp: Giác Trí dùng để cứu mình, cùng một phần nhỏ cứu người, Huyễn Trí dùng để cứu người. Thật Trí dùng để dạy người thành tựu Giác Trí và Huyễn Trí.

Hỏi: Có thể cho một ví dụ cụ thể về ba thứ Trí này?

Đáp:

- Thật Trí: như khối vàng lớn đã tinh luyện.

  • Giác Trí: như một cục vàng nhỏ được cắt ra từ khối vàng này.
  • Huyễn Trí: giống như học cách chế tác cục vàng nhỏ đã có thành những món đồ trang sức tinh xảo, rồi đem cho người.

Hỏi: Như vậy, cho dù học hết các cách chế tác tất cả các món đồ trang sức, thì từ một cục vàng nhỏ hoặc các món đồ trang sức làm sao trở thành khối vàng lớn?

Đáp: Câu hỏi của ông rất thú vị, tôi mạn phép xin được trả lời như sau:

Khối vàng lớn Thật Trí của Phật Đạo, không phải là kết quả thu lượm từ những cục vàng nhỏ của Giác Trí hay các huyễn phương tiện của Huyễn Trí mà chính là sự toả sáng của Phật Tánh.

Sự toả sáng này gọi là “Phật Trí” hay “Tự Nhiên Trí”?

Khối vàng này hình thành do quá trình “vụ nổ Big Bang” của Tâm Thức mà thành.

17. HAI CON ĐƯỜNG TU PHẬT;

Ý NGHĨA “TỪ BI” TRONG PHẬT ĐẠO?

Hỏi: Về cơ bản, Phật Đạo có mấy con đường để người tu hành chọn lựa cho mình hướng đi và đạt thành mục tiêu trước mắt?

Đáp: Có thể nói, về cơ bản, Phật Đạo có hai con đường, có hai mục tiêu trước mắt để cho người tu hành lựa chọn.

Hỏi: Xin ông cho biết hai con đường đó, là những con đường nào?

Đáp: Con đường thứ nhất: tu hành để được Giải Thoát. Mục tiêu này, đưa người ra khỏi mọi thứ trói buộc người ta hàng ngày.

Con đường thứ hai: tu hành để được Giác Ngộ. Người tu hành có Giác, có Ngộ, tâm trí sẽ an vui, thanh tịnh, sáng suốt.

Hỏi: Xin cho biết, cách thức tu hành của hai con đường này?

Đáp:

* Con đường thứ nhất, dành cho người xuất gia.

Sau khi chấp nhận từ bỏ gia đình, người thân, từ bỏ tài sản lớn, nhỏ; từ bỏ họ hàng gần xa, người xuất gia, đến nơi có Bậc Đạo Sư hiểu biết về Đạo Giải Thoát, cầu học đạo ở vị này. Ở đây, vị ấy lấy gốc cây, miếu hoang, gò mả làm trú xứ.

Nếu cộng trú với các đồng phạm hạnh trong một tịnh xá thì cũng chỉ lấy đó làm chỗ nghỉ ngơi; thân không tài sản, chỉ được sở hữu những gì Phật cho phép.

Ngoài những vật ấy ra, những gì không được phép mà cố cất giữ gọi là “vật bất tịnh”. Vị ấy với “ba y và một bát” như con chim với đôi cánh, vào làng khất thực để nuôi thân.

Ngoài việc khất thực để nuôi thân và nghe thuyết pháp, thời gian còn lại, vị này “sống trong thiền định”. Nhờ sống trong thiền định, tâm thức vị này lần lượt vượt qua “dục giới, sắc giới và vô sắc giới”. Sau khi, vượt qua ba cõi, vị tu hành này được nghe Bậc Đạo Sư tuyên thuyết về “sự cột trói của ngũ ấm”. Và vị ấy quyết tâm dứt trừ ngũ ấm.

Sau khi dứt trừ ngũ ấm, vị này hoàn toàn được Giải Thoát, chứng thánh

quả cao nhất, đó là A La Hán, tuyên bố tứ thành tựu. Điều này, người tu hành hay nói nôm na rằng: Xuất thế tục gia, xuất tam giới gia và xuất ngũ ấm gia.

* Con đường thứ hai, dành cho người xuất gia lẫn người tại gia

  • Người xuất gia cũng như người tại gia đi vào con đường này, thường là những người có trí tuệ và chí lớn.

Ngoài việc tu học để tự cứu bản thân, họ còn mang hoài bão đó là, sau khi thành tựu những gì cần thành tựu cho bản thân, vị tu hành này sẽ đem hiểu biết mà mình có được, giúp mọi người cũng được như mình, để thỏa mãn “Từ Bi tâm”... Gọi là làm công hạnh của Bồ Tát...

  • Người tu hành chọn con đường này, có trí tuệ lớn, có ý chí dũng mãnh, nên họ không cầu Giải Thoát, chỉ mong muốn ngay tại nơi đây được an vui, và cũng chính nơi đây mới có thể thực hành chí nguyện độ sanh.

Muốn đạt được thành tựu con đường này, vị tu hành đó tuy không xuất gia về hình tướng, nhưng bước đầu cũng phải từ bỏ những gì cần từ bỏ trong tận cùng của tâm thức, gọi là: “xây dựng thái độ tu hành”. Đồng thời, sẽ được Bậc Đạo Sư trang bị những kiến thức tối thiểu về ba cõi và nguyên lý hình thành của nó. Kiến thức này, giúp thành tựu các món thiền định như người xuất gia.

Sau khi thành tựu các món thiền định, vị này sẽ được Bậc Đạo Sư giảng nói về “ý nghĩa của Ngũ Uẩn, giảng nói ý nghĩa thế nào là Tâm, thế nào là Pháp, thế nào là Vật, thế nào là Thế Giới…”

  • Nhân hiểu biết này, vị tu hành đó “Giác được huyễn Tâm và huyễn Pháp”. Sau khi giác ngộ được “huyễn Tâm” và “huyễn Pháp” bậc đạo sư sẽ khai thị để vị này “ngộ được bản tâm” Thấy được bản tâm, coi như phần tự độ đã xong.

Hỏi: Ngoài hai con đường này, Phật Đạo còn có con đường nào khác?

Đáp: Ngoài hai con đường này, Phật Đạo không có con đường khác. Tuy nhiên, với những người chưa đủ dũng khí xuất gia để tìm đến đạo Giải Thoát, hoặc trí tuệ và chí nguyện chưa đủ lớn để có thể dung chứa Đạo Giác Ngộ, Bậc Đạo Sư có thể dạy cho người ấy “một số Pháp Lành”, để chờ thời cơ chín muồi hướng họ vào hai con đường đã nêu.

Pháp lành như cái núm vú giả đối với đứa trẻ mới sinh. Cái núm vú này không mang lại nguồn sữa cho nó, nhưng chí ít giúp đứa trẻ đó an tâm. Chờ đến lúc lớn, nó sẽ “tự mắc cỡ” mà từ bỏ cái vú giả, để bắt đầu chuyện học hành.

Tuy nhiên, đối với một “Bậc Đạo Sư đúng nghĩa” thì chuyện này rất khó xảy ra, vì họ biết rõ từng căn cơ, và có những phương tiện thích hợp, nhằm giúp người tu hành thành tựu đạo quả sớm nhất.

Giống như chuyện ông Bàn Đặc Ca và sức “giáo hóa bất khả tư nghì”1 của Đức Phật, hoặc chuyện bà Vi Đề Hi cầu vãng sanh, nhưng Phật giúp bà ta chứng quả Vô Sanh Pháp Nhẫn trong hiện tiền.

Hỏi: Nếu như một người suốt cuộc đời bỏ ra tu tập, mà không được nghe nói đến hai con đường trên, cũng không thành tựu một trong hai đạo quả cơ bản này thì số phận họ sẽ như thế nào?

Đáp: Số phận họ sẽ giống như ông trong hiện tại.

Hỏi: Hai đạo quả nói trên, sau khi thành tựu, có quy về một mối hay không?

Đáp: Trước mắt thì chưa quy về một mối vì sự khác biệt cơ bản, nhưng sau đó, phải quy về một mối.

Hỏi: Xin hỏi, sau đó quy về một mối như thế nào?

Đáp: Một vị được đạo quả Giải Thoát, nhất định sẽ Giác Ngộ. Một vị thành tựu Đạo Giác Ngộ, nhất định sẽ hiểu được ý nghĩa của Giải Thoát. Giống như một người giàu sang sẽ biết cách làm ra tiền, một người làm ra tiền sẽ biết cách để mình trở thành giàu sang. Giống như hai con sông nhỏ chảy vào biển lớn, khi hòa vào biển lớn, thì sự khác biệt cơ bản của hai con sông nhỏ không còn nữa.

Hỏi: Xin hỏi, ngoài việc quy về này, sau đó còn có điểm khác biệt nào chăng?

Đáp: Phật Đạo là đạo Trí Tuệ, dù đạo của người xuất gia, hay đạo của người tại gia, dù đạo Giải Thoát hay đạo Giác Ngộ. Sau khi, đạt được thành tựu đạo quả căn bản, đồng phải học chung một thứ Trí Tuệ.

Học Trí Tuệ và thành tựu Trí Tuệ mới đích thực là tu học trong Phật Đạo, gọi là Tu Đạo. Thành tựu Đạo Đế chính là biến khẩu hiệu “Duy Tuệ Thị Nghiệp” trở thành hiện thực.

Vì rằng, thành Phật là thành tựu Trí Tuệ Vô Thượng. Chính vì điều này, Phật mới dạy trong kinh những câu đại loại như: “Ba thừa là không thật” hoặc “Niết Bàn của ba thừa là hóa thành”.

Hỏi: Một người không kinh qua ba thừa để thành tựu đạo quả Giải

Giáo hóa bất tư ghì: hay còn có tên gọi khác là “hóa nghi tứ giáo” đây là một khái niệm để chỉ 4 khái niệm: “đốn”, “tiệm”, “bí mật” và “bất định” của nhà Phật.

 

Thoát hay đạo quả Giác Ngộ trong hiện đời có thể một đường thẳng tiến đến Trí Tuệ Vô Thượng hay không?

Đáp: Tiến thẳng đến Trí Tuệ Vô Thượng là điều có thể xảy ra, nhưng nó rất hy hữu. Ví dụ như: Đức Phật, không từng kinh qua đạo quả ba thừa trong hiện đời nhưng vẫn thành Phật. Vì thế, trong kinh Phật cũng có nói:

Một hữu tình chứng Vô Thượng Bồ Đề, không nhất thiết phải kinh qua Bát Niết Bàn”.

Hỏi: Có thể lý giải việc này có được là do nhiều đời trước, vị tu hành này đã từng kinh qua các giai đoạn tu tập như vậy, nên hiện tại trong đời này không cần kinh qua nữa như những bài kinh kể về tiền thân của Đức Phật?

Đáp: Chúng ta đang bàn chuyện hiện tại.

Hỏi: Thú thật, tôi đã cầu đạo và tu học nhiều nơi, nhưng chưa từng được nghe và học tập về những điều ngài vừa nói.. Thậm chí, tôi cũng đã từng ngậm “cái vú giả” như vậy nhiều ngày, nhưng chỉ nghe ở những nơi ấy giảng nói về công dụng của cái vú giả, thậm chí cái vú giả này sẽ nuôi người lớn khôn. Nhưng chưa một lần được nghe nói: Đây là cái vú giả, hãy bỏ nó đi để khôn lớn và học đạo Giải Thoát hay đi đến Giác Ngộ”.

Đáp: Cầu đạo và tu học ở nhiều nơi, không có nghĩa là đã đã học được mọi thứ. Chưa nghe nói, không phải là không có người nói ra những điều đó. Còn nếu có ai giảng giải về “cái vú giả” và bảo rằng: “Nó sẽ nuôi người lớn khôn” thì có lẽ vị Đạo Sư đó do “ngậm vú giả mà khôn lớn. Cho nên ông ta mới lấy kinh nghiệm của mình mà ông ta dạy người như thế.

Trên đời này, việc gì lại không thể xảy ra. Chỉ trách mình vô duyên, hồi trước chuyên tạo nghiệp “làm vú giả”.

Hỏi: Hồi nãy, có đề cập đến hai chữ Từ Bi. Vậy hai chữ Từ Bi trong Phật Đạo có giống như sự thương xót ở đời hay không?

Đáp: Xin thưa hai chữ “từ bi” ấy hoàn toàn khác nhau.

Hỏi: Xin ông nói rõ chúng khác nhau như thế nào?

Đáp: Phật dạy: “Từ Bi của Nhị Thừa không lớn hơn cái thân, chỉ để tự cứu. Từ Bi của Bồ Tát rộng lớn, có thể cứu nhiều người nên gọi là Đại Từ Bi. Từ Bi của Chư Phật không có giới hạn nên gọi là Vô Lượng Từ Bi.”

Trong ba thứ Từ Bi của ba kiểu này, không thấy nói đến người đời.

Hỏi: Nhưng ở đời cũng có người biết thương xót cho kẻ yếu thế, bệnh tật; nhiều người sẵn sàng giúp đỡ người khác, sao Phật không nói những người đó là Từ Bi?

Đáp: Từ Bi trong Phật Đạo nằm trong nghĩa giúp mình giúp người được Giác Ngộ, được Giải Thoát, và thành tựu Trí Tuệ. Chứ không nhằm giúp người ra khỏi đói nghèo hoặc bất hạnh như ở đời, nên hai chữ Từ Bi trong Phật Đạo có ý nghĩa riêng của nó.

Hỏi: Nếu còn thấy Từ Bi của “đời” khác “đạo” thì Phật Giáo tuyên bố ý nghĩa bình đẳng như thế nào?

Đáp: Hai chữ bình đẳng trong Phật Đạo, nhằm nói lên rằng, đối với người thân (tình) hay kẻ thù (vô tình), đối với người ngoài đạo (vô tình) hay trong đạo (tình), người thương (tình) kẻ ghét (vô tình), người biết đạo (tình), hay người không biết đạo (vô tình)...

Nếu chịu khó tu hành trong Phật Đạo, đều được giáo hóa như nhau và đồng chứng đạo quả như nhau...

Vì thế người tu hành mới có lời nguyện:

“Hư không hữu tận,

Ngã nguyện vô cùng,

Tình dữ vô tình,

Ðồng viên chủng trí…”

hoặc câu:

“Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử và chúng sanh

Đều trọn thành Phật Đạo”.

Hỏi: Bây giờ tôi mới cảm nhận một chút ý nghĩa của chữ tìnhvô tìnhtrong bài nguyện thường đọc.

Hai chữ tình và vô tình ngụ ý chỉ các thứ tâm thức sai biệt, mà lại hiểu thành hai loài hữu tình và vô tình.

Thành ra cứ lý giải vòng vo hoài, thậm chí còn đem pháp tánh ra mà cắt nghĩa, thật là những lý giải thô thiển và gượng ép.

Đáp: Ông hãy thường xuyên đọc bài nguyện sau để thấm thía ý nghĩa bốn câu này:

“Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp,

Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ,

Ngã kim kiến văn đắc thọ trì,

Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”

Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa mà chỉ dùng sức hiểu ở đời để lý giải sẽ cho ra những nhầm lẫn tai hại khi tu tập trong Phật Đạo.

Hỏi: Nếu ngài nói như vậy, những thứ vô tri, vô giác như cỏ, cây, ngói đá... có thể tu hành để đạt thành tựu điều gì đó không?

Đáp: Muốn biết điều này, ông thử về lấy một viên đá hay một khúc gỗ, rồi ngày ngày dạy nó. Xem coi, chừng nào nó biết chữ. Chứ đừng nói chuyện sâu xa là dạy nó tu hành để thành Phật.

Vì thế, Ngũ Tổ mới có bài kệ:

“Hữu tình lai hạ chủng,

Nhơn địa quả hoàn sanh,

Vô tình diệc vô chủng,

Vô tánh diệc vô sanh”

Đừng có thêm một lần nữa hiểu sai hai câu nói sau trong bài kệ của Ngũ Tổ, mà tội nghiệp cho… người quá cố.

 

VIDEO ĐỌC

 

Bài viết cùng danh mục

Thông báo

Hoặc gọi 096.4343.168