VÔ ĐỐI MÔN - LÝ TỨ - PHẦN 10

127 lượt xem

Vô Đối Môn

Tác giả: Lý Tứ

Nhà xuất bản Dân Trí Phần 10: Kiết sử từ đâu sanh? Lý do phải học rộng, sâu, kiến thức, Phật pháp sau khi giác ngộ.

Giọng đọc: Nhã Quỳnh - phát thanh viên Đài tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh

21. KIẾT SỬ TỪ ĐÂU SANH?

Hỏi: Âm thầm suy xét ngôn âm, tôi thấy bất kỳ mỗi lời hay nguyên câu nói đều có ý nghĩa của nó.

Đáp: Ông đã làm gì với ý nghĩa này?

Hỏi: Tôi suy ngẫm để hiểu ý nghĩa của từng câu, từng lời.

Đáp: Ngay lúc tôi và ông trao đổi, từ mỗi lời, mỗi câu, nếu ta tách riêng mỗi câu, mỗi lời thành hai phần riêng biệt, một bên là âm thanh, một bên là ý nghĩa, ông thấy thế nào?

Hỏi: Nếu tách riêng biệt, âm thanh và ý nghĩa ra thành hai phần. Tôi thấy trong âm thanh không có ý nghĩa.

Đáp: Ông thử liên hệ giữa thứ âm thanh mà ông thấy không có ý nghĩa đó và tiếng xe gắn máy của người đi ngoài đường, ông thấy thế nào?

Hỏi: Tôi thấy nó giống nhau.

Đáp: Khi thấy hai thứ âm thanh này giống nhau, giữa lời nói của tôi và tiếng xe chạy ngoài kia, ông thích âm thanh nào hơn?

Hỏi: Tôi không hề khởi lên ý niệm ham thích hay chán ghét một thứ âm thanh nào.

Đáp: Không ham thích, cũng chẳng chán ghét. Phật Đạo gọi đó là dứt điều gì?

Hỏi: Kiết sử.

Đáp: Như vậy, ông biết cái gốc của kiết sử từ đâu sanh hay không?

Hỏi: Biết! …Biết rất rõ! … Từ danh tướng mà sanh!

Đáp: Trong mỗi âm thanh, tự bản chất nó có danh và tướng hay không?

Hỏi: Tự thể nó không có danh hay tướng…

Đáp: Thế thì, danh tướng đó từ đâu sanh?

Hỏi: Từ tâm thức này duyên theo âm thanh mà sanh…

Đáp: Nếu tâm thức không duyên theo âm thanh để sanh danh tướng. Ông quay trở lại thân tâm này, và nhìn nhận theo cách mà ông vừa thấy biết, giữa thân và tâm có ý nghĩa gì không?

Hỏi: Tôi thấy “thân” này chỉ là “sắc”, còn “tâm” chỉ có tên gọi...

Đáp: Ông có biết “mười hai nhân duyên” hay không?

Hỏi: Có biết! …

Đáp: Cái “mầm danh sắc” trong mười hai nhân duyên nhằm chỉ cho điều gì?

Hỏi: Tôi hiểu rồi! … “Thân tâm” này, bản chất của nó chỉ là danh sắc…

Đáp: Nếu ta gói gọn “thân tâm” này trong phạm vi danh và sắc, không cho thức chen vào thì, nội lục nhập có thành lập được không?

Hỏi: “Nội lục nhập” cũng chỉ có tên gọi mà không có ý nghĩa…

Đáp: Nếu “Nội lục nhập” không có ý nghĩa thì những thứ như: xúc, thọ, ái, thủ là có hay là không?

Hỏi: Nội lục nhập chỉ là danh tự trống rỗng… xúc, thọ, ái, thủ, cũng chỉ là danh tự trống rỗng…

Đáp: Nếu các chi này đều trống rỗng… Sắc, thọ, tưởng, hành, thức thế nào?

Hỏi: “Sắc, thọ, tưởng, hành, thức” cũng trống rỗng…

Đáp: Năm món này trống rỗng, nó có trói buộc được ông không?

Hỏi: Đã trống rỗng thì chẳng thể trói buộc được...

Đáp: Không trói buộc được thì năm món ấy có gọi là “ngũ ấm” hay không?

Hỏi: Chỉ có tên là năm món, chứ chẳng thể là ngũ ấm…

Đáp: Như vậy, ông biết cách làm thế nào để năm món: sắc, thọ, tưởng, hành, thức không trở thành ngũ ấm rồi chứ?

Hỏi:  Tôi biết! …Tôi Biết! …

Đáp: Nếu năm món chỉ rỗng không, năm món này có khác nhau chăng?

Hỏi: Không khác! … Tuy tên có năm, nhưng chỉ là một rỗng không, không có ý nghĩa! …

Đáp: Ông có biết bài Bát Nhã Tâm Kinh hay không?

Hỏi: Có biết! …

Đáp: Nội dung bài kinh này nói gì?

Hỏi: Nói rằng ngũ uẩn giai không”! ...

Đáp: Vì sao “ngũ uẩn” đều không?

Hỏi: Vì tự thể nó rỗng không, chỉ có danh mà không có thực.

Đáp: Trên đời này, không riêng gì năm món sắc, thọ, tưởng, hành, thức, mà từ vi trần đến thế giới… Nếu tâm ý này không mê mờ, hết thảy có giống như cảm nhận của ông không?

Hỏi: Đồng như vậy! Nếu không mê mờ nơi các thứ ấy thì “sắc, thọ, tưởng, hành, thức” cho đến vi trần lẫn thế giới đều chỉ có giả danh mà không có uẩn! …

Đáp: Ngũ uẩn giai không là nghĩa gì?

Hỏi: Nếu nó có một nghĩa gì, lập tức tất cả trở thành uẩn! …

Đáp: (Cười lớn) Năm món “sắc, thọ, tưởng, hành, thức” hay nói khác đi, thân và tâm này có phải là ấm hay uẩn chăng?

Hỏi: Rốt ráo không! … Rốt ráo không! … Ấm chỉ do mê, uẩn chỉ do lầm... Dứt mê, hết lầm... Năm món này, cho đến thế giới kia chỉ là những viên pha lê trong suốt, không có tự tánh, cũng chẳng có tha tánh! … Giống như những hạt mưa từ trên trời rơi xuống, chẳng có tánh tự hay tánh tha!

Đáp: Ông quá tài! Mời uống trà, suy ngẫm để thấm nhuần ý nghĩa vừa thấy được.

Hỏi: Đúng là không phải như “bò nhai rơm khô” mà khéo dẫn dụ tâm người thì tất cả đều là “cam lồ thượng vị”! …

Tôi chợt hiểu ra, thế nào là “Diệu Âm”. Không cắt nghĩa dài dòng, mà có thể khiến người hiểu được, cái này mới là “việc hy hữu” (hiếm có).

Đáp: “Rắn tức thị dây, dây thức thị rắn”… Tất cả chỉ tại cái … bóng… tối!…(Cười lớn)

Mời uống trà… Uống trà xong, ông hãy về tiếp tục chiêm nghiệm những điều vừa thấy, ngày mai tiếp tục…

Nghe nhiều quá, có khi đang sáng suốt trở thành ngu tối.

 

 

19. SANH RA "BA CÕI" NHƯ THẾ NÀO LÀ QUY Y TAM BẢO TỰ TÁNH?

Hỏi: Từ lúc chia tay đến giờ, sau khi biết rõ nguồn gốc phát sinh kiết sử, trong lòng tôi tự dưng chấm dứt tham sân...

Năm căn thân đối trần, cảm nhận được cái vô tri của vật...

Ý căn nhìn thấy những nghĩ suy của mình, như dòng nước chảy qua cầu, lòng không vướng bận... Quay lại thân này, cảm giác nhẹ nhàng, tựa như bong bóng... Quán sát tâm, tâm tràn đầy an lạc... Chỉ một buổi ngắn nói chuyện, mà được những điều chưa từng được, hiểu cặn kẽ những điều trước đây chỉ đọc thuộc trên văn tự...

Đúng là “tri kiến” khác xa với “tri thức”. Một bên là thấy biết chân thật, nên nghĩa lý có được cũng chân thật, một bên là dựa vào ý nghĩa văn tự để hiểu, nên cái hiểu này chỉ là bóng dáng của nhận thức thông qua hình ảnh văn tự!

Tôi hiểu ra, Diệu Âm chính là thứ ngôn âm đưa người từ cột trói bởi mê muội đến sáng suốt thảnh thơi, đưa người từ khổ đau chấp nhứt đến Giác Ngộ, thấy rõ cứu cánh Niết Bàn! Phật Đạo đúng là hy hữu!

Đáp: Ông thử dùng năm căn thân của mình xúc đối với năm trần cảnh... Khi mắt đối sắc, tai đối thanh, mũi đối hương... bản thân ông có còn ham muốn như xưa nữa không?

Hãy từ từ quan sát trong khi xúc đối, đừng gấp gáp, đừng chạy theo lời nói của tôi...

Hỏi: Mọi thứ đứng lặng…

Đáp: Như vậy, Dục Giới từ đâu sanh?

Hỏi: Chẳng có chỗ sanh, cũng chẳng có chỗ diệt… Tự không có nơi nào là Dục Giới…

Đáp: Trong cảm nhận này, ông quán sát xem, thân của ông có còn là cơ sở để sinh ngã hay không?

Hỏi: Tôi thấy thân còn không có, hà huống sinh ngã từ thân này…

Đáp: Thân này không có ngã, thân có ràng buộc được ông không?

Hỏi: Ràng buộc là do chấp sắc thân làm ngã, một khi hết chấp, thì không có chủ thể đón nhận “giải thoát” hay “ràng buộc”…

Đáp: Không còn chủ thể đón nhận giải thoát hay ràng buộc… Phật Đạo gọi đó là gì?

Hỏi: Phật Đạo gọi đó là ra khỏi Sắc Giới hay Sắc Giải Thoát…

Đáp: Hiểu biết ra khỏi Dục Giới cùng Sắc Giới mà ông vừa cảm nhận được do đâu mà có?

Hỏi: Từ ý thức mà có! …

Đáp: Ý thức này từ đâu sanh?

Hỏi: Chẳng từ đâu sanh, khi thân tâm chuyển biến thì ý thức ghi nhận.

Đáp: Ghi nhận xong thì thế nào?

Hỏi: Ghi nhận xong, hiểu biết và cảm nhận này được lưu giữ trong tâm thức.

Đáp: Ai là người gìn giữ hiểu biết và cảm nhận này?

Hỏi: Tôi không thấy có ai trong đó…

Đáp: Giống như một tấm gương soi mặt... Tấm gương đó có ảnh của mình hay không?

Hỏi: Tất nhiên là tấm gương tự nó không ảnh...

Đáp: Khi nào tấm gương này hiện ảnh của mình trong đó?

Hỏi: Khi ta nhìn vào! …

Đáp: Những thứ kiến thức từ ngoài đời, cho đến đạo pháp, giống như mặt mình trong gương, nếu ta không nhìn vào thì các quan niệm, cảm nhận từ những kiến thức đó có sinh khởi hay không?

Hỏi: Tất nhiên là không! ...

Đáp: Thì cũng vậy, Vô Sắc Giới bản chất của nó không có tánh của sắc, như cảnh trong gương, như kiến thức trong tâm người...

Chỉ vì người mê, tưởng về nó, nên nơi không có tưởng, trở thành có tưởng... Nơi không tự ngã, trở thành tự ngã... Ông có hiểu tôi nói gì hay không?

Hỏi: Đúng là ba cõi chỉ như sừng thỏ lông rùa” 1. Sừng thỏ lông rùa: Chỉ những thứ có tên mà không có thực thể)

Đáp: Đã biết là sừng thỏ lông rùa, kẻ trí có nên tìm cầu hay không?

Hỏi: Nhất định không nên…

Đáp: Phật dạy: “Những ai còn tư niệm, tư lường, thầm ý... Đây là cảnh sở duyên cho thức an trú… Thức an trú, thức tăng trưởng… thức tăng trưởng, thức chọn lựa…”

Muốn dứt ba cõi sáu đường, ông biết phải làm gì rồi chứ?

Hỏi: Đừng làm cảnh sở duyên cho thức an trú, để rồi thức chọn lựa đời sau…

Đáp: Ông thuộc loại thông minh…(cười lớn) Mời uống trà…

Hỏi: Nay tôi xin được vĩnh viễn làm người hầu trà. Mời Đạo Sư dùng trà!

Đáp: Ông đã đọc Kinh Đại Niết Bàn chưa?

Hỏi: Thưa Đại Sư, tôi đã đọc rồi.

Đáp: Ông còn nhớ lời Phật dạy: “Ta dùng Phật nhãn, quán sát hết thảy, núi non, sông ngòi, tinh tú, nhật nguyệt, không một pháp có được…”. Ông hiểu thế nào về câu này?

Hỏi: Thưa! Phật dạy, dưới Phật nhãn thì không có gì hết!

Đáp: Không có gì hết, tại sao Phật có nói đến núi non, sông ngòi, tinh tú, nhật nguyệt?

Hỏi: Con chưa hiểu hết ý vị câu nói đó… Xin được nghe cắt nghĩa…

Đáp: Ông hãy suy nghĩ thật kỹ, đừng theo thói quen thường tình, chưa nắm hết vấn đề đã vội trả lời. Hãy phân tích từng chữ trong câu nói đó, xem Phật nói cái gì không có được?

Hỏi: Hãy cho con thời gian suy ngẫm…

Đáp: Ông cứ tự nhiên… Khi nào thấu đáo hãy trả lời.

Hỏi: Theo những gì con chiêm nghiệm về câu nói đó, Phật dạy: Không một pháp có được”.

Đáp: Không một pháp có được, hay núi non, sông ngòi không có được?

Hỏi: Không một pháp có được…

Đáp: Như vậy, núi non, sông ngòi… là cái gì?

Hỏi: Núi non, sông ngòi… là vật, là cảnh, là thế giới.

Đáp: Như vậy “pháp” là cái gì mà Phật bảo rằng, không có được? Ông đừng chạy theo văn tự, bỏ kiến thức xuống, hãy quay lại tự tâm quán sát mà trả lời.

Hỏi: Con suy xét từ tâm này, vật, cảnh, thế giới tự bản chất không có ý nghĩa… Có phải không có ý nghĩa, nên Phật bảo rằng: không một pháp có được”?

Đáp: (Cười lớn) Nếu làm cầu thủ bóng đá, nhất định ông sẽ trở thành ngôi sao. Như vậy, ông hiểu bản chất của vật, cảnh và thế giới hay chưa?

Hỏi: Con hiểu…

Đáp: Ông có hiểu thế nào là “pháp” hay không?

Hỏi: Chẳng những hiểu mà nay con đã thấu suốt.

Đáp: Ông có nhớ câu nói trong Kinh Đại Niết Bàn: “Trước khi thọ thực, thân Bồ Tát là nhục thân… Thọ thực xong, Bồ Tát thấu suốt thế nào là Kim Cang thân... Thấy Phật Tánh thành Đẳng Chánh Giác…” hay không?

Hỏi: Sau buổi Pháp thực hôm nay, con đã nhận ra “Thế nào là Kim Cang thân…”. Vĩnh viễn không còn sinh tâm, không còn sinh pháp, không còn sinh ngã, không còn sinh diệt…

Nhưng trí tuệ con u tối, chưa thể một lúc mà thấy Phật Tánh như Bồ Tát ngày xưa... Nay một lần nữa, con xin quy y Tam Bảo Tự Tánh... Xin Đạo Sư chứng minh...

Đáp: Thế nào là quy y Tam Bảo Tự Tánh?

Hỏi: Không quy y vật, không quy y cảnh, không quy y thế giới… Chỉ quay về quy y chính Giác Ngộ này, nên tạm gọi là quy y tự tánh.

Đáp: Quy y Tam Bảo, ý nghĩa đích thực nó muốn hướng tới điều gì?

Hỏi: Không rời xa Giác Ngộ là quy y Phật… Biến Giác Ngộ này thành đời sống, thành hơi thở, thành máu thịt là quy y Pháp... Gìn giữ hai điều này cho đến tận cùng đời vị lai, không để dứt mất là quy y Tăng…

Đáp: Rất may, ông chưa nói nhân hôm nay mình đã thấy Phật Tánh. Ông mà nói mình đã thấy Phật Tánh, chắc tôi phải ngồi xuống, cầu xin ông thuyết pháp.

Phật dạy: Thân này phải chịu sanh, lão, bệnh, tử. Tâm và pháp không nằm ngoài quy luật sanh, trụ, dị, diệt. Thế giới do thành, trụ, hoại, không mà đổi thay”. Khi nào thấu suốt được ba điều trên, nhất định ông hiểu ra nhiều pháp vi mật của Phật Đạo.

Hỏi: Nay con lại hiểu thêm thế nào mới đích thực là Pháp Âm.

Pháp Âm chẳng phải đọc nguyên bài kinh hay câu kệ… Mà Pháp Âm chính là những ngôn âm tác động thẳng vào tâm người, biến một kẻ đang mê mờ nơi các pháp bỗng dưng thôi không sanh pháp… Biến một kẻ trầm luân trong ba cõi, tự mình vượt qua hết thảy để chấm dứt sanh tâm… Biến cái ngã hư dối như núi Tu Di trong một niệm trở thành hư không…

Con xin đảnh lễ Đạo Sư.

Đảnh lễ Diệu Âm, đảnh lễ Pháp Âm.

Người đã dùng thần thông ngôn thuyết đưa con trải qua vô số cảnh giới bất khả tư nghì, để đến Phật Quốc mà tự thân không hề thấy động lay.

Đáp: Tôi đi uống thuốc ù tai đây…

 

23. LÝ DO PHẢI HỌC “RỘNG, SÂU” KIẾN THỨC PHẬT PHÁP SAU KHI GIÁC NGỘ

 

Hỏi: Người tu hành đã được Đạo Sư khai thị cho Giác Ngộ. Người này sau khi Giác Ngộ, chỉ cần gìn giữ chỗ Giác Ngộ đó, có cần đọc tụng thêm kinh điển, sách vở, tìm cầu mở rộng kiến thức Phật Giáo nữa hay không?

Đáp: Rất cần làm điều đó. Cần hơn cả lúc chưa Giác Ngộ.

Hỏi: Vì sao đã Giác Ngộ rồi mà còn cần học rộng kiến thức Phật Pháp?

Đáp: Vì rằng,

  • Thứ nhất: Người chưa Giác Ngộ, đọc tụng kinh điển giống như người khát nước, đi giữa đất trời mênh mông tự mình dò tìm nguồn nước…

Người đã Giác Ngộ, giống như kẻ khát nước, nay có người chỉ tường tận địa điểm nguồn nước. Tuy người này biết rõ nơi có nguồn nước, thậm chí nguồn nước ở ngay vị trí đang đứng, nhưng người đó vẫn chưa thể hoàn toàn sử dụng nguồn nước này như ý…

Lý do, nước trên đất thì rất ít, chỉ đủ để giải khát trong nhất thời, mạch nước chính còn nằm sâu dưới lòng đất. Muốn sử dụng thứ nước này, phải bỏ công sức tìm học cách đào bới, chính mình cùng với Đạo Sư cùng làm công việc này.

  • Kiến thức Phật Giáo, chính là phương pháp khai thác mạch nước.
  • Nỗ lực tư duy chính là bỏ công ra đào bới.
  • Sử dụng và giữ gìn chỗ đã Giác Ngộ, chính là sử dụng và bảo quản công cụ lao động.
  • Cùng Đạo Sư hợp tác làm việc, chính là vận dụng tối đa công cụ, kỹ thuật.

Thiếu một trong bốn điều này, tuy rằng đã biết nơi có mạch nước, nhưng vẫn có thể bị chết khát.

Lịch sử Thiền Môn trong quá khứ đã có không ít trường hợp như vậy xảy ra. Đã có người được kẻ trí chỉ cho nguồn nước, nhưng vẫn chết khát. Vì thế, kiến thức trong giai đoạn này rất cần thiết, nó vừa là Pháp Hộ Trì, vừa là Pháp Tăng Ích.

  • Thứ hai: Người Giác Ngộ, có học rộng, hiểu nhiều, mới biết được vị trí ta đang đứng là nơi nào, trong hành trình dài tiến về Vô Thượng. Nếu không biết điều này, sẽ không thể có những bước chuẩn bị tốt nhất để đi tiếp con đường phía trước.
  • Thứ ba: Kiến thức hạn hẹp, sẽ rất khó cho việc làm công hạnh sau này. Chưa nói đến những kỹ thuật cao cấp trong Phật Đạo, như:
  • Kỹ thuật khai thị;
  • Kỹ thuật đoạt tâm;
  • Kỹ thuật nhận dạng;
  • Kỹ thuật sử dụng ngôn âm;
  • Kỹ thuật truyền đạt;
  • Kỹ thuật đánh giá nhanh;
  • Kỹ thuật thanh minh;
  • Kỹ thuật biết lắng nghe tâm người;
  • Kỹ thuật tương tác chủ khách;
  • Kỹ thuật tạo đương cơ;
  • Kỹ năng biến hóa;
  • Kỹ năng nương Phật thần lực;
  • Kỹ năng hướng đạo;
  • Kỹ năng nắm bắt thời cơ…

Người thiếu kiến thức, không thể thực hiện được các thứ kỹ thuật, kỹ năng này. Nói chung, có rất nhiều điều cần đến kiến thức Phật Pháp, khó nói hết.

Hỏi: Thế nào là “Pháp Hộ Trì”, thế nào là “Pháp Tăng Ích”?

Đáp:

  • Pháp Hộ Trì: Giống như người đào giếng, miệng giếng càng rộng càng dễ đào, không sợ bị lấp trở lại sau khi đào sâu thêm.
  • Pháp Tăng Ích: Giống như mở rộng miệng giếng để dễ đào sâu, đào càng sâu nước càng tinh khiết.

Ngoài ra, người mới Giác Ngộ hoặc đã Giác Ngộ mà kiến thức quá ít, không thể dùng cảnh giới Giác Ngộ để đối phó với mọi tình huống bất như ý xảy ra trong đời...

Chính kiến thức sẽ giúp người này vận dụng, làm công cụ ứng phó trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Ứng phó trong những hoàn cảnh khác

nhau gọi là Pháp Gia Trì. Kiến thức tốt giúp người này ứng phó mau lẹ chính xác, ứng phó mau lẹ chính xác gọi là Pháp Tăng Ích.

Hỏi: Người đã Giác Ngộ, khi đọc kinh điển, nghe Đạo Sư giảng thuyết, sẽ lấy gì làm Chánh Tư Duy?

Đáp: Lấy nguồn tâm đã giác làm Chánh Tư Duy.

Chính vì điều này, mỗi cảnh giới Giác Ngộ khi đọc kinh sẽ thấy một ý nghĩa tương ưng, và mỗi lời kinh có “vô lượng nghĩa”, trong đó có một số nghĩa tương ưng với những cảnh giới đã Giác Ngộ. Điều này, Phật Đạo gọi là “Pháp Tương Ưng”.

Giống như người đào giếng, tùy theo mỗi tầng địa chất, người này sẽ dùng công cụ thích hợp để đào... Đất nhão không thể dùng xà beng, đất cứng không thể dùng gàu múc…

Sau các lần Giác Ngộ, lấy cảnh giới Giác Ngộ mới nhất làm Chánh Tư Duy, giống như người đào giếng xuyên thủng các địa tầng  bằng  những công cụ hợp lý… Vì thế, lấy chỗ đã Giác Ngộ làm Chánh Tư Duy, chính là sử dụng công cụ lao động hiệu quả nhất.

Hỏi: Sau khi Giác Ngộ, người này đọc tụng kinh điển tùy thích, hay có sự chỉ định của Bậc Đạo Sư?

Đáp: Tùy vào mức độ Giác Ngộ, vị Đạo Sư sẽ có ý kiến thích hợp.

Hỏi: Tôi đã chứng kiến một số lần khai thị, nhận thấy trong những đương cơ đó, người nói lẫn người nghe khi đối thoại, văn tự không rõ ràng, thậm chí nhiều câu đối đáp người ngoài nghe không hiểu trọn vẹn. Xin hỏi, có thể giúp tôi một phần nào đó giải tỏa thắc mắc này hay không?

Đáp: Khai thị là kỹ thuật đặc biệt, có thể nói là cao cấp của Phật Đạo… Trong thời điểm này, chỉ có hai người trong đương cơ là hiểu nhau. Vì thế thường có những câu mào đầu như: Bỏ kiến thức xuống, đừng dài dòng, văn tự không cần trau chuốt, trực tâm, thấy gì nói đó, không quanh co như người đời…

Vì sao, cần dùng những câu mào đầu như vậy? Vì rằng: ngữ ngôn trong thời điểm này không khác nước lã, không nhiều ý vị, ngữ ngôn chỉ là “dẫn dược”. Có nghĩa, ngữ ngôn chỉ là thứ nước giúp đưa thuốc vào cơ thể bệnh nhân, cái chủ yếu vẫn là “thứ thuốc ẩn mật” mà vị Đạo Sư âm thầm để trong nguồn nước đó…

Vì thế, người ngoài với tâm cảnh không tương ưng, khi nghe những câu đối đáp giữa hai người, giống như người uống nước lã, không cảm nhận được ý vị nhiều lắm… Càng phân tích văn tự hay ngữ ngôn trong

trường hợp này theo cách hành văn ở đời, nhất định càng rời xa ý nghĩa, giống người “ăn phải mầm đá”, không mang lại nhiều lợi ích…

Chỉ có người trong cuộc, hoặc các vị Giác Ngộ tương ưng, mới có thể cảm nhận hết ý vị của các câu đối đáp đó... Xin đưa ra một ví dụ để có thể hiểu một chút gì đó của ngữ ngôn trong kỹ thuật khai thị. Ví dụ chỉ mang tính chất tượng trưng, không nói lên tất cả.

Ví dụ như sau: Người mẹ hỏi đứa con: “Con có thấy mấy con gà nhà mình ở bụi cây phía trước hay không?” Đứa con đáp: “Con chỉ thấy mấy con bò…”.

Mẹ hỏi gà, con đáp bò, nhưng cả hai mẹ con đều hiểu ý là gì Vì thế, khi tâm cảnh chưa tương ưng, phân tích văn tự trong trường hợp này, giống như đi phân tích chuyện ngài Mục Kiền Liên dùng thần thông gì để bay qua các cõi Phật.

Hỏi: Trong hoàn cảnh nào, kỹ thuật khai thị mới được sử dụng?

Đáp:

  • Thứ nhất: Tâm thức người nghe chín muồi…
  • Thứ hai: Biết rõ tâm cảnh của người…
  • Thứ ba: Trong một đương cơ tốt nhất...
  • Thứ tư: Thành thục kỹ thuật khai thị…

Hỏi: Hiệu quả của kỹ thuật khai thị là gì?

Đáp: Hiệu quả của kĩ thuật này phải tùy mức độ. Thấp nhất, người nghe tạm dừng phàm tâm; cao hơn dứt kiết sử; trên nữa thấy bổn tâm; xa một chút kiến tánh; tột cao, mọc mầm trí tuệ…

Nói chung, tùy căn cơ, tùy công đức… Và cuối cùng, trên con đường tiến về Vô Thượng Bồ Đề, khai thị là môn học bắt buộc, Bồ Tát phải học cho thuần thục...

Hỏi: Có khi nào, người tu hành bắt chước kỹ thuật này hay không?

Đáp: Trên đời, món đồ gì có giá trị mà không bị làm giả… Hiệu quả từ người tiêu dùng, sẽ nói lên tất cả…

Hỏi: Trong đương cơ, người được khai thị có lợi ích... Nếu lúc đó có đại chúng tham dự, thì đại chúng được lợi hay không?

Đáp: Đại chúng cũng được lợi, cũng không được lợi. Hỏi: Xin nói rõ, chúng nào không lợi, chúng nào có lợi? Đáp:

  • Có những người tu hành, tâm cảnh chưa tương ưng sẽ hoàn toàn

không có chút thú vị và lợi ích gì khi nghe những bài pháp như vậy… Biểu hiện của hạng này là vừa nghe, vừa ngáp, vừa ngủ, sau cùng… là… chê…

  • Hạng người đi phân tích các mẩu khai thị, rồi đem so sánh với văn chương ở đời… Hạng này chuyên làm chuyện ngược đời, như kẻ cầu “ăn muối để khỏi khát nước”... Biểu hiện của hạng này là thích chia chẻ văn tự, không rành tâm truyền...
  • Hạng tu hành, lặng lẽ quan sát từng cử chỉ, từng câu nói và hình dung ra được dụng ý trong lúc nghe khai thị… Hạng này, có cơ may, học được phần nhỏ… Hạng này biểu hiện đăm chiêu, nhất tâm trong thời điểm nghe pháp, có cảm giác mình là người trong cuộc…
  • Hạng người, nghe đến đâu mắt sáng đến đó, tâm ý sảng khoái theo từng mạch đối thoại… Hạng này, học được nửa phần. Biểu hiện của hạng này cứ nghe xong một câu là muốn vỗ đùi đánh đét một cái cho sảng khoái, nhưng vì trước đông người, nên phải giữ lễ... Nghe xong, mười lăm tới ba mươi ngày sau còn phấn khởi, sáng chiều bụng không thấy đói...
  • Hạng người nghe xong lạy dài… có thể học được sáu bảy phần... Biểu hiện của hạng này là dáng vẻ thâm trầm, nội tâm có chiều sâu, học tập không mỏi mệt…

Ông xét mình thuộc hạng nào?

 

VIDEO 

Bài viết cùng danh mục

Thông báo

Hoặc gọi 096.4343.168