VÔ ĐỐI MÔN - LÝ TỨ - PHẦN 1

127 lượt xem

“ Đạo không khác Trí . Nhưng Đạo chưa phải là Trí . Khi nào có Thật mới biết rằng Đạo và Trí chẳng phải hai . Nếu ai bảo rằng hai thứ này là một , nhất định lời nói đó đang sai ” .

 

SÁCH NÓI VÔ ĐỐI MÔN - LÝ TỨ - PHẦN 1

 

THAY LỜI TỰA

Các bạn !

Có bao giờ , bạn ngồi xuống , tự hỏi bản thân rằng :

- Đối với Phật Đạo , ta đã hiểu biết đến đâu ?

- Ứng dụng được bao nhiêu phần trăm những hiểu biết này ?

Theo mình , nếu trong cuộc đời tu tập , chúng ta chưa một lần tự hỏi bản thân mình hai câu hỏi trên , chưa tự đánh giá nghiêm túc việc tu hành của bản thân , nhất định chúng ta chưa thật sự hiểu hết , chưa thật sự thấu suốt bản chất ( thật nghĩa ) từng pháp ( mỗi pháp ) của Phật pháp .

Vì rằng Phật Đạo là đạo ứng dụng , cái được gọi là “ Nghĩa ” của mỗi pháp không chỉ dừng lại ở hiểu biết , kiến giải , suy luận về mặt văn tự , hay vài cảm nhận thoáng qua .

“ thật nghĩa của mỗi pháp ” chính là “ sự ứng dụng nhuần nhuyễn pháp đó trong đời sống ” , sau khi được học tập ( văn ) , nghiêm cẩn tư duy ( tư ) và cuối cùng là ứng dụng một cách thuần thục vào ngay trong cuộc sống này ( tu ) .

Có thực hiện ba điều nêu trên cho mỗi pháp , chúng ta mới thấy được giá trị đích thực của Phật pháp . Giá trị đích thực từ mỗi pháp do ứng dụng nhuần nhuyễn , mới chính là thật nghĩa của pháp đó !

Có nghĩa rằng , thật nghĩa của một pháp chỉ có được khi nào pháp này trở thành văn hoá , trở thành đời sống , hơi thở , máu thịt , chất dinh dưỡng nuôi sống tâm trí , và trở thành trí tuệ hay cái đích cuối cùng , thật nghĩa chính là bạn .

Tâm trí người tu hành có được sinh ra và lớn lên bằng chính thức ăn Phật pháp ( Pháp thực ) , bấy giờ trí mới trở thành Pháp thân .

Pháp thân chính là một thứ thân ( nằm trong nhục thân này ) , được sinh ra từ Phật pháp , nuôi lớn bằng Pháp thực và tồn tại bằng chính thật nghĩa của nó , gọi là “ thật tánh ” .

Như vậy , khi chúng ta chưa đủ hiểu biết , chưa thật sự sống bằng Pháp thục , chưa ứng dụng được nó với đúng ý nghĩa một pháp từ Phật pháp , chưa trở thành trí tuệ và tài sản ( sự sống , sự nghiệp ) của chính chúng ta.

 

Điều này có thể được minh hoạ qua vài ví dụ sau :

- Một diễn viên đóng vai hiệp sĩ dũng mãnh chuyên trừ gian diệt ác trên sân khấu , trong lúc diễn , chẳng may có trộm cướp ( những kẻ ác thật sự ) đến cướp tài sản ( của sân khấu ) , và chính diễn viên đó là người bỏ chạy đầu tiên .

- Một con mèo đang tự cho mình là sự tử . Nó gầm tiếng gầm của sư tử , với điệu bộ của một con sư tử thực thụ trước những con mèo đứng xem chung quanh nên được chúng tán thưởng và tỏ ra khiếp sợ . Nhưng rồi , một tiếng gầm từ xa của con sư tử thật vọng tới , lũ mèo còn chưa biết điều gì xảy ra , chính con mèo giả làm sư tử đã đột tử vì vỡ mật .

Hai ví dụ trên có thể minh hoạ cho hoàn cảnh của người tu hành không thể biến giáo pháp trở thành Pháp thân , hay không thực hiện đầy đủ “ văn , tư , tu ” trong đời sống tu hành . Để rồi , trước bọn ác sinh diệt hay con sư tử phiền não lại nhanh chân bỏ chạy hoặc vỡ mật như người diễn viên hay con mèo kia .

Để có được Pháp thân , nuôi lớn Pháp thân và trưởng dưỡng cho đến viên mãn , người tu hành hằng ngày phải biết cách chăm sóc nó . Chăm sóc , nuôi dưỡng Pháp thân bằng cách “ văn , tư , tu ” , giống như người ta nuôi lớn nhục thân bằng “ thức ăn vật chất ” .

 “ Văn , tư , tu ” chính là Pháp thực và người tu hành phải biết cách tiêu hoá các pháp đã ăn , biến nó trở thành chất dinh dưỡng nuôi lớn Pháp thân . Ta tạm coi điều này như “ thức ăn tinh thần ” .

Trong khi ăn , quá trình tiêu hoá thức ăn , kết quả có được đối với cơ thể từ những gì đã ăn , sẽ cho ra nhận biết đích thực về thứ ta đã ăn như : độ ngon , mức độ dinh dưỡng , hiệu quả sau khi ăn .

Thức ăn tinh thần hay Pháp thực , khi ăn đúng cách và tiêu hoá trọn vẹn , sẽ cho người tu hành cảm nhận ý nghĩa đích thực về nó , như thế người ta thấy ngon , hay thấy dở với thức ăn vật chất .

Nếu đối diện ước vật thực thế gian hay Pháp thực , mà ta chỉ nhìn ngắm , không thật sự thưởng thức , hoặc không thể tiêu hoá , kết quả cũng chỉ là người đói .

Đây là lý do vì sao , phần lớn người tu hành sau một thời gian tu tập , chỉ dùng lại ở khả năng “ kiến giải ” mà chẳng thể thấy được “ thật nghĩa ” của một pháp .

Biểu hiện của kiến giải là : Chỉ học thuộc văn tự , diễn nói một pháp trên ý nghĩa văn tự , còn chiều sâu của pháp đó , sự thực dụng của nó , vị tu hành này hoàn toàn như con mèo giả làm sư tử .

Qua vài lời tâm sự , hy vọng tất cả chúng ta biết cách tạo ra và nuôi lớn Pháp thân , vị lai viên mãn Pháp thân bằng chính sự thực dụng “ văn , tư , tu ” qua những gì chúng ta học được , gọi là Pháp thực trong đời sống tu hành .

Đừng để Pháp thân bị “ suy dinh dưỡng ” dẫn đến “ qua đời ” trước “ mâm cao cỗ đầy ” Pháp thực thượng vị mà chúng ta đang có trước mắt . Hãy làm một Long Vương thực thụ , biết giăng máy , nổi sấm , làm mưa . Chẳng nên làm Hà Bả suốt đời quanh quẩn trong sông rạch , chỉ chuyên tản gẫu chuyện Long Vương mà chưa một lần ghé thăm biển lớn .

Lý Tứ

 

BÀI TRÁNG CA BẤT TỬ

Khi người tráng sĩ dứt áo ra đi hề, con Kiền Trắc (con ngựa) bị ghìm cương không còn cơ hội ngoảnh lại.

Người Tráng Sĩ năm xưa chán cái vui hề, chán đến kẽ tóc chân tơ.

Anh lên tận non cao nơi không có tiếng khóc và tiếng cười.

Như con chim bay lưng trời, như con cá lội giữa ngoài khơi.

Và ở đó anh nghiệm ra, đây không phải ước mơ của một thời trai tráng.

Anh mơ một ngày, một ngày người đi tìm chân lý thấy đâu là ánh sáng.

Ánh sáng cuối đường hầm, anh kiêu hãnh bước đi.

Chân lý đưa đến những hạt mè qua ngày đoạn tháng.

Chân lý xô đẩy bằng cái kham khổ sáu năm tóc rụng da nhăn.

Bất chợt, nhận ra chán cái vui, tìm cái khổ như con nai khát nước chạy lung tung.

Chỉ uổng một đời, bỏ cái ngu này, tìm cái ngu khác của đêm dài ba cõi.

Lại một lần nữa, Người Tráng Sĩ dứt áo ra đi trước mỉa mai khổ hạnh.

Đau đớn tột cùng, đâu là hạnh phúc... giữa trời xanh!

Anh ngồi xuống, bởi cái thân ốm o không thể chở nổi ý chí kiên cường.

Quơ vội nắm cỏ khô bên đường, dựa lưng vào gốc cây đa già, cố thắp ngọn đèn trong đêm dài tăm tối.

Người Tráng Sĩ hiểu ra, cái giá phải trả cho một đời người bởi cực đoan từ hai phía.

Bỏ tất cả bên đường đặt gánh nặng xuống, cây đa già phút chốc hoá thành ánh sáng mặt trời.

Người Tráng Sĩ vui mừng, hết thảy tự tâm này chỉ do Ngu Mê và Lầm lẫn.

Chân lý không đâu xa, không phải thứ ánh sáng chờ đợi cuối đường hầm.

Bóng tối và ánh sáng, không phải hai mặt đối lập của một vấn đề như ở đời thường vẫn hiểu.

Chỉ tại không đèn nên sáng tối nhầm nhau.

Người Tráng Sĩ đã chết từ khi ngồi xuống, đốm lữa được thắp lên.

Con chim thứu từ nay vĩnh viễn không cất tiếng u buồn, con dế hết kêu rên.

Con cá dưới nước hoá thành rồng trong phút chốc ngỡ ngàng niềm vui oà vỡ.

Người Tráng Sĩ năm xưa hát Bài Tráng Ca trước bạn bè ngày cũ.

Tất cả chắp tay.

Một đời tráng sĩ hoá thành bất tử.

À ơi! Ấu biến thành sen,

Lời ru còn đó, nghe quen thuở nào...

(10h 8 phút ngày 21 tháng 07 năm 2011)

Tác giả: Lý Tứ

 

1. CÁC BƯỚC TU TẬP TRONG PHẬT ĐẠO

Hỏi : Một người tu tập trong Phật Đạo có bao nhiêu bước để viên mãn con đường tu hành ?

Đáp : Đối với người tu tập trong Phật Đạo có bốn bước , thành tựu xong có thể coi là viên mãn chuyện tu hành .

Hỏi : Bốn bước đó là những bước nào ?

Đáp : Dứt Tập , chứng Diệt , tu Đạo và hành Bồ Tát Đạo .

Hỏi : Sao không nói năm bước là : Biết Khổ , dứt Tập , chứng Diệt , tu Đạo và hành Bồ Tát Đạo ?

 Đáp : Bước đầu tiên đó là “ biết Khổ ” , thuộc giai đoạn tu Đạo ( Đạo Đế ) , nên điều này sẽ nói rộng ở phần Đạo Đế . Cụ thể : Có hai hạng người tu tập liên quan đến “ biết Khổ ” .

Hạng thứ nhất : Là người thấy Khổ và biết Khổ mới tu , điều này không cần bàn luận vì nó thuộc khổ thế gian , ai cũng biết .

Hạng thứ hai : Khi viên mãn phần tu Đạo , thành tựu bốn thứ trí ( Khổ , Tập , Diệt , Đạo trí ) có được trí tuệ , mới biết Khổ có nhiều thứ , nào là : khổ Tục Đế , khổ Thánh Đế , khổ Chân Đế . Người thấu rõ những thứ “ khổ này , Phật Đạo mới tạm coi là “ người biết Khổ ” . Cho nên , điều này sẽ bàn rộng ở phần sau .

Hỏi : Việc “ biết Khổ ” của người phàm và “ biết Khổ ” của thánh nhân để làm gì ?

Đáp : Để khiến người phàm dứt “ ngu ” , khiến thánh dứt “ mê ” và khiến kẻ trí dứt “ lầm ” . Thấu suốt và làm được ba điều này , mới gọi là “ người thấy Khổ , biết Khổ và dứt Khổ trong Phật Đạo ”

Hỏi : Vì sao phải đạt thành tựu ở bốn bước đã đề cập ở phần đầu ?

Đáp :

• Thành tựu bước thứ nhất ( dứt Tập ) : Để tiêu thất “ Chúng Sanh Chủng Tánh ” và “ Đa Chủng Tánh ” .

• Thành tựu bước thứ hai ( chứng Diệt ) : Để viên mãn Thánh Chủng Tánh nhập Vô Vi Chủng Tánh .

• Thành tựu bước thứ ba ( tu Đạo ) : Gieo hạt giống Bồ Đệ nhằm thành tựu Bồ Tát Chủng Tánh ,

• Thành tựu bước thứ tư ( làm công hạnh , hành Bồ Tát Đạo ) : Để viên mãn Bồ Tát Chủng Tánh và gieo hạt giống Phật ( Phật Chủng Tánh ) .

Đây là tiền đề quan trọng để thấy được quả của nó là Phật Tánh ở vị lai (Vị lai - Vị : Chưa ; Lai : Đến . Điều chưa đến hôm nay nhưng có thể đến vào một thời điểm nào đó)! Thấy được cái quả này rồi , mới có thể thành tựu Vô Thượng Trị .

Hỏi : Muốn thành tựu bốn bước tu tập , người tu hành phải mất thời gian là bao nhiêu ?

Đáp : Giai đoạn một và giai đoạn hai , theo kinh nói là một vô số kiếp . Giai đoạn ba , theo kinh nói là một vô số kiếp . Giai đoạn bốn , cũng theo kinh nói là một vô số kiếp . Tổng cộng của bốn giai đoạn là ba vô số kiếp .

Hỏi : Những kiếp đời được nêu ở trên được tính theo lịch gì ?

Đáp : Kiếp đời được nêu ở trên được tính theo ba loại lịch của ba cõi tâm thức .

Hỏi : Đó là lịch của những cõi nào ?

Đáp :

Vô số kiếp thứ nhất , tính theo lịch của cõi ngu .

Vô số kiếp thứ hai , tính theo lịch của cõi .

Vô số kiếp thứ ba , tỉnh theo lịch của cõi lầm .

Hỏi : Ba cõi này từ ở đâu so với Diêm Phù này ?  (Cõi Diêm Phủ : Cõi trần gian - không gian sống có con người)

Đáp : Nếu lấy Diêm Phù làm trung tâm thì từ đông , tây , nam , bắc , trên , dưới , và các phương còn lại , mỗi phương phải đi hết 84.000 do tuần mới đến (Do tuần : Đơn vị đo chiều dài của Ấn Độ cổ đại ; 01 ( một ) do tuần ước chừng 40 li ) . Còn nếu lấy tâm này làm trung tâm thì các cõi kia chỉ cách có bốn cảnh giới , đó là : cảnh giới của , cảnh giới của giác , cảnh giới của ngộ và cảnh giới của trí .

Hỏi : Mỗi cảnh giới cách nhau bao xa ?

Đáp : Bằng “ một giấc chiêm bao ” .

Hỏi : Đầu tiên , muốn tu tập trong Phật Đạo , phải thực hiện điều gì ?

Đáp : Đầu tiên , phải Quy Y Tam Bảo (Tam Bảo : Ba món quý của Phật giáo gồm Phật bảo , Pháp bảo , Tăng bảo . Quy y Tam Bảo là nghi lễ của nhà Phật . Khởi đầu cho việc một Phật tử đi theo Phật giáo)

Hỏi : Vì sao phải Quy Y Tam Bảo rồi mới tu tập được ?

Đáp : Vì “ Danh có chính , thì ngôn mới thuận ” . Giống như con nít khi sinh ra , phải có khai sinh . Một người không có khai sinh , thì không ngôi trường nào chấp nhận .

Hỏi : Không Quy Y Tam Bảo , tự tu tập có thể thành tựu được không ?

Đáp : Về lý thì được , nhưng về lý thì cũng không được .

Hỏi : Lý nào không được , lý nào được ?

Đáp : Giống như một đứa trẻ sinh ra , không có khai sinh , không đến trường học , không có thầy giáo . Đứa trẻ đó có thể tự mình học tập , đọc sách thế gian , hoặc bắt chước người mà thành tài , nhưng khi thành tài rồi , thì không có xã hội nào thừa nhận cái tài của người đó .

Còn nếu một người sinh ra , có khai sinh , được làm công dân của một nước , đứa trẻ này danh chính ngôn thuận đến trường học , chăm chỉ siêng năng học tập , sau đó thành tài . thì nhất định tài năng này sẽ được xã hội nơi đó ( có khi thêm những xã hội nơi khác ) trọng dụng .

Quy Y Tam Bảo , cũng tương tự như việc “ đi làm khai sinh ” để người này chính thức được Tam Bảo công nhận là “ công dân của Phật Quốc ” . Gọi nôm na là Phật Tử . Sau đó mới bàn đến chuyện học hành trong Phật Đạo .

Hỏi : Đã là công dân của Phật Quốc , vì sao còn phải tu tập cho viên thành Phật Đạo ?

Đáp : Công dân của nước nào khi sinh ra , lớn lên cũng cần phải được giáo dục . Tuy nhiên , trên đời này cũng có những công dân , không được giáo dục , không có hiểu biết . Việc tu tập cũng có ý nghĩa tương tự như giáo dục . Có giáo dục thì mới hiểu biết và thấu tường mọi lẽ .

Hỏi : Có cần chọn một vị Tăng ( đại diện Tam Bảo ) xúng đáng rồi mới quy y hay không ?

Đáp : Thế nào mới được gọi là xứng đáng ?

Hỏi : Phải hơn hẳn mình mọi mặt .

Đáp : Vị Tăng nào cũng xứng đáng để cho mình quy y . Vì sao ? Vì rằng : Tăng được Phật ủy nhiệm , cho phép thay mặt Phật chứng nhận một người nào đó làm công dân của Phật Quốc . Giống như Ủy viên Hộ tịch , được Nhà nước ủy nhiệm , để vị này làm khai sinh cho trẻ nhỏ , chứng nhận đứa bé này là công dân hợp pháp . Sự ủy nhiệm này , chính là đã hơn hẳn ta ở mặt pháp lý , đối với chuyện của nhà Phật cũng tương tự vậy .

Hỏi : Nếu vị Tăng này không hơn ta ở mọi mặt thì làm sao sau này dạy ta tu hành ? Đáp : Sau khi đứa trẻ sinh ra có khai sinh , lớn lên , nó có đi tìm ông Ủy viên Hộ tịch để học tập chăng ? Vì thế trong Phật đạo mới có Bổn Sư , Giới Sư , Giáo Thọ Sư , Pháp Sư , Đạo Sư , mỗi vị phụ trách một công việc của Phật Đạo . Cũng có thể một vị làm nhiều việc , hoặc một vị làm một việc .

Hỏi : Sau khi quy y nên làm gì ?

Đáp : Như đứa trẻ , muốn nên người , nhất định phải học .

Hỏi : Học tập những chuyện đó ở đâu ?

Đáp : Tùy độ tuổi , năng lực , năng khiếu , chí hướng và điều quan trọng là chúng ta nên tìm người thầy phù hợp để học tập .

Hỏi : Làm sao biết người thầy nào phù hợp ?

Đáp : Giống như người bệnh , người thầy nào cho thuốc , trong một thời gian nhất định , mà giúp bệnh tình thuyên giảm , dẫn đến hết bệnh , thì vị thầy đó phù hợp . Còn nếu ngược lại , thì mau mau đi tìm Thầy khác ! Điều này Phật có dạy :

“ Nơi đâu giúp ta có được Đạo Pháp , giúp ta hết khổ đau , giúp ta an lạc , giúp ta ra khỏi cột trói , giúp ta thành tựu trí tuệ thì nơi ấy có đánh đuổi cũng không được bỏ đi . Còn nơi nào , có kết quả ngược lại , thì mau mau bỏ đi gấp . ”

Hỏi : Trên đời này bao la , biết làm sao tìm ra một Đạo Sư như vậy ?

Đáp : “ Hữu cầu tất ứng ” . Người xưa cầu đạo , phải vượt qua bao nhiêu ngọn núi , rách hết vô số đế giày . Đi cầu tìm cái mình cầu tìm . Ngày nay , muốn có đạo pháp , chắc cũng phải làm như vậy thôi . Giống như người bị bệnh nan y , phải cất công lặn lội , đi tìm thầy thuốc . Còn ngồi đó , không làm gì , chỉ cầu mong tìm thấy “ y sư giỏi ” có thể trị bệnh cho ta thì có thể sẽ chết , trước lúc thấy được y sư .

Hỏi : Nhưng , nếu chẳng may , đi cả đời mà không gặp Đạo Sư thì thế nào đây ?

Đáp : Chỉ nên tự trách mình vô duyên , bạc phước .

Hỏi : Những dấu hiệu nào để có thể nhận biết đó là một Đạo Sư đúng nghĩa trong Phật Đạo ?

Đáp : Phật dạy , một Đạo Sư đúng nghĩa phải hội tụ đủ hai điều : Một là Thuyết phải thông , hai là Tông ( Phật Tâm Tông ) phải thông . Gọi chung là Thuyết thông và Tông thông .

Hỏi : Kinh nào nói lên hai tiêu chuẩn này ?

Đáp :

Lăng Già (Lăng Già : Còn được gọi là Nhập lăng hay Già kinh - Một bộ kinh trong kinh điển Phật giáo Đại thừa .),

Pháp Bảo Đàn Kinh (Pháp Bao Đàn Kinh : Một quyển kinh do Lục Tổ Huệ Năng thuyết giảng được ngài Pháp Hải ghi lại ). Đức Phật , các Đại Bồ Tát hoặc các Tổ có y bát là điển hình của hai tiêu chuẩn này .

Hỏi : Một Đạo Sư có nhất thiết phải là một vị Tăng như Bổn Sư ?

Đáp : Đạo Sư không nhất thiết là Tăng hay Tục . Ví như : Phật , A Nan , Ca Diếp , là Tăng . Bồ Tát Quan Âm , Văn Thù , Duy Ma Cật , Thắng Man , Thuần Đà , Việt Tam Giới , Vô Uý Đức , Sư Tử Hống , .... đều là Tục . Tăng và tục như vậy đều có thể làm bậc Đạo Sư dạy người tu hành .

Hỏi : Xin nói rõ , thế nào là Thuyết thông ? Thế nào là Tông thông ?

Đáp : Thuyết thông giống như việc thầy thuốc nói đúng bệnh và nguyên nhân gây bệnh . Tông thông giống như công hiệu của phương thuốc điều trị .

Hỏi : Như vậy, khi gặp đúng Đạo Sư , có cần phải khai bệnh như khai bệnh với thầy thuốc không ?

Đáp : Cũng cần , cũng không cần . Đã là Đạo Sự thì họ nhất định biết làm thế nào để phù hợp . Đừng có lo “ bò trắng răng ” !

Hỏi : Đối với thầy thuốc , muốn trị bệnh thân , phải cần có tiền . Còn đối với một Đạo Sư thì cần những gì ?

Đáp : Chỉ cần đi đến họ với tâm ý của “ một trượng phu ” . Có nghĩa rằng : Phải là người biết “ tôn trọng chân lý ” . Cái gì đúng với chân lý thì phải đồng ý là đúng , điều nào sai với chân lý phải chấp nhận điều này sai . Không xảo biện , không chối quanh , không bao che cho cái sai . Nói tóm lại , trực tâm là thứ “ ngân lượng ” để cầu Phật Đạo . Thiếu thứ này , đừng đi cầu . Vô ích ! (Trực tâm : Là thử tâm thuận theo chân lí , một đường hướng thẳng đến Phật quả .)

Hỏi : Có cần phải dựa trên thân , tướng hoặc danh vị để đánh giá rằng đó có phải là một Đạo Sư đích thực hay không ?

Đáp : Thân , tướng , danh vị . Những thứ này ở đời , ngoài kia không thiếu . Phật nói : “ Ma quỷ cũng giả được ” . Chỉ có trí tuệ ( Tông thông và Thuyết thông ) mới là chắc thiệt , vì thứ này không giả được .

Và chăng , nếu là một con quỷ mà có đủ hai thứ này ( Tông thông và Thuyết thông ) , thì con quỷ đó rất xứng đáng là bậc Đạo Sư trong Phật Đạo .

Vì rằng , người tu học trong Phật Đạo cầu học cải trí tuệ chứ không cầu học thân , tướng hay danh vị . “ Duy tuệ thị nghiệp ” mới đích thực là sự nghiệp của người tu hành .

Ngày xưa , trước khi thành Phật , hồi còn là Bồ Tát , Bồ tát này từng qùy lạy con quỷ La Sát để cầu nghe hai câu kệ của Phật trong quá khứ . Thiện Tài Đồng Tử cầu học Nhất Thiết Trí ” , trong 55 vị dạy mình , chỉ có 3 vị là Tăng , còn lại tất cả đều là Tục . Tát Đà Ba Luân cầu Bát Nhã Thánh Trí dưới trướng Đại sư Đàm Và Kiệt * Đàm Đại Sư là một cư sĩ . Nói như thế để thấy : Thân , tướng và danh vị không nói lên được điều gì nhiều trong Đạo Trí Tuệ .

 

TIỂU THỪA , ĐẠI THỪA , NHỊ THỪA , BA THỪA LÀ GÌ ?

Hỏi : Người tu hành thường hay nói , tôi tu theo Tiểu Thừa , người kia tu theo Đại Thừa . Xin hỏi , hai thừa khác nhau ở chỗ nào ?

Đáp : Muốn phân tích điều này , đầu tiên cần phải minh định cho rõ ràng thế nào là Tiểu Thừa , thế nào là Đại Thừa . Một khi hai điều này minh bạch , thì sẽ tự giải đáp câu hỏi vừa nêu .

“ Tiểu Thừa ” là cỗ xe nhỏ ( chở một mình ) , “ Đại Thừa ” là cỗ xe lớn ( cho nhiều người ) . “ Đại ” hay “ Tiểu ” là do tâm lượng ( chỗ phát tâm ) nhỏ hay lớn mà tạm chia chứ chẳng phải do tu mà được đại hay tiểu .

Hỏi : Tâm lượng như thế nào là nhỏ ( tiểu ) , tâm lượng như thế nào là lớn ( đại ) ?

Đáp : Tâm lượng nhỏ , là tâm lượng của những người chỉ mong tu học để cho bản thân mình yên vui là được , không cầu yên vui cho người Những ai có tâm địa như thế , Phật Đạo gọi đó là Tiểu Thừa . Còn những ai , có tầm địa rộng lớn , cầu mong mình tu tập được những điều lợi ích. đem lợi ích này đi chia sẻ , giúp đỡ mọi người cũng được lợi ích như mình . Người có tâm lượng như vậy , Phật Đạo gọi đó là Đại Thừa .

Hỏi : Như vậy nói rằng : “ tôi tu theo Tiểu Thừa còn người kia tu theo Đại Thừa ” có phải là sai không ?

Đáp : Sai thì không sai , nhưng không thấu tình đạt lý . Thấu tình đạt lý thì chẳng ai đi nói như vậy bao giờ .

Hỏi : Nếu nói đại hay tiểu là do tâm lượng , thì như vậy tại sao có Pháp Đại Thừa và Pháp Tiểu Thừa ?

Đáp : Phật dạy : Các pháp vốn bình đẳng . Điều này có nghĩa rằng bản thân một pháp không có “ đại ” hay “ tiểu ” . Vì rằng các pháp tự nó không tánh , không tướng . Như vậy thì , lấy gì để căn cứ mà nói rằng pháp này là đại còn pháp kia là tiểu .

Hỏi : Nếu nói như vậy , thì sao còn có Kinh Giáo Bồ Tát , Kinh giáo Thanh Văn

Đáp : Kinh Giáo Thanh Văn dùng để dạy Thanh Văn Thừa , Kinh Giáo Duyên Giác dùng để dạy Duyên Giác Thừa , Kinh Giáo Bồ Tát để dạy Bồ Tát Thừa . Vì ba thừa này tâm địa sai khác , căn tánh sai khác , thệ nguyện sai khác , phát tâm sai khác , nên phải có phương thức giáo dục sai khác , Phật Đạo gọi đó là phương tiện . Giống như trường THPT chỉ dạy người hoàn thành bậc học phổ thông , có giáo trình của bậc phổ thông . Trường nghề , đào tạo ra công nhân , có giáo trình của dạy nghề . Còn trường đại học đào tạo ra kỹ sư , tiến sĩ , có giáo trình của các bậc học này .

Hỏi : Như vậy người có tâm lượng nhỏ hẹp tạm gọi là Tiểu Thừa , có cần học giáo pháp của Bồ Tát Thừa ( Đại Thừa ) hay không ?

Đáp : Sự học bao giờ cũng tốt . Nhưng , nó giống như ước vọng học hành để ra đời lao động phổ thông kiếm xong phổ thông là đủ dùng ( Thanh Văn ) .

Hoặc một người mong có được tay nghề vừa đủ để nuôi thân ( Duyên Giác ) , thì người này chỉ học thêm vài năm nghề nghiệp là đủ dùng không cần phải học những bậc học cao hơn ( của Bồ Tát Đạo ) ..

Vả lại , năng lực , thệ nguyện , phát tâm và ý chí góp phần rất lớn vào sự học tập cũng như thành công trong Đạo Pháp . Phật đạo gọi đó là : Phát xu .

Hỏi : Nếu nói như vậy , thì mặc nhiên công nhận Giáo pháp ba thừa có cạn , có sâu khác nhau , sao nói rằng pháp bình đẳng , không có cao hạ?

Đáp : Giáo pháp ba thừa thì có cạn , có sâu , vì năng lực , thệ nguyện , tâm trí của ba thừa có cạn , có sâu nên Giáo Pháp cũng phải tòng ( phụ thuộc theo đó mà đáp ứng . Còn tự thân một pháp , thì chẳng có đại , có tiểu , có cao , có thấp . Giống như con thỏ và con voi , tất nhiên hai con này có sức mạnh khác nhau , nhưng , không thể dùng hai con này mà so sánh mạnh yếu với nhau được . Người ta chỉ có thể so sánh sức mạnh giữa con thỏ này và con thỏ kia , con voi này và con voi kia chứ không ai lại đem voi đi so với thỏ bao giờ . Con voi chở nhiều , con thỏ chở ít , mỗi con chở theo sức của mình , chính là bình đẳng vậy .

Hỏi : Giáo Pháp Nhị Thừa ( Thanh Văn , Duyên Giác ) chuyên dạy điều gì ? Còn Giáo Pháp của Bồ Tát Thừa chuyên dạy những gì ?

Đáp : Về cơ bản , Thanh Văn , Duyên Giác , Bồ Tát đồng học chung một thứ Giáo Pháp , gọi là Giáo Lý Căn Bản ( gồm Tứ Đế và Ba Mươi Bảy Phẩm ) Ngoài những giáo pháp căn bản này , có phần chuyên sâu của mỗi thừa

• Thanh Văn : Đào sâu “ triết lý yểm ly ” , lấy yểm ly làm căn bản tu hành .

• Duyên Giác : Đào sâu “ triết lý nhân duyên hay mười hai nhân duyên ” , lấy đoạn duyên làm căn bản thành tựu .

• Bồ Tát : Thấu suốt “ triết lý tam giới duy tâm , vạn pháp duy thức ” , lấy dứt mê ( tâm , pháp ) làm chỗ y cứ . Ngoài ra , người phát tâm Bồ Tát , có tâm nguyện hóa độ chúng sanh , phải học thêm Bồ Tát Đạo . Tức là học thêm “ các môn trí tuệ ” để rộng phương tiện cứu người . Ba “ thừa ” mà chúng ta đang nói tới giống như ba người học bơi , mỗi người học một kỹ năng bơi lội , chỉ cần biết bơi là đủ . Nhưng nếu một trong ba người họ muốn trở thành huấn luyện viên bơi lội , thì phải học thêm cách dạy người các loại hình bơi lội . Hoặc một học sinh chỉ cần học xong phổ thông là đủ để đọc viết thông thạo , nhưng nếu muốn làm thầy giáo , thì phải học thêm sư phạm . Học Bồ Tát Đạo , giống như học làm huấn luyện viên bơi lội , giống như học sư phạm .

Hỏi : Về lý thuyết là như vậy , nhưng trong thực tế , có người nào đã thành tựu những điều như vừa nêu hay không ?

Đáp : Kinh dạy : Phật Pháp là thường . Kinh cũng dạy : Có vô số Phật , vô số Bồ Tát , vô số Hiền Thánh Tăng đã thành , đang thành và sẽ thành tựu

Hỏi : Nếu nói rằng , có vô số đã thành tựu , đang thành và sẽ thành , vì sao tôi không thấy ?

Đáp : Thành là một chuyện , còn thấy lại là một chuyện . Trên đời có thiếu gì điều thành hay bại mà ta không thấy ! Đâu nhất thiết có cái gì thành , thành ở đâu là tôi phải thấy .

Hỏi : Xin ngài nói rõ hơn ?

Đáp : Muốn thấy một điều gì đó , phải có những điều kiện bắt buộc của nó.

Ví dụ : Trên thế gian này có bao nhiêu đất nước , có bao nhiêu nhà lãnh đạo của mỗi đất nước , mà bản thân mình đâu có thấy tận mắt những điều đó ? Mình không thấy , không có nghĩa rằng người khác cũng không thấy và điều đó không có . Hễ những ai hội đủ điều kiện để thấy , thì cho dù không muốn thấy cũng không được . Ví như các nhà thiên văn , dùng kính thiên văn thì thấy được những gì ngoài vũ trụ , còn ta với con mắt này , có muốn thấy các thứ như những nhà thiên văn kia cũng đành chịu , vì điều kiện không đủ .

Hỏi : Nhưng phàm ở đời , cái gì có thấy mới có thể tin là có ?

Đáp : Tổ tiên của mình , mình đâu có thấy , nhưng kẻ trí đâu vì thế mà nói rằng : “ Tôi không thấy tổ tiên của mình , nên nhất định tôi không tin mình có tổ tiên ” .

 

ĐỊA NGỤC , NIẾT BÀN Ở ĐÂU ? CÓ TỒN TẠI HAY KHÔNG ?

Hỏi : Địa ngục ở đâu và Niết Bàn ở đâu ? Có hay là không có ?

Đáp : Địa ngục ở tâm , Niết Bàn cũng tại tâm ! Địa ngục và Niết Bàn cũng có , cũng không có !

Hỏi : Như thế nào gọi là địa ngục , Niết Bàn tại tâm ? Như thế nào là cũng có , cũng không có ?

Đáp : Khi tâm thức tích chứa nghiệp ác , tâm thức này phải chịu quả báo khổ đau . Khi khổ đau hiện lên trong tâm thức người ấy , gọi đó là địa ngục . Ngược lại , kẻ được giác ngộ , tâm thức rỗng rang trong không chứa thiện ác , ngoài chẳng so đo tôi anh . Người như thế , tâm nhẹ nhàng trí sáng suốt , thường yên vui , thường thanh tịnh , gọi là Niết Bàn . Vì thế địa ngục chỉ có với những người tạo tác lỗi ác thành nghiệp ác , sẽ không có với những ai làm điều thiện , tích chứa thiện nghiệp . Niết Bàn cũng chỉ có với những ai giác ngộ , cũng sẽ không với những ai còn đang mê mờ . Vì những lẽ này , nên nói : Cũng có , cũng không có . Giống như giàu sang , chỉ có với những ai nhiều tiền của , sẽ không với những ai nghèo đói , lại nhiều nợ nần .

 

Vô Đói Môn

Tác giả: Lý Tứ NXB Dân Trí

Phần 1: Các bước tu tập trong Phật đạo (Từ đầu đến trang 21)

Giọng đọc: Nhã Quỳnh - phát thanh viên Đài tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh

Bài viết cùng danh mục

Thông báo

Hoặc gọi 096.4343.168