VÔ ĐỐI MÔN - LÝ TỨ - PHẦN 2

127 lượt xem

“ Chỉ những ai, chấm dứt được quá trình sinh tâm, thì mới có thể tạm biết, tầm nào là thường ”

2. TÂM VÔ THƯỜNG; SINH TÂM; SẮC TỨC THỊ KHÔNG NGŨ UẨN; NGŨ ẤM... LÀ GÌ?

Hỏi: Phật Giáo chủ trương hết thảy đều vô thường, thì tu làm gì?

Đáp: Phật Giáo nào “ chủ trương hết thảy đều vô thường ”?

Hỏi: Như vậy, vô thường trong Phật giáo nhằm chỉ cho cái gì?

Đáp: Phật Giáo nói vô thường, là nói cái tâm hư dối của ông và hết thảy chúng sinh đều vô thường. Vì thế Phật dạy: “ Quản thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã ".

Hỏi: Xin cắt nghĩa thế nào là “ cái tâm hư đối này vô thường ”?

Đáp: Tâm hư dối là tâm không thật, mà cái gì không thật tức có đôi thay, đổi thay đó Phật Đạo gọi là vô thường. Cái tâm của ông và vạn loại chúng sanh cũng đều như vậy, tâm này: Sáng thương, chiều ghét, trưa buồn, tối vui, ngày giận, đêm nhớ, chợt thiện, chợt ác. Những thay đổi không dừng này, Phật Đạo gọi đó là tâm vô thường.

Hỏi: Cái tâm này vô thường, như vậy cái tâm nào mới là thường?

Đáp: Còn có một cái tâm nào, thì tâm đó nhất định vô thường. Chỉ những ai, chấm dứt được quá trình sinh tâm, thì mới có thể tạm biết tâm nào là thường.

Hỏi: Nếu nói: “ Còn có một cái tâm nào, thì tâm đó nhất định vô thường ”. Như vậy cho dù đó là tâm thường, thì tâm thường này cũng là tâm, mà lẽ ra đã là tâm tất nhiên vô thường. Sao lại bảo rằng: “ Chỉ những ai, chấm dứt được quá trình sinh tâm, thì mới có thể tạm biết, tâm nào là thường ”.

Đáp: Nói biết tâm nào là thường. Người nói tạm mượn “ chữ tâm ” để mô tả điều gì đó không hiện hữu (hữu danh vô thực ). Ví như, khi nói sừng thỏ, không có nghĩa rằng con thỏ có sùng; nói lông rùa, không có nghĩa là con rùa có lông. Tuy thỏ không sừng, rùa không lông, nhưng vẫn có danh tự là sừng thỏ lông rùa.

Những lời nói đại loại như: “ Chỉ những ai, chấm dứt được quá trình sinh tâm, thì mới có thể tạm biết, tầm nào là thường ”. Chữ " tâm ” nào là “ thường ” trong trường hợp này giống như nói sừng thỏ hay lông rùa, hai thứ này có danh mà không thực. Cho nên, một khi nghe nói đến tâm thường, người nghe chở có nên lầm tưởng ở đó có một cái tâm !

Hỏi: Người tu hành khi nhìn thấy một món đồ, nghe một lời nói. Thường hay bảo rằng những thứ đó là giả ! Nếu những thứ đó là giả, vì sao còn ăn cơm, uống nước, tức là ăn uống những thứ giả mà làm gì?

Đáp: (cười lớn) Người tu hành nào bảo rằng cơm, nước, đồ vật là giả?

Hỏi: Thì tôi vẫn thường nghe như vậy.

Đáp: Người ta nói không hợp lý, mình nghe rồi cả tin thì mình chịu. Sao không hỏi lại những người đó, yêu cầu họ giải thích những điều họ vừa nói. Khi nào họ cắt nghĩa thông thì nghe, không thông thì tìm bậc cao đức để hỏi cho ra lẽ. Có gì phải vội tin, vội kết luận từ những lời nói chưa chắc đã là chân lý?

Hỏi: Tôi có gạn hỏi, họ lấy lý luận vô thường để cắt nghĩa, cho rằng tất cả vật chất vô thường nên giả. Nhưng họ không chứng minh được chuyện “ giả thì ăn uống mà làm gì ”. Nếu có cố hỏi, họ bảo rằng: “ Lấy cái gia nuôi cái giá ”.

Đáp: Thế ông có đồng ý với lý luận của họ không?

Hỏi: Tôi chỉ đồng ý một nửa, còn một nửa không thuyết phục !

Đáp: Ông không phục ở chỗ nào?

Hỏi: Tôi thấy những thứ họ cắt nghĩa vẫn còn điều gì đó chưa thông.

Đáp: Chưa thông việc gì?

Hỏi: Tôi xin kể một mẩu chuyện nhỏ, mà chính tôi là nạn nhân, vì là nạn nhân của câu chuyện nên tôi thấy lý luận về thật giả không thông. Mẫu chuyện như thế này:

“ Tôi có một số bằng hữu. Họ thường hay rủ tôi đến nhà dùng cơm chay để nghe các vị ấy giảng giải đạo pháp. Đã được ăn, lại được nghe đạo lý, vì thế tôi thường nhận lời. Một hôm, đến nhà bằng hữu nọ, trong lúc chờ cơm, vị ấy chỉ cho tôi các vật dụng trong nhà, rồi chỉ cái thân của tôi, ông ấy bảo rằng, hết thảy đều là giả. Trong lúc giảng giải thế nào là giả, ông ấy than đói bụng và hối thúc gay gắt vợ con, yêu cầu họ dọn cơm.

Nghe ông ấy vừa giảng đạo lý huyễn giả, vừa gay gắt với vợ con về chuyện đem cơm lên trễ, tôi cũng hơi chột dạ.

Trong lúc ăn cơm, ông ta luôn miệng nói đến mọi thứ đều giả. Tôi buột miệng hỏi ông ta: Mọi thứ đều giả, sao tôi thấy anh ăn đến bốn năm bát cơm? Ông ta phừng phừng nổi giận, nói rằng tôi là người ngã mạn, không biết đạo lý ! Sau đó nhiều ngày, ông ta giận, gặp tôi không chào hỏi, mặc dù tôi biết lỗi không thấu suốt đạo lý của mình. Nhiều ngày như thế, tôi nghiệm ra, người tu hành, mọi thứ đều giả, chỉ có ăn và giận là thật ! Tôi không thông, là không thông ở chỗ này !

Đáp: Tôi thấy ông cũng có khiếu hài hước. Nhưng nếu kết luận rằng, phần lớn người tu hành nói tất cả là giả, chỉ có ăn và giận hờn là thật, thì kết luận này hơi quá đáng ! Mọi người trên đời này, khi dấn thân tu hành, đều mong muốn có được thành tựu là những điều tốt đẹp. Mong muốn là như vậy, nhưng chỉ vì họ hiểu sai, hiểu sai nên nói sai, nói sai nên làm sai, làm sai vì thế kết quả đạt được cũng sai. Và chăng, trên đời này còn vô số người hiểu đúng, nói đúng, làm đúng và thành tựu đúng. Chỉ tại mình chưa đủ duyên gặp họ. Vì thế, tôi có lời khuyên chân tình: Hãy khoan vội kết luận, khi chưa biết thấu đáo.

Hỏi: Nếu có người hiểu đúng, thì người đó giải thích như thế nào về chuyện thật giả ?

Đáp: Trong Phật Đạo, chưa từng nói rằng đồ vật và những gì thuộc thế giới này là giả.Vì rằng, Phật Đạo không nói đến thế giới, mà chỉ đề cập đến “ thân tâm ” này, gọi là bốn niệm xứ. Bốn niệm xứ đó là: Thân niệm xứ, Thọ niệm xứ, Tâm niệm xứ và Pháp niệm xứ. Khi nói đến nghĩa “ không thật ”, người ta lại hiểu sai thành chữ “ giả ”, do hiểu sai nên ứng dụng sai.

 

PHÁP, CÁC PHÁP, HỮU VI PHÁP LÀ GÌ?

Hỏi: Hiểu sai chữ không thật thành chữ giả, như vậy cái gì là không thật?

Đáp: Khi nói đến không thật, Phật Pháp muốn chỉ ra rằng, “ các hữu vi pháp đều không thật ”... Vì thế, Phật Pháp chỉ nói rằng các pháp là không thật, chứ không phải nói đến đồ vật hay thế giới là không thật. Vì sao như vậy? Vì Phật Pháp chỉ dạy người tu tâm, dạy người hiểu pháp. Phật giáo ra ngoài thị phi rằng: thế giới này hay đồ vật kia là thật hay giả. Kinh Kim Cang Phật dạy: “ Nhất thiết hữu vi pháp: như mộng, huyễn, bào, ảnh ”. Có nghĩa rằng, tất cả hữu vi pháp đều không thật, nó như giấc mơ, như trò ảo thuật, như bọt nước chóng hoại, như hình bóng. Chính phần lớn người tu hành hiểu sai chữ “ pháp ” thành “ đồ vật ” cho nên đưa đến giảng giải sai; giảng giải sai nên hành động sai, vì thế giận hờn không dứt được là chuyện thường tình trên cõi đời này. Những sự việc như thế cũng đâu có gì là lạ !

Hỏi: Các pháp đều không thật, vậy xin ông cho biết “ các pháp ” là cái gì?

Đáp: Chữ pháp (hữu vi pháp) trong Phật Đạo nhằm nói đến các khái niệm, quan niệm, nhận thức, hiểu biết thế gian. Các thứ này, Phật Đạo chỉ ra rằng nó không thật. Không thật vì các khái niệm, quan niệm, nhận thức, hiểu biết thế gian đều không có chân lý. Hôm nay thế này, ngày mai thế kia; đúng với nơi này, sai ở nơi kia; tốt với người này, xấu với người kia; hợp với đạo này, trái với đạo kia. Các hữu vi pháp có lỗi như thế, nếu những ai đã dấn thân tu hành mà còn mê say, đắm chấp nơi nó, trí tuệ sẽ bị che mờ và không ra khỏi sự ràng buộc của thế gian.

Hỏi: Xin cho biết, thế nào là “ hữu vi pháp ”?

Đáp: Những pháp nào do sáu thức nhân nơi sáu căn khi tiếp xúc sáu trần vọng khởi tạo tác, đều gọi là hữu vi pháp. Ví dụ: Cái hoa này đẹp, tiếng hát kia đáng ưa; mùi vị này thật quyến rũ, cảm giác đó thật dễ chịu; người tu phải như thế này, kẻ tục phải như thế kia. Những quan niệm như thế, Phật Đạo gọi là hữu vi pháp.

Hỏi: Những hữu vi pháp như thế, có lỗi lầm gì?

Đáp: Với thế gian, những hữu vi pháp như thế, không có gì là lỗi lầm.

Hỏi: Không lỗi lầm, vì sao Phật Giáo lại ngăn không cho người ta quan niệm như thế.

Đáp: Phật giáo không ngăn hết thảy người thế gian quan niệm như thế. Phật đạo chỉ ngăn những người tu hành trong đạo của mình. Nếu muốn thoát ra khỏi sự cột buộc của thế gian, nếu muốn được yên vui nơi tâm thức, thì nên biết rằng: Những quan niệm như thế là phiến diện, là không chân lý. Biết nó là phiến diện, là không chân lý mà còn “ đắm chấp ”, còn “ mê mờ ” với những quan niệm như thế, sẽ bị chính các quan niệm đó trói buộc, dẫn đến không an lạc. Còn những ai nhận thức được rằng, các quan niệm ấy không thật, không bền chắc, không nắm giữ nó trong tâm, không chạy theo nó, thì sẽ thoát ra khỏi mọi cột buộc và nhất định đưa đến an vui.

Hỏi: Phật đạo chỉ dạy người tu hành quay về chính tự tâm này, không nên chạy ra bên ngoài. Nếu đã như vậy, tại sao thỉnh thoảng Kinh Phật cũng đề cập đến các sự vật hay sự việc bên ngoài ?

Đáp: Điều này Phật Đạo gọi là mượn ngoại duyên để làm sáng tỏ nội duyên. Vì rằng, tâm thức là cái gì đó rất trừu tượng, và cái trừu tượng thì khó diễn giải cho người hiểu cụ thể. Cho nên, trong kinh hoặc các hàng trí giả của Phật Đạo, thường mượn những hình ảnh cụ thể bên ngoài, để dẫn dụ cho người nghe hiểu rõ tâm thức trừu tượng bên trong. Cái này Phật Đạo gọi là “ thiện xảo phương tiện ”. Nhưng rồi, người nghe vì lý do nào đó, lại chạy đi phân tích, tìm cầu cái bên ngoài để mong hiểu đạo lý. Chính điều này làm cho hiểu biết bị sai lệch so với ý nghĩa đích thực của đạo. Ví dụ như, khi nói đến tâm này vô thường, pháp kia không bên chắc, tâm và pháp chỉ do duyên hội hợp mà thành, tự bản chất của nó là không. Giống như cái bàn, chỉ do duyên thợ, cây gỗ, đinh làm thành, tự nó chẳng phải là bàn. Người nghe không hiểu ý, bèn quay lại phân tích “ cái bàn là vô thường ”. Phân tích như vậy, không sai, nhưng đối với đạo pháp thì chẳng thể gọi là đúng. Bởi lẽ, cho dù ông phân tích cái bàn, hoặc thế giới thành vi trần ' hay lân hư trần, mà không hiểu dụng ý lời kinh nhằm nói đến tâm này, thì cho dù có tu một đời, kiết sử trong tâm cũng đâu vì thế mà chấm dứt. Điều này đã được Lục Tổ khuyến cáo bằng câu nói: “ Chớ nên hướng ngoại tìm cầu “.

 

SẮC, KHÔNG, SẮC TỨC THỊ KHÔNG LÀ GÌ?

Hỏi: Người tu hành mỗi khi gặp nhau, thường hay bàn chuyện “ sắc, không ”. Xin hỏi “ sắc, không ” mà người tu hành bàn đến muốn đề cập việc gì, ý nghĩa ra sao?

Đáp: Có lẽ, bạn nên đến gặp những vị ưa bàn chuyện đó để hỏi. Còn tôi đâu có bàn luận với những vị ấy, tôi biết họ nói cái gì mà trả lời.

Hỏi: Như thế, tôi xin kể thêm câu chuyện, câu chuyện này tôi cũng là nạn nhân. Câu chuyện như sau: Một hôm tôi cũng được mời đến nhà một vị bằng hữu dùng cơm chay, ở đó cũng có sẵn năm ba người. Trong lúc chờ cơm, mọi người hỏi nhau: “ Sắc tức thị không, ý nghĩa như thế nào? " Bạn tôi, là một thượng thủ trong những người này, bèn cắt nghĩa: “ Thân này là sắc, vật kia là sắc. Sắc này chỉ do duyên giả hợp mà thành. Nếu ta nghiền nát sắc kia thành vi trần, thành lân hư trần, hoặc đốt thành tro bụi, theo gió bay đi mất thì sắc ấy, bây giờ trở về không. Chỗ trở về không này, gọi là sắc tức thị không... Khi nghe cắt nghĩa xong, mọi người trầm trồ khen ngợi bạn của tôi là cao kiến. Tôi là người không đọc nhiều kinh điển, chỉ biết mỗi buổi tối tôi ê a chuông mõ đọc Kinh Nhật Tụng ", nên tôi biết rõ và thuộc đoạn kinh các vị ấy đang bàn luận là một đoạn trong bài Bát Nhã Tâm Kinh. Bất ngờ, tôi sực nhớ đến câu “ Thọ, tưởng, hành, thức điệc phục như thị ”. Tôi chân thành buột miệng hỏi bạn của tôi: “ Sắc thì nghiền nát hoặc đốt để nó thành “ không ” được rồi, nhưng thọ, tưởng, hành, thức thì nghiền hoặc đốt như thế nào để các thứ ấy thành “ không ”? Xin giảng giải cho tôi biết với? ” Bạn của tôi nghe xong, mặt mày đỏ tía, khua chân múa tay, giảng giải lung tung và kết luận một câu xanh rờn: “ Cái này chỉ có bậc đại căn mới hiểu, như người uống nước nóng lạnh tự biết, không biết thì thôi, chưa ngộ chưa hiểu, có cắt nghĩa muôn đời nếu không thầm hội, cũng chỉ đứng ngoài cửa đạo ”. Tôi lại ngẫm nghĩ: “ Trên đời này không có cái ngu nào giống cái ngu nào, lại thêm một lần dại miệng, nhất định phen này tự đánh mất mối cơm chay ”.

Đáp: Những chuyện ông nói đúng là thật hài hước ! Thế ông có biết bài Bát Nhã Tâm Kinh mà quý bằng hữu của ông rao giảng đó đại ý nói gì không?

Hỏi: Bài kinh đó nói rằng: “ Bồ Tát mà vào sâu trong Đại Trí Tuệ sẽ thấy rằng, năm uẩn đều không ”. Vì thế, đoạn kinh sau mới giảng giải rằng, sắc tức thị không.

Đáp: Xin hỏi ông, thế nào là vào sâu trong Đại Trí Tuệ?

Hỏi: Vào sâu trong Đại Trí Tuệ là không vào sâu trong hiểu biết thế gian, rời lìa các pháp thế gian.

Đáp: Không vào sâu trong “ pháp thế gian ” là không vào sâu ở những điểm nào?

Hỏi: Không vào sâu trong pháp thế gian là không tìm cầu, không chia rẽ, không nắm giữ, không chạy theo các quan niệm.

Đáp: Có lý ! Xin hỏi thêm một câu. Nếu một người ngay tại nơi đây, không nắm giữ các quan niệm rằng “ sắc ” như thế này, “ không ” như thế kia thì sắc và không có khác nhau chăng ?

Hỏi: Ngay tại nơi đây, trong hiện tiền này, nếu không nắm giữ các quan niệm sai khác về sắckhông, thì nhất định sắc và không ấy đều là không.

Đáp: Như vậy, ông hiểu thế nào là sắc uẩn, thế nào là ngũ uẩn giai không rồi chứ ?

Hỏi: Tôi hiểu chữ uẩn trong đoạn kinh này. Nếu nơi năm món: sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà ta không tích chứa các quan niệm trong các thứ ấy, thì năm món này chẳng phải là năm uẩn. Nó chỉ có tên gọi như sừng thỏ lông rùa.

Đáp: (cười vang) “ Uẩn ” theo tiếng Hán - Việt nghĩa là tích chứa. Chữ này đồng nghĩa với chữ “ pháp ”. Có nghĩa rằng, nơi một trí tuệ lớn, không tích chứa các giá trị hư ảo, để cho rằng “ sắc ” khác “ không ”. Một khi không tích chứa như vậy, bây giờ mới biết rằng “ ngũ uẩn giai không ”. Chúc mừng ông đã hiểu ra điều khó hiểu.

Hỏi: Xin kính lễ lời khai thị, cảm ơn thầy đã làm cho con vỡ lẽ một vấn đề.

Đáp: Không có chi. Tôi có thể đưa thêm một ví dụ để minh họa cho vấn đề chúng ta vừa trao đổi. Ngay nơi thành phố văn minh này, tất cả mọi người đồng quan niệm rằng: vàng có giá trị hơn đá và nhất định khác đá. Nếu có một người lên tận núi cao, nơi không có trao đổi mua bán, rời lìa các quan niệm, để một bên là vàng, một bên là đá, sáng chiều ra vô, nhìn ngắm hai vật kia. Đến khi quyết định vĩnh viễn sẽ không xuống khỏi ngọn núi này, một lúc nào đó, trong lúc nhìn ngắm hai món tạp vật vô tri là vàng và đá kia, vị này mới chợt hiểu ra rằng ở đây, ở nơi không có quan niệm trần gian thì vàng tức thị đá, đá tức thị vàng.

Cũng tại bởi quan niệm nên sắc mới khác không, quan niệm (hữu vi pháp) tịch diệt thì mới biết rằng không bất dị sắc.

Hỏi: Một lần nữa, con xin kính lễ lời khai thị làm sáng tỏ cái thâm u này.

Đáp: Không có chi. Tôi xin đưa thêm một ví dụ nữa, để có thể làm sáng tỏ ý nghĩa của chữ “ uẩn ”: Nơi thành phố văn minh này, nếu người ta để một cục vàng và một củ khoai lang nhất định, mọi người sẽ chọn cục vàng và chẳng đoái hoài đến củ khoai lang. Kẻ lượm được vàng thì cười, người chẳng may lượm được củ khoai thì khóc.

Người đó lại đem vàng và khoai lang lên tận nơi thâm sơn cùng cốc nơi con người còn đời sống sơ khai, chỉ biết lượm hái và săn bắt, không có văn minh văn hóa gì cả. Người đó để hai thứ ấy bên đường, nhất định người ở nơi hoang sơ ấy thấy được hai thứ kia, sẽ giành nhau những củ khoai, mà chẳng ngó ngàng gì đến cục vàng. Người được khoai thì cười, kẻ vấp phải vàng trẹo chân thì khóc.

Khóc và cười trái ngược trong hai trường hợp vừa nêu, chỉ tại quan niệm “ hư dối ” được tích chứa trong đời sống của mỗi cộng nghiệp, lý lẽ của nó không chắc thật. Chữ “ uẩn ” hay chữ “ pháp ” trong Phật Đạo, ý nghĩa của nó là như vậy. Vì thế Bát Nhã Tâm Kinh mới dạy rằng: “ Ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách ”. Chở có hiểu lầm chữ “ uẩn ” thành chữ “ ấm ” mà cắt nghĩa lung tung, tội nghiệp cho bài kinh.

Hỏi: “ Ngũ uẩn ” thì nay con hiểu rồi, còn chữ “ ấm ” thì ý nghĩa như thế nào? Xin vì con mà giảng rộng !

Đáp: Từ nhỏ đến giờ, ông có từng mê một thứ gì mà đêm ngày thứ đó ám ảnh ông không?

Hỏi: Có ! Thuở còn trẻ, con có mê một vài món đồ đẹp, khi mê nó rồi, thức ngủ gì món đồ đó cũng ở trong tâm trí, nó ám ảnh con đến mất ăn mất ngủ.

Đáp: “ Ấm ” là như thế đó. Cái gì bao phủ lấy tâm trí của mình, không cho mình thoát ra khỏi nó, Phật Đạo gọi đó là “ ấm ”.

Hỏi: Như vậy, “ ngũ ấm ” có phải là năm món: sắc, thọ, tưởng, hành, thức bao phủ, ngăn che, không cho ta thoát ra khỏi nó, bị nó trói buộc, để phục tùng và giữ gìn nó thì ngã và tham sân hiện khởi phải không?

Đáp: Phật dạy: “ Kiều Trần Như '... Không lấy sắc làm ta, làm ngã của ta, làm tự ngã của ta. Xa rời (sự cột buộc của) sắc vô thường sẽ được sắc giải thoát, sắc thường trụ. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy ”. Bây giờ ông đã hiểu đoạn kinh này chưa?

Hỏi: Mô Phật ! Mô Phật ! Sai một ly, đi một dặm. Đúng là hiểu sai sẽ nói sai, nói sai sẽ làm sai, làm sai nhất định kết quả của nó là ngã và kiết sử không thể nào tịch diệt. Mô Phật ! Mô Phật ! Mô Phật. Cái câu: “ Chính vì phần lớn người tu hành hiểu sai chữ “ pháp ” thành “ đồ vật ” cho nên đưa đến giảng giải sai; giảng giải sai nên hành động sai, vì thế giận hờn không dứt được là chuyện thường tình trên cõi đời này... Những sự việc như thế cũng đâu có gì là lạ ”. Câu này, bây giờ con mới hiểu.

Đáp: Những chuyện nào không biết thì thôi, còn đã biết rồi thì chớ nên lầm lẫn nữa. Chỉ nên “ như thị ngã văn ” chứ đừng nên “ như kia ngã mạn” thì nhất định không uổng duyên lành chúng ta gặp nhau.

 

3. PHÁP MÔN VÀ PHÉP TU

Hỏi: Nghe nói trong Phật Đạo có vô lượng Pháp Môn, tại sao trong hiện tại, chỉ thấy người tu hành nói đến ba Pháp Môn, đó là: Tu Thiền, Tu Tịnh hay Tu Mật?

Đáp: Tu Thiền, Tu Tịnh, Tu Mật là ba phép tu, ông lại hiểu lẫn lộn thành ba Pháp Môn.

Hỏi: Như vậy, thế nào mới là Pháp Môn của Phật Đạo?

Đáp: “ Pháp Môn ” là phép tắc, cách thức ( pháp ) mở cửa ( môn ) tâm ( đạo ). Câu kinh, lời pháp nào có thể giúp người: dập tắt phiền não, soi sáng vô minh, chuyển biến tâm thức, thẳng đến Niết Bàn, Minh Tâm Kiến Tánh, dứt mê đặng Giác, quạt gió Giải Thoát, khai thông Trí Tuệ, biến ngu thành trí, ra khỏi trầm luân, đi vào Chánh Đạo. Những câu kinh, lời pháp như vậy, Phật Đạo gọi đó là Pháp Môn.

Hỏi: Xin huynh dẫn chứng cụ thể, câu kinh nào, lời pháp nào thực hiện được yêu cầu của một Pháp Môn?

Đáp: Tất cả những lời kinh của Phật, lời dạy của bậc Đạo Sư đều ẩn chứa trong đó ý nghĩa khai mở tâm trí cho người, giúp người đi vào Chánh Đạo. Vì thế không lời kinh nào, không lời dạy nào chẳng phải là Pháp Môn. Ví dụ: Sau khi nghe Phật dạy: “ Không lấy sắc làm ta, làm ngã của ta ”, Kiều Trần Như từ một ngoại đạo đang chống đối Phật liền chứng La Hán và thành đệ tử của Phật. Cũng có Tỳ Kheo nghe Phật dạy đến câu: “ Pháp do duyên mà sanh, pháp theo duyên mà diệt ”, Tỳ Kheo đó hoát nhiên dừng lặng tâm thức, đặt gánh nặng xuống ; thôi không sanh tâm, thôi không sanh pháp, nhập vào dòng đạo. Hay kẻ giết người Ương Quật Ma La, sau nghe Phật nói câu: “ Ta dừng còn ông thì chưa dừng ”, đã tiêu thất sát nghiệp, tâm trí tịch diệt ; chứng quả A La Hán.

Bà Vi Đề Hi ' nghe Phật khai thị đến câu: “ Khi tâm tưởng Phật, tâm ấy là Phật liền chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn”, biết rằng nơi đây cũng chính là  Cực Lạc.

Hoặc như Lục Tổ Huệ Năng nghe Kinh Kim Cang, đến câu: “ Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm ”, hoát nhiên thấy được cảnh giới không tâm. Kinh Lăng Già Phật dùng một chữ Phi để trả lời một trăm lẻ tám câu hỏi của Bồ Tát Đại Huệ, nhân chữ Phi này Bồ Tát Đại Huệ khai mở trí tuệ, thấu suốt diệu lý. Kinh Đại Thừa, trong một bài thuyết pháp của Phật, có vô số người đắc quả Tu Đà Hoàn, vô số người chứng Vô Sanh, vô số người phát Bồ Đề Tâm, vô số người ra khỏi sanh diệt. Tất cả những lời dạy như thế đều là Pháp Môn trong Phật Đạo.

Hỏi: Nếu nói rằng, tất cả lời kinh, lời dạy của bậc Đạo Sư đều là Pháp Môn, có thể đưa người đến cội nguồn Chánh Đạo. Vì sao trên đời này, có biết bao nhiêu người hàng ngày nghe kinh, được Đạo Sư thuyết pháp, lại không thấy một ai nhập vào Chánh Đạo?

Đáp: Nói không có người nào nghe kinh, được Đạo Sư thuyết pháp mà không nhập vào Chánh Đạo là không đúng.

Hỏi: Vì sao không đúng?

Đáp: Ông có biết trên đời này có bao nhiêu người đang tu học trong Phật Đạo hay không? Và bản thân ông có quen biết hết những người đó chưa? Phải chăng, không lẽ có người Giác Ngộ vào Chánh Đạo, vị ấy mừng quá liền mở tiệc mời bạn bè đến ăn mừng, gọi nôm na là “ rửa kiếp ” như người đời mở tiệc rửa nhà, rửa xe, trúng số đề ... hay sao mà ông nói rằng ông không thấy? Thậm chí, ngày xưa Huệ Năng nghe câu kinh hoát nhiên Giác Ngộ âm thầm bỏ mẹ gia đi phương xa cầu Ngũ Tổ. Đâu có rần rần tiệc tùng gì mà người khác biết.

Hỏi: Nhưng, theo những gì ông vừa dẫn dụ, kinh Đại Thừa có vô số người chứng khi nghe Phật thuyết. Và hiện tại, theo tôi biết, cũng có vô số Pháp Sư đang thuyết Kinh Đại Thừa như Phật, sao không thấy ai chứng

Đáp: Đại Đạo Sư là Phật thuyết pháp, không giống Tiểu Đạo Sư là người đời thuyết pháp. Lấy voi so với thỏ, coi sao đặng ( cười vang ) .

Hỏi: Bản thân tôi, bằng hữu của tôi, tăng có, tục có, phần lớn ngày đêm đọc tụng Kinh Đại Thừa. Sao chẳng thấy có ai được những điều như ông vừa nêu?

Đáp: Đọc là một chuyện, hiểu thấu ý nghĩa là một chuyện, vận dụng để ý nghĩa đó thành hiện thực trong đời sống lại là chuyện khác. Đâu phải nhất định hề dọc là hiểu, hễ hiểu là có thể vận dụng được. Vì thế Phật Đạo mới có khẩu hiệu: “ Văn, Tư, Tu ”. Khẩu hiệu này nhằm chỉ ra rằng: Nghe một bài pháp, đọc một bài kinh ; nghe pháp đọc kinh gọi là Văn. Nghe, đọc xong rồi, đem điều mình đã nghe, đã đọc đó, dùng hết sức binh sinh, tìm chỗ thanh vắng lặng lẽ tư duy cho đến khi nào thấu đáo thật nghĩa của nó mới thôi. Động tác làm cho thấu đảo thật nghĩa, Phật Đạo gọi là . Thấu đảo thật nghĩa rồi, người ấy vận dụng sự thấu đáo này để biến nó thành đời sống ; vận dụng để biến thành đời sống gọi là Tu. Người không thực hiện đúng, không thực hiện như pháp ý nghĩa của văn tư tu, thì cho dù đọc rách hết kinh của Phật, nghe lời Đạo Sư đến thủng màng nhĩ thì cũng chẳng làm được gì. Tình cảnh này, chẳng khác: Ánh sáng không thể soi rọi người mù, âm thanh không thể lay động người điếc.

Vì thế phần lớn câu khẩu hiệu: “ Nguyện giải Như Lai chân thiệt nghĩa ” luôn luôn bị người tu hành hô xong rồi ... bỏ.

Hỏi: Giải thích ba chữ “ văn, tư, tu ” như nghĩa vừa rồi, thì hình như hết thảy người tu hành, hiểu lầm chữ Tư thành chữ Tu. Hễ thấy ai ngồi lim dim hai con mắt, họ liền bảo rằng đó là người đang tu. Và hễ là người tu, thì phải ngồi lim dim hai con mắt.

Đáp: Cái này ông nói, chứ tôi thì .... không dám nói. Nhớ đừng có chối.

Hỏi: Như vậy đối với người mù, người điếc thì nên làm gì để họ hết mù, hết điếc mà có thể Giác Ngộ?

Đáp: Thi hãy chữa cho người mù hết mù, người điếc hết điếc trước cái đã.

Hỏi: Trong Phật Đạo, cái gì làm cho họ mù đối với lời kinh. Cái gì làm cho họ điếc đối với tiếng pháp?

Đáp: Có vô số cái làm cho người sáng mắt trở thành mù tối, đang nghe tốt trở thành kẻ điếc trong Phật Đạo. Đó là do những nguyên nhân sau: sự ngã mạn, tham sân si, chấp nhất, hồ đồ, ngây thơ, háo danh, không biết lắng nghe, ... Ngoài ra, còn phải kể đến tật lười tư duy, thích khoe khoang một cách sáo rỗng. Đừng khó chịu khi thấy người khác hơn mình. Ai nói lời phải, khuyên nhủ điều đúng đắn thì phải biết lắng nghe. Nên nghe nhiều hơn và nói ít đi, đừng như một số kẻ chỉ nghe bằng một tai nhưng nhiều lời, như thể có ba bốn cái miệng. Phàm làm việc gì cũng phải có chủ kiến của mình, đừng chạy theo đám đông một cách vô bổ ... Nói chung, cơ vô số cái làm cho một người tu tập trở thành kẻ đui mù.

Hỏi: Như vậy, các phép tu hành người ta hay dùng ở đời như, Tu Thiền, Tu Tịnh, Tu Mật có thể nào trở thành Pháp môn giúp người vào Chánh Đạo hay không?

Đáp: Tất nhiên là được, vì hết thảy pháp đều là Phật pháp. Ngày xưa, ngoại đạo cất công tu phép của ngoại đạo, đến khi gặp Phật, Phật cũng nương nơi những gì người đó tu tập trong quá khứ để mở cửa Chánh Đạo cho họ, giúp họ Giác Ngộ. Ví dụ như: Tu Bạt Đa La là một ngoại đạo. chứng đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định. Phật y nơi chỗ sở đắc của ông này, giúp ông ta Giác Ngộ, chứng quả Vô Sanh.

Vô Đối Môn

Tác giả: Lý Tứ

Nhà xuất bản Dân Trí

Phần 2: Sắc tức thị không; Ngũ uẩn, Ngũ ấm là gì? - Từ trang 22 đến dòng 13 trang 34.

 Giọng đọc: Nhã Quỳnh - phát thanh viên Đài tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh

Bài viết cùng danh mục

Thông báo

Hoặc gọi 096.4343.168