VÔ ĐỐI MÔN - LÝ TỨ - PHẦN 6

127 lượt xem

LẶNG THINH CỦA DUY MA CẬT

BA GIAI ĐOẠN CƠ BẢN NHẬN THỨC “BÁT CHÁNH ĐẠO” TRONG TU TẬP

10. LẶNG THINH CỦA DUY MA CẬT

Hỏi: Thưa huynh trưởng, hôm nay cho phép tôi được gọi huynh trưởng bằng danh xưng huynh trưởng. Tôi nghĩ, tuy tuổi đời hai chúng ta không cách nhau là mấy, nhưng cách nhìn sự việc, cách đánh giá một vấn đề của huynh trưởng, xứng đáng cho tôi ngồi đó mà lắng nghe. Mong huynh trưởng chấp thuận điều này.

Đáp: Danh xưng đối với tôi không quan trọng. Với tôi, điều quan trọng là mình đã giúp được gì cho người. Nếu không làm được điều này, cho dù thiên hạ có gọi mình là “ông trời”, thì cũng chỉ là rỗng tuếch. Cho nên, ông thích như thế nào, thì cứ gọi như thế đó.

Hỏi: Thưa huynh trưởng! Hôm qua khi chia tay, tôi ra về và gặp các bằng hữu của mình như thường lệ. Tôi đem những điều đã được nghe ở đây, trình bày trước các bạn bè của tôi. Khi nghe tôi nói, một số người thì đồng ý, cho rằng như vậy mới phải. Một số người thì phản ứng quyết liệt. Họ nói rằng: đây là lý luận của hàng hạ căn 1, chủ trương tiệm tu 2 phải qua từng thứ lớp. Đó là lý luận của hạng người không biết thế nào là “Tối Thượng Thừa”. Họ còn kết luận rằng: Tôi đã bị tà đạo lung lạc.

Nghe như thế, tôi chỉ biết im lặng, chiêm nghiệm những điều họ nói.

Sau đó, mọi người lại tiếp tục bàn luận thế nào là thượng thừa.

Đáp: Họ bàn những gì mà gọi là thượng thừa?

Hỏi: Cũng là những câu chuyện mà cách đây 30 năm, chúng tôi đã bàn luận. Nào là, ý nghĩa của cành hoa sen Phật đưa ra trong hội Linh Sơn. Thế nào là Ca Diếp mỉm cười? Hoặc câu, Phật nói bốn mươi chín năm ta không nói lời nào. Nào là, ý nghĩa của câu “Như hà thị tổ sư tây lai ý”. Hay, cái gì mới là ngã của Phật. Thế nào là tiếng vỗ của bàn tay? Phật Tánh là gì? Thế nào là lời nói không đến được? Có người lại bưng ly nước hắt xuống đất.

Nói chung, chuyện này trước sau chỉ có thế, 30 năm trước vẫn thế, hôm nay cũng vậy. Không có gì thay đổi! Toàn là chuyện “xưa như Trái Đất”.

Đáp: Như vậy, những người tham dự, có đưa ra kết luận gì về ý nghĩa của những điều mà họ đã nêu hay không?

Hỏi: Tất nhiên là không! Bởi những chuyện họ đem ra bàn luận, bình phẩm đều đã quá quen thuộc. Mọi người đều cho rằng: chuyện phải hiểu thế nào, giác ngộ ra sao giống như “Người ta uống nước, nóng lạnh tự biết”. Cái thâm u của Tối Thượng Thừa lời nói không thể nào giải thích được.

Đáp: Nếu bảo rằng, chuyện hiểu như thế nào về tu tập tương tự với “người uống nước nóng lạnh tự biết”, thì gặp nhau để làm gì? Nếu bảo rằng cái thâm u của Tối Thượng Thừa, lời nói không đến được, thì tại sao phải bàn luận cho tốn thì giờ?

Hỏi: Trước đây, tôi cũng có hỏi như thế một vài lần, nhưng họ lấy cái “sự thinh lặng của Duy Ma Cật” hoặc “nụ cười của Ca Diếpđể mà giải thích.

Đáp: Điều ông nói khiến tôi thấy nực cười. Duy Ma Cật đâu có lặng thinh. Người đời thấy Duy Ma Cật lặng thinh, tưởng rằng ngài không nói. Duy Ma Cật dùng cái lặng thinh, Ca Diếp nở nụ cười để thay lời nói; lặng thinh và nụ cười, đó chính là lời nói.

Hóa ra mọi người đã nhầm lẫn hết cả rồi. Duy Ma Cật lặng thinh, nhưng sau cái lặng thinh ấy, Văn Thù1 xưng tán, còn đại chúng thì hiểu ra thế nào mới là bất nhị2. Ca Diếp mỉm cười, tuy không nói bằng lời, nhưng Thế Tôn biết rằng vị này đã thấy được điều cần thấy trong Phật Đạo. Đại chúng cũng biết rằng, cái Ca Diếp thấy biết, hiện nay ta chưa thấy biết. Trong đạo pháp, cũng như ngoài đời, đâu nhất thiết mở miệng mới gọi là nói.

Có khi trong sự im lặng lại chứa cả vạn lời. Trên đời, người ta có rất nhiều cách biểu đạt ý nghĩ của mình. Có thể là lặng thinh, có thể là gật đầu, có thể là chắp tay, có thể là mỉm cười. Những hành động này, đều thể hiện rằng họ đang biểu đạt ý nghĩ của mình. Thế nhưng, những hành động như vậy, là biểu hiện dành cho người đã hiểu vấn đề, đã thấu suốt ý nghĩa, đã thông được điều cần thông. Chứ chẳng phải chưa thông mà mỉm cười, chưa thấu suốt mà im lặng, chưa hiểu mà gật đầu.

Im lặng trong trường hợp này không đồng nghĩa với việc “chạy trốn thực tế”. Tôi hỏi ông: “Từ trước đến nay ông đã từng đưa ra những đề tài như vậy để thảo luận với mọi người hay chưa?

Hỏi: Thưa huynh trưởng! Tôi cũng đã từng làm vậy rất nhiều, nhiều đến mức không nhớ nổi.

Đáp: Ông có từng đưa ra những kết luận, như những điều bằng hữu của ông đã kết luận hay không?

Hỏi: Tôi cũng thường làm như thế. Trăm lần như một, không thay đổi gì. Với những câu hỏi không biết trả lời ra sao, tôi đành lấy câu: “Ai uống tự biết, ai ăn nấy no” để khỏa lấp chỗ bí của mình.

Đáp: Sau khi nói những lời như vậy, ông có hất mặt lên trời, giương giương tự đắc không?

Hỏi: Sao huynh trưởng biết điều này? Sau khi nói được câu đó, tôi thấy rất sảng khoái. Ất giáp gì không biết, chứ hất mặt lên trời giương giương tự đắc, ra vẻ bề thông tuệ, là “chuyện thường ngày ở huyện” của chúng tôi.

Đáp: Nghe ông kể chuyện này, tôi lại liên tưởng đến mấy tay Việt Kiều dỏm. Sợ người ta không biết mình là Việt Kiều. Nói dăm ba câu, thế nào cũng xổ vài chữ tiếng Anh mà có khi lại phát âm sai hết chứ chẳng đúng được mấy câu. Thế nên, nói chuyện chừng năm phút, kiểu gì hắn cũng móc chiếc điện thoại đời mới ra giả bộ nghe, vừa khoe điện thoại, vừa làm bộ mình là nhân vật quan trọng, nhiều người gọi tới hỏi han.

Thấy mà nực cười! Chiêu này chỉ có gạt được các quý bà. Mấy quý bà ở ta thấy thế là “híp con mắt” ngay tức thì, quên cả trời trăng.

Hỏi: Phải nói là trố con mắtchớ.

Đáp: Ông lại sai nữa rồi. “Híp con mắt” là hành động của mấy bà. Còn “trố con mắthay “há hốc mồm tỏ vẻ kinh ngạc” là những hành động thuộc về mấy cha. Sở dĩ, mấy cha trố con mắt, hay há hốc mồm, là họ tỏ thái độ kinh ngạc khi bắt gặp điều tưởng chừng chỉ có trong mơ, không ngạc nhiên sao được khi biết mình đang hân hạnh ngồi đối diện với “người ngoài hành tinh”. Ông nhớ cho rõ, lúc nào những sự việc tương tự xảy ra, người tinh mắt nếu để ý nhất định sẽ thấy, chừng một hai phút sau, mấy người thích khoe khoang đó, liền khước từ bỏ đi, không bén mảng trở lại. Ông có biết, vì sao mấy người đó bỏ đi biệt hay không?

Hỏi: Tôi không để ý nên không biết, cứ tưởng họ có công chuyện.

Đáp: Không phải mấy tên hợm hĩnh đó đi công chuyện, mà họ đi vòng vòng gần chỗ ấy, tìm chiếc đĩa bay của họ. Có người ngoài hành tinh, thế nào trong vùng cũng có đĩa bay. Ông từng nghe nói đến UFO 1 hay chưa?

Hỏi: Có nghe nói trên báo chí, nhưng nó là chuyện của các nhà khoa học chứ can dự gì mấy người mà chúng ta đang nói?

Đáp: Ông biết một mà không biết hai. Các nhà khoa học, vì tò mò chuyện người ngoài hành tinh viếng thăm địa cầu, nên muốn xác thực lời đồn đại này. Đây là công việc thuộc chuyên môn của họ. Còn mấy cha ta đi kiếm UFO với mục đích khác.

Ông có nghe nói hiện nay ở Sài Gòn, người ta đang “xẻ thịt” chiếc Boeing 707 được Mỹ sản xuất hồi thập niên 50 của thế kỷ trước hay không? Chiếc Boeing mà “xẻ thịt” ra, thì tiền bán phế liệu chất đống, chất khối đếm không xuể, vì trong đó chứa nhiều hợp kim quý, có giá trị rất lớn.

Đồ cũ rách ở Trái Đất, mà bán phế liệu còn được nhiều tiền như thế. Ông thử nghĩ xem, nếu kiếm được một chiếc đĩa bay còn mới của người ngoài hành tinh, đem bán ve chai thì phát tài đến chừng nào? Mấy người đó cố tình bịa ra chuyện có việc bận chứ thực chất là họ quanh quẩn đâu đó để tìm kiếm đĩa bay. Ông nghe chuyện này xong, đừng có dại mà đồn ra ngoài. Thiên hạ biết được giá trị của chiếc đĩa bay, người người, nhà nhà đổ xô đi kiếm, ông với tôi sẽ không có phần đâu, lại mắc tội khiến người ta đào bới lung tung làm hủy hoại môi trường.

Hỏi: Huynh trưởng thiệt là người hài hước. Cái chất hài trong câu chuyện của huynh rất thâm thúy!

Đáp: Tôi hỏi thiệt một câu, nếu ông trả lời thật lòng, mai mốt tôi sẽ kể cho ông nghe vô số bí mật để phát tài mà trên đời này dám chắc, ông chưa từng nghe qua. Ngoài tôi không có người thứ hai biết được những chuyện ấy. Nếu ông đồng ý với thỏa thuận này, thì tôi xin hỏi ông một câu.

Hỏi: Xin huynh trưởng cứ hỏi, điều gì biết chắc chắn, tôi sẽ thật lòng trả lời.

Đáp: Thế thì tôi tin ông, đã là quân tử thì “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”, một lời nói ra nặng tựa chín đỉnh, bốn năm con ngựa mà dại dột nhảy vô tranh giành chín cái đỉnh đó, nhất định không con nào sống sót. Câu hỏi của tôi là thế này: Khi bị hỏi dồn, cái miệng trơn như thoa mỡ của ông trả lời rằng: “như kẻ uống nước, nóng lạnh tự biết” hay “đổ ly trà xuống đất” thay cho câu trả lời, hoặc dùng những câu trả lời tương tự, vẫn thường thấy trong đám bằng hữu của ông. Xin hỏi thật, trong lòng ông lúc đó, có thấu suốt những điều mình đã nói hay không?

Hỏi: Thưa huynh trưởng! Thú thật, nói ra chuyện này tôi thấy mắc cỡ. Cho đến bây giờ, tôi còn không hiểu những điều mình nói, huống gì hồi đó. Nhưng phàm ở đời, cái gì mình không biết nói riết thành quen, quen rồi tưởng mình thông tuệ. Vì thế, cái câu “miệng trơn như miệng thoa mỡ” thiệt là chí lí!

Đáp: Có thế chứ! Ông xứng đáng làm huynh đệ của tôi. Dám nói thật điều mình không biết. Người như thế này mới xứng danh là bậc “đại căn”. Xin mời ông uống ly trà nóng.

Hỏi: Xin huynh trưởng cho tôi tiếp tục câu chuyện hôm qua. Sau khi nghe bằng hữu đàm đạo, đến lúc nghe những lời trách móc rằng tôi bị tà đạo xúi giục, cả đêm tôi trằn trọc không ngủ. Tôi bèn nghĩ về khoảng thời gian 30 năm đã bỏ công sức ra tu đạo.

Than ôi! 30 năm qua, tôi chỉ toàn chạy theo những câu nói hư ảo, suốt thời gian dài, bản thân tự lầm tưởng rằng rằng mình là hạng đại căn. Thế nhưng cái tâm ngày đó, với cái tâm bây giờ không hề thay đổi, cũng đầy đủ nhân ngã, cũng đầy đủ tham sân si. Sau 30 năm, hiểu biết cũng chẳng thêm được bao nhiêu. Mà nếu có thêm chỉ thuộc thêm những câu nói mà người xưa đã nói đến nhàm, mấy lời đó như thể “muỗi đeo trâu sắt” chẳng có ích lợi gì. Tâm như vậy, trí như vậy, có phải là đại căn hay không? Cứ mỗi ngày gặp nhau, cũng các câu đó, cũng đề tài đó, cũng chỉ nói để chứng tỏ mình hiểu biết hơn người nhưng trong lòng tự biết: ngu mê chưa dứt.

Miệng thì nói chuyện Tối Thượng Thừa, mà về nhà ngồi xếp bằng phì phò thở vô thở ra, nghiền ngẫm những câu vô nghĩa để rồi không có lối ra. Miệng thì nói toàn những điều cao siêu trong đạo pháp, thế nhưng lại so đo với nhau từng chút một: anh công phu nhiều, tôi công phu ít, giống như người chủ xét nét sức lao động của người làm công. Miệng nói Tối Thượng Thừa, mà hơn thua nhau từng lời nói, từng chỗ ngồi. Tôi lại nghiền ngẫm, thế nào mới là chánh hay tà trong đạo pháp đây?

Không lẽ trong 30 năm bàn luận, bản thân tôi lại u mê, cho rằng những câu nói vô bổ kia mới là chánh đạo, còn ai chỉ ra cái sai, cái hư vọng của bản thân thì cho kẻ đó là tà? Không lẽ người thuận theo cái sai của mình mới là người “chánh”? còn ai dạy cho ta biết rõ phải quấy của việc mình làm là “tà” hay sao?

Đạo lý chân chánh làm sao có thể chấp nhận điều này? Trời ơi! Sau 30 năm đàm đạo cũng chẳng thấy đạo ở đâu. Chỉ một ngày gặp huynh trưởng mà đã thấy vầng dương soi đường.

“Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”, tôi biết người ta vẫn thường nói vậy. Nhưng tôi không có cây đuốc thì lấy gì để thắp lên đây?

Cố đốt đuốc, không có cây đuốc, hoa mắt tưởng nhầm cục xương khô là đuốc. Thưa huynh trưởng! Nếu huynh trưởng cho phép, thì đến ngày mai hoặc ngày mốt, tôi sẽ dẫn những bằng hữu chung đường ngày trước, đến gặp huynh trưởng, để họ nhìn ra cái gì mới là sự thật.

Đáp: Thôi, chuyện quá khứ đừng để trong lòng, Phật dạy: “Quá khứ tâm bất khả đắc”. Đừng hối hận nhiều quá làm gì, người cứ giữ khư khư trong lòng những hối hận, sẽ không lợi cho Đạo Giác Ngộ. Còn chuyện, gặp bằng hữu của ông, tôi không từ chối, nhưng cũng chưa dám nhận lời. Thật ra, tôi không có tham vọng nói hết với mọi người những điều tôi đã nói với ông. Tôi cũng biết rằng, người xem hoa thì nhiều, người trồng hoa chẳng có mấy ai. Người bảo vệ cái sai của mình trên đời không thiếu, nhưng người chấp nhận chân lý chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Phật có dạy: “Chỉ có ngà voi già, trời gầm mới nổi vân”. Trên đời này, ngà voi già không dễ kiếm, chứ sừng trâu sừng bò thì rất nhiều. Sừng trâu, sừng bò, cho dù trời gầm đến hết hơi, thì nó vẫn trơ trơ. Nếu đủ duyên, không mời họ cũng sẽ tự đến; còn vô duyên thì cho dù mời thỉnh, cũng chỉ là kẻ tò mò, “cưỡi ngựa xem hoa” mà thôi, chẳng ích lợi gì.

Nếu còn nghĩ đến bằng hữu của mình, ông hãy tinh tấn tu hành. Khi bản thân có được thành tựu nhất định, thì lo gì những người ấy. Đã là duyên phận huynh đệ với nhau thì ngàn đời không mất.

Hãy tự độ cho mình trước, ý nguyện độ tha tạm thời gác lại, ngày sau sẽ tính. Đời còn dài, chưa ra khỏi ba cõi, chạy đâu cũng không mất.

 

11. BA GIAI ĐOẠN CƠ BẢN NHẬN THỨC “BÁT CHÁNH ĐẠO” TRONG TU TẬP

 

Hỏi: Trong Phật Đạo, lấy gì phân định chánh, tà?

Đáp: Căn cứ vào tám điều của Phật Đạo để phân định chánh, tà. Tám điều này Phật Đạo gọi là Bát Chánh Đạo.

Hỏi: Bát Chánh đạo trong Phật giáo có mấy giai đoạn?

Đáp: Bát Chánh có nhiều giai đoạn, nhưng có ba giai đoạn cơ bản. Người tu tập trong Phật Đạo phải tuần tự thâm nhập từng giai đoạn một.

  • Giai đoạn một: Bát Chánh giúp người Giác Ngộ, dứt Tập Đế, đại loại như sau:
  • Thấy biết nào giúp ta Giác Ngộ, chấm dứt vĩnh viễn kiết sử, gọi là Chánh Kiến.
  • Nghĩ suy nào, giúp ta Giác Ngộ, thấy rõ nguồn gốc phát sinh tham, sân, gọi là Chánh Tư Duy.
  • Lời pháp nào, khiến ta Giác Ngộ, không còn ngu si, ra khỏi mọi tham đắm pháp thế gian gọi là Chánh Ngữ.
  • An lạc nào, từ những Giác Ngộ nói trên, khiến kiết sử1 hoàn toàn tịch diệt gọi là Chánh Định.
    • Giai đoạn hai: Bát Chánh giúp người Giải Thoát, thấy được bản tâm, chứng Diệt Đế. Bát Chánh thuộc các giai đoạn như sau:
  • Thấy biết nào giúp ta không còn trôi nổi trong ba cõi, “thấy biết” nào giúp ta không bị cột trói bởi ngũ ấm, thấy biết nào giúp ta nhận ra rằng năm uẩn bản chất nó là không, thấy biết nào giúp ta Giác Ngộ thân tâm này bản lai tự tịnh, gọi là Chánh Kiến.
  • Nghĩ suy nào giúp ta thấu đáo Chánh Kiến, vĩnh viễn Giải Thoát khỏi mọi sự trói buộc, chấm dứt hết thảy khổ đau, gọi là Chánh Tư Duy.

Lời nói nào, giúp ta thực hiện được những điều trên, gọi là Chánh Ngữ.

Bất Động Thanh Tịnh nào, do Giải Thoát, do Giác Ngộ bản lai tự tịnh mà có, gọi là Chánh Định.

•Giai đoạn ba: Bát Chánh giúp người có được trí tuệ; trí tuệ này, biết rõ mọi con đường đưa chúng sanh đến khổ đau, gọi là biết Khổ Tục Đế.

  • Nhận ra thế nào là trở ngại của bậc thánh, gọi là biết Khổ Thánh Đế.
  • Thấu hiểu thế nào mới là: “chân lý tối thượng” và cũng biết rằng trong Đạo Bồ Tát, có những vị chưa hoàn toàn biết được “chân lý tối thượng” này để có thể tiến về Đạo Quả Vô Thượng, gọi là biết Khổ Chân Đế.

Trí Tuệ này, có năng lực giúp các thừa trong Phật Đạo vượt qua mọi khó khăn, thể nhập Nhất Thừa. Đại khái, Bát Chánh ở giai đoạn này như sau:

  • Người thấy được thiệt tướng của vạn pháp, gọi là người có Chánh Kiến.
  • Người biết ba thừa đồng như huyễn mộng, không thật, gọi là Chánh Tư Duy.
  • Người thể tuyên thuyết giúp người khác lần lượt đạt thành tựu Tứ Đế, vượt qua từng phẩm một của Ba Mươi Bảy Đạo Phẩm, tùy theo địa vị của họ, để có thể thành tựu ba giai đoạn Bát Chánh nói trên, gọi là Chánh Ngữ.
  • Đời sống và Trí Tuệ không hai, gọi là Chánh Định.
  • Nói tóm lại, có tám điều như thế, để phân định thế nào là chánh, thế nào là trong Phật Đạo.

Ở đây, chỉ nói khái quát một số điều chân chánh cơ bản, từ những điều cơ bản đã nói, người tu hành có thể suy luận và nhận biết những thứ chánh còn lại. Thiết nghĩ, không cần phải giải thích cụ thể.

Hỏi: Người tu hành trong Phật Đạo, có nhất thiết phải tuần tự vượt qua các giai đoạn đã nêu ở trên hay không? Xin hỏi, có cánh nào để đốt cháy giai đoạn hay không?

Đáp: Hầu như, tất cả những người tu hành trong Phật Đạo, đều phải tuần tự vượt qua các giai đoạn kể trên. Trong mỗi giai đoạn có “đốn”, có “tiệm” tức là có nhanh có chậm. Nhanh hay chậm ở mỗi giai đoạn, tùy thuộc khả năng lãnh hội và cơ trí của từng người. Còn trên đời, có người nào đó một lúc vượt qua ba giai đoạn, thấu suốt hết mọi thứ, bỗng dưng có thể giảng nói, tuyên thuyết, như một Đức Phật thì thật tình tôi chưa thấy người như vậy. Vì thế, trong Phật đạo mới chia ra “ngũ thời thuyết pháp”. Ngũ thời thuyết pháp chính là giáo trình nâng người tu hành từ thấp lên cao.

Hỏi: Sách sử chép lại: Lục Tổ Huệ Năng, có thể đốt giai đoạn, sao ngài lại bảo rằng không thấy?

Đáp: Nếu Huệ Năng có thể đốt mọi giai đoạn, chỉ một tích tắc là hiểu ra mọi thứ, thì đâu có phải mất công sáu tháng giã gạo. Đâu phải mất công nửa đêm lên Thất Tổ để nghe giảng kinh một lần nữa. Đâu cần trên thuyền, Ngũ Tổ phải dặn dò. Đâu cần được nghe nói câu: “Không biết thì thôi, biết làm thầy trời người…” Làm thầy trời người, đâu có nghĩa làm thầy của hết thảy các địa vị trong Phật Đạo. Những lời “ẩn mật” như thế, đâu có dễ biết hết nghĩa lý của nó. Người đời chỉ thấy một hiện tượng Huệ Năng, mà không thấy cái sâu xa vi diệu của Đạo pháp được gửi gắm giữa hai thầy trò họ.

 

CÁC LOẠI THIỀN ĐỊNH TRONG PHẬT ĐẠO

Hỏi: Nếu bảo rằng, chỉ nhân nơi ngôn thuyết để giúp người thành tựu Đạo pháp, tại sao kinh lại còn nói đến những thứ thiền định?

Đáp: Các thứ thiền định của Phật Đạo đều do Giác Ngộ mà được.

  • Giác Ngộ Tục Đế, cho ra Thế Gian thiền.
  • Giác Ngộ Thánh Đế, cho ra Xuất Thế Gian thiền.
  • Giác Ngộ tột cao, cho ra Xuất Thế Gian Tối Thượng Thừa thiền.

Hỏi: Xin huynh trưởng nói sơ lược cho tôi biết, như thế nào nhân Giác Ngộ sâu cạn mà có ba thứ lớp Thiền đã nêu ở trên?

Đáp: Ba loại thiền như sau:

  • Đầu tiên, người này nghe nói đến nguồn gốc phát sinh kiết sử.

Nghe nói như vậy, người ấy bèn tìm nơi vắng vẻ, chiêm nghiệm để thấy cho được nguồn gốc này. Thuật ngữ của Phật Đạo gọi chiêm nghiệm này là “tứ” hay “quán”. Giác Ngộ nguồn gốc rồi, vị này đưa tâm ý vào chỗ không có kiết sử. Đưa tâm ý vào chỗ không kiết sử gọi là “tầm” hay “giác”.

Giác như thế, đến khi mọi nguyên nhân làm phát sinh kiết sử hoàn toàn tịch diệt 1. Trong quá trình từ tư duy nguyên nhân đến tịch diệt kiết sử, những “Thiền Chi” xuất hiện rồi bão hòa cho đến mất hẳn, chỉ còn một nguồn tâm an ổn do tịch diệt kiết sử mà có, an ổn này gọi là “Định”. Được định này rồi, vị ấy biết rằng bản thân đã dứt Tập; cũng biết rằng Tập này lấy Giác (hiểu biết) làm Đế (chỗ nương cậy).

“Thiền” và “Định” này thuộc Thế Gian Thiền. Gọi là Thế Gian Thiền, vì nó chỉ có giá trị không hiện khởi “kiết sử” chứ chưa “giải thoát” ra khỏi ba cõi.

  • Sau khi, có được nguồn tâm an ổn, vị này tạm coi như đã dọn dẹp xong cành nhánh vô minh (nhuận chi vô minh).

Vị này được đạo sư chỉ cho thấy thân tâm này, bản lai tự tịnh. Ngũ ấm chỉ do mà có, ngũ uẩn chỉ do lầm mà sanh, bản chất của năm món: sắc, thọ, tưởng, hành, thức chỉ có tên gọi mà không thực thể. Do “mê” nên bị ngũ ấm trói buộc, do “lầm” cho nên bị ngũ uẩn làm cho phiền não. Dứt mê lầm năm món, thân tâm đồng hư không. Vị này nghe nói thế, tìm chỗ thanh vắng, trả thân tâm về đúng bản lai1, vượt qua cái đạo trước đây do nghĩ suy (Giác) mà được (A Na Hàm). Vị này bắt gặp “thiệt tế” của thân tâm. Trong quá trình này, thân tâm cũng lần lượt trải qua các “Thiền Chi” như lần trước.

Cho đến khi, vị ấy bắt gặp (Ngộ) được bản lai thân này thanh tịnh, tâm này bất động, ý này tự giải thoát”. Ngộ như vậy rồi, vị này tự biết rằng, hết thảy do mê tâm, mê pháp mà sinh. Xưa chưa từng có tâm, thì nay cũng chưa từng có pháp. Biết như vậy, vị này chứng hai vô ngã, trong không sinh tâm, ngoài không sinh pháp, cắt đứt “căn bản vô minh” (cái gốc của vô minh).

Như như bất động trước mọi hoàn cảnh gọi là “Định”. Trong định này, vị ấy như thật biết rằng ba cõi duy tâm. Và vị này cũng biết rằng, Diệt Đế này do Ngộ (thiệt tế) mà được. Vì thế Ngộ là Đế của Diệt. Chữ Đế bây giờ có nghĩa là “Chân Lý”, tức là do “Ngộ ra Chân Lý” mà có cứu cánh, còn gọi là Chân Đế. Từ đây, không còn chung cùng thế gian pháp. Giác Ngộ và kết quả đạt được này, gọi là Xuất Thế Gian Thiền.

  • Sau khi chứng Diệt Đế rồi, Phát thệ nguyện, cầu Đạo Bồ Đề. Vị này được Đạo Sư giảng nói về ý nghĩa “Tất Cánh”. Dạy các môn Giải Thoát của Chư Phật, truyền trao “Trí Đạo cùng Tất Cánh Môn”. Thành tựu Đạo Đế, vị này biết rằng Đạo này do Trí mà được, nên Trí này là Đế của Đạo. Chữ Đế bây giờ có nghĩa là “Tất Cánh”.

Vì là Tất Cánh nên, gọi là “Xuất Thế Gian tối thượng thừa thiền định” Vì sao có tên gọi là Xuất Thế Gian Tối Thượng Thừa thiền định? Vì định này là Na Già Đại định, là Thủ Lăng Nghiêm Vô Tướng định, là Ma Ha Bát Nhã định, là Nhất Thiết Trí định, là Nhất Thiết Tất Cánh định, là KimCương Bất Hoại định, là Vô Kiến Đảnh định, là Hư Không Vô Vi định, là Hoa Nghiêm Tối Tràng định, là Bất Đoạn Mạng Mạch định Là “mẹ” sản sanh ra Thế Gian Thiền Định và Xuất Thế Gian Thiền Định. Cho nên, dù nói cả một kiếp, cũng không thể kể hết tên và công dụng của định này.

Tóm lại, trên đây chỉ là những nét khái quát về các loại Thiền định trong Phật Đạo.

Không Giác Ngộ mà có được Thiền Định thì Thiền Định này tương đồng với Thiền định của ngoại đạo. Vì sao lại như vậy?

Vì Thiền định nào không đưa người đến Giác Ngộ, Giải Thoát và Trí Tuệ”nên đều gọi là “ngoại đạo Thiền Định”.

Cho nên, xưa nay người ta gọi Phật Đạo là, Đạo Giác Ngộ, Đạo Giải Thoát, Đạo Trí Tuệ là vậy.

Cũng vì điều này, mà Kinh có đề cập đến Ngoại Đạo Chủng Tánh, Ngoại Đạo Chủng Tánh là người tu trong Phật Đạo mà hiểu biết, tu tập, y cứ, thành tựu… không khác gì một ngoại đạo.

VIDEO: 

Bài viết cùng danh mục

Thông báo

Hoặc gọi 096.4343.168