VÔ ĐỐI MÔN - LÝ TỨ - PHẦN 7

127 lượt xem

Báo Thân: Nhục thân vô thường.

Hóa Thân: Những pháp do Phật Trí hóa hiện ra, các pháp này cũng thường cũng vô thường.

Pháp Thân: Tên gọi để chỉ chung cho Phật Tánh, Phật Trí.

Phật Tánh, Phật Trí là thường, hai thứ này thuộc vô vi. Vì là vô vi nên tính chất của nó bền chắc không thể hư hoại, do không thể hư hoại nên Phật dụ như Kim Cương để người đời dễ cảm nhận.

12. TAM MA ĐỀ “NHƯ HUYỄN”; TAM MA ĐỀ “VIÊN THÔNG” LÀ GÌ?

 

 

 

Hỏi: Xin cho biết, thế nào là Như Huyễn Tam Ma Đề1?

Đáp: Như Huyễn Tam Ma Đề là tên gọi của Phật Đạo nhằm chỉ cho cách thức, “dùng huyễn pháp để diệt huyễn tâm”. Vì huyễn tâm không thật nên pháp diệt tâm cũng không thật. Cái gì không thật, Phật Đạo gọi là “như huyễn”. Đã là huyễn thì Tâm diệt, pháp vong” giống như thuốc chữa bệnh, bệnh đã khỏi thì không cần dùng thuốc nữa.

Hỏi: Nếu bảo rằng, tâm như huyễn, có nghĩa rằng giống như người ngủ chiêm bao, thì làm sao để diệt được chiêm bao. Và đã là chiêm bao cần gì phải diệt.

Đáp: Nói tâm huyễn, giống như chiêm bao. Đây là ví dụ, để người tu hành có thể hiểu ra điều gì đó chứ thật ra, huyễn tâm của chúng sanh không phải là một giấc chiêm bao ngắn ngủi như chiêm bao trong giấc ngủ.. Mà khi nào, chúng sanh chưa Giác Ngộ thật sự thì huyễn tâm luôn luôn tồn tại cùng họ.

Có thể ví dụ như người mất trí, khi nào người này trí óc chưa hồi phục, thì họ hoàn toàn sống trong tình trạng mất trí.

Do chúng ta lấy ví dụ là chiêm bao, nên nghĩ rằng, chiêm bao không thật, cần gì phải diệt. Nhưng nếu dựa theo ví dụ của người mất trí, có lẽ người nghe tức thì đi tìm thầy chữa cho hết căn bệnh nguy hiểm này.

Hỏi: Tâm đã huyễn, thì làm sao mà diệt. Thực tế trong đời, không thể diệt một cái không có thật. Giống như người ta không thể cắt đứt một cái bóng cây.

Đáp: Nói diệt huyễn tâm, là cách nói ngắn gọn cho dễ hiểu. Nếu đầy đủ, phải nói là: “Diệt những nguyên nhân sanh khởi huyễn tâm”.

Hỏi: Xin cho biết, do nguyên nhân nào, huyễn tâm sanh khởi?

Đáp: Nhận thức hư vọng và phân biệt hư vọng là nguyên nhân chính để huyễn tâm sanh khởi.

Hỏi: Xin giải thích cụ thể về hai việc trên.

Đáp:

  • Nhận thức hư vọng, Phật Đạo gọi là hư vọng pháp. Ví dụ, trong thân này chỉ gồm có bốn đại chủng, mỗi đại chủng tự nó thanh tịnh. Nhưng do lầm nhận thân này có một giá trị nào đó, vì lầm nhận thân này có một giá trị nào đó, cho nên người kia mong ước những giá trị đó tồn tại vĩnh viễn cùng họ. Khi thân biến chuyển theo quy luật tự nhiên của nó, A không còn là A hoặc B không còn là B thì chính sự mất mát do biến chuyển này sẽ là nguyên nhân làm cho người kia sinh các thứ tâm ưu bi khổ não.
  • Phân biệt hư vọng, cũng là một loại pháp hư vọng. Đây là thói quen huân tập lâu đời của nghiệp thức. Khi các căn xúc đối trần cảnh, năng phân biệt liền hiện. Khi năng phân biệt hiện, tâm đối đãi sẽ sanh. Tâm đối đãi sanh, hiệu ứng của nó là các cặp tâm như: ghét thương, phải quấy, hơn thua, được mất, tịnh bất tịnh, xuất hiện.

Các cặp tâm xuất hiện, sẽ làm người tu hành đảo điên, che mờ chân tánh. Ví như, thấy giàu sang sanh ưa, thấy nghèo hèn sanh chán ghét, thấy quyền thế mong thân cận, thấy cô thân muốn lánh xa. Những tâm thức như vậy, thường không đưa người đến an vui chân thật.

Hỏi: Xin hỏi, Tam Ma Đề Như Huyễn và Tam Ma Đề Viên Thông khác nhau chỗ nào?

Đáp: Tam Ma Đề Như Huyễn là nói đến nhân, Tam Ma Đề Viên Thông là nói đến quả.

Hỏi: Như thế nào, gọi là nhân, như thế nào gọi là quả?

Đáp: Nói nhân là sau khi Giác Ngộ ý nghĩa lỗi họa của phân biệt hư vọng, người này bằng mọi cách dừng phân biệt hư vọng. Khi phân biệt hư vọng không còn, gọi là đắc Như Huyễn Tam Ma Đề. Nói quả, là người kia sau khi dừng phân biệt, cùng nhận thức hư vọng, người ấy không rời cảnh giới này. Một lần nữa trong không phân biệtquay lại quán sát tâm này, chợt Giác Ngộ ra “bản lai một hữu tình không tâm”.

Giác Ngộ như thế, vị ấy kết luận, nay ta cũng không tâm. Trong lúc tu Tam Ma Đề mà Giác Ngộ được “bản chân”, gọi là Tam Ma Đề Viên Thông. Nói viên thông là từ nhân hữu vi mà Giác Ngộ quả vô vi.

Hỏi: Trước đây nói rằng, nhân hữu vi không thể được quả vô vi. Vì sao, nay lại nói khác?

Đáp: Trước đây, vì kẻ hạ căn mà nói rằng, nhân hữu vi không thể được quả vô vi. Nay, đối với hạng trung căn, nói rằng, nhân hữu vi, nếu khéo Giác Ngộ, có thể thành tựu quả vô vi. Mai này, đối với bậc thượng căn, sẽ nói, hữu hay vô đồng là vô. Vị lai, tương ngộ bậc tối thượng căn sẽ nói rằng, hữu vi chẳng thể được, vô vi chẳng thể được.

Bất liễu nghĩa cùng liễu nghĩa là như thế.

Hỏi: Trong khi tu Tam Ma Đề, người này có sinh các thiền chi hay không?

Đáp: Trong quá trình tu Tam Ma Đề, khi phân biệt có khuynh hướng tạm dừng, theo nguyên lý sinh thiền, các thiền chi bắt đầu xuất hiện. Nhưng phần lớn người tu Tam Ma Đề không cảm nhận được thiền chi là vì tâm vị đó mạnh mẽ hướng đến mục tiêu dừng phân biệt nên cho dù có thiền chi nhưng cũng không cảm nhận. Giống như người ta chỉ chú tâm mạnh mẽ đến một điều gì đó, những sự việc xảy ra chung quanh không nhận biết.

Nếu sau khi dừng phân biệt, vị này đem “tâm không phân biệt” tầm tứ lại thân hay tâm này, các thiền chi sẽ hiện rất rõ rệt. Lúc này, phép Tam Ma Đề tu trước đây trở thành Đình Tâm Pháp (phép dừng tâm).

Hỏi: Sau khi đã dừng phân biệt, chấm dứt nhận thức hư vọng, tâm hoàn toàn tịch diệt. Phép Tam Ma Đề có còn được người này sử dụng nữa hay không

Đáp: Nếu hư vọng tâm tịch diệt hoàn toàn, thì không cần dùng nữa. Nhưng nếu, tập khí sinh tâm vẫn còn, thì phải tiếp tục dùng nó, cho đến bao giờ hoàn toàn Giác Ngộ Diệt Đế. Giống như người bịnh, khoẻ mạnh hẳn thì thôi, nếu còn lương ương trong mìnhphải nên tiếp tục dùng thuốc.

Hỏi: Vị này sau khi chứng Diệt Đế, không tâm, không pháp rồi, nên làm gì nữa?

Đáp: Học Trí Tuệ để viên thành Đạo Đế. Hỏi: Học Trí Tuệ, có cần ngồi hay không? Đáp: Cũng cần, cũng không cần.

Hỏi: Vì sao cần, vì sao cũng không cần?

Đáp: Nếu trong các oai nghi đi, đứng, nằm mà suy ngẫm cách mấy Trí Tuệ cũng không thông, nên tìm chỗ thanh vắng ngồi xuống chiêm nghiệm để cho thông. Nếu đã thông rồi, mà thân tâm này mệt mỏi, thì cũng nên ngồi xuống để hưởng dụng trọn vẹn lạc thú Niết Bàn, cái này Phật Đạo gọi là tự thọ dụng. Vả lại, chúng sanh phần lớn kính trọng, ham ưa người có oai nghi. Ngồi là một trong những oai nghi đẹp nhất. Vì thế Bồ Tát hay ngồi để chúng sanh sinh tâm ham thích gần gũi mà hưởng được lợi lành. Cho nên mới nói, học Trí Tuệ cũng cần, cũng không cần ngồi.

Hỏi: Kinh Đại Bát Nhã, Phật nói với Tu Bồ Đề đại ý: Bồ Tát không có tâm, nhưng có Trí Tuệ như huyễn”, câu nói này nhằm vào nghĩa gì?

Đáp: Bồ Tát không tâm là nghĩa chân thật của Bồ Tát. Nếu có tâm thì Bồ Tát này chẳng khác phàm phu. Không tâm nhưng có huyễn trí, là vì Bồ Tát này chưa thành tựu chân trí, nhưng đã học được các môn huyễn phương tiện của chư Phật.

Nếu Bồ Tát này thấy được chân tánh, thành tựu chân trí, bây giờ chân tánh và chân trí như mặt trời và ánh sáng, như ánh sáng và sức nóng, chỗ chẳng hai này, người tu hành gọi nôm na là Pháp Thân, là Phật Tánh, là Phật Trí. Vì thế, Pháp Thân, Phật Tánh, Phật Trí là thường. Cho nên, khi luận về huyễn trí, Kinh Đại Bát Nhã có nói đến tương tợ Bát Nhã.

Bát Nhã và tương tợ Bát nhã là do luận về chân trí hay huyễn trí. Liễu nghĩa và bất liễu nghĩa cũng nhân nơi đây mà thầm hội. Vì thế, đối với Nhị thừa chứng thiệt tế phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, Phật tuyên nói Phật Tri Kiến mà không nói Phật Trí. Nhị thừa không chứng thiệt tế, nhưng có được huyễn trí, Phật dạy tương tợ Bát Nhã Ba La Mật.

Hỏi: Kinh nói: “Trực tâm là đạo tràng”. Trực tâm này có giống những người trực tâm ở đời, ăn ngay nói thẳng hay không?

Đáp: Hai chữ trực tâm trong câu nói trực tâm là đạo tràng” không giống trực tâm của người đời.

  • Trực tâm là đạo tràng, có nghĩa một tâm thẳng đến vô thượng; một tâm thẳng đến vô thượng có nghĩa không đem tâm chạy vào pháp thế gian. Người tu hành nào, mọi lúc, mọi nơi, mọi thời đều chỉ có một tâm thẳng ngay đến đạo quả vô thượng, tâm đó chính là đạo tràng tốt nhất trong các thứ đạo tràng mà người tu hành dựng lập.
  • Còn người đời trực tâm, tâm này không thể dùng làm đạo tràng tu hành trong Phật Đạo được. Vì trực tâm đó là tâm thẳng ngay ở đời, y nơi thế pháp mà gọi là trực. Tuy nhiên, những người ở đời có trực tâm, một khi dấn thân tu hành, dễ thành tựu hơn những người tâm tánh quanh co.

Hỏi: Tâm và pháp, cái nào có trước? Tâm sanh pháp hay pháp sanh tâm?

Đáp: Câu hỏi này, giống như câu hỏi ở đời: “con gà có trước, hay quả trứng có trước”. Những người thường nghiền ngẫm câu hỏi vô bổ này, hoặc những câu tương tự như thế, nhất định họ trứng còn không có, nói chi đến gà”. Trong Phật Đạo cũng vậy, người tu hành không nên cất công tìm hiểu những thứ vô ích như “tâm và pháp cái nào có trước”. Mà thái độ của kẻ trí là khi biết rằng ta đang có tâm, nhất định phải tịch diệt tâm này. Nếu đang sinh pháp, bằng mọi cách phải làm cho pháp vô sanh. Hành động như vậy, Phật Đạo gọi là chánh tinh tấn.

Trên đời, có những kẻ vô công, suốt ngày chiêm nghiệm những điều vô bổ như con gà và quả trứng cái nào có trước. Giả sử người này biết rõ cái nào có trước, cũng chỉ thỏa mãn tánh ham thích tò mò những điều vô căn cứ. Thay vì ngồi chiêm nghiệm những điều như thế, người có trí hoặc đi tìm con gà, hoặc đi tìm quả trứng”, nhất định sẽ cho ra nhiều lợi ích thiết thực hơn.

Hỏi: Kinh nói rằng: Phật do pháp sanh. Xin hỏi, Phật là không pháp vì sao lại nói rằng, Phật là do pháp sanh?

Đáp: Câu này, Phật nói với ông Ưu Ba Ly, trong đương cơ luận về Tam Bảo. Vì thế, câu này chưa phải là liễu nghĩa. Tuy chưa phải liễu nghĩa, nhưng trong đương cơ, câu nói đó giúp Ưu Ba Ly rời bỏ thiệt tế đang chứng, và làm tốt công việc một Tỳ Kheo cầm giữ mực thước của Tăng.

Cho nên, ngoài đương cơ này hoặc những đương cơ tương tự, Phật sẽ không tuyên thuyết những câu nói như vậy. Ví như Kinh Kim Cang, Phật nói: Phật là không pháp”.

 

 

13. NHẬN BIẾT MỘT NGƯỜI ĐÃ GIÁC NGỘ; NĂM HẠNH TU HÀNH TỪ THẤP ĐẾN CAO; SỰ KHÁC BIỆT GIỮA “HUYỂN TRÍ” VÀ “THẬT TRÍ” LÀ GÌ?

 

Hỏi: Một người Giác Ngộ, chân thật “thấy tâm này bản lai tự tịnh”, trong đời sống hằng ngày, lấy gì để hộ trì?

Đáp: Người Giác Ngộ bản tâm thật sự, trong đời sống, vị này lấy cái không hộ trì để hộ trì”.

Hỏi: Như thế nào gọi là lấy cái không hộ trì để hộ trì?

Đáp: Tất cả các pháp hộ trì mà người tu hành biết được, đều là pháp tạo tác (làm ra), thuộc về thế gian pháp. Những pháp như vậy, chỉ có tác dụng giữ gìn không cho tán tâm, ngăn lỗi ác của thân khẩu ý.

Vì thế không thể dùng những pháp hộ trì này cho người đã Giác Ngộ. Người Giác Ngộ chân thật tự biết cách hộ trì chỗ có được của mình. Phép hộ trì này trong Phật Đạo gọi là “Xuất Thế Gian Xa Ma Tha(Tịnh Giải Thoát). Xuất thế Gian Xa Ma Tha là lấy cái không hộ trì để hộ trì.

Hỏi: Làm thế nào để biết được một người đã Giác Ngộ?

Đáp: Muốn biết được một người có Giác Ngộ chân thật hay không, chỉ có ba hạng người có thể biết rõ.

  • Một là Bậc Đạo Sư của người ấy.
  • Hai là người có Giác Ngộ sâu hơn.
  • Ba là chính bản thân người đó.

Tuy nhiên, có một số dấu hiệu mà người tinh ý có thể nhận ra và tạm đánh giá đây là một vị đã Giác Ngộ thật sự:

  • Một, nhìn vào phong thái của người đó trước kia và hôm nay (sau khi Giác Ngộ) thay đổi như thế nào.
  • Hai, trong hành động và lời nói của người thật sự Giác Ngộ, không có (hoặc rất ít) bóng dáng của ngã, luôn luôn thể hiện sự nhân hậu.
  • Ba, khi nói chuyện về đạo, người này lấy chỗ thực chứng để trình bày, nên văn tự ngắn gọn, không suy luận dài dòng.
    • Bốn, lời nói thường không có mùi phiền não”, vì thế hay làm cho chúng hòa hiệp.
    • Năm, chán ghét tham gia chuyện thế gian, trừ trường hợp bất đắc dĩ.
    • Sáu, ham ưa vắng lặng, thường độc cư thiền định.
    • Bảy, không có tâm tranh giành, người đối diện cảm nhận được an lạc, thích gần gũi.
    • Tám, chỉ thích văn tự, ngữ ngôn vô lậu.
    • Chín, ham ưa đọc tụng kinh luận của Phật và Bồ Tát.
    • Mười, khi đọc kinh luận chính thống của Phật và Bồ Tát, vị này thấy phấn khởi trong lòng, cảm giác Phật và Bồ Tát tuyên thuyết điều này cho riêng mình.
    • Mười một, dễ phát hiện ra các sai lầm trong cách giảng nói của người chưa Giác Ngộ.
    • Mười hai, ham ưa văn hóa vô lậu, nên thường tán thán người được pháp lành, dần dần từ bỏ thói quen nhân ngã, khen mình chê người.
    • Mười ba, thường biết ơn, nhớ ơn Phật, Thiện Tri Thức.
    • Mười bốn, tập khí chấp nhất, xả dần cho đến mất hẳn.

Nói chung, có vô số pháp lành xuất sanh từ một vị đã Giác Ngộ chân thật. Nếu một người tinh ý có thể căn cứ vào những đức tính nói trên, để nhận định đây có phải là một vị đã Giác Ngộ thật sự hay chưa.

Hỏi: Một A Na Hàm, có được gọi là một người đã Giác Ngộ chân thật hay không? Như thế nào, đích thực là một A Na Hàm?

Đáp: Trong tứ quả thánh, A Na Hàm là quả vị thứ ba, gọi là Bất Lai, quả vị này đã dứt năm kiết sử, đó là thân kiến, giới cấm thủ, nghi, tham, sân. Tuy dứt được năm kiết sử nhưng đạo quả của vị này do Giác (nghĩ suy) mà được, chứ không phải tự được, tức là đạo quả của một A Na Hàm thành tựu từ nghĩ suy, nên gọi là sắc cứu cánh thiên”.

Muốn Giác Ngộ chân thật, A Na Hàm phải một lần vượt qua rào cản của Giác (tư duy mới biết thế nào là thanh tịnh) để một lần Ngộ (chứng kiến) bổn tâm thanh tịnh, chỗ Ngộ chân thật này, Phật Đạo gọi là Chứng Thiệt Tế. Vì A Na Hàm sức Giác rất mạnh nên vị này không thể thối lui trở lại các quả vị trước đó, gọi là Bất Lai. Nếu nói cho đúng, tuy A Na Hàm đã vào dòng thánh, đã mọc mầm thánh chủng tánh”, nhưng chưa thể gọi là Giác Ngộ chân thật.

Hỏi: Một người Giác Ngộ chân thật, một lần thực chứng, thấy được bổn tâm thanh tịnh. Vị này có lúc nào đó quên chỗ chứng của mình, để rơi vào bất giác hay không?

Đáp: Nếu chưa viên mãn Diệt Đế, tức mới thành tựu tâm vô ngã (vô sanh) mà chưa thành tựu phần còn lại là pháp vô ngã (vô sanh pháp) thì trong bất chợt nào đó, vị này có thể bất giác. Nhưng do công đức của Giác Ngộ nên vị này mau thức tỉnh, không bị chìm đắm lâu dài trong bất giác như một phàm phu. Giống như người giàu có, trong cuộc đời của họ, có lúc nằm mơ thấy mình nghèo đói, khi thức dậy, sự giàu có của họ không mất.

Muốn thành tựu Diệt Đế:

  • Vị này thường lấy cái “không hộ trì để hộ trì”, đồng thời thường hay lặng lẽ quan sát tánh tướng của các pháp. Lặng lẽ quan sát tánh tướng của các pháp, gọi là Xuất Thế Gian Tỳ Bà Xá Na (Huệ Quán).
  • Lặng lẽ quan sát như thế, mà trong thẳm sâu của lòng mình, không kết luận rằng pháp đó là đúng hay sai. Nhờ lặng lẽ quan sát mà không kết luận như vậy, vị này đủ duyên lành sẽ thấy được pháp vô ngã, thân chứng bất nhị pháp môn và dần dần thể nhập Bất Động Giải Thoát, hoàn thành mục tiêu cuối cùng của Phạm Hạnh.

Vì sao như vậy?

Vì kết luận pháp là đúng hay sai, sẽ sinh ngã, sinh pháp, sinh đối đãi. Ngã sinh, pháp sinh, đối đãi sinh, giống như thêm dầu vào lửa, hành động này không thể dập tắt lửa pháp. Cho nên trong kinh, Phật thường hay ví Niết Bàn là củi hết, lửa tắt.

Hỏi: Vì sao chứng Diệt Đế gọi là hoàn thành mục tiêu cuối cùng của Phạm Hạnh mà không phải là Đạo Đế mới là mục tiêu cuối cùng?

Đáp: Phạm Hạnh là hạnh thanh tịnh. Hoàn thành mục tiêu trên, tâm thức vị này không còn là một chúng sinh, bây giờ mới có thể tu tập Đạo Đế.

Giống như muốn nhuộm một tấm vải, người này phải giặt tấm vải ấy cho sạch. Tấm vải tâm thức phải sạch, mới có thể vẽ lên đó các huyễn phương tiện của Chư Phật một cách đầy đủ, không hoen ố.

Giống như nước bẩn, phải dùng phèn (Giác) lóng trong trong rồi phải nấu cho sôi (Ngộ bản chân), thì nước này mới có thể uống được, mà không sợ bị các loại bệnh do nước uống gây ra.

Chữ “Phạm Hạnh” trong Phật Đạo là thuật ngữ dùng để chỉ cho người thành tựu phần tự độ, gọi là chứng Diệt Đế. Kinh Đại Niết Bàn có liệt kê năm hạnh tu hành từ thấp lên cao:

  • Thiên Hạnh: Tâm thức được sinh ra từ các pháp lành;
  • Thánh Hạnh: Tâm thức không còn kiết sử;
  • Phạm Hạnh: Thành tựu hai vô ngã;
  • Anh Nhi Hạnh: Bắt đầu học Trí Tuệ Vô Lậu như một đứa trẻ và cuối cùng là…
  • Bệnh Hạnh: Thị hiện có bệnh rồi chết để xác chứng lời Chư Phật ba đời tuyên thuyết rằng thân này phải chịu quy luật của sanh, lão, bệnh, tử là chân thật, và thị hiện bệnh hạnh nhằm tạo cơ hội cho quyến thuộc cũng như đồ chúng thực hành hạnh báo hiếu để họ phát sinh công đức.

Hỏi: Xin cho biết, sự khác biệt giữa huyễn trí thật trí?

Đáp:

  • Thật trí như vàng đã được tinh luyện không còn tạp chất. Dù để nguyên khối, cắt từng phần nhỏ, hay các hạt bụi (mạc) vàng từ khối vàng bay ra cũng đều đồng chất là vàng. Vì thế, ngôn thuyết, hành động,… từ thật trí luôn luôn mang đầy đủ tính chất của Giác Ngộ, Giải Thoát và Trí Tuệ. Huyễn trí như vàng chưa tinh luyện, còn nhiều tạp chất, không đồng nhất về tính chất. Cho nên, ngôn thuyết, hành động từ huyễn trí không đầy đủ ý vị của Giác Ngộ, Giải Thoát và Trí Tuệ.
  • Thật trí biết rõ tất cả các danh tự cùng quả vị của Phật Đạo, từ cạn đến sâu. Cho nên, có thể dẫn người tu hành trải qua các quả vị của Phật Đạo không sai lệch. Huyễn trí chỉ biết một ít danh tự cùng các quả vị trong Phật Đạo cho nên chỉ có thể đưa người tu hành đến ngang bằng chỗ thực chứng của mình, không thể giúp họ tiến xa hơn.
  • Thật trí tự thấu suốt những điều Phật đã dạy, đang dạy và chưa dạy. Huyễn trí chỉ biết những điều nào đã được học, những điều chưa học không thể tự biết. Nếu cố suy luận để biết, cái biết này không thấu đáo.
  • Thật trí như người đã lội đến đáy của biển Đại Giác, sau đó quay lại dắt người tìm về biển Đại Giác. Huyễn trí như người theo kẻ thật trí trên đường tiến ra biển Đại Giác.

Hỏi: Người tu hành trong Phật Đạo, khi ngủ có mơ hay không?

Đáp: Tùy vào Giác Ngộ sâu cạn, mà mơ nhiều hay ít. Cũng như tùy vào Giác Ngộ sâu cạn mà mức độ tổn hại về tinh thần trong giấc mơ có sai biệt.

Hỏi: Xin được giảng nói cụ thể.

Đáp: Người vừa Giác Ngộ, trong giấc mơ, thường hay gặp các cảnh lành, vì tâm thức vị này còn nguyên hưng phấn của Giác Ngộ ban đầu.

Giống như người đang nghèo đói, bỗng dưng có được gia tài to lớn, niềm vui sướng này đeo đuổi vào tận giấc ngủ. Người Giác Ngộ lâu xa, đôi khi có những giấc mơ như người đời không Giác Ngộ, nhưng nỗi sợ hãi mau tan biến, tổn hại tinh thần không nhiều. Giống như một võ sĩ nhiều năm tập luyện, bình thường không nhớ mình có võ, nhưng bất thình lình lâm trận, họ cũng biết cách phòng hộ tự thân, không bị kẻ thù gây nhiều thương tích.

Người Giác Ngộ rốt ráo, giữa mơ và thật, không có sai biệt, đều tự tại như nhau. Giống như loài Linh Sư sống trên đỉnh núi Vô Uý, chỉ ăn đọt non cây Vô Ưu cao trăm trượng. Dù Linh Sư ngủ hay thức không có một loài thú nào khác có thể đến gần để gây tổn hại. Vì thế Kinh Đại Bát Nhã hoặc Đại Thừa có giảng nói về vô số giấc mơ và ý nghĩa các giấc mơ của Bồ Tát.

Hỏi: Vì sao người ta thường nói, tu hành trong Phật Đạo để ra khỏi sanh, lão, bịnh, tử. Nay lại nói, thị hiện bệnh hạnh để xác chứng lời ba đời Chư Phật tuyên thuyết về thân này phải chịu sanh, lão, bệnh, tử là chân thật.

Đáp: Phật Đạo chỉ dạy người tu hành ra khỏi sanh, lão, bệnh, tử khổ. Có nghĩa, cho dù thân này có trải qua bốn giai đoạn như thế, cũng không làm cho người tu hành trong Phật Đạo phải chịu khổ sở như người đời. Và Phật cũng dạy, người tu hành trong Phật Đạo ra khỏi sanh diệt, người đời hiểu sai hai chữ sanh diệt thành sanh tử”.

Ra khỏi sanh diệt, chấm dứt luân hồi, là vị này một phen Giác Ngộ, tâm thức không còn niệm niệm sanh diệt như người thế gian.

Cắt đứt vòng luân hồi, là tâm thức không còn xoay vần trong thương ghét, hơn thua, được mất, trí ngu, thiện ác suốt đời không có lối ra.

  • Tóm lại, dứt Tập, chứng Diệt, tu Đạo trong Phật Đạo nhằm giải quyết tận gốc của Khổ Đế, chứ không phải để luyện cho thân này trở thành “kim cương bất hoại như các mẩu truyện kiếm hiệp thường hay hư cấu!

Hỏi: Thế thì Phật vẫn thường nói, thân của Như Lai là thân Kim Cang.

Câu nói này có ý gì?

Đáp: Nói Kim Cang Thân là ám chỉ Pháp Thân, Phật Tánh, Phật Trí chứ chẳng phải nói đến một hữu vi pháp như nhục thân. Vì thế, Phật mới có ba thân:

  • Báo Thân: Nhục thân vô thường.
  • Hóa Thân: Những pháp do Phật Trí hóa hiện ra, các pháp này cũng thường cũng vô thường.
  • Pháp Thân: Tên gọi để chỉ chung cho Phật Tánh, Phật Trí.
  • Phật Tánh, Phật Trí là thường, hai thứ này thuộc vô vi. Vì là vô vi nên tính chất của nó bền chắc không thể hư hoại, do không thể hư hoại nên Phật dụ như Kim Cương để người đời dễ cảm nhận.
  • Chớ có lầm Kim Cang Thân giống như viên kim cương người ta bán ở tiệm kim hoàn.

VIDEO: 

Bài viết cùng danh mục

Thông báo

Hoặc gọi 096.4343.168