VÔ ĐỐI MÔN - LÝ TỨ - PHẦN 3

127 lượt xem

Tất cả các pháp tu đều là thế pháp, kể cả các phép như: Tam Ma Đề, Xa Ma Tha, Thiền Định đều khó có thể đưa người đến Giác Ngộ trong Phật Đạo.

Vì Đạo Giác Ngộ giúp con người ta tìm ra Chánh Đạo. Bởi lẽ không do tu mà thành, không do chấp nhất mà được, không do thiếu trí mà biết.

Tuy nhiên, nếu có người thực hành những phép tu đó, siêng năng nhất quyết mài mòn phàm tâm, thực hiện đời sống thiểu dục tri túc, thường quở trách cái ngã, hay ngăn chặn chướng đạo, tinh tấn đọc tụng kinh điển, thường thấy được lỗi họa ba cõi, không chấp nhất pháp mình đang tu, nhất tâm tinh cần quan sát tư duy những lời Phật dạy, mong cầu được Giác Ngộ như Chánh Đạo. Nhờ những điều như vậy, khi hội đủ công đức, trí tuệ sáng suốt, trong bất chợt nào đó, vị này có thể Giác Ngộ thế nào là Chánh Đạo. Tuy nhiên trường hợp này rất hiếm trong đời. Những người như vậy thuộc hạng “kỳ lân trong loài người”, như Hoa Ưu Đàm Bát La ngàn năm mới nở một lần, khó có được. Còn kẻ nào chấp nhất, coi cái mình đang dụng công là tối thượng, quyết cặm cụi nơi đây tin rằng trong đó có cứu cánh, thì rất khó... Rất khó

Hỏi: Nếu những người tu như vậy, cặm cụi với phép tu, không gặp Thiện Tri Thức khai mở tâm trí thì có thể tự mình Giác Ngộ để đi vào Chánh Đạo hay không?

Đáp: Tất cả các pháp tu đều là thế pháp, kể cả các phép như: Tam Ma Đề, Xa Ma Tha, Thiền Định đều khó có thể đưa người đến Giác Ngộ trong Phật Đạo.

Vì Đạo Giác Ngộ giúp con người ta tìm ra Chánh Đạo. Bởi lẽ không do tu mà thành, không do chấp nhất mà được, không do thiếu trí mà biết.

Tuy nhiên, nếu có người thực hành những phép tu đó, siêng năng nhất quyết mài mòn phàm tâm, thực hiện đời sống thiểu dục tri túc, thường quở trách cái ngã, hay ngăn chặn chướng đạo, tinh tấn đọc tụng kinh điển, thường thấy được lỗi họa ba cõi, không chấp nhất pháp mình đang tu, nhất tâm tinh cần quan sát tư duy những lời Phật dạy, mong cầu được Giác Ngộ như Chánh Đạo. Nhờ những điều như vậy, khi hội đủ công đức, trí tuệ sáng suốt, trong bất chợt nào đó, vị này có thể Giác Ngộ thế nào là Chánh Đạo. Tuy nhiên trường hợp này rất hiếm trong đời. Những người như vậy thuộc hạng “kỳ lân trong loài người”, như Hoa Ưu Đàm Bát La ngàn năm mới nở một lần, khó có được. Còn kẻ nào chấp nhất, coi cái mình đang dụng công là tối thượng, quyết cặm cụi nơi đây tin rằng trong đó có cứu cánh, thì rất khó... Rất khó!

Hỏi: Vì sao cặm cụi tu những phép như vậy khó mà Giác Ngộ được Chánh Đạo?

Đáp: Như đã nói ở trên, tất cả các phép tu đều là phép làm ra, là hữu vi pháp, nên khó có thể Giác Ngộ Chánh Đạo, không thể thành tựu cứu cánh vô vi.

Vì rằng, Chánh Đạo không phải đạo làm ra, nhân hữu vi thì chẳng thể chứng quả vô vi, đường thế gian không thể đến ngõ xuất thế; chìa khoá phàm tục không thể mở chốt khoá Giải Thoát. Có vô số lý do mà một người nhất quyết nắm giữ phép tu không thể Giác Ngộ. Nó giống như một người không thể nắm tóc của mình để nhắc thân này rời khỏi mặt đất; ngồi trong thau, lại mong muốn bưng cái thau lên, những chuyện như  vậy, hầu như không thể thực hiện được.

Hỏi: Như vậy, Đức Phật do tu cái gì mà thành?

Đáp: Đức Phật do trí tuệ thấu suốt mà thành, nên gọi là Đấng Vô Thượng Trí.

Hỏi: Sao có kinh nói Đức Phật nhiều đời trước đã tu hành dưới các Đức Phật, lại còn được Phật Nhiên Đăng thọ ký?

Đáp: Ông đang hỏi trong hiện đời tu hành, hay hỏi nhân duyên tiền kiếp? Trong hiện đời của Đức Phật thì kinh dạy: “Do trí tuệ thấu suốt mà thành”. Còn trong đời kiếp quá khứ, kinh nói rằng: Hồi còn là Bồ Tát, đã theo học các Đức Phật xưa, rồi được Phật Nhiên Đăng1 thọ ký. Trong kiếp đời cuối cùng, Bồ Tát Thích Ca đã được Phật Bút Đa khai mở để thấy Phật tính. Mà chuyện của Phật, ông hỏi để làm gì?

Nếu ông biết được Đức Phật do đâu mà thành, thì chắc bản thân ông đã… thành Phật từ lâu rồi, đâu có đợi đến hôm nay. Vì thế, tu hành trong Phật Đạo, nếu là người chín chắn thì chỉ nên hỏi những câu hỏi mang tính ứng dụng cao như: Phật dạy tôi làm điều gì? Tôi đã làm đến đâu?

Còn những ai bỏ công tìm hiểu những chuyện xa vời như: Đức Phật do đâu mà thành? Hoặc “cái ngã” của Phật là gì? Những câu hỏi đại loại như thế, Phật Giáo gọi là hý luận2

Giống như người bị tên độc, không lo trị vết thương, chỉ lo tìm xem ai đã bắn mình. Hạng người như thế, sẽ chết trước khi tìm ra câu trả lời.

Hỏi: Nếu cặm cụi tu hành trong các phép tu, không gặp bậc Đạo Sư khai mở tâm trí, cũng không tự mình giác ngộ Chánh Đạo thì có được lợi ích gì không?

Đáp: Có.

Hỏi: Vậy lợi ích cụ thể của nó là gì?

Đáp: Lợi ích đó là: Có thời gian tu hành, ít làm việc ác, hơn người không tu. Nếu nói lợi ích thì thiếu gì.

Hỏi: “Pháp Môn vô lượng thệ nguyện học”, biết học ở đâu?

Đáp: Học ở những vị nào biết hết những pháp môn đó.

Hỏi: Trên đời này, biết tìm những vị đó ở đâu?

Đáp: Ở trong tâm nguyện cầu đạo của ông, ở nơi duyên lành gặp gỡ.

Không ở trong cái ngã, không ở trong sự lười biếng .

Hỏi: Tiêu chuẩn nào cho một người đi cầu học các Pháp Môn?

Đáp: Muốn biết tiêu chuẩn như thế nào để có thể cầu học các món này thì nên hỏi Thiện Tài Đồng Tử trong Kinh Hoa Nghiêm, hỏi Tát Đà Ba Luân trong Kinh Đại Bát Nhã, hỏi tiền thân Phật hồi còn làm Bồ Tát trong Kinh Đại Niết Bàn…

Hỏi: Tôi sẽ về đọc các kinh đó sau, còn trong hiện tại, có thể sơ lược các tiêu chuẩn này được không?

Đáp: Tất nhiên là có thể được, nhưng chỉ sợ nói ra các tiêu chuẩn này, sẽ làm ông sợ mà không dám tin, không dám thực hiện.

Hỏi: Tôi tin mình, không sợ và có thể cầu học.

Đáp: Pháp Môn từ nơi Nhất Thiết Trí 1 mà có, từ nơi Nhất Thiết Chủng Trí mà hóa hiện, từ nơi Bát Nhã Trí mà thành.

Muốn cầu Nhất Thiết Trí phải tâm như hư không, các công đức có được đều hồi hướng cho hết thảy chúng sanh.

Muốn cầu Nhất Thiết Chủng Trí 2 phải đem thân làm cầu cho vạn loại chúng sanh đi qua, dám quỳ lạy con quỷ La Sát để được nghe hai câu kệ.

Muốn cầu Bát Nhã Trí 3 phải dám khoét thân làm đèn, phải biết cắt từng cân thịt của thân này đem bán, đặng mua vật phẩm cúng dường cho bậc Đạo Sư. Giống như Tát Đà Ba Luân cắt từng cân thịt của thân để bán; giống như Thiện Tài Đồng Tử quên mình vì hết thảy chúng sanh; giống như tiền thân Bồ Tát đem thân làm cầu cho bầy nai chạy qua; giống như Tiên Nhân quỳ lạy con quỷ La Sát để cầu nghe hai câu kệ…

Những ai muốn cầu học Vô Thượng Pháp Môn đều phải có tâm ý dõng mãnh như vậy, còn chưa có được tâm ý này thì đây chỉ là chuyện trên trời, nghe kể cho vui tai rồi.. bỏ…!

 

 

GIÁC NGỘ CHÁNH ĐẠO; ĐỐN; TIỆM.. LÀ GÌ?

 

Hỏi: Nếu nói rằng, nhân những lời khai thị mà được Giác Ngộ, thấy Chánh Đạo thì người tu hành trong Phật Đạo không cần “ngồi tu” hay sao?

Đáp: Ai bảo rằng, trong Phật Đạo không cần ngồi tu?

Hỏi: Đã Giác Ngộ rồi thì ngồi tu mà làm gì? Đáp: Ngồi tu để biến cái Giác thành cái Ngộ. Ngồi tu để thực chứng cái Nghe thành cái Thấy. Ngồi tu để nhân cái Ngộ thành cái Nhập.

Giống như trong khoa học, công nghệ,… trước tiên phải học lý thuyết, kế đến thực tập và cuối cùng là ứng dụng vào đời sống. Nếu một người chưa nắm vững lý thuyết hoặc lý thuyết không đúng, thì làm sao thực hành? đã không thực hành được thì làm gì có thể ứng dụng thực tiễn những điều đã học vào đời sống?

Vì thế, trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa1, Phật mới nói: “Đại sự nhân duyên Phật ra đời là để khai, thị, ngộ, nhập Phật tri kiến cho chúng sanh”.

Có nghĩa rằng, trước khi có được Phật tri kiến để ứng dụng vào đời sống tu hành, người đó phải được nghe Phật tuyên thuyết nhằm khai mở tâm trí, gọi là “khai”.

Kế đến tìm nơi vắng vẻ, tư duy cho thấu đáo nghĩa lý gọi là “thị”, thị là thấy rõ vấn đề, không còn gì mù mờ.

Thấy xong, người này làm cho cái đã thấy tương ưng với tâm trí, biến ý nghĩa đã thấy thành chính tâm này và trí này gọi là “ngộ”.

Cuối cùng, vị ấy là tri kiến, tri kiến là vị ấy. Tri kiến với đời sống của vị ấy không hai, không khác, gọi là “nhập”.

Vì thế, chuỗi trình tự “khai, thị, ngộ, nhập” được hoàn thành trong quá trình văn, tư, tu.

Cũng chính quy trình không thể đảo ngược này, mà Tứ Diệu Đế mới xếp theo thứ tự: thấy Khổ, dứt Tập, chứng Diệt và cuối cùng là tu Đạo. Cho nên, cứ cắm đầu cắm cổ ngồi nghe; ngồi mà không hiểu biết, hoặc hiểu biết chưa thấu đáo; khi cái sự ngồi rỗi ấy trở thành thành tựu, thì sự vô minh cũng theo đà đó mà trở thành một thứ thành tựu.

Ngày xưa, các Thánh đệ tử nghe Phật thuyết xong một thời kinh, người tâm trí nhạy bén, ngay đó đắc đạo. Người tâm trí bậc trung, nghe xong mà chưa thấu đáo ý nghĩa để ứng dụng, liền đi đến gốc cây, đi đến nhà trống, đi đến miếu hoang, ngồi xuống chiêm nghiệm lời Phật dạy, đến khi thấu đáo mới đứng lên. Có những người tâm trí chậm chạp, vào thẳng hang sâu, chìm đắm trong tư duy, năm ngày nửa tháng, ăn ngủ không rời những điều đã được nghe, gọi là “đặt chánh niệm trước mặt”, cứ như thế, cứ như thế. Đến bao giờ thấu suốt mới đứng dậy…

Cũng lời kinh đó, người thấu suốt liền, ứng dụng được liền, Phật Đạo gọi là đốn. Người chậm chạp, năm bảy ngày sau mới thông, gọi là tiệm. Tiệm (chậm) hay đốn (nhanh) là do căn trí của từng người, chứ chẳng phải do pháp. Một pháp, một lời thuyết, tự nó chẳng có chậm hay mau.

Hỏi: Như vậy vì sao lại có người dạy “Đốn Giáo”?

Đáp: Người dạy chứ không phải Phật dạy, thì hơi sức đâu mà đi bàn luận.

Hỏi: Kinh nào Phật nói rằng, người tu hành có đốn có tiệm?

Đáp: Kinh nào cũng đầy đủ hình ảnh như thế.

Kinh Lăng Già Bồ Tát Đại Huệ hỏi Phật: “Như Lai, thành thục tâm hiện lưu của chúng sanh là đốn hay tiệm? Phật đáp: Cũng đốn cũng tiệm. Đốn như gương sáng, đốn soi các sắc tượng, tiệm như trái A Ma Lặc chín từ từ”.

Cho nên, để khiến một hữu tình chấm dứt tâm hiện lưu, mau hay chậm, tùy thuộc vào tâm cơ của người đó, chứ chẳng phải do pháp. Ngày xưa, cũng câu Kinh Kim Cang1, Huệ Năng2 nghe xong tức thì Giác Ngộ. Ngược lại, Tú Đại Sư3 tụng đọc kinh đó một đời, cuối cùng cũng chỉ “thời thời thường phất thức”. Không lẽ, Ngũ Tổ không biết dạy người đốn giáo hay sao mà để cho Đại đệ tử của mình là Thần Tú lau chùi cái tâm hằng ngày. Chẳng lẽ, Đức Phật không biết đốn giáo hay sao mà phải trầy trật mới có thể khiến cho Bàn Đặc Ca1 chứng Thánh? Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Lục Tổ cũng có nói: “Pháp không có đốn tiệm, mê ngộ có chậm mau”.

Vua A Xà Thế 2 hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! Một người tu tập trong Phật Đạo, chừng bao lâu mới thành tựu?”. Phật đáp: “Có người phải mất 30 năm, có người mất 10 năm, có người một năm, có người sáu tháng, có người một tháng, có người mười ngày, có người một ngày, có người sáng nghe pháp chiều chứng, có người tối nghe pháp khuya chứng…”. Đây chẳng phải là minh chứng về đốn, tiệm trong Phật Đạo hay sao!

Tóm lại, chuyện “đốn, tiệm” và “văn, tư, tu” trong Phật Đạo, chúng ta có thể hiểu bằng ví dụ sau: Học trò học toán, khi được nghe giảng bài, có học sinh hiểu liền tại lớp, có học sinh về nhà nghiền ngẫm giáo khoa và nhớ lại lời thầy cô đã dạy, sau đó mới hiểu. Để vận dụng tốt kiến thức vừa học, học sinh đó cất công giải các bài tập; giải xong tất cả các bài tập liên quan đến kiến thức vừa học, thì mới nắm vững và nhớ kĩ được kiến thức, đến lúc đó, dù lâu lâu mới dùng tới, cũng chẳng quên được. Sau này, gặp những bài toán ở dạng như vậy, học sinh đó giải quyết không sai sót. Việc học, việc tu, gẫm ra cũng chẳng khác nhau là mấy.

Hỏi: Vì sao lại nói Giác Ngộ Chánh Đạo?

Đáp: Một chữ Giác Ngộ thôi chưa nói lên điều gì, vì rằng trong đời, người ta giác ngộ nhiều thứ, và những thứ họ giác ngộ chưa chắc đã là chân chánh trong Phật Đạo.

Cho nên, để minh bạch, trong luận này tạm nói: “Giác Ngộ Chánh Đạo” nhằm phân định giác ngộ nào là chánh, giác ngộ nào là tà. Vì rằng, người Giác Ngộ chân chánh, sẽ thành tựu tám điều chân chánh, gọi là Bát Chánh Đạo. Tám điều chân chánh gồm:

Chánh Kiến: Thấy biết thanh tịnh.

Chánh Tư Duy: không suy lường hư vọng.

Chánh Ngữ: nói lời khiến mình, khiến người mở trói.

Chánh Nghiệp: thân, khẩu, ý tịch tĩnh, thanh lương.

Chánh Mạng: đời sống và Trí Tuệ không hai.

Chánh Tinh Tấn: tiến về trí tuệ vô thượng trên thanh tịnh đạo lộ.

Chánh Niệm: nhất niệm tương ưng huệ.

Chánh Định: đi, đứng, nằm, ngồi, thức, ngủ… chẳng rơi vào tà nẻo1.

Còn những ai, cũng nói rằng mình Giác Ngộ, mà không thành tựu tám điều nêu trên thì không thể gọi là Giác Ngộ Chánh Đạo.

Hỏi: Tôi có quen nhiều người tu hành, ngồi lại với nhau, họ thường bàn về “kiến tánh”2; hầu như ai cũng giành phần rằng: mình đã thấy tánh. Thậm chí, nói xuôi nói ngược gì, nhất định cũng muốn đánh tiếng xa gần để mọi người biết rằng mình đã kiến tánh.

Kiến tánh trong Phật Đạo như thế nào, tốt xấu ra sao, mà người tu hành nào cũng hô hào mình thấy tánh?

Đáp: Kiến tánh hay thấy tánh trong Phật Đạo là người tu hành được thứ quý giá nhất. Nếu đem kiến tánh so với vật chất thế gian thì kiến tánh quý hơn hột xoàn kim cương, quý hơn trên mười tấn đồng đen, đồng lạnh. Vàng, bạc, bạch kim so với mấy thứ này, là đồ bỏ đi.

Tôi có thể cho ra một ví dụ để ông hiểu giá trị của kiến tánh. Một cái bàn ủi than con gà hồi Tây mới đem qua xứ ta có 12 lỗ làm bằng đồng lạnh, nặng chừng trên một ký. Hiện nay, giá một vật như vậy lên đến cả tỷ và có nhiều người lùng sục tìm mua, vậy mà chẳng thể tìm ra. Ông thử nghĩ xem, năm mười tấn thì giá của nó là bao nhiêu?

Nhưng ở đời thì ngược lại, nó rất tréo ngoe. Ông lên mạng, nhất định thấy người ta rao bán cả đống. Ông tin tôi đi, mấy thứ đó toàn là đồ giả thôi. Mấy người có kim cương, hột xoàn, bàn ủi con gà mười hai lỗ thứ thiệt sợ bị dòm ngó, nên nín khe; ai hỏi thì chối đây đẩy rằng không có, không biết. Có cái quý, nhất định người ta giấu biệt, còn mấy tay gặp ai cũng khoe mình có hột xoàn, kim cương, bàn ủi con gà mười hai lỗ thì thường là nói phét, hoặc xài đồ “Made in… Chợ Lớn.” Tôi nghi mấy ông bạn ‘thích khoe khoang của ông’ nói thấy tánh cho vui cái miệng, chớ thiệt họ chẳng có “hàng độc” này đâu. Nếu điều họ nói là thật, nhất định họ sẽ đem giấu biệt ngàn, gặp ai cũng chối rằng: chưa biết, chưa thấy. “Thấy tánh” là đồ quý trong đời, ai lại đem khoe tùm lum như thế! Chắc là hàng giả, hàng dỏm đó ông ơi!

Hỏi: Đời thì “giả khoe, thật che”… Còn trong đạo, nhất định phải khác chứ?

Đáp: Ông lại ngây thơ nữa rồi. Trong đạo có khác chi đời, tôi nói có sách mách có chứng…

Ngày xưa, sau khi Lục Tổ Huệ Năng thấy tánh, mừng quá, liền la lớn, Ngũ Tổ 1 biết đệ tử của mình gặp được của quý, nếu còn ở Huỳnh Mai2 thì bọn ác cũng sẽ kiếm cách hại mà chiếm đoạt.

Cho nên nửa đêm, ngài chờ mọi người đi ngủ, bèn âm thầm lặng lẽ lấy chiếc xuồng ba lá, nhè nhẹ, rón rén dẫn Lục Tổ ra phía sau, nhằm sông Cửu Giang mà chèo đi tuốt. Trên đường đi, sợ đệ tử của mình không biết giữ gìn, ngài dặn dò phải lẩn trốn thiệt kỹ, kẻo bọn ác tìm thấy tông tích mà chiếm đoạt món quý đó. Lại còn kê miệng nói nhỏ: “Có cái này, thì làm thầy của trời và người (Thiên-Nhân Sư)”. Sáng hôm sau, thấy Ngũ Tổ nằm miết trong phòng, mọi người đến hỏi. Ngũ Tổ bèn nói: “Đêm hôm không biết ai lấy mất cái cục kiến tánh”, thế là mọi người đổ xô đi tìm.

Nói về Lục Tổ, xách cái cục kiến tánh trên tay, thân thì ốm yếu, nên đến núi Đại Dũ hết hơi, bèn ngồi đó mà thở. Ông có biết thiên thạch, tức là thứ đá ngoài vũ trụ người ta trưng bày ở Cơ quan Không gian Hoa Kỳ “nặng là hèn chi” 3; nặng như vậy mà cũng chẳng thấm tháp gì so với cái cục kiến tánh. Nghe đâu, một cục kiến tánh nặng gấp tám mươi bốn ngàn lần thiên thạch cùng kích thước. Mang cái thứ đó, trâu cũng chết chớ đừng nói chi Huệ Năng. Trong cái rủi có cái may, lúc đó Đạo Minh 4 đuổi kịp. Y trước đây là một võ tướng, nên sức mạnh kinh người, vai u thịt bắp, thế mà khi thấy cục kiến tánh trước mặt, y vận mười hai thành công lực cũng nhấc không lên. Hồi nhỏ đến lớn, Đạo Minh chưa thấy cục kiến tánh bao giờ, nên đâu có biết sức nặng kinh hồn của nó.

Phàm ở đời, cái gì quá sức với con người, thì sẽ khiến người đó hồn xiêu phách lạc. Đạo Minh cũng không ngoại lệ.

Nhấc không lên, y tưởng là trong đó có sức mạnh của thần linh, nhờ đó mà Huệ Năng thoát nạn. Chuyện sau này như thế nào, chắc người tu hành ai cũng biết, nên không kể ở đây.

Ông thấy đó, giá trị của kiến tánh có sức hấp dẫn đến như vậy. Người trong chùa còn ham, huống chi hàng cư sĩ tép tôm. Thành ra, việc khoa trương mình có cho thiên hạ biết mà ghê chơi chỉ là “chuyện thường tình thế thôi”, đâu có gì là lạ. Cũng chính cái giá trị kinh hồn này, mà 15 năm, Lục Tổ phải trốn trong đám thợ săn. Đợi đến lúc, chuyện về cục kiến tánh rơi vào lãng quên, Lục Tổ mới dám bỏ đám thợ săn đi Ta Bà giáo hóa. Thân làm Tổ mà đối với chuyện mình kiến tánh cũng nín khe, chẳng bao giờ dám mở miệng nói rằng: “Mình đã kiến tánh!”. Đến Tổ mà còn giấu kỹ như vậy, thì phải biết nó quý thế nào.

Hỏi: Không phải mọi người chạy theo Lục Tổ để đoạt y, bát 1 hay sao?

Đáp: Ông lại ngây thơ nữa rồi. Tôi hỏi ông, cái y cũ và cái bát bằng sành thì giành giựt làm chi cho mang tiếng ác? Ngay như bây giờ, có ai đem biếu cho ông cái y mới và cái bát bằng đồng cáu cạnh, ông có lấy hay không, nói thiệt cho tui nghe đi?

Hỏi: Tôi lấy mà làm gì, đồ của chùa, đem về nhà đặng bị vợ cằn nhằn tối ngày chịu sao thấu.

Đáp: Bí mật là ở chỗ đó. Tôi nói nhỏ cho ông nghe, nghe rồi đừng nói ai biết, chỗ thân tình tôi mới kể chuyện bí mật này.

Hỏi: Xin hãy nói cho tôi mở rộng tầm mắt. Tôi thề giữ kín, nếu tôi mà có nói ra cho người thứ ba biết, xin đời đời không thể có được cái bàn ủi con gà 12 lỗ của Tây làm bằng đồng lạnh.

Đáp: Đã vậy thì tôi xin kể. Cái bát bằng sành đó, dưới đáy có hai lớp, lớp trên đựng đồ ăn, lớp dưới giấu… cái kiến tánh. Ai biết được bí mật này, nhất định có ngày sẽ kiến tánh. Vì thế, chớ có dại miệng!

Hỏi: Thời nay, sự thật có ai thấy được cái cục “kiến tánh” đó

không?

Đáp: Toàn là nói phét. Sau đời Lục Tổ, cái bát đó có lẽ bị đem bán phế liệu rồi, nên chẳng còn nghe tung tích gì nữa.

Hỏi: Thế thì đối với bọn hay khoe khoang nói phét, làm sao biết được đồ thật hay giả?

Đáp: Dễ thôi mà. Chỉ cần ông hỏi vài câu, nếu nói được thì biết lời đó là thật, còn ú ớ như gà mắc tóc, thì biết chỉ toàn bốc phét cho vui.

Hỏi: Xin hỏi vài câu đó như thế nào?

Đáp: Chỉ cần hỏi hai câu.

Câu thứ nhất: “Ông nói mình đã thấy “kiến tánh”, thì vật đó dùng vào việc gì?” Nếu người ấy nói rằng để bán lấy tiền xài chơi, thì phải biết chắc giá của nó bằng trên mười tấn bàn ủi con gà 12 lỗ, còn nói giá dưới thì không phải.

Câu thứ hai: “Ông nói rằng mình đã thấy “kiến tánh”, thì ông thấy bản thân mình khác với những người chưa được trông thấy nó ở chỗ nào?” Nhất định, khi hỏi câu này, bằng hữu kính mến của ông sẽ cảm thấy bí như gà mắc tóc. Nếu hắn ta có trả lời, nhất định phải biết những câu trả lời, đó chỉ là những lời trên trời dưới đất của người không kiến tánh. Ông còn thắc mắc chuyện kiến tánh nữa không?

Hỏi: Rất cảm ơn, cảm ơn! Bí mật này mà ông không nói ra, đố ai biết được. Đúng là “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Xin tạm biệt. Ngày mai gặp lại!

Đáp: Hẹn gặp lại!

 

5. CÁC CẢNH GIỚI TRONG PHẬT ĐẠO

Hỏi: Hôm qua, khi chia tay, về suy ngẫm lại những điều đã được nghe, tôi có một chút thắc mắc trong lòng, xin giải thích giùm để tự thân sáng tỏ.

Đáp: Có thắc mắc gì, ông cứ việc hỏi.

Hỏi: Lúc đàm đạo, tôi có nghe nói, khi Ngũ Tổ tiễn Lục Tổ ra đi, kề tai nói nhỏ: “Ai có cái cục kiến tánh đó sẽ làm thầy của cõi trời và cõi người”. Xin hỏi, làm thầy của người, thì nghe còn có lý, còn trời ở trên cao, làm sao lên đó được mà làm thầy?

Đáp: Sao ông biết trời ở trên cao?

Hỏi: Thì người ta vẫn nói thế. Ví dụ như người ta thường nói “trời cao, đất thấp”.

Đáp: Ông là người có tu tập, tụng đọc kinh điển của Phật, sao lại giữ quan niệm như người đời? Ở đời, người ta có quan niệm, trời thì ở trên cao, trên đó có thiên nữ bay liệng như chim, muốn gì được nấy. Còn người trần gian thì ở dưới đất, phải làm lụng vất vả để có cái ăn. Địa ngục thì ở sâu dưới đất, đào vài trăm thước chưa đến, tối ngày dầu sôi lửa bỏng. Người đời quan niệm như vậy, ở đây chúng ta không bàn đến chuyện đúng hay sai. Nhưng đã là người tu hành trong Phật Đạo, mà cũng giữ quan niệm như thế, thì làm sao nghe cho thông được.

Hỏi: Như vậy, Phật Đạo giải thích như thế nào về những cảnh giới (trời người) đó?

Đáp: Như tôi đã nói ở những phần trước, bất kỳ cảnh giới nào, Phật Đạo cũng chỉ nhắm nói đến thân tâm này, không nói ra ngoài. Ông có bao giờ nghe câu: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” chưa?

Hỏi: Tôi đã từng nghe nhiều lần câu này, nhưng ý nghĩa của nó thế nào thì tôi không rõ. Xin giải thích giùm.

Đáp: Tam giới duy tâm có nghĩa rằng: Trời, người, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh gì… Phật dạy: “Cũng do tự tâm này mà có…”. Vạn pháp duy thức có nghĩa rằng: Hết thảy các quan niệm đều do hiểu biết mà thành… Những ai còn tâm (dù tâm đó thanh cao vô cùng), những ai còn niệm (dù quan niệm đó là tốt nhất), muốn Thanh Tịnh, muốn Giác Ngộ, muốn Giải Thoát, muốn có Trí Tuệ đều phải cầu Phật Đạo.

Vì thế mới nói, ai được cái cục đó thì làm thầy của cõi trời và cõi người. Vì rằng, cũng theo lời Phật dạy: “Tất cả các thứ tâm đều vô thường, vô thường nên hết vui thì đến khổ”.

Tất cả các pháp đều do thức biến hiện, do thức biến hiện nên không phải là ngã, vì không phải là ngã nên chẳng bền chắc, chẳng bền chắc vì thế bản chất nó không thật, không thật nên chỉ đúng với nơi này sai với nơi kia. Đúng với nơi này sai với nơi kia thuộc về tỷ lượng, mà đã thuộc về tỷ lượng thì chẳng thuộc về chân lý. Cho nên, cái gì vô thường, vô ngã nhất định không thể đưa đến rốt ráo an vui.

Hỏi: Quan niệm “thiên”, theo Phật Đạo nhằm chỉ cho những thứ tâm nào?

Đáp: Thiên, theo Phật Đạo chia làm nhiều hạng, nhưng tựu trung có

ba.

Hạng thứ nhất gọi là “Phước sanh thiên”, tức là những người tâm

thức chứa toàn thiện nghiệp. Do vì tâm thức chứa toàn thiện nghiệp, nên phước đức đầy đủ. Phước đức đầy đủ vì thế muốn gì được đó, đời sống vui vẻ. Được như vậy, Phật Đạo gọi là “Phước sanh thiên”.

Hạng thứ hai: “Định sanh thiên”, tức là những người, do có tu tập thiền định, nên tâm hay sinh hỷ lạc, thân thường được khinh an. Lấy hỷ lạc khinh an, làm đời sống. Hạng này Phật Đạo gọi là “Định sanh thiên”.

Hạng thứ ba: “Trí sanh thiên”, tức là những vị có Giác Ngộ, được Trí Tuệ Vô Lậu, nhưng vì thương tưởng chúng sanh, các vị này không cầu Giải Thoát, ở lại ba cõi kề cận chúng sanh để giúp họ thành tựu đạo nghiệp. Tuy thân các vị ấy ở trong ba cõi, nhưng tâm vắng lặng, trí thấu thoát, không chung cùng tâm trí phàm phu. Phật Đạo gọi hạng đó là “Trí sanh thiên”.

Cho nên, khi nghe Phật Đạo nói đến “thiên”, phải biết những lời này nhằm chỉ đến các cảnh giới nào trong tâm thức, chứ không nhằm nói đến các loại thiên như người đời quan niệm.

Hỏi: Phật Đạo quan niệm như thế nào về địa ngục, súc sinh?

Đáp: Hạng nào tâm thức chứa toàn nghiệp ác, Phật Đạo ví tâm thức của hạng đó là “tâm thức địa ngục”. Hạng ngu si, tâm trí mờ tối, hạng này Phật Đạo ví như súc sinh.

Hỏi: Vì sao trong kinh Phật thường miêu tả chư thiên thì bay liệng trên không, địa ngục thì dầu sôi lửa đốt?

Đáp: Những lời đó Phật Đạo gọi là dùng “quyền” để hiển “thiệt”. Những lời như vậy, do người trí hóa hiện ra cái không thật (quyền) để dẫn dụ kẻ mê hướng đến cái thật (đời sống tốt đẹp). Ví như, có người nói rằng: “Người nào biết thương người, hay giúp đỡ kẻ khốn cùng thì được làm tiên”.

Người kia hỏi lại: “Tiên là như thế nào?”. Người này bèn dùng lời quyền, nhằm dẫn dụ, để kẻ kia ham thích cái phi thường mà thành người tốt, bèn nói rằng: “Tiên là những người ở trên trời, sống lâu đến muôn tuổi, bay liệng như chim, muốn gì được đó”. Người kia nghe những lời như vậy, ham ưa thích thú, vì thế thường hay thực hành thiện pháp, từ bỏ ác nghiệp.

Đọc kinh mà không biết rõ ý nghĩa, chẳng phân biệt được lời nào là quyền, lời nào là thiệt, thì cho dù có đọc bao nhiêu kinh điển, hiểu biết cũng chẳng khác gì người đời.

Vì thế, Phật căn dặn: “Khi chép kinh, phải mở đầu bằng câu “Tôi nghe như vậy ”, tức là tôi nghe nói như vậy, chứ chẳng phải tôi được thấy như kia”. Phần lớn người tu hành, miệng thì đọc tôi nghe như vầy, mà trong tâm trí lại cầu thấy như kia. Tối ngày nghĩ tưởng chuyện trên mây, cho nên không thể hiểu được diệu lý của kinh điển cũng tại lý do này.

Hỏi: Nếu nói rằng “tâm thức chứa toàn thiện nghiệp, nên phước đức đầy đủ, phước đức đầy đủ vì thế muốn gì được đó, đời sống vui vẻ, hạng như vậy, Phật Đạo gọi là “Phước sanh thiên”. Nhưng thực tế trong đời, tôi thấy có rất nhiều người thường hay đi chùa lễ bái, giúp đỡ người nghèo, siêng năng làm chuyện phước thiện mà sao cuộc đời của họ khổ nhiều hơn vui, lại thường gặp chuyện không may?

Đáp: Cái quả có được hôm nay, là do nhân ngày trước đã gieo. Cái nhân mới gieo hôm nay, thì ngày sau sẽ hái quả. Giống như trước đây anh trồng ớt, trồng chanh, thì hôm nay anh hái được trái chua, quả cay. Hôm nay anh trồng lúa, trồng xoài, thì ngày sau anh có gạo lại thêm quả ngọt. Vì thế, hôm nay anh trồng lúa, nhưng hái toàn là ớt thì phải biết cái quả này chẳng phải của nhân lúa hôm nay, mà nó do cái nhân ớt trước đây anh trồng. Vì thế trên đời, cũng có những người hiện tại chuyên làm thiện mà hay gặp chuyện không vui, người kia làm ác mà đời sống đầy đủ, nhân quả trước sau chẳng phải cũng tương tự như vậy hay sao?

Hỏi: Hôm qua ông có dạy tôi hai câu hỏi để thăm dò người Kiến Tánh là thật hay giả. Về nhà, tôi suy ngẫm ý nghĩa của hai câu đó. Mới nghe qua, chúng thì có vẻ rất đời thường, lại mang đậm chất hài hước, chỉ tưởng để nói chơi hơn là nói thật. Nhưng càng suy ngẫm, tôi thấy ý vị của hai câu hỏi này không tầm thường, ẩn chứa nhiều sâu xa. Nếu một người không thật sự có kiến tánh mà chỉ tự xưng thì nhất định sẽ bị hai câu hỏi đó vây hãm, không thoát ra được. Giống như người chơi cờ, nhìn vào thế trận quân chủ lực bị hao, xét toàn cuộc lại còn thua nước.

Xin hỏi hai câu hỏi đó nhằm hướng người nghe đến điều gì trong Phật Đạo?

Đáp: Chuyện tưởng như hài hước hôm qua, mà ông cũng để tâm và cảm nhận được ý vị của nó. Theo tôi, những người như vậy, nội tâm sâu sắc, lý trí bén nhạy, tâm ý này không phải của hạng tầm thường. Mong rằng ngày sau, ông có thể lãnh hội được cái thâm u của Phật Đạo.

Câu hỏi thứ nhất, Phật Đạo gọi là “tồi tà hiển chánh môn”.

Đây là dạng câu hỏi đặt ra để phá nát tà kiến, dựng cờ Chánh Đạo. Nếu người đó trả lời được, kiến tánh dùng để làm gì thì cơ hội Kiến Tánh của người này rất cao, trong đương cơ nhất định sẽ có cách giúp anh ta đạt thành ước nguyện. Còn nếu không biết, trả lời vòng vo như gà mắc tóc, thì biết hạng này chỉ toàn chạy theo danh tướng, khó bề Giác Ngộ chứ đừng nói chi thể nhập Đại Đạo.

Còn câu thứ hai, Phật Đạo gọi là “đoạn mê khai giác môn”.

Câu này nhằm hướng người ra khỏi mê muội của phàm phu, siêu xuất cộng nghiệp, đưa tâm trí vào Chánh Đạo. Nếu trả lời được câu này, người đó trong giây phút hiện tiền có thể lìa phàm hiển thánh.

Trong đương cơ, nhất định sẽ có cách giúp kiểu người này tìm ra lối thoát, hướng tâm ý đến “Bất Cộng Phàm Phu”, “tồi tà hiển chánh môn” 1 và “đoạn mê khai giác môn”2 nằm trong “Tứ Thập Nhị Pháp Môn” của “Nhất Thiết Trí Môn”.

Nếu có duyên lành, ngày sau nhất định tôi và ông sẽ đi chung đường, chúc ông tinh tấn, thăng tiến trên con đường trí tuệ.

 

Vô Đối Môn

Tác giả: Lý Tứ

Nhà xuất bản Dân Trí

Phần 3: Pháp môn, phép tu; Giác ngộ chánh đạo, đốn, tiệm là gì ? Trang 34-48

Giọng đọc: Nhã Quỳnh - phát thanh viên Đài tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh

 

 

Bài viết cùng danh mục

Thông báo

Hoặc gọi 096.4343.168