VÔ ĐỐI MÔN - LÝ TỨ - PHẦN 4

127 lượt xem

Nếu mục tiêu không đạt được thì Giáo pháp này đã bị đào thải từ lâu rồi theo quy luật tự nhiên. Nhưng cho đến bây giờ, Giáo Pháp của Đức Phật chẳng những không bị đào thải, mà còn phát huy tác dụng đến phần lớn nhân loại, và không một ai không thừa nhận hiệu quả cao khi tu tập trong Giáo Pháp này. Bằng chứng là ngay tại nơi đây, ông và bằng hữu của ông, tôi và bằng hữu của tôi và biết bao nhiêu cao tăng, Phật tử ngày đêm miệt mài giảng kinh, tu tập trong Phật Đạo.

6. NHẬN BIẾT “MỘT VỊ THÀNH TỰU PHẬT ĐẠO” NHƯ THẾ NÀO?

Hỏi: Mục tiêu cuối cùng của Phật Đạo giúp người tu hành thành tựu những gì?

Đáp: Là giúp người tu hành thành tựu Phật quả.

Hỏi: Làm sao biết rằng, mục tiêu thành tựu Phật quả này có thể đạt được?

Đáp: Nhìn vào quá trình tồn tại của Phật pháp trong thế gian này, người trí tức thì nhận ra, mục tiêu này đã đạt được trong quá khứ, cũng như sẽ còn đạt được trong vị lai.

Hỏi: Nhìn như thế nào?

Đáp: Nếu mục tiêu không đạt được thì Giáo pháp này đã bị đào thải từ lâu rồi theo quy luật tự nhiên. Nhưng cho đến bây giờ, Giáo Pháp của Đức Phật chẳng những không bị đào thải, mà còn phát huy tác dụng đến phần lớn nhân loại, và không một ai không thừa nhận hiệu quả cao khi tu tập trong Giáo Pháp này. Bằng chứng là ngay tại nơi đây, ông và bằng hữu của ông, tôi và bằng hữu của tôi và biết bao nhiêu cao tăng, Phật tử ngày đêm miệt mài giảng kinh, tu tập trong Phật Đạo.

Hỏi: Tu tập thì nhiều, nhưng có mấy ai có được thành tựu những điều cao nhất như mục tiêu đã đề ra?

Đáp: Nhìn vào hệ thống Kinh điển của Phật đã để lại, nhìn vào những người đang ngày ngày miệt mài giảng nói cắt nghĩa những điều ảo diệu thâm sâu của Phật Đạo trong hệ thống Kinh điển, nhìn vào số lượng môn sinh theo học, nhìn vào sự lớn mạnh, thì có thể biết ngay, mục tiêu cao nhất đã và đang thành công.

Hỏi: Xin cho một vài ví dụ cụ thể, để làm sáng tỏ ý nghĩa vừa nêu.

Đáp: Kinh điển của Phật để lại như sách giáo khoa và thầy cô giáo đang ngày ngày truyền đạt các kiến thức từ sách giáo khoa đến học trò. Ở mỗi cấp học, mỗi bậc học từ thấp đến cao, đều có thầy cô giáo giảng dạy để giúp học sinh của mình thông hiểu các kiến thức đã được ghi chép trong sách giáo khoa. Như vậy, có nghĩa rằng thầy cô đó đã am tường, đã thành tựu các kiến thức mà sách giáo khoa mong muốn và họ đang làm công việc truyền dạy.

Sự am tường, thông hiểu này nói lên chỗ đạt được của mục tiêu mà sách giáo khoa đề ra và đáp ứng đúng yêu cầu của người theo học. Phật Giáo cũng như thế, hàng ngày có biết bao nhiêu Pháp Sư, biết bao nhiêu Bồ Tát đang triển khai kinh điển của Phật từ thấp đến cao giúp người tu hành thông hiểu, để rồi thành tựu từ thấp lên cao. Điều đó cho thấy, các vị này đã thành tựu cái cần thành tựu trong Phật Đạo. Thậm chí có nhiều vị thành tựu đỉnh cao. Hiện tượng này, chính là minh chứng cụ thể và hùng hồn nhất, người trí đâu cần phải nhìn đâu cho xa.

Hỏi: Đã thành tựu như vậy, vì sao những vị đó không giống một Đức Phật mà chúng ta thường thấy?

Đáp: Ông muốn thấy họ giống Đức Phật ở điểm nào?

Hỏi: Thì Đức Thích Ca Mâu Ni có ba mươi hai tướng tốt, hào quang sáng chói, nhìn vào hình ảnh là biết ngay, đó chính là một Đức Phật.

Đáp: Ông lầm rồi, thành tựu cao nhất trong Phật Đạo là thành tựu trí tuệ, chứ không phải thành tựu thân tướng. Giống như ở đời, những người có học vị tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư… không nhất thiết giống nhau về thân tướng, không nhất thiết giống nhau về gia cảnh, đời sống hay cái vẻ bên ngoài, mà chỉ giống nhau về trí tuệ và thành tựu những điều mình đã học.

Ngay như các Đức Phật cũng không giống nhau về hình dáng bên ngoài, như Thích Ca đâu có giống A Di Đà, cũng đâu có giống Di Lặc. Kinh Đại Bảo Tích 1 cũng nói rằng, có một Đức Phật chỉ tuyên thuyết Giáo Pháp trong vòng bảy ngày rồi nhập Niết Bàn. Cái duyên nó như vậy thì sự việc phải như vậy chớ. Lại có Đức Phật ở phương xa và chúng đệ tử thân tướng cao lớn kinh người. Mục Kiền Liên đi trên miệng bát ăn cơm của họ, mà họ nói đó là con trùng nhỏ xíu mặc đồ Sa Môn! 2 Đâu có nhất thiết phải giống nhau mọi thứ.

Hỏi: Xin cắt nghĩa thêm, tôi vẫn chưa thông chỗ này.

Đáp: Giống như một người châu Á, khi họ trở thành tiến sĩ, thì thân tướng của họ không giống vị tiến sĩ người châu Âu hoặc châu Phi. Nhưng tất cả các vị tiến sĩ đó đều có chung một trình độ là tiến sĩ và đều gọi họ là tiến sĩ. Chư Phật cũng như vậy, tùy cõi nước, người thành tựu Phật Trí sẽ mang thân tướng của cõi nước đó. Mà trên thế giới này, có biết bao nhiêu cõi nước, biết bao nhiêu chủng tộc. Đâu phải là tất cả đều phải giống nhau. Đạo lý này, đâu có ai không biết.

Hỏi: Kinh nào nói rằng, nhìn vào thân tướng để biết đó là một Đức Phật, cái nhìn này là không đúng đắn.

Đáp: Ông đã đọc Kinh Kim Cang chưa?

Hỏi: Có, nhưng đâu có thấy kinh này nói gì về việc thân tướng?

Đáp: Ông đọc mà không hiểu, không hiểu nên không biết, không biết nên không thể tự giải đáp cho chính mình những điều sơ đẳng như vậy. Ông có nghe bốn câu kệ: “Nhược dĩ sắc kiến ngã. Dĩ âm thanh cầu ngã. Thị nhân hành tà đạo. Bất năng kiến Như Lai” chưa?

Hỏi: Đã có đọc, đọc nhiều lần bài kệ này, nhưng ý nghĩa của nó thì tôi chịu.

Đáp: Nhược dĩ sắc kiến ngã” có nghĩa rằng, đừng nhìn vào thân tướng mà nói đó là Phật. “Dĩ âm thanh cầu ngã” có nghĩa rằng, đừng nghe giọng nói (âm thanh), hoặc văn tự (chữ viết) mà cho rằng một Đức Phật là phải nói bằng âm thanh như vậy, hay phải viết thứ chữ như vậy. “Thị nhân hành tà đạo” có nghĩa rằng, những người chấp nhất vào thân tướng, ngôn ngữ, chữ viết mà cho rằng nhất nhất một Đức Phật là phải tướng như vậy, nói giọng như vậy, viết thứ chữ như vậy mới gọi là Phật. Người chấp nhất hai thứ ấy (thân tướng, giọng nói), Phật bảo đó là kẻ đang chạy theo đạo tà, không phải là kẻ có thấy biết chân chánh trong Phật Đạo.

“Bất năng kiến Như Lai” có nghĩa là, người nào nếu cứ khư khư ôm giữ những kiến chấp như vậy nhất định sẽ không thể thấy được ý nghĩa đích thực thế nào là Như Lai (Phật trí ).

Tôi thấy có điều lạ là, hàng ngày người tu hành đều đọc bài kệ này, nhưng trong lòng họ vẫn chấp nhất rằng, hễ ai thành Phật thì cũng giống như Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, đây cũng là chuyện lạ trong đời này của người tu hành.

Trong Kinh Kim Cang, Phật cũng có hỏi Tu Bồ Đề1: Này Tu Bồ Đề, thấy 32 tướng mà cho đó là Phật, cái thấy này có đúng không?” Tu Bồ Đề bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Chẳng đúng. Vì sao chẳng đúng? Vì Phật không phải là 32 hai tướng”. Phật lại bảo Tu Bồ Đề: “Chớ thấy 32 tướng mà bảo đó là Phật, vì Chuyển Luân Thánh Vương cũng có 32 tướng”. Lời Phật dạy còn đó, hà cớ gì phải mang chấp nhất trong lòng, để rồi đi tìm Phật nơi có vẻ bên ngoài? Kinh Lăng Già1, Phật cũng nói những ý nghĩa đại loại như: “Trong vô lượng kiếp, ta đã lại qua cõi Diêm Phù này với vô lượng danh hiệu cùng thân tướng sai biệt, có khi là vua, có khi tể tướng, có khi người, có khi nai.” Câu kinh này đã nói lên tất cả. Ông còn gì thắc mắc về Đức Phật và Phật Trí hay không?

Coi chừng, thân thì mang danh Phật Tử, mà tâm trí lại đang chạy theo đạo tà mà không tự biết. Những ai còn chấp nhất như vậy, chỉ uổng một đời mang tiếng tu hành theo Phật Đạo, mà hiểu biết thì chẳng khác gì tà môn: mang tiếng Quy Y Phật, Pháp, Tăng nhưng trong lòng chỉ biết chạy theo danh tướng.

Hỏi: Xin dẫn chứng kinh nào nói rằng có vô số người đã và đang thành Phật?

Đáp: Ông đã từng nghe lời thọ ký: Ta là Phật đã thành, còn các ông là Phật sẽ thành chưa? Lời Phật có đáng tin hay không?

Hỏi: Đã nghe và rất tin.

Đáp: Ông đã từng đọc kinh, thấy trong kinh nói rằng: Cũng tại nơi đây, có vô số Thích Ca sinh ra” hoặc lời dạy: “Hiện nay có vô số Thích Ca đang tụng giới này” hay chưa?

Hỏi: Đọc kinh và tụng Bồ Tát Giới, tôi có nghe những câu này.

Đáp: Như vậy, ông còn thắc mắc điều gì về việc có vô số Đức Phật đã thành và hiện đang thành?

Hỏi: Tôi thắc mắc, như vậy mỗi người ở một phương đồng thành tựu Phật Trí, vì sao gọi là có vô số Thích Ca? Và tại sao mọi người đều thờ Đức Thích Ca Mâu Ni mà không thờ các vị đó như là một Đức Phật?

Đáp: Tôi xin đưa một ví dụ, người trí nhân ví dụ, có thể hiểu điều mình cần hiểu. Ông có biết hãng sản xuất xe Honda hay không? Những đầu thập niên 1960, hãng này đã có mặt trên thị trường. Hiện nay, người sáng lập ra hãng xe này nhất định đã qua đời, chỉ còn những người kế thừa giúp hãng tồn tại và sản xuất cho đến hôm nay. Từ đó đến nay, đã có bao nhiêu chiếc xe Honda ra đời, cung ứng cho thị trường.

Tuy nhà sáng lập Honda không còn hiện diện trên đời, nhưng những chiếc xe do hãng này sản xuất, tất cả đều mang nhãn hiệu Honda. Đâu có thể nói, người sáng lập không còn, thì sản phẩm sau này phải mang nhãn hiệu khác.

Trong Phật Đạo cũng thế. Trong một châu kỷ của một Đức Phật, ví dụ như châu kỷ Thích Ca, tất cả những ai thành tựu trong Giáo Pháp của châu kỷ này đều gọi là Thích Ca.

Vả chăng, giống như các môn học trên đời, dù anh có học thành tài, thậm chí tài năng của anh có ngang bằng với người phát hiện ra môn học đó, thì anh cũng chỉ là học trò của vị ấy, đâu có thể nói môn học này là của tôi. Ở đời, người ta còn biết lý lẽ này, chẳng lẽ trong Đạo Pháp mà làm khác, nói khác được chăng? Vì thế, ông thấy, trên thế giới này có bao nhiêu học viện mang tên người phát minh ra công trình này, công trình nọ, bao nhiêu tượng đài vinh danh vị thủy tổ của các công trình như vậy. Vì thế, trong Phật Đạo mới gọi Thích Ca Mâu Ni là Đức Bổn Sư. Bổn Sư là người thầy đầu tiên, là cái gốc của Giáo pháp. Chớ có quên cội nguồn để rồi trở thành kẻ “thậm xưng”, lỗi lầm này không nhỏ trên con đường thành tựu trí tuệ. Phật dạy: “Tam thế Chư Phật, khác miệng đồng lời”. Lời dạy này có hàm ý rằng, ba đời Chư Phật, tuyên thuyết chân lý từ những cái miệng khác nhau, nhưng lời nói và ý nghĩa của nó, thì không khác.

Người tu hành, phải biết rằng: Bất kỳ ai trên đời, dù họ thuộc chủng tộc nào, sinh ra trong thời điểm nào, mà lời nói, chữ viết mang ý nghĩa không khác những điều Phật dạy, giúp ta thành tựu đúng với Phật Đạo, thì phải biết rằng, lời nói ta được nghe, chữ viết ta được đọc đó đều từ Phật Trí. Đã là từ Phật Trí, thì vị đó được gọi là gì? Có câu chuyện Kinh như thế này, xin kể ra để ông hết nghi cái chuyện thế nào là Bổn sư, thế nào là tướng đệ tử, để mai này lỡ có thành tựu điều gì đó, đừng trở thành kẻ hàm hồ, vong ơn, bội nghĩa.

Câu chuyện kinh như sau: Một hôm Phật nhóm chúng, Phật chỉ vào Đại Đức Ca Diếp mà nói với đại chúng rằng: “Này các ông, cái gì ta biết, Ca Diếp biết. Cái gì ta thấy, Ca Diếp thấy. Cái gì ta chứng, Ca Diếp chứng”. Tuyên thuyết như thế ba lần, Đức Bổn Sư lại quay qua Đại Đức Ca Diếp bảo rằng: “Này Ca Diếp, nay ông lên đây, ta chia cho nửa toà ngồi”. Ca Diếp bạch Phật: “Bạch Thế Tôn. Con xin ngồi ở dưới”. Phật bèn hỏi: “Như thế, này Ca Diếp, nay ông là đệ tử, ta là thầy, hay ông là thầy, còn ta là đệ tử?” -“Bạch Thế Tôn: Con là đệ tử”. Phật bảo: “Đúng vậy, Ca Diếp. Ông hãy ngồi phía dưới

Câu chuyện này cho thấy, trong “châu kỷ của Thích Ca Mâu Ni, tất cả những ai thành tựu cho dù cao nhất trong Giáo Pháp này, cũng chỉ là tướng đệ tử”. Vì thế, đã là Phật Tử, thì chớ có lộn xộn!

Hỏi: Mô Phật! Mô Phật! Mô Phật! … Hèn chi, ngày xưa Lục Tổ Huệ Năng đã dạy: Từ nay xưng Giác là Phật.

Câu nói này thật là thâm sâu, hôm nay con mới vỡ lẽ. Từ nay, trong con thôi hết cố chấp nhất ngu muội nữa. Từ nay con nguyện sẽ hàng ngày lễ lạy cái Giác này. Con biết rằng:

Tu hành trong Phật Đạo, đến Phật còn không nên chấp, tại sao ta phải chấp chuyện thế gian? Đúng là: “Mê tu vô lượng kiếp, ngộ chỉ một sát na”. Con xin Quy Y Phật, Quy Y Pháp, Quy Y Tăng. Con đã hiểu thế nào “Ba bảo là một bảo” Chỉ có thành Bậc Đại Giác mới hết mê lầm.

Đáp: (cười lớn) Ngày sau, nếu có duyên lành, ông và tôi có thể chung đường. Honda nào cũng là Honda. Đâu có chiếc nào không làm công việc đưa người đi đến nơi về đến chốn”?

Phật Đạo còn rất dài, cái biết, cái thấy mà ông vừa bắt gặp chỉ là ánh sáng của đom đóm so với mặt trời”. Đừng tự mãn, con đường đưa đến Phật trí không dành cho hạng ngu si này.

 

7. TĂNG BẢO; ĐỆ NHẤT NGHĨA TĂNG; BỒ TÁT; TÂM; NGÃ;… PHÁP BẤT NHỊ NGHĨA LÀ GÌ?

Hỏi: Hôm qua nghe giảng giải về ý nghĩa chân thành của sự thành Phật. Suốt đêm, con đem những điều được nghe trong ngày ra để tư duy mong cho thấu đáo, hầu thâm nhập và có thể ứng dụng những nghĩa này vào đời sống. Nhưng cho dù suốt đêm ngồi tư duy, vẫn còn một vài chỗ không thông. Hôm nay, con lại tiếp tục đến đây, cầu được nghe giảng giải những chỗ chưa thông, để lòng này không còn vướng bận mà yên tâm tu hành.

Đáp: Điều gì chưa thông, cứ việc đưa ra, để cùng nhau thẳng thắn bàn luận. Bàn luận đến khi nào thấu đáo mới thôi, đây chính là thái độ của một trượng phu. Người tu hành, có một điều tối kỵ cần nên biết, đó là chưa thông mà không tìm người hỏi cho ra lẽ, cứ ôm giữ mối nghi trong lòng. Tu tập mà trong lòng còn một chút nghi, cho dù mối nghi đó chỉ bằng đầu sợi lông, cũng khó bề Giác Ngộ. Vì thế, “nghi ngờ” được Phật Đạo xếp vào một trong “năm độn sử” của “mười kiết sử”.

Quả vị đầu tiên và nhỏ nhất trong Phật Đạo là quả Tu Đà Hoàn 1, mà những người trong tâm còn một chút nghi ngờ về Giáo Pháp cũng không thể thành tựu, huống chi những quả vị cao hơn. Có gì chưa thông thì cứ việc hỏi. Nào, xin mời!

Hỏi: Nếu bảo rằng, thành Phật là thành cái trí này, vì sao người tu hành lại phải đến chùa am cầu người có Tăng tướng để quy y cho mình? Không tự quy y nơi trí này được hay sao?

Đáp: Ông nói trí này là trí nào? Trí của ông, hay trí của Phật? Nếu là trí của ông thì cái trí đó chứa đầy vô minh, không lẽ ông đi quy y cái vô minh của chính ông?

Còn nếu trí đó là Phật trí thì ông chưa có thứ trí ấy, mà chưa có thì lấy gì để quy y. Vì thế quy y Tăng, là để cầu Tăng Bảo 2 dạy cho ông hết cái trí vô minh, hầu thành tựu Phật trí. Không có người dạy, thì làm sao mà hết vô minh, để có Phật  trí.

Hỏi: Hôm trước, con có được nghe chuyện đứa bé không quay lại ông hộ tịch để học hành, sao hôm nay lại nói rằng, quy y Tăng Bảo để Tăng Bảo dạy thành tựu Phật Trí?

Đáp: Tăng Bảo là để chỉ chung cho tất cả Tăng, chứ chẳng phải nói riêng một cá nhân. Vì thế lúc đó, tôi cũng có nói thêm rằng: Phật Đạo có Bổn Sư, Giới Sư, Giáo Thọ Sư, Pháp Sư, Đạo Sư. Cho nên, đến một vị có Tăng tướng để quy y là vì vị đó đại diện cho Tăng Bảo chứng nhận ông thành một Phật tử, còn việc dạy dỗ và học tập, có khi phải cầu một người khác. Người đó có thể là Tăng, có thể là tục. Chớ có nhập nhằng chuyện này.

 

ĐỆ NHẤT NGHĨA TĂNG LÀ GÌ?

Hỏi: Tăng Bảo là người xuất gia, tục là người tại gia. Nếu nói cầu Tăng Bảo để học Phật Trí, người ở tục gia không phải là Tăng, thì làm sao dạy được?

Đáp: Tăng Bảo gồm có Thế Tục Tăng1 và Đệ Nhất Nghĩa Tăng 2. Thế Tục Tăng là những người xuất gia có đầy đủ Tăng tướng, đại diện Tam Bảo, thay mặt Phật cho ông quy y.

Trong Thế Tục Tăng cũng có nhiều vị là Đệ Nhất Nghĩa Tăng. Còn Đệ Nhất Nghĩa Tăng không luận về hình tướng có phải là Tăng hay tục. Khi quy y, phải nhờ đến Thế Tục Tăng, đây là vị đại diện pháp lý của Phật. Trên đời này, bất kỳ điều gì không đầy đủ tính pháp lý thì khó thành tựu. Còn cầu học Phật Trí, phải đi tìm Đệ Nhất Nghĩa Tăng.

Hỏi: Sao gọi là Đệ Nhất Nghĩa Tăng?

Đáp: Đoạn kinh sau, sẽ trả lời cho ông câu hỏi này: Ưu Ba Ly hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! Quy hướng vào đâu gọi là quy y Phật? Phật đáp: “Quy y Phật, nghĩa là quay về bản tính chân như, đầy đủ trí tuệ công đức mà quy y”.

Ưu Ba Ly lại hỏi: “Như vậy thì, quy y sắc thân hay quy y Pháp thân?”

Phật đáp: “Quy y Pháp thân chứ không phải quy y sắc thân. Đừng tưởng sắc thân là Phật, vì sắc thân là vô thường, không thể làm chỗ cậy nương được”.

Cũng trong bài kinh này, Ưu Ba Ly hỏi Phật: “Thế thì nên quy y Thế Tục Tăng hay Đệ Nhất Nghĩa Tăng? Nếu quy y Đệ Nhất Nghĩa Tăng thì vì lẽ gì lúc cho hai vị lái buôn quy y Phật (lúc đó chưa có Tăng đoàn, chưa xuất hiện Thế Tục Tăng), Thế Tôn lại căn dặn họ: “Sau này có Tăng (Thế Tục Tăng), các người phải đến Tăng mà quy y.” Tại sao lúc đó, Thế Tôn không nói rằng: “Đệ Nhất Nghĩa Tăng (vị có được Phật Trí) thường hay ở thế gian, các người phải nên tìm họ mà quy y?”. Phật trả lời: “Vì Thế Tục Tăng là chỗ sở y của Đệ Nhất Nghĩa Tăng, cho nên Như Lai mới nói sau này có Tăng, phải đến quy y. Và Như Lai nói thế, cũng vì muốn tôn trọng Thế Tục Tăng vậy”.

Từ những nghĩa này, có thể hiểu rằng, cho dù một vị đã thấu đạt Phật Trí, đã là Đệ Nhất Nghĩa Tăng, để tôn trọng lời Phật, để tôn trọng Tăng Bảo, để làm gương cho mọi người, vị Đệ Nhất Nghĩa Tăng đó cũng phải đi tìm Thế Tục Tăng mà xin quy y. Có làm như thế mới viên mãn “tánh, tướng” của Đệ Nhất Nghĩa. Lục Tổ Huệ Năng là một ví dụ, lúc nhận “y bát chánh truyền”1, Huệ Năng hãy còn là tục gia cư sĩ.

Tuy là tục gia, nhưng vẫn được y bát vì thấu suốt tánh tướng của vạn pháp. Thấu suốt tánh tướng của vạn pháp chính là Đệ Nhất Nghĩa Tăng. Sau này, khi đi hoằng hóa, ngài vẫn mang tướng cư sĩ cho đến khi gặp Ấn Tôn Pháp Sư. Để chính thức khoác y bát lên người, để nhiếp phục các Tăng nhân đương thời, Huệ Năng đã nhờ Ấn Tôn Pháp Sư thế phát cho mình, từ đó mới chính thức làm Tăng.

Vì Lục Tổ là Đệ Nhất Nghĩa Tăng, nên các vị Thế Tục Tăng cho dù có cao tuổi đạo hơn, cũng phải ngồi dưới nghe pháp. Thượng Toạ Đạo Minh hay Vĩnh Gia Huyền Giác Đại Sư là một ví dụ. Dù Huyền Giác tuổi đạo lớn hơn Huệ Năng, nhưng khi đến gặp Lục Tổ không lễ bái, cũng bị Lục Tổ quở trách.

Pháp Bảo Đàn Kinh có nói rằng, Tăng và tục đến cầu đạo nơi Lục Tổ nhiều vô số kể. Nói tóm lại, không đến một vị có đầy đủ tăng, tướng xin quy y để trở thành Phật tử, giống như đứa bé sinh ra, không có khai sinh, không có quốc tịch, thì chẳng có một cơ sở giáo dục nào, dù đó là trường công lập hay trường tư thục nhận đứa bé đó chính thức làm học sinh của mình.

Trường công lập dụ cho Thế Tục Tăng, trường tư thục dụ cho Đệ Nhất Nghĩa Tăng. Mà đã là một vị Đệ Nhất Nghĩa Tăng, thì tất nhiên họ biết rõ lợi ích của Thế Tục Tăng, nên chẳng bao giờ họ làm cái chuyện ba đời chư Phật thường hay quở trách, đó là “trụ vô vi mà đi hoại hữu vi”! 2

Hỏi: Xin nói rõ hơn về Đệ Nhất Nghĩa Tăng.

Đáp: Đệ Nhất Nghĩa Tăng, có nghĩa rằng vị này gồm đủ ba bảo. Đoạn kinh sau, nói rõ chuyện này: Ưu Ba Ly hỏi Phật: “Phật cũng là Pháp, Pháp cũng là Pháp, Tăng cũng là Pháp, như thế chỉ có một bảo, sao nói thành ba?”. Phật đáp: “Tuy là một bảo, nhưng theo nghĩa mà nói thành ba. Chẳng hạn, nói về Tam Bảo thì: Vô Sư Trí, quả vị Vô Học và hết thảy công đức là Phật Bảo. Diệt Đế vô vi là Pháp Bảo. Từ Pháp bảo ấy, chiếu ra công đức, trí tuệ của hàng Thanh Văn hữu học cũng như Bồ Tát vô học gọi là Tăng Bảo”.

Từ đoạn kinh trên, có thể hiểu rằng, những ai thành tựu Vô Sư Trí gọi là Phật Bảo. Từ trí ấy, vị này thể nhập các đạo quả hữu học và vô học của Diệt Đế gọi là Pháp Bảo. Tuy rằng nơi Diệt Đế vô vi mà có thể khiến người thành tựu đạo quả Thanh Văn hay Bồ Tát, nên vị đó gọi là Tăng Bảo. Cho nên kinh thường hay nói, một bảo là ba bảo, ba bảo là một bảo. Điều này ông còn thắc mắc gì nữa không?

Hỏi: Chuyện này, bây giờ con thông rồi. Nhưng trong trường hợp, điều kiện địa lý khó khăn, không có chùa am, không có Tăng nhân, thì biết làm sao mà xin quy y?

Đáp: Gặp trường hợp bất khả kháng như vậy, nếu người này quyết một lòng quy y Tam Bảo, đoạn kinh sau đây Phật dạy cho Ưu Ba Ly, có thể giải quyết điều ông thắc mắc:

Ưu Ba Ly hỏi Phật: “Tam Quy lấy gì làm tính?”. Phật trả lời: “Tam Quy lấy chỗ người khác dạy làm tính, hoặc không theo người dạy làm tính. Nghĩa là, khi thọ Tam Quy, quỳ gối, chắp tay, miệng theo người xướng, mà đọc Tam Quy, thế là cả thân, khẩu đều theo người dạy, bởi vậy gọi là lấy chỗ người dạy làm tính. Nếu có người dốc lòng chí kính, tự mình xướng hiệu Tam Quy, không theo người khác, như thế gọi là lấy chỗ không theo người khác làm tính.”

Hỏi: Theo con biết, trong Phật Đạo, lấy tuổi đạo (hạ) mà phân cao thấp, người nhiều tuổi hạ ngồi trên, kẻ ít tuổi hạ ngồi dưới. Cớ gì, những người như Đại Sư Huyền Giác, Thượng Toạ Đạo Minh cao tuổi đạo hơn Huệ Năng, lại bị quở trách, còn phải ngồi dưới?

Đáp: Cao tuổi đạo ngồi trên là phép của Tăng, thuộc Thanh Văn thừa, chứ không phải phép Bồ Tát.

Hỏi: Phép Bồ Tát như thế nào?

Đáp: Bồ Tát lấy trí tuệ làm trọng, vị nào trí tuệ cao hơn thì ngồi trên, vị nào trí tuệ thấp phải ngồi dưới, ngồi dưới để nghe vị có trí tuệ cao hơn dạy mình học tập. Ví như: Vô Uý Đức Bồ Tát 1, Thắng Man phu nhân 2, Duy Ma Cật 3. các thánh tăng là đệ tử của Phật cũng phải ngồi dưới để lắng nghe chân lý từ các vị Bồ Tát này.

Riêng các Đại Bồ Tát thể nhập Phật Thừa thì khác. Phật Thừa trí tuệ bằng nhau, cho nên Phật Thừa hay còn gọi là Nhất Thừa Bồ Tát lấy công hạnh giáo hóa chúng sanh mà phân cao thấp. Người công hạnh dày sâu có địa vị cao, người công hạnh ít hơn ngồi ở địa vị thấp. Vì thế mới có chuyện Thích Ca Mâu Ni thọ ký cho Di Lặc Bồ Tát.

Hỏi: Nhắc đến Duy Ma Cật con mới nhớ, những người tu hành thời nay khi ngồi lại với nhau, thường hay bàn luận về Kinh Duy Ma Cật. Nói đến Kinh Duy Ma Cật, họ lấy “Bất Nhị Pháp Môn” làm đề tài đối đáp. Khi đối đáp, hầu như ai cũng cho rằng, mình thông suốt pháp môn không hai (bất nhị).

Vì thế, nếu có người nào đó đề cập đến kinh điển hay chuyện tu hành, các vị ấy cho rằng, người nói chuyện kinh điển là “chấp văn tự”, còn người nói chuyện tu hành là “kẻ chấp có pháp để tu”. Hóa ra, nói cũng trật mà tu cũng trật. Vậy thì, không biết nên thế nào mới phải, làm cái gì cho đúng đây?

Đáp: Sao ông không hỏi những người đó, nói cũng trật, mà tu cũng trật, thì mình nên làm gì?

Hỏi: Con và những người khác, cũng thường hỏi như thế. Cuối cùng thì hai bên, bên nói lẫn bên nghe sinh ra cãi nhau, mỗi người ôm một “cục giận” về nhà chẳng giải quyết được điều gì.

Nhân tiện đây, xin giảng giải cho con hiểu thế nào là “Pháp môn bất nhị” và thông suốt được pháp môn này thì thành tựu điều gì trong Phật Đạo?

Đáp: Không biết khi tôi nói về nghĩa bất nhị, ông có ôm “cục giận” về nhà không?

Hỏi: Con đã tiếp xúc với ngài từ hôm qua đến nay, bất kỳ câu hỏi nào đưa lên, cũng được ngài ôn tồn cắt nghĩa, ý nghĩa rõ ràng, văn tự trong sáng, trong sáng nhưng chứa nhiều ý vị của đạo pháp. Vì thế, người nghe nhờ đó mà mở trí, không “đao to búa lớn” như các vị ngoài kia.

Xin được giảng rõ hơn về tâm ngã?

Các vị ngoài kia hô hào Đại Thừa, văn tự thì đao to búa lớn, nhưng theo con đánh giá, thì trong bụng họ chứa toàn là ngã ngã mà thôi.

Đáp: Thôi, đừng so sánh nữa, cái tâm so sánh có đây có kia, có hay có dở, tôi tốt anh xấu, có ngã không ngã. Trong Phật Đạo gọi đó là tâm gì? Ông hãy bỏ kiến thức đã học xưa nay xuống, quay lại tâm mình, xem thử coi, cái tâm như thế là thứ tâm gì?

Hỏi: Cho con ngẫm nghĩ một chút, trong nhất thời, chưa phân biệt được, nó là thứ tâm gì.

Đáp: Ông cứ từ từ, đạo pháp không gấp, suy nghĩ cho kỹ rồi hãy trả lời. Nhớ rằng một lời nói ra phải phát xuất từ sự chín chắn, từ những suy nghĩ thấu đáo, không cần văn hoa, không phải dài dòng. Chỉ nên thấy như thế nào, thì cứ nói như thế đấy.

Hỏi: Con đã xem xét rất kỹ, tâm mà có cao - thấp, anh - tôi, đây - kia.

Chính là phàm phu tâm.

Đáp: Phàm phu tâm mà ông vừa thấy, nó từ đâu ra?

Hỏi: Con suy nghĩ kỹ rồi, tâm phàm phu này không từ đâu ra, chỉ do đối cảnh, cái ngã khởi lên, thế là cái tâm hơn - thua, được - mất, đây - kia xuất hiện.

Đáp: Khi nó xuất hiện như vậy, cái tâm hơn - thua, được - mất đó với cái ngã của ông là hai hay một?

Hỏi: Xét đến cùng, hai thứ chỉ là một. Hai thứ này như bóng với hình, cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không.

Đáp:

  • Trước khi tâm và ngã xuất hiện, ông được gì?
  • Trong khi tâm và ngã xuất hiện, ông được gì?
  • Sau khi tâm và ngã đó mất đi, ông được gì?

Ông cố nhớ lại xem ba giai đoạn này, ông đã được gì và mất gì?

Hỏi: Khi tâm và ngã chưa hiện, con thấy mình chẳng được gì. Khi chúng xuất hiện, tưởng chừng mình được cái tiếng là người thắng cuộc. Nhưng sau đó, tiếng hơn này cũng không còn, chỉ còn lại phiền não do hơn thua đối đãi mà thôi.

Đáp: Ông có thấy gió ngoài kia hay không?

Hỏi: Có ạ.

Đáp: Làm sao ông biết có gió?

Hỏi: Con thấy lá cờ trước sân bay phấp phới nên biết có gió.

Đáp: Nếu không có lá cờ, thì gió có thổi không?

Hỏi: Nhờ kinh nghiệm, con biết có gió. Nhưng không có lá cờ, gió thì có mà tác dụng thì không.

Đáp: Tác dụng của nó như thế nào?

Hỏi: Nếu gió mạnh và cờ lớn thì chẳng bao lâu, lá cờ sẽ rách.

Đáp: (cười lớn) Nếu có gió cũng như không gió, mà ta không căng lá cờ lên thì lành rách, gió lớn gió nhỏ, có thành lập được chăng?

Hỏi: Không thành lập được.

Đáp: Cũng thế, cái ngã càng lớn, thì hai pháp đối đãi càng nhiều, phiền não càng hẫy hừng. Như vậy, ông có hiểu thế nào là hai pháp hay không?

Hỏi: Con hiểu.

Đáp: Ông hiểu ra điều gì?

Hỏi: Cũng tại cái ngã này, cũng tại mê nơi cảnh duyên, mà hai pháp thành lập trong tâm này.

Đáp: Hai pháp đó là hai pháp gì?

Hỏi: Hai pháp đó là: hơn thua, được mất, tốt xấu, ghét thương, phải quấy thành lập.

Đáp: Nếu trong hiện tại này, ông không giương cái ngã của mình lên thì điều gì xảy ra?

Hỏi: Con không thấy trong hiện tại này, cái gì là ngã, vì thế chẳng thấy có, chẳng thấy không, chẳng thấy tâm, chẳng thấy pháp, chẳng thấy mình, chẳng thấy người.

Đáp: Trong lòng, chẳng thấy có, chẳng thấy không, chẳng thấy tâm, chẳng thấy pháp, chẳng thấy mình, chẳng thấy người. Thứ tâm đó Phật Đạo gọi là gì?

Hỏi: Thứ tâm đó, Phật Đạo gọi là bất nhị.

Đáp: Như vậy, bất nhị đích thực, nó là thứ gì?

Hỏi: Bất nhị chính là cái tâm rỗng rang, chính là bất động trước thấy nghe.

Đáp: Bây giờ ông hiểu “cái lặng thinh của Duy Ma Cật” hay chưa?

Hỏi: Con hiểu rồi. Bất nhị là trong lòng bất nhị, chứ chẳng phải nhân lời nói mà có nhị hay bất nhị.

Đáp: Đúng thế. Người đời chỉ học thuộc văn tự bất nhị mà không biết ý nghĩa đích thực của nó, cho nên cứ mở miệng thì nói thuộc lòng văn tự bất nhị, nhưng trong lòng tích chứa đầy đủ hai pháp. Ví như những bằng hữu của ông, miệng thì nói bất nhị, mà trong lòng luôn luôn thấy tôi mới là đúng, còn các ông đều sai. Còn thấy tôi đúng, ông sai thì, còn lâu mới biết thế nào là thật nghĩa của bất nhị. Thứ tâm đó, gặp nhau đối đáp qua lại, mà không nổi sân hận mới lạ.

Hỏi: Trên đời này con chưa từng gặp một vị nào như ngài. Ngài không giải thích thế nào là bất nhị, mà có thể khiến người thấu đáo ý nghĩa bất nhị; không dạy người tu hành mà giúp người biết mình nên làm gì mới gọi là tu. Người nghe không cầu chứng quả mà lại được điều chưa từng được của Đạo Pháp. Từ nay, cho con được làm môn hạ dưới chân ngài, để cầu học trí tuệ. Xin ngài đừng từ chối!

Đáp: Ha ha ha ha! Vô ngã chính là thầy của mình, Phật dạy: Nói về Tứ Đế thì Phật là Đạo Đế, Pháp là Diệt Đế, Tăng là một phần của Đạo Đế. Nói về quả Sa Môn, thì Phật là Sa Môn, Pháp là quả Sa Môn, Tăng cũng là Sa Môn.”

Phật dạy là như thế, nhưng tôi xin nói thêm với ông một câu: “Phật là vô ngã, Pháp của Phật là ngã, cũng ngã cũng vô ngã gọi là Tăng”.

Nếu ông có thể hiểu câu này thì từ nay ông với tôi đồng quy y Tứ Đế 1 và Sa Môn quả vậy.

Vô Đối Môn

Tác giả: Lý Tứ

Nhà xuất bản Dân Trí

Phần 4: Nhận biết một vị thành tựu Phật đạo như thế nào? Tăng bảo, đệ nhất nghĩa Tăng, Bồ Tát, tâm, ngã, pháp bất nhị nghĩa là gì? Trang 48-62

Giọng đọc: Nhã Quỳnh - phát thanh viên Đài tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh

 

Bài viết cùng danh mục

Thông báo

Hoặc gọi 096.4343.168